Cha mẹ cần lưu ý khi cho trẻ đi tiêm vắc xin ComBe Five

Trong vòng hơn một tháng qua, liên tục 3 ca trẻ em tử vong sau tiêm vắc xin ComBe Five đã được ghi nhận. Bộ Y tế đã có công điện gửi các sở y tế tỉnh thành, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác tiêm chủng an toàn và hiệu quả.

Vắc xin 5 trong 1 ComBe Five được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (nguồn: internet)
Vắc xin 5 trong 1 ComBe Five được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (nguồn: internet)

Theo nội dung công điện, vắc xin ComBe Five, loại vắc xin 5 trong 1 thay thế cho vắc xin Quinvaxem đã được tiêm chủng mở rộng trên 28 tỉnh thành với số trẻ được tiêm là 131.171 trẻ.

Những báo cáo gửi về cho thấy sau khi tiêm vắc xin ComBe Five, trẻ có những phản ứng thông thường như: sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, khó chịu, quấy khóc. Ngoài ra cũng ghi nhận một số trường hợp trẻ sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật ở một số địa phương, tỷ lệ khoảng 0,05%. Tuy nhiên các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.

Tuy nhiên, đến nay đã ghi nhận thêm một ca trẻ nhỏ hơn hai tháng tuổi ở Thạch Thất (Hà Nội) tử vong sau khi tiêm loại vắc xin này. Trước đó là hai trẻ ở Nam Định.

Hiện các bậc cha mẹ đang rất lo lắng khi cho con đi tiêm chủng vắc xi ComBe Five. Về vấn đề này, cha mẹ cần lưu ý:

Điểm khác biệt giữa tiêm văcxin Quinvaxem đã dùng trong hơn 8 năm qua và ComBE Five là phản ứng sau tiêm Quinvaxem đến sớm hơn, còn ComBE Five thì 1-2 ngày sau tiêm mới xuất hiện phản ứng. Do đó, bên cạnh việc cán bộ phụ trách tiêm chủng cần khám sàng lọc trước tiêm thật kỹ thì các cha mẹ cũng cần đồng hành theo dõi trẻ sau tiêm. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện bất thường như: quấy khóc nhiều, sốt cao, da nổi vân tím hay có vài nốt phát ban sau tiêm, bú kém, ít tương tác với người thân… thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất ngay.

Để đảm bảo tiêm chủng an toàn, đạt tỷ lệ cao, Bộ y tế đã yêu cầu Giám đốc các Sở Y tế chỉ đạo, tổ chức tập huấn ngay cho cán bộ y tế của các cơ sở tiêm chủng cũng như cán bộ y tế tuyến huyện chưa được tập huấn hoặc đã được tập huấn nhưng chưa thuần thục về khám sàng lọc, đặc biệt xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng. Đồng thời chỉ những cơ sở tiêm chủng có cán bộ y tế đã được tập huấn và có kỹ năng về xử trí, cấp cứu sau tiêm chủng mới được tiến hành tiêm chủng. Yêu cầu tất cả các cơ sở phải có phác đồ xử trí phản vệ và được treo tại điểm tiêm chủng.

Ngoài ra, các Sở Y tế cấp tỉnh cần điều động, bổ sung cán bộ có trình độ chuyên môn hỗ trợ cho các Trạm Y tế xã, phường trong việc khám sàng lọc, cấp cứu và xử trí sau tiêm chủng. Đặc biệt là những Trạm không có bác sĩ hoặc những xã, phường khó khăn.

Một số lưu ý cho cha mẹ

  • Trước khi cho trẻ đi tiêm chủng vắc xin ComBe Five

– Cha mẹ nên giữ cẩn thận các loại sổ, phiếu tiêm chủng, sổ khám bệnh để theo dõi tình trạng sức khỏe và lịch tiêm phòng của trẻ.

– Ghi lại lịch tiêm phòng của trạm y tế địa phương, lưu số điện thoại của phòng tiêm chủng để tư vấn hoặc liên hệ kịp thời trong trường cần thiết.

– Chủ động thông báo với bác sỹ tiêm phòng về tình trạng sức khỏe của trẻ trong 7 ngày trước tiêm: có ho, sốt, đã uống thuốc gì… hay bé vẫn khỏe mạnh, bình thường. Ngoài ra, nên đề cập đến tiền sử sức khỏe của trẻ như sinh non, dị ứng thuốc, có biểu hiện mẫn cảm với vắc-xin ở các lần tiêm phòng trước.

  • Theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm vắc xin ComBe Five

Sau khi tiêm chủng, một số trẻ có biểu hiện như sốt, đau, sưng tấy tại chỗ tiêm, quấy khóc… Các mẹ vẫn có thể chăm sóc con tại nhà như sau:

– Cặp nhiệt độ, kiểm tra chính xác thân nhiệt của trẻ. Nếu người trẻ nóng, sốt thì cần hạ nhiệt cho trẻ bằng cách chườm khăn ẩm, cho trẻ mặc quần áo rộng, thoải mái, nằm phòng thoáng khí. Vào mùa đông như hiện nay, các mẹ còn phải chú ý không để trẻ nhiễm lạnh, đạp chăn trong khi ngủ ban đêm.

– Bù nước cho cơ thể: Sốt cao khiến cơ thể mất nước vì vậy cần bù nước bằng cách uống oresol, ăn cháo loãng có nêm chút muối.

– Mẹ cho con bú cần bổ sung dinh dưỡng và vẫn cho trẻ bú đều hàng ngày. Với trẻ lớn, cho trẻ ăn các loại thực phẩm lỏng, dễ tiêu, nóng sốt.

– Nếu sau tiêm, trẻ sốt trên 38,5 độ C mới cần uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Với trẻ dưới 3 tháng tuổi, khi dùng thuốc hạ sốt cần thận trọng hoặc cho trẻ dùng thuốc dưới sự theo dõi của bác sĩ.

– Khi trẻ có biểu hiện sốt cao, co giật, bỏ bú, quấy khóc trên 24 giờ, gia đình nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để theo dõi và tìm hiểu nguyên nhân.

Tiêm phòng cho trẻ không chỉ phòng bệnh cho chính bản thân của trẻ mà còn tạo kháng thể chống bệnh tật tốt cho cả cộng đồng. Các bệnh tật đã có vắc xin phòng bệnh thì nên tiêm phòng cho trẻ. Song để đạt được hiệu quả mong muốn, cần có sự phối hợp chuẩn về quy trình tiêm chủng cũng như theo dõi và chăm sóc trẻ trước và sau khi tiêm. Bất kỳ một sơ xuất nào cũng có thể khiến trẻ tử vong ngoài mong muốn.

Thầy thuốc Việt Nam tổng hợp

 

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận