[Cảnh báo] – biểu hiện của bệnh tim giai đoạn cuối
Bệnh tim giai đoạn cuối hay suy tim độ IV là suy tim ở mức độ nặng nhất. Ở giai đoạn cuối, các triệu chứng đã biểu hiện rầm rộ, bệnh nhân phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, nếu có hiểu biết rõ về biểu hiện, các biến chứng thường gặp của bệnh tim giai đoạn cuối thì nhiều khả năng có thể thay đổi được tình trạng bệnh tốt lên, cũng như cải thiện được tình trạng sức khoẻ rõ rệt.
Nội dung bài viêt
1. Biểu hiện của bệnh tim giai đoạn cuối
Ở giai đoạn cuối của bệnh suy tim, các triệu chứng đã xuất hiện rõ ràng, rầm rộ. Các triệu chứng có thể diễn ra nhanh hay chậm, nhiều hay ít tùy từng người bệnh. Những biểu hiện của bệnh tim giai đoạn cuối bao gồm:
– Khó thở nhiều là một biểu hiện của bệnh tim giai đoạn cuối, tình trạng này có thể xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi khiến người bệnh cảm thấy căng thẳng và sợ hãi. Khó thở làm cho người bệnh không thể nằm ngủ, phải ngồi dậy để thở và ngủ ở tư thế nửa nằm, nửa ngồi.
– Ho khan kéo dài: do ứ máu tại phổi, quá trình trao đổi khí của phổi bị cản trở do ứ máu tại phổi. Người bệnh cũng có thể xuất hiện tình trạng ho có đờm nhầy màu trắng hoặc màu đỏ máu thở khò khè, nếu bị phù phổi cấp.
Biểu hiện ho, khó thở thường gặp bệnh tim giai đoạn cuối
– Nhịp tim tăng nhanh cũng là một biểu hiện của bệnh tim giai đoạn cuối cần chú ý. Tim đập nhanh để bù đắp lượng máu bị thiếu do các chức năng suy giảm nên tim phải làm việc cật lực để đáp ứng nhu cầu vận chuyển máu tới các cơ quan trong cơ thể.
– Phù: Người bệnh thường có dấu hiệu phù tím, vị trí xuất hiện thường ở chân. Dịch và chất dịch tích tụ trong cơ thể không được đào thải gây nên tình trạng tăng cân bất thường, cơ thể trở nên nặng nề.
– Biểu hiện của bệnh tim giai đoạn cuối khác như là: đi tiểu ít và số lượng nước tiểu mỗi lần đi tiểu cũng giảm so với bình thường.
– Người bệnh chán ăn: ứ nước và dịch trong ổ bụng nên ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa thức ăn, gây cảm giác buồn nôn, đầy trướng bụng,…
– Giấc ngủ bị rối loạn, mệt mỏi: tình trạng ho kéo dài, khó thở gây ra việc khó ngủ, ngủ không sâu giấc. Các hoạt động đi lại và ăn uống khó khăn khiến người bệnh ngày càng mệt mỏi, kiệt sức thường xuyên dù không hoạt động nhiều.
– Nhầm lẫn, hay quên: não thiếu máu nuôi dưỡng sau một thời gian dài tim suy yếu dẫn đến sa sút trí nhớ.
– Thân nhiệt thấp, biểu hiện bàn tay, bàn chân bị lạnh, nhợt nhạt.
2. Biến chứng thường gặp ở người bị bệnh tim giai đoạn cuối
Người bị bệnh tim giai đoạn cuối thường xuyên phải nhập viện do xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm ở giai đoạn này, có thể kể đến như:
Suy thận: sức co bóp của tim giảm nghiêm trọng, lưu lượng máu đến thận giảm, khiến thận không được cung cấp đủ máu để đảm bảo chức năng lọc và đào thải dịch dư thừa và các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Tình trạng này kéo dài gây tổn thương các tế bào thận, có khoảng 50% người bệnh suy tim giai đoạn cuối mắc suy thận hoặc có vấn đề về thận.
Biến chứng suy thận ở người bệnh tim giai đoạn cuối
Suy gan: gan bị tích tụ dịch khiến gan to ra, cản trở khả năng hoạt động, lâu dần dẫn đến xơ gan, viêm gan hay suy gan.
Nhồi máu cơ tim: nguyên nhân gây ra biến chứng này là do tim suy yếu, tốc độ máu chảy trong các động mạch tim chậm hơn bình thường, tạo điều kiện hình thành huyết khối động mạch, huyết khối tĩnh mạch (các cục máu đông).
Đột quỵ: Các cục máu đông hình thành ở tim hoặc hình thành trên đường di chuyển đến động mạch cảnh, động mạch máu não đến não có thể gây tắc nghẽn, nhồi máu não, đột quỵ.
Phù phổi cấp: đây là biến chứng cần được cấp cứu kịp thời do tình trạng ứ dịch tại phổi có thể gây suy hô hấp cấp tính, gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.
3. Làm thế nào để kéo dài tuổi thọ của người bệnh tim giai đoạn cuối?
3.1. Tuân thủ tuyệt đối điều trị
Tuân thủ tuyệt đối điều trị ở người bệnh tim giai đoạn cuối
Việc điều trị bằng thuốc đối với người bệnh bị bệnh tim giai đoạn cuối gần như đã không còn đáp ứng. Ngay cả khi không thể chữa khỏi nhưng việc sử dụng thuốc đều đặn là điều quan trọng nhằm kiểm soát, giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu như phù, khó thở.
Bệnh nhân hoặc người chăm sóc bệnh nhân cần ghi nhớ, đảm bảo tuân thủ việc dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ: dùng đúng thuốc, đúng liều, không được tự ý bỏ thuốc hay thay đổi thuốc khác khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Người bệnh phải tuân thủ sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý bỏ thuốc.
Do đó, người bệnh cần có nhận thức rõ ràng về bệnh tật và hiểu được tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị để hiệu quả điều trị được tốt nhất.
3.2. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ làm tăng nặng bệnh
Người bị bệnh tim giai đoạn cuối cần theo dõi sức khỏe của mình, chú ý các triệu chứng bất thường, phòng tránh và phát hiện sớm các biến chứng nghiêm trọng, nhằm kiểm soát tình trạng bệnh tốt hơn.
Bên cạnh việc tuân thủ điều trị bằng thuốc, người bệnh cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Xây dựng chế độ ăn hạn chế tối đa muối và các thực phẩm giàu natri (cá biển, đồ ăn nhanh,…), tốt nhất nên ăn nhạt hoàn toàn. Nếu sử dụng các thực phẩm này quá nhiều sẽ khiến cho cơ thể giữ nước, làm tăng gánh nặng cho tim, có thể làm tăng triệu chứng phù.
Đối với người bệnh suy tim nên giảm thiểu lượng chất béo, hạn chế các loại thịt đỏ, thịt mỡ trong chế độ dinh dưỡng ăn hàng ngày. Chất béo dư thừa trong cơ thể là thủ phạm gây xơ vữa động mạch và gia tăng các biến chứng về tim.
Bên cạnh đó, cần phải từ bỏ những thói quen không tốt cho sức khỏe như từ bỏ hoàn toàn rượu bia, thuốc lá, cà phê. Đây là các chất kích thích khiến cho nhịp tim tăng nhanh đột ngột khó kiểm soát.
Kiểm soát yếu tố tâm lý: tình trạng căng thẳng, lo âu sẽ kích thích co mạch, tăng huyết áp và tăng nhịp tim khiến gia tăng thêm gánh nặng cho trái tim vốn đã suy yếu, đẩy nhanh hơn quá trình tiến triển của suy tim. Để kiểm soát hiệu quả, người bệnh nên suy nghĩ tích cực và chia sẻ cảm xúc với những người khác.
Sự xuất hiện của những căn bệnh có liên quan đến quá trình nhiễm khuẩn có thể khiến bệnh tim thêm trầm trọng. Vì vậy, người bệnh có thể tham khảo hướng dẫn của bác sĩ trong việc tiêm phòng cúm, viêm phổi do phế cầu và phòng các bệnh đường hô hấp khác.
3.3. Lưu ý trong chăm sóc người bệnh tim giai đoạn cuối
Dưới đây là một số lưu ý trong chăm sóc người bệnh tim giai đoạn cuối:
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho người bệnh suy tim bao gồm:
- Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ và vitamin cao, tránh đồ ăn giàu chất béo.
- Tăng cường thực phẩm cung cấp nguồn năng lượng tốt cho bệnh nhân (đậu, cá, thịt gia cầm).
- Bổ sung lượng Kali trong khẩu phần ăn giúp duy trì hoạt động của tim. Nên bổ sung các thực phẩm giàu kali như bông cải xanh, chuối, bơ,…
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho người bệnh tim
Nếu người bệnh ăn uống khó tiêu, hay bị đầy bụng có thể xay nhỏ thức ăn dưới dạng lỏng, mềm, chia nhỏ bữa ăn trong ngày để dễ tiêu hóa hơn. Có thể truyền dịch tĩnh mạch hoặc đặt ống thông dạ dày trong trường hợp cần thiết.
Những người bệnh suy tim đang bị phù nên uống lượng nước vừa đủ mỗi ngày. Không nên uống nước trong khi ăn; sau khi ăn, nên nghỉ từ 30 – 40 phút.
Tư thế phù hợp khi ngủ: việc nửa ngồi, nửa nằm, kê cao gối khi ngủ sẽ giúp hỗ trợ cải thiện những triệu chứng ho, khó thở.
Một lưu ý khác: thông báo ngay với nhân viên y tế khi người bệnh có các dấu hiệu: khó thở tăng lên, phù nặng hay có dấu hiệu như ho có đờm hay bọt hồng,…để có hướng xử trí kịp thời.
BS Chu Thị Thanh Hoài