Cách trị dứt điểm nấm móng tay móng chân đơn giản và hiệu quả
Nấm móng là một bệnh lý phổ biến dẫn đến móng tay hoặc móng chân có màu vàng hoặc phấn trắng, giòn, nứt và dày. Tại Việt Nam, với nền khí hậu nóng ẩm gần như quanh năm, bệnh nấm tay chân trong đó có nấm móng rất phổ biến. Bệnh tuy không gây nguy hại nghiêm trọng nhưng cũng gây ảnh hưởng rất lớn về mặt thẩm mỹ cho người bệnh. Vậy bị nấm tay chân có lây không, và cách phòng ngừa, chữa bệnh nấm tay chân như thế nào, hãy tham khảo những thông tin sau đây nhé.
Nội dung bài viêt
1. Nấm móng là bệnh gì?
Nấm móng là tình trạng nhiễm nấm ở phần móng của ngón tay, ngón chân được gây ra bởi nhiều loại vi nấm khác nhau. Khi đã nhiễm nấm, bệnh có xu hướng diễn biến mạn tính và âm thầm.
Nấm tay chân thường xảy ra do vi nấm xâm nhập vào vết nứt hoặc vết cắt trên da ở phần móng tay hoặc móng chân.
2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh nấm móng
Nhóm Dermatophyte là nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh nấm tay chân
Nhóm Dermatophyte là nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh nấm tay chân trong đó Trichophyton rubrum chiếm 71% và Trichophyton mentagrophytes chiếm 20%, ngoài ra còn có Aspergillus, Cephalosporium, Fusarium và Scopulariopsis chiếm 4% được coi là tạp nhiễm hoặc không gây bệnh, nhưng cũng có khả năng gây nhiễm nấm ở bản móng.
Nấm men, đại diện là Candida albicans chiếm 5%.
Trên cùng một móng có thể hiện diện nhiều tác nhân gây nấm tay chân cùng lúc.
Nấm móng do Candida hay gặp ở móng chân nhiều hơn móng tay. Bệnh nấm tay chân nếu không được điều trị có thể gây ảnh hưởng khá lớn đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Bất cứ ai cũng có thể bị nấm tay chân, nhưng bệnh thường xuất hiện phổ biến hơn ở những người trên 60 tuổi. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu, bệnh nấm tay chân có thể xảy ra nghiêm trọng hơn.
Thông thường, nấm móng xảy ra khi nấm xâm nhập vào móng tay qua một vết thương nhỏ ở móng. Nấm tay chân không hẳn do vệ sinh kém, tuy nhiên những vùng ẩm ướt sẽ là nơi nấm dễ phát triển. Môi trường ẩm ướt, ấm áp của giày hoặc ủng cũng tạo điều kiện cho nấm dễ phát triển hơn. Nấm móng có thể lây lan từ móng bị bệnh sang móng lành, người này sang người khác.
3. Triệu chứng của bệnh nấm móng là gì?
Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào loại nấm mà bạn mắc phải. Chúng thường bắt đầu nhẹ và trở nên nặng dần hơn nếu không được phát hiện và điều trị.
– Lúc đầu, có thể trên móng của bạn chỉ xuất hiện đốm trắng hoặc vàng. Theo thời gian, vết này lan rộng biến móng của bạn thành màu vàng, trắng hoặc đen.
– Móng có thể dày lên và khó cắt.
– Móng có thể bị cong vẹo, có hình dạng kỳ lạ, trở nên giòn, vỡ vụn và bong ra.
Nấm móng khiến móng tay bị bật ra
– Móng tay, chân của bạn có thể bị biến dạng.
– Có thể xuất hiện mùi hôi trên móng tay, chân.
– Hiếm khi bạn có thể cảm thấy đau ở ngón chân hoặc ngón tay.
– Nấm cũng có thể lây lan ra vùng da xung quanh móng tay của bạn.
4. Cách điều trị nấm móng
Điều trị nấm tay chân có thể thực hiện bằng các cách sau: sử dụng thuốc bôi, gel bôi tại chỗ, thuốc uống,… Những trường hợp nặng, chỉ định phẫu thuật có thể được sử dụng.
4.1. Các loại thuốc uống để điều trị bệnh nấm tay chân
Bác sỹ có thể chỉ định cho bạn sử dụng số loại thuốc uống trong nhiễm nấm tay chân, các loại thuốc này có chứa hoạt chất chống nấm toàn thân.
Nhiễm nấm móng chân khó điều trị hơn móng tay vì móng chân mọc chậm hơn. Điều trị có thể kéo dài 2 tháng nếu nhiễm nấm tay, 3 tháng nếu như bạn gặp tình trạng nấm chân.
Thuốc uống được chỉ định nhiều nhất hiện nay trong chữa trị nấm tay chân là các loại thuốc có chứa hoạt chất Itraconazole. Khi sử dụng thuốc phải tuyệt đối tuân thủ liều điều trị, tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra.
4.2. Các thuốc bôi tại chỗ chữa bệnh nấm tay chân
Một số loại thuốc bôi chống nấm tay chân dùng tại chỗ thường được sử dụng như thuốc bôi, gel có chứa hoạt chất ketoconazole, clotrimazole,…
Làm sạch móng bị nấm trước khi bôi thuốc
Sau khi cạo và rửa sạch vùng móng bị tổn thương, bôi thuốc lên bề mặt móng và quanh móng, ngày 2-3 lần, ban đêm nên dùng băng nhựa băng lại. Đây là một cách để chữa nấm tại nhà, tuy nhiên nó chỉ có tác dụng trong những trường hợp bị nấm tay chân nhẹ, nó không có tác dụng nhiều trong những trường hợp bệnh nghiêm trọng.
5. Cách phòng ngừa bệnh nấm móng
Để ngăn ngừa nấm tay chân, có thể phòng ngừa bằng cách:
– Giữ cho chân tay của bạn luôn sạch sẽ và khô ráo.
– Tránh đi chân trần ở những khu vực ẩm ướt, nơi công cộng như phòng thay đồ, phòng tắm ở bể bơi công cộng,…
– Giữ cho giày của bạn luôn khô ráo, thường xuyên giặt giày dép, thay tất hàng ngày, nên dùng các loại tất có chất vải khô thoáng.
Thay tất và vệ sinh hàng ngày
– Thường xuyên cắt gọn móng tay, móng chân của bạn bằng dụng cụ sạch, rửa sạch tay bằng xà phòng thường xuyên.
– Có thể sử dụng các loại bột thấm hút mồ hôi cho giày hoặc thuốc kháng nấm.
– Nên mang giày vừa vặn với chân, tránh mang những đôi giày quá bó kích các ngón chân lại với nhau.
– Tránh dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm với những người trong gia đình, điều này sẽ giúp việc phòng ngừa bệnh nấm tay chân hiệu quả hơn.
Bệnh nấm tay chân nếu được phát hiện nên được điều trị sớm. Tránh để bệnh tiến triển nặng điều trị sẽ khó khăn và tốn thời gian, hãy liên hệ ngay với bác sỹ của bạn để được chẩn đoán và có phác đồ điều trị phù hợp nếu phát hiện có những dấu hiệu của nấm tay chân trên cơ thể bạn.
DS Vũ Thị Nhung