Chàm môi là gì? Nguyên nhân và cách điều trị?

Bệnh chàm không phải là bệnh lây nhiễm. Tuy nhiên, đối với chàm miệng do bội nhiễm nấm (bệnh nấm môi) thì lại có nguy cơ lây nhiễm. Nếu không điều trị chàm môi tận gốc, bệnh có thể tái phát nhiều lần. Vậy chàm môi là gì, nguyên nhân và cách điều trị?

1. Chàm môi là bệnh gì? 

Bệnh chàm (Eczema) là bệnh lý da liễu mạn tính với các triệu chứng như mẩn đỏ hoặc phát ban, khô, bong tróc da và ngứa. 

Chàm môi là một trong những căn bệnh chàm phổ biến nhất và không lây truyền. Tuy nhiên, có thể lây sang người khác nếu phần chàm môi có vết loét hở hoặc mụn nước đã bị nhiễm trùng. Bị chàm môi gây mất thẩm mỹ và có thể khiến người bệnh đau đớn. 

Một số hình ảnh chàm môi phổ biến

2. Chàm môi có nguyên nhân do đâu? 

Bởi vì chàm môi là một bệnh lý phổ biến nên nhiều người muốn tìm hiểu về các nguyên nhân gây ra tình trạng bị chàm môi. Có rất nhiều yếu tố góp phần gây ra tình trạng môi bị chàm, chẳng hạn như:

2.1. Có sự tiếp xúc với các chất gây dị ứng

Các chất có tính kích ứng có trong các sản phẩm làm đẹp môi (son môi, son dưỡng, tẩy tế bào da môi,…) các sản phẩm chăm sóc răng miệng (kem đánh răng, nước súc miệng,…) gây chàm môi.

Khí hậu lạnh và khô hoặc một số hương – vật liệu cũng làm cho tình trạng môi trở nên tồi tệ hơn.

Sử dụng hoặc tiếp xúc với một số loại thực phẩm gây dị ứng, khói thuốc lá, phấn hoa, … cũng có thể khiến bạn bị chàm môi.

2.2. Yếu tố di truyền

Một số người sẽ có nguy cơ cao bị chàm ở môi hơn so với người khác do tiền sử gia đình mắc bệnh chàm, viêm da, dị ứng và hen suyễn.

2.3. Nồng độ hormone trong cơ thể bị thay đổi thất thường

Bị chàm môi do thay đổi nồng độ hormone thường gặp ở phụ nữ. Thay đổi nội tiết khiến da mất đi độ ẩm ở lớp bảo vệ cần thiết, dẫn đến biểu hiện ngứa dữ dội, gãi trầy xước, từ đó mở đường cho viêm nấm xâm nhập.

2.4. Do tình trạng nhiễm trùng

Uống không đủ nước khiến môi khô ráp, nứt nẻ và thường xuyên có các vết trầy trên da cho phép hóa chất xâm nhập dễ dàng hơn và khiến bạn dễ bị bùng phát bệnh.

Nhiễm trùng đường hô hấp (viêm hô hấp trên, một số loại bệnh cúm và cảm lạnh thông thường) làm hệ miễn dịch có xu hướng nhạy cảm hơn bình thường. Vì vậy, viêm môi do chàm có thể khởi phát trong thời điểm này.

Không liếm, cắn hoặc mút môi quá mức khi bị chàm môi

2.5. Tình trạng tâm lý căng thẳng 

Stress kéo dài (căng thẳng, trầm cảm) khiến các hormone tương tác với hệ thống miễn dịch – là nguyên nhân gây bùng phát hoặc khiến chàm môi tái phát sau một thời gian dài. 

Một số thói quen khi stress như: liếm môi, cắn hoặc mút môi quá mức, đổ mồ hôi nhiều cũng khiến cho người có tâm lý căng thẳng dễ bị bệnh chàm môi.

3. Bệnh chàm môi có các triệu chứng nào?

Triệu chứng của chàm môi có thể xuất hiện ở môi trên, môi dưới hoặc cả hai môi, thậm chí thay đổi sắc tố làn da quanh môi. Người bị chàm môi sẽ xuất hiện các dấu hiệu điển hình sau:

– Ngứa, nứt môi gây đau đớn;

– Môi khô tróc vảy;

– Môi nổi mẩn đỏ hoặc phát ban;

Xung quanh viền môi hoặc môi xuất hiện các mụn nước, có thể chảy dịch, chợt loét.

Nếu không được điều trị kịp thời, môi càng ngày càng khô, bong tróc nhiều hơn, nứt sâu vào bên trong. Vùng da môi bị tổn thương sẽ lan rộng, gây lở loét, ăn uống bất tiện, cảm giác sưng cứng môi khiến giao tiếp khó khăn.

4. Bị chàm môi điều trị ra sao?

Bôi kem dưỡng ẩm lành tính giúp cải thiện chàm môi

Rất khó để trị chàm môi tận gốc. Tuy nhiên, phát hiện và điều trị sớm giúp giảm chàm môi và ít tái phát bệnh.

Nếu có các dấu hiệu của chàm môi, bạn hãy dừng ngay các thói quen không tốt cho môi, và tạm ngưng sử dụng các sản phẩm cho môi hay sản phẩm chăm sóc răng miệng.

4.1.Cách trị chàm môi dân gian không dùng thuốc

Đối với trường hợp nhẹ, xuất hiện các dấu hiệu chớm bệnh, bạn có thể sử dụng một số bài thuốc trị chàm môi dân gian như:

Trị chàm môi bằng lá trầu không: Trước tiên bạn làm sạch vùng da cần điều trị, sau đó giã nát một nắm lá trầu không đã rửa sạch, lọc lấy nước và thoa lên vùng da môi bị chàm bằng bông y tế. Thực hiện phương pháp này mỗi ngày một lần.

Trị chàm môi bằng dầu dừa, dầu oliu: Bạn dùng tăm bông chấm dầu dừa hoặc dầu oliu thoa lên môi, bạn có thể lau sạch môi sau 30 phút hoặc để qua đêm. Thực hiện cách này hằng ngày sẽ giúp môi giảm khô nứt do bị chàm môi.

Trị chàm môi bằng mật ong: Bạn hãy thoa mật ong lên môi, khi môi khô bạn tiếp tục thoa 1 lớp son dưỡng lên. Sau 15 phút, bạn sử dụng khăn ẩm lau sạch, chà nhẹ để lớp da chết trên môi bong ra. Thực hiện khoảng 2 – 3 lần/ngày.

Sử dụng mặt nạ môi bằng quả bơ: cũng là một cách trị chàm môi dân gian không dùng thuốc. Nạo 1/4 thịt quả bơ, nghiền nát và đắp lên môi trong 30 phút, sau đó bạn dùng khăn ướt lau sạch mặt nạ bơ đi. Bạn áp dụng cách này hằng ngày để tái tạo da môi bị tổn thương.

Trị chàm môi bằng cánh hoa hồng: Dằm nát cánh hoa hồng ra, trộn đều với sữa và ngâm trong 2-3 giờ. Sau đó, dùng dung dịch này thoa lên môi trước khi đi ngủ, sáng hôm sau rửa lại bằng nước ấm sẽ giúp giảm khô nứt môi do bệnh chàm môi.

Lá trầu không, dầu oliu, dầu dừa, mật ong, quả bơ, cánh hoa hồng

Các mẹo trị chàm môi dân gian, tuy an toàn, lành tính, dễ thực hiện nhưng lại chỉ đem đến tác dụng giảm khô và nứt môi, chỉ áp dụng ở trường hợp chàm môi nhẹ và cần thưc hiện đều đặn cho tới khi các vết chàm biến mất.

4.2. Các thuốc trị chàm môi

Đối với trường hợp mức độ nhẹ, hay giữ môi của bạn ẩm bằng kem dưỡng lành tính như Vaseline, các loại dầu thực vật, bơ hạt mỡ, vitamin E giúp kiểm soát tình trạng ngứa và khô. Bạn nên thoa kem khi da còn hơi ẩm, ngay sau khi tắm hoặc rửa mặt vào buổi sáng và buổi tối sẽ giúp môi bạn hấp thụ kem dưỡng tốt hơn.

Các trường hợp chàm môi mức độ nặng như có sưng môi, có mụn nước hoặc chảy dịch thì trường hợp này sẽ cần điều trị dưới sự hướng dẫn theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.

Một số loại thuốc sau có tác dụng trong việc trị chàm môi bao gồm:

– Kem bôi Corticoid: có tác dụng chống viêm, giảm cảm giác ngứa, đau rát cũng như tình trạng sưng tấy;

– Thuốc kháng histamin: giúp hạn chế các triệu chứng ngứa, rát;

– Thuốc kháng sinh: được bác sĩ chỉ định trong trường hợp chàm bị nhiễm trùng hay viêm nhiễm nặng.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, những người bị chàm môi nặng cần dùng steroid đường uống, thuốc bôi da hoặc thuốc mỡ theo toa đặc biệt để ngăn hệ thống miễn dịch của bạn phản ứng quá mức với các chất gây dị ứng.

Bên cạnh việc điều trị chàm môi, bạn có thể phòng – ngừa tái phát tình trạng này bằng cách thay đổi lối sống như:

– Uống đủ nước 2-3 lít/ngày giúp hạn chế chàm môi;

– Cố gắng giảm bớt căng thẳng, tránh môi trường quá khắc nghiệt;

– Dưỡng ẩm cho môi thường xuyên, rửa vệ sinh môi, da quanh miệng sau ăn kĩ càng;

– Tránh xa các yếu tố gây dị ứng. Hạn chế các đồ ăn nhiều gia vị cay nóng;

– Không liếm môi và tự cạy bóc vảy khi bị chàm môi.

Chàm môi là một bệnh lý về da có thể gây ra các ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của người bệnh. Hy vọng bài viết này giúp bạn hiểu thêm về bệnh chàm môi và có cách phòng ngừa cũng như điều trị và chăm sóc phù hợp cho đôi môi của mình khi bị chàm môi. 

Lưu Thị Bảo Yến

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận