Cẩn trọng trước nguy cơ cúm gia cầm lây sang người
Bộ Y tế khuyến cáo người dân về việc cúm gia cầm có nguy cơ lây sang người rất cao. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán 2019 sắp tới.
- Bộ Y tế khuyến cáo người dân cúm gia cầm có nguy cơ lây sang người (nguồn: internet)
Theo đó, người dân không ăn tiết canh, không ăn gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết, hoặc không rõ nguồn gốc. Đảm bảo vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng cho gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân nên tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đặc biệt là sởi, rubella, ho gà… Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, đặc biệt là trẻ nhỏ khi đi xe máy, ra ngoài trời… để đảm bảo sức khỏe trong dịp Tết Nguyên đán 2019. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm như: cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu…
Ăn uống đầy đủ để đảm bảo dinh dưỡng; cân đối các loại thức ăn để cân bằng lượng tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi họng…
Khi có biểu hiện sốt, ho, đau ngực, khó thở và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám kịp thời. Đồng thời, thông báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y, trạm y tế xã phường khi phát hiện có gia cầm ốm chết.
Bệnh cúm A(H5N1), cúm A (H7N9) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus cúm A(H5N1), cúm A (H7N9) (ở gia cầm) lây sang người. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, phân gia cầm, sản phẩm từ gia cầm, vật dụng, môi trường bị nhiễm mầm bệnh; qua ăn thịt, sản phẩm gia cầm chưa được nấu chín.
Biểu hiện của bệnh là sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, đau người, đau cơ… Bệnh thường diễn biến phức tạp, nhanh và có thể dẫn tới tử vong. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh cho người.
Thầy thuốc Việt Nam (theo VietQ)