Chăm sóc răng cho trẻ đúng cách

Một việc rất quan trọng mà cha mẹ có thể làm cho con mình là chuẩn bị và chăm sóc cho trẻ có được sức khỏe răng miệng hoàn hảo.

Quá trình phát triển răng ở trẻ em

Giai đoạn răng sữa kéo dài từ khi trẻ mọc răng sữa đầu tiên cho đến 5 tuổi. Những chiếc răng đầu tiên xuất hiện khi bé 6 tháng tuổi và sẽ mọc đủ 20 chiếc trong vòng 18 tháng sau đó. Các răng này sẽ lung lay và được nhổ trong độ tuổi từ 7 đến 12 tuổi và được thay thế bằng răng vĩnh viễn.

Ngoài 20 răng vĩnh viễn thay thế răng sữa, 12 răng mới sẽ mọc lên và những mầm răng đầu tiên của nhóm này sẽ xuất hiện khi trẻ 6 tuổi và được gọi là răng hàm vĩnh viễn đầu tiên. Đây là những chiếc răng rất quan trọng. Tất cả các răng vĩnh viễn sẽ mọc xong ở tuổi 14, ngoại trừ các răng khôn (thường mọc ở khoảng 17 – 25 tuổi).

Như vậy, ở độ tuổi từ 6 – 12 tuổi, một đứa trẻ sẽ có cả răng sữa và răng vĩnh viễn. Đây được gọi là giai đoạn hỗn hợp.

Tầm quan trọng của răng sữa

Răng sữa không hề kém quan trọng mà ngược lại, nó còn có vai trò then chốt đối với trẻ. Sau 6 tháng, trẻ sẽ bắt đầu ăn bổ sung với những thức ăn cứng và khó tiêu hơn. Lúc này, răng sữa chính là công cụ chủ yếu giúp trẻ nhai, cắn và tiêu hóa thức ăn.

Suy nghĩ rằng chỉ răng vĩnh viễn mới quan trọng thật sai lầm vì răng sữa là tiền đề để mọc răng vĩnh viễn. Nó giúp răng vĩnh viễn mọc đều hơn, không chen chúc. Thông thường, một răng sữa mọc lên và đứng trên cung hàm.

Chăm sóc răng cho trẻ đúng cách. (Ảnh: Internet)
Chăm sóc răng cho trẻ đúng cách. (Ảnh: Internet)

Sau vài năm, chân răng bắt đầu tiêu dần, chuẩn bị nhường chỗ cho một mầm răng vĩnh viễn sẽ trồi lên ngay đúng vị trí đó. Nếu răng sữa bị hỏng và phải nhổ sớm, mầm răng vĩnh viễn bên dưới chưa lớn kịp nên không mọc ngay được, lỗ nhổ răng đó bị bít lại và cứng chắc. Mầm răng vĩnh viễn mọc lên sẽ gặp khó khăn, mọc chậm và đôi khi mọc lệch. Tiền đề bao giờ cũng rất quan trọng.Răng sữa còn giúp trẻ phát âm. Nếu răng sữa bị hỏng sớm, phải nhổ, trẻ có thể nói ngọng.

Những vấn đề thường gặp khi bé mọc răng

Lúc mọc răng, mỗi bé có một cách phản ứng riêng, không bé nào giống bé nào. Một số bé bị đau nướu trong khi nhiều bé lại vượt qua giai đoạn này một cách dễ dàng. Chảy nước dãi nhiều. má bị đỏ, đau ngứa lợi, khóc nhiều hơn bình thường là những biểu hiện thường thấy ở trẻ trong quá trình mọc răng sữa

Nếu bé quấy khóc nhiều, bạn có thể đưa bé đi khám bác sĩ để có cách giúp bé giảm đau khi mọc răng. Hiện nay, người ta vẫn còn đang tranh cãi việc mọc răng có gây tiêu chảy hoặc bị nổi rôm sảy hay không. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, mọc răng không hề gây cho bé bị sốt cao, ho, co giật hay bất cứ một triệu chứng nghiêm trọng nào khác. Nếu xuất hiện các triệu chứng này cần nhanh chóng đưa bé đi khám bác sĩ, bởi các triệu chứng này không phải là do mọc răng.

Răng sữa tốt , khỏe mạnh giúp cho răng vĩnh viễn mọc đúng chỗ . Răng sữa xấu sẽ làm cho răng vĩnh viễn mọc chen chúc

Làm sao giữ cho trẻ không bị sâu răng?

Kẻ thù chung của răng và nướu là các mảng bám răng. Mảng bám răng là một chất dính chắc chứa lớp vi trùng mỏng gây nên bệnh sâu răng. Mảng bám răng cùng với chất đường tạo nên axit tấn công phá hủy men răng gây nên lỗ sâu răng. Vì thế nên giảm bớt kẹo, bánh, thức ăn ngọt và nước uống có đường.

Tất cả các nhóm tuổi của trẻ đều có nguy cơ sâu răng, thường có khuynh hướng xảy ra ở trẻ ăn vặt và không có thói quen chải răng sau mỗi lần ăn.

Chăm sóc từ những chiếc răng đầu tiên rất quan trọng với trẻ. (Ảnh: Internet)
Chăm sóc từ những chiếc răng đầu tiên rất quan trọng với trẻ. (Ảnh: Internet)

Chải răng đúng cách với kem đánh răng có Fluor tối thiểu 2 lần một ngày rất quan trọng, cũng như cho trẻ ăn những thức ăn tốt như trái cây ngũ cốc, giảm thiểu những thức ăn có đường cũng giúp phòng ngừa sâu răng.

Nên chải răng cho trẻ như thế nào?

Để ngăn ngừa sự thành lập mảng bám, thì điều quan trọng nên làm là chải sạch kỹ lưỡng răng và nướu mỗi ngày ít nhất 2 lần. Khi chải răng cần nhớ là mỗi răng của chúng ta có đến 5 mặt: Mặt ngoài, mặt trong, 2 mặt bên gần xa và mặt nhai (răng cối), hay bờ cắn (răng cửa). Và chỉ có một cách duy nhất chắc chắn giúp ta phòng ngừa bệnh lý răng miệng là làm sạch tất cả các mặt của răng. Hiện nay có nhiều kỹ thuật chải răng khác nhau và tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến nha sĩ điều trị cho bạn để biết mình nên theo phương pháp chải răng nào là phù hợp nhất khi chải răng. Chải mặt ngoài các răng cửa, đặt bàn chải nghiêng một góc 45 độ hướng về phía bờ nướu.

Bắt đầu chải mặt nhai với bàn chải trẻ em có sợi lông mềm, dùng động tác đẩy tới lui với biên độ ngắn.

Chải mặt trong các răng cửa dưới , giữ bàn chải thẳng đứng , dùng phần đỉnh bàn chải chải nhẹ theo hướng từ nướu đến bờ cắn. Phải chắc chắn rằng các răng sau và nướu được làm sạch đúng mức. Nên thay bàn chải của trẻ khi lông bàn chải bắt đầu toe ra, thường thì mỗi 3 tháng một lần.

Trẻ 3-4 tuổi có thể tự chải răng nhưng nên có sự giúp đỡ của bố mẹ . Để chải răng dễ dàng nên hướng dẫn cho trẻ cách chải răng đơn giản như động tác xoay tròn nhỏ.

Thầy thuốc Việt Nam

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận