Cẩm nang – bệnh tim bẩm sinh

Bệnh tim bẩm sinh là dị tật bẩm sinh thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của các ca dị tật bẩm sinh. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe sau này, thậm chí có nguy cơ gây tử vong. Trong bài viết dưới đây sẽ cho chúng ta biết Bệnh tim bẩm sinh là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị bệnh tim bẩm sinh? Các bạn cùng đọc xem nhé!

1. Bệnh tim bẩm sinh là gì?

Bệnh tim bẩm sinh là các dị tật của cơ tim, buồng tim, van tim và các mạch máu lớn

Bệnh tim bẩm sinh là các dị tật xảy ra từ lúc còn trong bào thai và tồn tại sau sinh của cơ tim, van tim, buồng tim. Ở người bị tim bẩm sinh, cấu trúc của tim có các khiếm khuyết làm cho hoạt động và chức năng của tim bị ảnh hưởng.

  • Phân loại bệnh tim bẩm sinh:

– Nhóm bệnh tim bẩm sinh có tắc nghẽn

  • Hẹp van động mạch phổi: Van nằm ở giữa động mạch phổi và tâm thất phải.
  • Hẹp van động mạch chủ: Là một dị tật tim bẩm sinh nặng. Khi van động mạch chủ bị hẹp, dòng chảy của máu giàu oxy từ tim đi nuôi các cơ quan trong cơ thể bị giảm làm cho cơ tâm thất trái hoạt động nhiều hơn.
  • Hẹp eo động mạch chủ: động mạch chủ hẹp làm lưu lượng máu đến phần dưới cơ thể giảm và làm tăng huyết áp ở phần trên chỗ hẹp.
  • Hẹp dưới van động mạch chủ: Dị tật này có thể là bẩm sinh, hoặc do bệnh lý về cơ tim như bệnh cơ tim phì đại. Bệnh này làm giảm kích thước đường tống máu của thất trái, làm dày thành tâm thất trái.
  • Van động mạch chủ 2 mảnh: Trường hợp này trẻ sinh ra với van động mạch chủ có 2 mảnh thay vì 3 mảnh như bình thường. Van 2 mảnh sẽ nhanh thoái hoá, gây hẹp hở van và dãn động mạch chủ.

– Nhóm dị tật vách ngăn

  • Thông liên nhĩ: là tình trạng vách liên nhĩ ngăn giữa nhĩ trái và nhĩ phải xuất hiện lỗ thông làm máu lưu thông giữa hai tâm nhĩ.
  • Thông liên thất:  Lỗ thông liên thất cho phép máu lưu thông từ thất trái qua thất phải, làm giãn buồng tim trái và tăng lưu lượng máu lên phổi.

– Nhóm bệnh tim bẩm sinh tím: là tình trạng máu nuôi cơ thể chứa ít oxy hơn so với bình thường.

  • Tứ chứng Fallot: Dị tật bẩm sinh tim này có 4 đặc trưng: động mạch chủ “cưỡi ngựa”, thông liên thất, hẹp tại van và/hoặc dưới van động mạch phổi.
  • Teo van 3 lá: Trẻ mắc chứng này sẽ không có van 3 lá, dẫn đến không có máu từ tâm nhĩ phải xuống trực tiếp tâm thất phải.
  • Chuyển vị đại động mạch: là tình trạng đảo ngược vị trí của động mạch chủ và động mạch phổi. Dị tật tim bẩm sinh này cần được can thiệp sớm sau sinh.

– Nhóm các dị tật tim bẩm sinh khác

  • Hội chứng thiểu sản tim trái: là hiện tượng phát triển không bình thường của thất trái, động mạch chủ, van động mạch chủ và van 2 lá làm máu đến động mạch chủ thông qua ống động mạch.
  • Còn ống động mạch: Bình thường, ống động mạch sẽ tự đóng lại sau sinh, tuy nhiên trong trường hợp này, ống động mạch sẽ không đóng lại, trẻ sẽ mang dị tật “còn ống động mạch”, làm máu đi từ động mạch chủ qua động mạch phổi, dẫn đến tăng lưu lượng máu lên phổi, lâu ngày gây tăng áp phổi.
  • Bất thường Ebstein: là bệnh lý của van 3 lá. Van ba lá bất thường làm hở van từ nhẹ đến nặng và thể nặng có thể bị hẹp đường thoát thất phải.

2. Nguyên nhân gây bệnh tim bẩm sinh

Phụ nữ hút thuốc lá khi mang thai làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch bẩm sinh ở trẻ

Bệnh tim bẩm sinh khó xác định được nguyên nhân cụ thể. Bệnh có thể do:

– Yếu tố di truyền: đây được xem là yếu tố căn nguyên lớn nhất của việc hình thành những dị tật bẩm sinh ở trẻ, đặc biệt là dị tật ở tim. Ở những gia đình có bố, mẹ hoặc người thân mắc bệnh tim bẩm sinh thì trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

– Nhiễm độc và nhiễm bệnh trong thời gian thai kỳ: Nguyên nhân có thể do trong quá trình mang thai, người mẹ có sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, ma túy; tiếp xúc với tia xạ, hóa chất … Bên cạnh đó, mẹ mắc một số bệnh trong quá trình mang thai, hoặc  sử dụng một số loại thuốc chống chỉ định cho phụ nữ có thai thì trẻ sinh ra có nguy cơ mắc các dị tật tim bẩm sinh.

3. Triệu chứng bệnh tim bẩm sinh

Trẻ mệt, mệt tăng khi gắng sức là một triệu chứng của bệnh tim bẩm sinh

Triệu chứng tim bẩm sinh ở trẻ thường gặp là ho, khò khè tái đi tái lại nhiều lần, da dẻ xanh xao, vã mồ hôi, tay chân lạnh. Trẻ thở nhanh, ngực lõm, thở không bình thường, khó thở. Thể chất, tâm thần chậm phát triển. Trẻ ăn kém, bú kém, dễ bị mệt, mệt tăng khi gắng sức. Tuy nhiên, đây là triệu chứng không đặc hiệu, nhiều trẻ không có triệu chứng ngay sau sinh mà bệnh có thể tình cờ được phát hiện khi đi khám sức khỏe, siêu âm tim.

Các dị tật tim bẩm sinh thường đi kèm với các bệnh lý liên quan đến đột biến nhiễm sắc thể như hội chứng Down, sứt môi, thiếu hoặc thừa ngón chân,… Vì vậy, những trẻ này cần được theo dõi sát sao để phát hiện sớm các dị tật tim bẩm sinh.

4. Bệnh tim bẩm sinh có nguy hiểm không?

Bệnh tim bẩm sinh có nguy hiểm không? Câu trả lời chắc chắn là có. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc vào loại dị tật, mức độ bất thường và tiến triển biến chứng theo thời gian. Bệnh tim bẩm sinh nếu được phát hiện sớm và có các biện pháp can thiệp kịp thời có thể giúp trẻ tăng trưởng, phát triển và có cuộc sống gần hoặc như những trẻ bình thường. Các dị tật đơn giản thường ít nguy hiểm hơn, có thể chữa khỏi cho trẻ bằng các phẫu thuật, thủ thuật nhanh chóng. Tuy nhiên, những trường hợp dị tật tim nặng có thể khiến trẻ tử vong ngay sau khi sinh nếu không được khám tầm soát trong giai đoạn mang thai.

5. Điều trị bệnh tim bẩm sinh như thế nào?

Phẫu thuật là một phương pháp can thiệp giúp điều trị bệnh tim bẩm sinh

Câu hỏi “Bệnh tim bẩm sinh có chữa được không?” được các bố mẹ có con nhỏ mắc bệnh lý này rất quan tâm. Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh vẫn có thể phát triển bình thường và khỏe mạnh như các bạn đồng trang lứa nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Thông thường có 3 phương pháp điều trị bệnh tim bẩm sinh sau:

– Dùng thuốc: Các trường hợp bệnh tim bẩm sinh không triệu chứng thì không cần sử dụng thuốc, tuy nhiên người bệnh cần được theo dõi định kỳ theo các hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Một số trường hợp khác có ảnh hưởng nhiều đến chức năng tim, trẻ được chỉ định dùng thuốc như thuốc  điều trị loạn nhịp, suy tim… tùy thuộc vào tình trạng bệnh, có thể dùng thuốc trong thời gian ngắn hoặc lâu dài.

– Can thiệp qua da: Đây là phương pháp điều trị bệnh tim bẩm sinh hiện đại được thực hiện bằng cách: Các bác sĩ sử dụng một ống dài và nhỏ đưa qua các mạch máu dẫn đến tim, sau đó đo các thông số hoặc dùng làm đường dẫn đưa các dụng cụ can thiệp như đặt giá đỡ (stent), nong các van hẹp (ống động mạch, tuần hoàn bàng hệ, đường thoát thất phải, hẹp động mạch phổi…) hoặc dùng để bít các luồng thông bất thường như  rò mạch vành, rò động – tĩnh mạch phổi, hoặc thay van động mạch phổi qua da.

+ Ưu điểm: giảm đau, thời gian hồi phục nhanh chóng, không cần phẫu thuật mở xương ức; giảm thiểu tối đa các nguy cơ gây nên tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm trùng. Bên cạnh đó, phương pháp còn áp dụng điều trị được ở các trường hợp dị tật như hẹp van động mạch phổi, hẹp van động mạch chủ, thông liên thất, còn ống động mạch…

– Phẫu thuật tim: Các trường hợp không thể can thiệp qua da thì phẫu thuật tim là phương án được các bác sĩ tiến hành để phẫu thuật đóng các lỗ thông, mở rộng phần hẹp động mạch phổi, hẹp eo động mạch chủ, phẫu thuật chuyển vị đại động mạch, nối tuần hoàn bàng hệ… ở các bệnh nhân bị bệnh tim bẩm sinh.

BS Lê Thị Hạnh

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận