Cẩn thận với bệnh đau mắt đỏ
Nội dung bài viêt
Đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ là tình trạng viêm (đỏ) kết mạc, phần mô trong suốt bao phủ bề mặt bên trong của mí mắt và lớp phủ bên ngoài của mắt. Thường gặp do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, chấn thương, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh rất dễ mắc, xảy ra quanh năm, có thể lan rộng ra thành dịch khi độ ẩm không khí tăng cao, thời tiết nắng nóng chuyển qua mưa. Bệnh gây ảnh hưởng nhiều đến lao động, sinh hoạt, học tập của mỗi cá nhân.
Đau mắt đỏ là gì?
Nguyên nhân nào dẫn đến đau mắt đỏ?
Nhiễm trùng
Virus
Đây là loại viêm kết mạc phổ biến nhất thường do Adenovirus, Herpes gây ra, rất dễ lây lan. Nó thường gây bỏng, đỏ mắt và chảy nước mắt.
Vi khuẩn
Thường do vi khuẩn liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Khi bị đau mắt đỏ do vi khuẩn, bệnh nhân bị đau, đỏ mắt, có nhiều mủ dính trong mắt. Tuy nhiên, một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có thể gây ra ít hoặc không tiết dịch.
Ký sinh trùng
Do các loại giun ký sinh lên mắt như giun đũa chó mèo, giun đũa ký sinh và gây bệnh tại mắt làm cho mi mắt bị phù, da mi nổi mày đay, viêm bờ mi; tại kết mạc có viêm kết mạc, có hạt, tại đáy mắt có thể thấy xuất huyết võng mạc tái phát.
Kích thích
Hóa chất
Do các hóa chất dây vào mắt như dầu gội đầu, sữa tắm, đồ trang điểm,…
Nhiệt độ
Do ánh sáng hồ quang, tia lửa hàn sinh ra trong quá trình hàn đồ vật, bệnh nhân không đeo kính bảo hộ cho mắt.
Chấn thương
Do bệnh nhân bị chấn thương, va đập vùng mắt dẫn đến đau mắt, đỏ mắt.
Dị ứng
Phấn hoa, bụi..
Các loại dị nguyên này có thể gây ra đau mắt đỏ vì vậy nên chú ý đeo kính mắt, khẩu trang, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa..
Thức ăn, thuốc
Dị ứng thức ăn hay các tác dụng phụ từ thuốc cũng có thể gây ra đau mắt đỏ. Đau mắt đỏ do nguyên nhân dị ứng không lây từ người này qua người khác.
Đau mắt đỏ lây truyền qua đường nào?
Đau mắt đỏ có thể lây qua không khí khi ho hoặc hắt hơi
Bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan qua các đường:
- Khi tiếp xúc gần (chạm, bắt tay) với người bệnh. Virus và vi khuẩn có thể lây truyền từ tay người bệnh sang tay người lành, sau đó đưa tay chạm vào mắt hoặc dụi mắt.
- Lây qua không khí khi ho, hắt hơi.
- Sử dụng chung đồ trang điểm, đồ dùng sinh hoạt như khăn lau mặt, gối với người bị đau mắt đỏ.
- Khi cầm nắm, chạm vào các vật dụng bị nhiễm mầm bệnh như điện thoại, tay nắm cửa, nút thang máy,… sau đó đưa tay dụi mắt.
- Những nơi có mật độ người đông, cự ly gần rất dễ lây bệnh như bệnh viện, công sở, lớp học, nơi làm việc, nơi công cộng, trên xe buýt, tàu hỏa, máy bay…
Những đối tượng nào có nguy cơ đau mắt đỏ?
Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi đối tượng: người già, người trưởng thành, trẻ em, nếu không được phòng bệnh hiệu quả. Trong đó, trẻ em là đối tượng dễ bị đau mắt đỏ do vi khuẩn hoặc virus. Nguyên nhân chính là do hàng ngày, chúng tiếp xúc gần với rất nhiều bạn bè, thầy cô trong trường học hoặc các cơ sở chăm sóc trẻ ban ngày. Ngoài ra, chúng không vệ sinh tay sạch sẽ trước khi dụi mắt nên dễ bị nhiễm và làm lây lan mầm bệnh.
Bệnh đau mắt đỏ có biểu hiện như thế nào?
- Lòng trắng của mắt hoặc mí trong bị tấy đỏ. Thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai.
- Tăng tiết nước mắt.
- Tiết dịch dày màu vàng đóng vảy trên lông mi, đặc biệt là sau khi ngủ dậy.
- Tiết dịch màu xanh lá cây hoặc trắng từ mắt.
- Có cảm giác có sạn ở một hoặc cả hai mắt.
- Ngứa mắt (đặc biệt là đau mắt đỏ do dị ứng).
- Bỏng mắt (đặc biệt là đau mắt đỏ do hóa chất và chất kích ứng).
- Nhìn mờ.
- Tăng độ nhạy với ánh sáng.
- Sưng mí mắt.
- Ngoài ra, người bệnh cũng có thể có các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai.
- Thông thường người bệnh vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không bị suy giảm nhưng nếu để bệnh nặng lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến thị lực.
Vậy triệu chứng của đau mắt đỏ do virus, vi khuẩn và dị ứng khác nhau như thế nào?
Xem thêm: Cách nhận biết đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ có nguy hiểm không?
Bệnh đau mắt đỏ thường tự hết sau 7 – 14 ngày, ít để lại di chứng. Tuy nhiên, thời gian khỏi bệnh còn phụ thuộc vào các yếu tố: mức độ đáp ứng thuốc, giải pháp điều trị và nguyên nhân gây đau mắt đỏ. Nếu điều trị không đúng cách có thể dẫn đến biến chứng viêm giác mạc làm giảm thị lực. Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh đau mắt đỏ, những người bị đau mắt đỏ vẫn có thể bị tái nhiễm chỉ sau vài tháng khỏi bệnh nếu không được phòng bệnh hiệu quả.
Điều trị bệnh đau mắt đỏ
Cách chăm sóc, vệ sinh
- Không chạm hoặc dụi mắt khi bị nhiễm bệnh.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước.
- Dùng bông gòn mới rửa sạch dịch tiết từ mắt hai lần một ngày. Vứt bông gòn và rửa tay bằng xà phòng và nước ấm sau đó.
- Rửa tay sau khi nhỏ thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ vào mắt của bản thân hoặc người khác.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân như đồ trang điểm, kính áp tròng, khăn tắm hoặc cốc.
Điều trị cụ thể
Nguyên nhân do vi khuẩn
Uống thuốc kháng sinh theo đơn của bác sĩ, bên cạnh đó kết hợp với thuốc mỡ bôi mắt.
Sử dụng thuốc theo đơn bác sĩ
Nguyên nhân do virus
Kháng sinh không có tác dụng đối với virus. Vì vậy, bệnh nhân chỉ cần rửa sạch mắt mỗi ngày là đủ, sau 4-7 ngày bệnh sẽ tự khỏi.
Nguyên nhân dị ứng
Sử dụng thuốc kháng histamin giúp làm giảm đau mắt đỏ tuy nhiên có thể sẽ khiến mắt bị khô. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần gặp bác sĩ nhãn khoa để được hướng dẫn điều trị thích hợp, bên cạnh đó cần tránh tiếp xúc với nguồn tác nhân gây dị ứng.
Những lưu ý trong chế đọ ăn uống và sinh hoạt cho người đau mắt đỏ là gì?
Xem thêm: Trị đau mắt đỏ như thế nào cho mau khỏi?
Phòng bệnh đau mắt đỏ
Để phòng bệnh đau mắt đỏ không lây nhiễm cho người khác hoặc tái nhiễm cho chính mình, chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau:
- Không lấy tay chạm vào mắt.
- Mỗi khi lau mặt và mắt hàng ngày nên dùng khăn sạch hoặc khăn giấy.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Không để các loại hóa chất như sữa tắm, dầu gội,… dây vào mắt.
- Thay, giặt vỏ gối thường xuyên.
- Hạn chế dùng mỹ phẩm cho mắt.
- Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin và các khoáng chất.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế đến những nơi đông người vào mùa dịch mắt đỏ.
- Luôn giữ gìn vệ sinh nhà cửa thông gió, thoáng mát, sạch sẽ.
- Cách ly hợp lý nếu có người nhà bị đau mắt đỏ.
BS. Lê Hạnh