Chàm đồng tiền là bệnh gì? Chú ý gì khi bị chàm đồng tiền?

Chàm đồng tiền là bệnh viêm da phổ biến, bệnh diễn biến dai dẳng, hay tái phát. Bệnh gây ra những nốt sần hình đồng tiền trên da, rỉ dịch và gây ngứa. Nếu không được phát triển và điều trị đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng cũng như ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Cùng tìm hiểu xem chàm đồng tiền là bệnh gì, cũng như các chữa và phòng tránh căn bệnh này.

1. Chàm đồng tiền là gì? 

Hình ảnh chàm đồng tiền

Chàm thể đồng tiền là một thể bệnh lâm sàng của bệnh viêm da mãn tính, biểu hiện bằng các đám mảng đỏ da, mụn nước, giới hạn rõ, tạo thành hình tròn hay bầu dục trông giống như  hình đồng xu và gây ngứa.

Bệnh nếu không được phát hiện, điều trị đúng cách bệnh kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng và có thể tái phát thành nhiều đợt cấp tính, gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt, thẩm mỹ của người bệnh.

2. Nguyên nhân gây chàm đồng tiền

Một số guyên nhân gây chàm đồng tiền

Nguyên nhân gây chàm đồng tiền khá phức tạp, chưa biết rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh. Tuy nhiên, các bệnh nhân bị chàm đồng tiền thường liên quan đến các yếu tố như:

  • Cơ địa dị ứng thường nguy cơ cao bị chàm đồng tiền.
  • Tiếp xúc với các dị nguyên, yếu tố từ bên ngoài như:
  • Tiếp xúc với các sợi vải, bông, len,..
  • Tiếp xúc với chất hóa học, hóa chất công nghiệp, chất tẩy rửa,… gây kích ứng.
  • Lông, chất tiết, nước dãi,… của động vật, thú nuôi trong gia đình.
  • Da  khô hay làm việc trong môi trường lạnh trong thời gian dài.
  • Một số bệnh ngoài da gây ngứa (nấm, ghẻ,…), vết bỏng, vết côn trùng đốt, do chà xát, bôi thuốc linh tinh cũng có thể trở thành bệnh chàm thứ phát.
  • Nhiễm khuẩn do vi khuẩn, virus, nấm.
  • Một số rối loạn trong cơ thể như rối loạn chức năng cơ quan cơ thể ( suy gan, suy thận,..), rối loạn thần kinh ( xúc động, stress, lo lắng, mất ngủ,…), chức năng nội tiết, chuyển hóa rối loạn cũng có thể là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp gây ra chàm đồng tiền.

3. Dấu hiệu nhận biết chàm đồng tiền

Vị trí thường gặp của chàm đồng tiền là mặt duỗi của chi, mu bàn tay 

Chàm đồng tiền khá dễ có thể nhận ra qua các tổn thương nhìn thấy ở trên da và đặc điểm lâm sàng của nó. Bệnh chàm đồng tiền bắt đầu xuất hiện trên da với vết hoặc đám đỏ hình tròn như đồng xu, hơi nề, hơi nề, ranh giới không rõ, rất ngứa. Trên nền dát đỏ xung huyết, có những sẩn tròn giống như hạt kê là những mụn nước đang phát triển từ dưới lên. Mụn nước xuất hiện ngày càng nhiều và rõ, xuất hiện khắp trên bề mặt da bị tổn thương, đường kính nhỏ bằng đầu kim, đầu tăm, chỉ khoảng 1-2mm, nông và rất dễ vỡ. Tạo thành đám tổn thương trợt da, rỉ dịch, đây là giai đoạn dễ bị nhiễm khuẩn thứ phát nếu không được điều trị và vệ sinh sạch sẽ.

Sau đó, các vết chợt giảm viêm, khô, đóng vảy tiết, khi vảy tiết bong đi để lộ ra một lớp da non nhẵn bóng như vỏ hành, nền da hơi nhiễm cộm, sẫm màu hơn.

Nếu bệnh tiến triển lâu ngày, tổn thương càng sẫm màu, bề mặt trở nên xù xì thô ráp, sờ thấy cứng cộm, các hằn da nổi rõ, ở giữa các hằn da có sẩn dẹt gọi là giai đoạn lichen hóa.

Chàm thể đồng tiền thường xuất hiện các tổn thương ở thân mình, mặt duỗi của chi, mặt trước xương chày, mu bàn tay, người bệnh thường rất ngứa, đôi khi có cảm giác châm chích, nóng rát.

Bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, có thể gây chàm đồng tiền ở trẻ em, kể cả trẻ sơ sinh nhưng tỉ lệ cao hay gặp ở nam giới tuổi trung niên, nhất là mùa thu đông.

4. Chàm đồng tiền có nguy hiểm không?

Chàm đồng tiền là bệnh ngoài da, bệnh hiếm khi gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh này thường gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Tuy nhiên, nếu như không được điều trị đúng cách, bệnh có thể diễn biến dai dẳng, tần suất xuất hiện các đợt cấp dày đặc hơn, người bệnh ngứa nhiều, gãi, làm các tổn thương trợt loét, gây bội nhiễm vi khuẩn làm tổn thương lâu lành và khó điều trị hơn. Nặng hơn, người bệnh có thể bị viêm cầu thận cấp do bội nhiễm vi khuẩn liên cầu nhưng không điều trị kịp thời.

5. Cách chữa chàm đồng tiền

Bệnh chàm nói chung, thể chàm đồng tiền nói riêng là bệnh viêm da diễn biến dai dẳng, hay tái phát và hiện nay chưa có phương pháp điều trị dứt điểm, khỏi hoàn toàn bệnh. Các phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu điều trị triệu chứng và phòng ngừa các biến chứng cũng như kéo dài thời gian của tái phát của bệnh. Cách chữa chàm đồng tiền bao gồm:

– Phương pháp không dùng thuốc:

  • Giai đoạn cấp tính: người bệnh cần được nghỉ ngơi, hạn chế các chất kích thích (cafe, rượu…), tránh xà phòng, tránh tiếp xúc với dị nguyên.
  • Tránh cào gãi, chà xát lên da
  • Tắm bằng nước ấm, không nên sử dụng nước quá nóng hay quá lạnh, không nên tắm nhiều lần trong ngày.
  • Kết hợp dưỡng ẩm da bằng các thuốc, kem dưỡng ẩm có nguồn gốc rõ ràng, không gây kích ứng, tránh làm da quá khô.

– Dùng thuốc: để giảm triệu chứng, làm dịu, bảo vệ và nhanh lành vết thương, người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc bôi ngoài da hay thuốc toàn thân như

Thuốc bôi tại chỗ là biện pháp điều trị chủ yếu của chàm đồng tiền

  • Đối với giai đoạn cấp tính có chảy nước, loét trợt, dùng các thuốc dịu da, sát khuẩn, chống ngứa, ráo nước như đắp gạc dung dịch thuốc tím pha loãng 1/4000, nước muối sinh lý 9%, Nitrat bạc 0,25%, Rivanol 0,1%, dung dịch Jarish trong 5-7 ngày,… sau đó bôi dung dịch màu (Xanh Methylen, Tím Methyl).
  • Đối với tổn thương khô có thể dùng kem kẽm 10%, corticoid, mỡ corticoid + kháng sinh
  • Giai đoạn mạn tính có thể dùng  mỡ corticoid hoặc mỡ corticoid + acid salicylic
  • Với bệnh chàm đồng tiền ở trẻ sơ sinh hay ở trẻ em có thể sử dụng các loại thuốc bôi không có corticoid như mỡ Tacrolimus, Pimecrolimus,..
  • Bên cạnh đó, có thể kết hợp thêm thuốc đường toàn thân như nhóm thuốc kháng histamin giảm triệu chứng nếu người bệnh ngứa nhiều mà sử dụng thuốc bôi không đỡ hoặc kháng sinh nếu có bội nhiễm hoặc Corticoid toàn thân nhưng nên hạn chế sử dụng và chỉ dùng cho giai đoạn bệnh cấp tính và thành đợt ngắn.

Để điều trị có hiệu quả, bên cạnh việc sử dụng thuốc đúng cách thì vấn đề tuân thủ điều trị của người bệnh cũng rất quan trọng.

BS Nguyễn Thị Quỳnh An

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận