Cần làm gì khi trẻ bị dị ứng thời tiết?

Dị ứng thời tiết là một tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trong các mùa nóng hoặc lạnh. Mặc dù căn bệnh này không gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ, nhưng nó có thể làm bé cảm thấy rất khó chịu, ngứa ngáy và mệt mỏi. Vậy cần làm gì khi trẻ bị dị ứng thời tiết?

1.Nguyên nhân nào gây dị ứng thời tiết ở trẻ?

Tình trạng dị ứng thời tiết ở trẻ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó hai nguyên nhân chính thường liên quan đến yếu tố môi trường kém và hệ miễn dịch của trẻ yếu. Ngoài ra, một số tác nhân khác sau đây cũng góp phần gây ra dị ứng thời tiết ở trẻ em:

  • Thời tiết thay đổi đột ngột có thể gây chênh lệch nhiệt độ bên trong và bên ngoài của cơ thể trẻ. Khi đó, cơ thể bé sẽ sản sinh ra một lượng lớn histamin, dẫn đến các triệu chứng dị ứng trên da, chẳng hạn như ngứa ngáy hoặc mẩn đỏ.
  • Trẻ tiếp xúc với nấm mốc hoặc phấn hoa
  • Sự thay đổi đột ngột và nhanh chóng của nhiệt độ môi trường
  • Độ ẩm xuống thấp khiến da bé bị khô nứt

2.Các triệu chứng dị ứng thời tiết ở trẻ

Trẻ bị dị ứng thời tiết có xu hướng liên quan mật thiết đến một số bệnh lý nhất định như viêm mũi dị ứng, hen suyễn và eczema. Nhìn chung, khi bé bị dị ứng thời tiết thường có các triệu chứng điển hình sau đây:

  • Nổi mẩn đỏ và ngứa trên da
  • Da bị bong tróc vảy
  • Nghẹt mũi
  • Hắt hơi, chảy nước mũi
  • Ho
  • Đau đầu hoặc sốt
  • Chảy nước mắt, đỏ mắt
  • Viêm kết giác mạc
  • Hen suyễn dị ứng (trẻ có biểu hiện hụt hơi hoặc thở dốc khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng).
Triệu chứng dị ứng thời tiết ở trẻ
Triệu chứng dị ứng thời tiết ở trẻ

3.Nên làm gì khi trẻ bị dị ứng thời tiết?

Để xử trí tình trạng dị ứng thời tiết ở trẻ, trước hết bạn nên tránh cho bé tiếp xúc với các tác nhân kích hoạt triệu chứng dị ứng, sau đó áp dụng biện pháp điều trị bệnh theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Dưới đây là một số điều mà bạn nên làm khi trẻ bị dị ứng thời tiết, bao gồm:

  • Đóng các cửa sổ khi trởi nổi gió lớn. Trong điều kiện cho phép, bạn có thể dùng máy điều hoà hoặc máy lọc không khí.
  • Khi có dấu hiệu thay đổi thời tiết, bạn nên hạn chế cho trẻ vui chơi bên ngoài nhằm tránh tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, chẳng hạn như phấn hoa.
  • Sau khi đi ra ngoài về, bạn nên rửa tay, tắm rửa và thay quần áo sạch sẽ cho bé.
  • Trong trường hợp trẻ bị viêm mũi dị ứng thời tiết, bạn nên rửa mũi cho bé bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc xông hơi với tinh dầu.

Nếu bạn đã áp dụng tất cả những biện pháp trên nhưng triệu chứng dị ứng thời tiết ở trẻ không có dấu hiệu thuyên giảm, tốt nhất bạn nên đưa con đến khám bác sĩ ngay lập tức vì bé có thể mắc phải một bệnh lý nghiêm trọng khác.

Nên làm gì khi trẻ bị dị ứng thời tiết?
Nên làm gì khi trẻ bị dị ứng thời tiết?

4.Trẻ bị dị ứng thời tiết nên ăn gì, kiêng gì?

4.1.Trẻ bị dị ứng thời tiết nên ăn gì?

*Trẻ bị dị ứng thời tiết vào mùa lạnh: Các bậc phụ huynh nên cho con ăn những loại thực phẩm sau đây để có thể cải thiện các triệu chứng dị ứng:

– Một số loại hạt khô: Bạn có thể cho bé ăn các loại hạt cây khô như nho khô, hạnh nhân khô hoặc điều khô. Sở dĩ, chúng không những giàu chất dinh dưỡng mà còn giúp tăng cường độ ẩm cho làn da của trẻ. Điều này góp phần giảm thiểu đáng kể được các tình trạng bong tróc da, khô da, nứt nẻ và ngăn ngừa sự xuất hiện của các cơn ngứa.

– Uống trà nóng: Nước trà gừng hoặc trà xanh nóng có đặc tính diệt khuẩn và kháng viêm rất tốt. Do đó, cha mẹ có thể cho trẻ dùng những loại đồ uống này nhằm giúp giữ nhiệt cơ thể đồng thời cải thiện hiệu quả các triệu chứng dị ứng thời tiết.

– Cháo thịt bò: Sử dụng 100g thịt bò tươi loại ngon ướp cùng với dầu thực vật, 60g tỏi tươi đập dập và một lượng gạo tẻ vừa đủ ăn. Khi nấu cháo chín, bạn bắt đầu cho thịt bò vào và đun sôi, sau đó nêm nếm gia vị vừa vặn. Món ăn này rất thích hợp cho trẻ bị dị ứng thời tiết mùa lạnh, giúp trị được các triệu chứng như tắc mũi, nghẹt mũi và hắt hơi.

– Uống nước mật ong: Cho trẻ uống nước mật ong mỗi sáng có thể ngăn chặn được hoạt động của các loại vi khuẩn gây bệnh, đồng thời giúp tăng cường sức đề kháng của trẻ rất hiệu quả. Đây cũng được xem là biện pháp trị dị ứng thời tiết cho trẻ ngay tại nhà vừa đơn giản mà tiết kiệm.

*Trẻ bị dị ứng thời tiết vào mùa nóng: Bố mẹ nên cho con ăn các loại thực phẩm sau đây:

– Canh bí đao nấu với đậu xanh: Chuẩn bị 60g bí đao, 30g đậu xanh và 100g thịt nạc băm. Bạn nên nấu chín đậu xanh trước sau đó bỏ thịt và bí. Nên cho trẻ ăn món này nhiều ngày liên tiếp, thông thường một liệu trình sẽ kéo dài từ 5 – 7 ngày.

– Trà dưa hấu: Chuẩn bị đường trắng cùng 30g vỏ xanh của dưa hấu. Đối với vỏ dưa hấu cần được rửa sạch, sau đó thái thành sợi đem đun sôi với nước, cuối cùng thêm một chút đường để tăng thêm hương vị cho trà. Bạn có thể cho trẻ bị dị ứng thời tiết uống loại trà này khoảng 2 lần / ngày để giải nhiệt, hết nóng trong và nổi mẩn ngứa.

– Giá tươi xào thịt: Chuẩn bị 50g thịt bò nạc và 250g giá tươi. Sau khi xào thịt, bạn tiếp tục bỏ giá vào để xào chung. Cho trẻ dùng món này ăn kèm với cơm nóng trong suốt một tuần.

– Canh măng nấu với cá diếc tươi: Món ăn này cũng rất tốt cho trẻ đang bị dị ứng thời tiết. Bạn nên sử dụng phần măng non để nấu chung với cá diếc.

4.2.Trẻ bị dị ứng thời tiết nên kiêng gì?

Nên kiêng gì khi trẻ bị dị ứng thời tiết cũng giữ vai trò hết sức quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. Bạn nên cho bé kiêng một số điều sau đây:

– Tiếp xúc với gió lạnh: Khi trẻ tiếp xúc với gió lạnh sẽ càng khiến da bé khô hơn, từ đó tạo điều kiện cho tình trạng ngứa ngáy tiến triển nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, nên tránh để bé gãi các vết sẩn ngừa vì điều này có thể khiến chúng nhanh chóng lan rộng ra khắp cơ thể. Tốt nhất, bạn nên cho trẻ mặc áo khoác rộng rãi và có khả năng cản gió tốt, đồng thời quấn thêm khăn trong trường hợp phải cho bé đi ra ngoài.

– Các loại thức ăn và hải sản giàu đạm: Một số loại hải sản có chứa protein lạ – tác nhân làm biến đổi tiêu cực các triệu chứng của dị ứng thời tiết ở trẻ. Chúng có thể khiến trẻ bị nổi đỏ toàn thân, khó thở hoặc tình trạng sưng phù trở nặng hơn. Ngoài ra, bạn cũng cần cẩn trọng khi cho trẻ tiêu thụ các thực phẩm như bơ, sữa và trứng vì chúng có nguy cơ cao gây kích ứng mặc dù rất giàu giá trị dinh dưỡng.

– Một số loại hạt và trái cây: Khi trẻ bị dị ứng thời tiết, bạn không nên cho bé ăn các loại quả như kiwi, táo; hoặc các loại hạt như hạt phỉ và hạnh nhân.

– Cho trẻ mặc đồ quá chật chội: Việc cho bé mặc đồ quá chật sẽ khiến vải cọ sát vào các nốt mẩn ngứa trên da. Điều này càng làm bùng phát mạnh mẽ các triệu chứng dị ứng và tăng nguy cơ nhiễm trùng da.

– Tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng bên ngoài: Cần tránh cho trẻ tiếp xúc với bất kỳ tác nhân nào ở ngoài môi trường có thể làm trầm trọng hơn tình trạng dị ứng thời tiết của trẻ, chẳng hạn như mưa, nắng, khói bụi, lông động vật hoặc phấn hoa.

BS. Phạm Ngọc Hoa

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận