Cách trị gan nhiễm mỡ tại nhà hiệu quả nhất

Gan nhiễm mỡ là một bệnh lý phổ biến ở cả Việt Nam và trên thế giới. Đây là tình trạng lượng mỡ thoái hóa và tích tụ trong gan dư thừa quá mức (hơn 5% khối lượng gan) gây ảnh hưởng tới hoạt động và chức năng của gan. Vậy gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không? Có mấy cấp độ và điều trị gan nhiễm mỡ như thế nào, … cùng tìm hiểu với bài viết dưới đây.

1. Gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không?

Như đã đề cập ở trên, gan nhiễm mỡ do lượng mỡ tích tụ ở gan quá dư thừa, và được chia thành 3 cấp độ. Ở cấp độ 1 và cấp độ 2, lượng mỡ tích tụ trong gan chiếm không quá 25% khối lượng của gan. Đa phần bệnh nhân mắc bệnh ở giai đoạn này diễn tiến âm thầm, ít triệu chứng, khá lành tính và chưa có nguy hiểm. Bệnh chỉ được phát hiện khi bệnh nhân đi khám tổng quát hoặc làm siêu âm bụng.

gan nhiễm mỡ

Gan bình thường và gan nhiễm mỡ

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không được điều trị và kiểm soát hiệu quả thì sẽ phát triển thành giai đoạn 3, giai đoạn mà sự tiến triển của bệnh diễn ra nhanh chóng, bệnh nhân thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, yếu ớt, dễ dẫn đến hôn mê sâu, bất tỉnh, hoặc nặng hơn là biến chứng xơ gan, ung thư gan và tử vong.

2. Điều trị các cấp độ gan nhiễm mỡ như thế nào?

Các cấp độ của bệnh gan nhiễm mỡ

Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ và các bác sĩ đang tập trung vào giảm hoặc loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh.

  • Nguyên nhân do thừa cân: Giảm cân từ từ bằng cách giảm lượng calo nạp vào, vận động thể lực, hạn chế thức ăn chứa nhiều tinh bột và đường thay bằng các thức ăn chứa nhiều vitamin, rau củ quả, …
  • Nguyên nhân do rượu: ngưng uống rượu.
  • Nguyên nhân do bệnh lý và thuốc: với nguyên nhân này, bệnh nhân cần đến khám và được bác sĩ tư vấn, đưa ra phương pháp điều trị hoặc thay thế thuốc để phù hợp và an toàn hơn cho sức khỏe.

2.1 Cách điều trị gan nhiễm mỡ độ 1 

Gan nhiễm mỡ độ 1 là tình trạng lượng mỡ thừa trong gan chiếm 5-10% khối lượng của gan. Đây là giai đoạn đầu của bệnh, rất ít triệu chứng và diễn ra âm thầm, không gây nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh cũng như khó phát hiện ra.

Ở giai đoạn này, bệnh nhân có thể tham khảo cách trị gan nhiễm mỡ tại nhà như: thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt, ngoài ra bệnh nhân cũng nên đi khám để được bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị.

2.2 Cách điều trị gan nhiễm mỡ độ 2 

Gan nhiễm mỡ độ 2 là giai đoạn lượng mỡ dư thừa trong gan chiếm 10-25% khối lượng gan. Lúc này, mỡ lan ra các mô gan và cơ hoành. Mặc dù chưa gây ra các nguy hiểm lớn cho sức khỏe nhưng khi bệnh nhân không được điều trị kịp thời, lượng mỡ dư thừa đạt tới trên 20% sẽ nhanh chóng tiến triển thành cấp độ 3 gây nhiều ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe.

Để điều trị gan nhiễm mỡ cấp độ 2, bệnh nhân có thể dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ (Nếu tự ý sử dụng thuốc có thể khiến gan chịu nhiều tổn thương hơn),  hoặc xây dựng chế độ ăn uống khoa học và luyện tập tại nhà:.

  • Các thuốc được sử dụng để điều trị gan nhiễm mỡ hiện nay như: thuốc điều trị rối loạn chuyển hóa lipoprotein, vitamin E liều cao. Đây là các thuốc có khả năng tăng cường dưỡng chất, thải độc gan, phục hồi tế bào gan tổn thương, ngăn chặn mỡ hóa ở gan.
  • Dinh dưỡng và luyện tập (Đây là cách điều trị gan nhiễm mỡ tại nhà hiệu quả và ít tốn kém): kiêng bia rượu, giảm thức ăn chứa nhiều tinh bột, đường, cholesterol,.. uống đủ nước, bổ sung chất xơ và omega -3.

2.3 Cách điều trị gan nhiễm mỡ độ 3

Gan nhiễm mỡ cấp độ 3 cực kỳ nguy hiểm

Bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ độ 3 (giai đoạn cuối của quá trình nhiễm mỡ ở gan và là giai đoạn nguy hiểm nhất) rất khó điều trị và phục hồi, người bệnh luôn trong tình trạng mệt mỏi, chán ăn, cơ thể yếu ớt, thiếu sức sống. Tình trạng này nặng có thể khiến người bệnh hôn mê sâu, bất tỉnh, hoặc bắt buộc phải chạy thận nhân tạo để lọc máu, tăng các biến chứng về gan như xơ gan, ung thư gan.  thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Giai đoạn này, bệnh nhân cần được nằm viện điều trị. Việc điều trị sẽ kết hợp dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ, theo dõi chặt chẽ hàng ngày, kết hợp với chế độ ăn kiêng tuyệt đối. Hiện nay chưa có thuốc điều trị triệt để gan nhiễm mỡ, mà chỉ có thể điều trị phục hồi và phòng ngừa biến chứng (Nếu điều trị tích cực, bệnh nhân gan nhiễm mỡ mức độ nặng có thể phục hồi sau khoảng 3 – 6 tháng).

3. Các loại thực phẩm tốt cho người bị gan nhiễm mỡ?

Rau xanh có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ máu

  • Rau xanh: chứa nhiều vitamin và chất xơ, giúp giảm nguy cơ tích tụ mỡ trong gan, hạn chế nguy cơ xơ vữa động mạch, cải thiện hệ tiêu hóa, …Bình thường, mỗi ngày mỗi người nên ăn tối thiểu 300g rau xanh, 200g quả chín tươi. Một số loại rau có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ trong gan như: đậu Hà Lan, cà chua tươi chín, ớt vàng, rau ngót, rau cần tây, diếp cá, tỏi, bắp chuối, nấm hương…
  • Thực phẩm chứa Protein: lượng Protein cần thiết mỗi ngày theo các chuyên gia khuyến cáo là khoảng 1.2-1.5g/mỗi kg trọng lượng cơ thể. Người bệnh bị gan nhiễm mỡ cần cung cấp đủ lượng Protein để gan hoạt động hiệu quả, cân bằng lượng đường trong máu ổn định, hỗ trợ giảm cân, giảm cảm giác đói và thèm ăn vặt. Nguồn protein mà người bệnh nên bổ sung đó là thịt gia cầm, cá, lòng trắng trứng, hải sản, các loại đậu… Cần đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho hoạt động của cơ thể mà vẫn có thể duy trì cân nặng hợp lý.
  • Chất béo: Người bệnh gan nhiễm mỡ nên tăng cường các thực phẩm giàu axit béo omega-3 như các loại cá béo (cá thu, cá ngừ, cá trích…), dầu cá, dầu thực vật, các loại hạt (đặc biệt là quả óc chó), hạt lanh và dầu hạt lanh, các loại rau lá xanh. Ngoài ra, có thể bổ sung nguồn chất béo không bão hòa đơn có nguồn gốc thực vật như ô liu, các loại hạt và quả bơ.

4. Các loại thực phẩm người bị gan nhiễm mỡ nên tránh?

Người bệnh gan nhiễm mỡ không uống rượu bia

  • Thực phẩm chứa nhiều tinh bột: như khoai tây, cơm trắng, bánh mì…Khi chức năng gan bị suy giảm¸ lượng carbohydrate dư thừa  sẽ không được chuyển hóa hết tạo thành gánh nặng cho gan. Lúc này, nên thay thế các loại tinh bột như cơm trắng, bún, phở, bánh mì ăn thường xuyên bằng gạo lứt, bánh mì nguyên cám…
  • Thực phẩm có nguồn gốc từ mỡ động vật, giàu cholesterol như nội tạng, lòng đỏ trứng,…
  • Thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu) chứa rất nhiều protein làm tăng gánh nặng cho gan.
  • Trái cây chứa nhiều đường (đặc biệt đối với bệnh nhân có bệnh nền tiểu đường).
  • Thực phẩm cay nóng: Các đồ ăn cay nóng sẽ làm suy giảm chức năng gan, khiến gan không thể bài tiết chất béo, làm chúng tồn đọng khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.
  • Rượu, bia, đồ uống chứa cồn.

BS. Hà Thị Linh

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận