Chăm sóc sức khỏe người bệnh ung thư
Bs. Bùi Nguyên Kiểm, Nguyên Trưởng khoa Nội –Bệnh viện Xanh Pôn, chuyên gia tư vấn Chương trình truyền thông “Vì sức khỏe người Việt” đã trả lời các câu hỏi từ khán giả gửi về chương trình Thầy thuốc tư vấn với chủ đề : Chăm sóc sức khỏe người bệnh ung thư.
Câu 1: Xin bác sĩ có thể tư vấn cách chăm sóc bệnh nhân K cổ tử cung giai đoạn 3A mới được phẫu thuật, nhưng phải truyền hóa chất.
Nick facebook Hồng Anh Thư – Bắc Ninh
Trả lời
Với trường hợp của bạn, Bạn nên tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ điều trị. Xin lưu ý 2 vấn đề. Ngoài việc nghỉ ngơi, vệ sinh bạn cần chăm sóc tốt về dinh dưỡng để bù lại việc hao hụt năng lượng do các khối u gây ra. Ăn uống đầy đủ thực phẩm có nhóm chất như đạm, bột đường, béo, vitamin và khoáng chất, uống nhiều nước, tập thể dục thể thao, cơ thể được thoải mái, đầu óc được thư giãn…để từng bước cải thiện sức khỏe. Ngoài ra, bạn có thể tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa di căn và tái phát của bệnh bằng biện pháp miễn dịch sinh học tế bào.
Câu 2: Tôi bị ung thư tuyến giáp,đã điều trị hai lần rồi mà không giảm, tôi xét nghiệm lại bị đốt biển gen không đáp ứng với 131. Vậy xin hỏi có phải là tôi hết thuốc chữa rồi phải không bác sĩ?
Nick Facebook Huyền Trang
Trả lời
Ung thư tuyến giáp chỉ chiếm 1% trong toàn bộ các loại ung thư nhưng lại chiếm đến 90% ung thư của các tuyến nội tiết. Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân ung thư tuyến giáp thấp… Đối với ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, tỷ lệ sống sau 5 năm là trên 90 %. Ung thư tuyến giáp có thể điều trị thành công, triệt căn bằng phẫu thuật và điều trị bổ trợ với I-131 kể cả với bệnh nhân ở giai đoạn tiến triển. Với trường hợp của bạn, điều trị bằng bằng I 131 không hiệu quả có thể điều trị bằng : hóa chất động mạch, cấy hạt phóng xạ.
Câu 3: Xin hỏi bác sĩ, sau khi cắt trọn tuyến giáp và có vết hạch 2 bên, sau đó điều trị iot 131. Nếu bệnh nhân đó tiếp tục có hạch nữa thì hướng điều trị là mổ hay uống iot 131 nữa ạ?
Nick facebook Mai Lan – Rạch Giá
Trả lời
Phẫu thuật và điều trị I-131 là hai phương pháp chính điều trị K tuyến giáp trạng, nhưng những phương pháp này cũng có khi không hiệu quả. Trong tình huống này, xạ trị ngoài là phương pháp có thể áp dụng để điều trị di căn xương và các di căn khác. Điều trị xạ trị có thể làm giảm tốc độ phát triển và sự lan tràn của tế bào ác tính. Ngoài ra, điều trị đích cũng là một phương pháp mới đang được nghiên cứu và bước đầu ứng dụng cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp giai đoạn tiến triển. Ngoài ra, có thể điều trị bằng : hóa chất động mạch, cấy hạt phóng xạ.
Câu 4: Thưa bác sĩ, Bệnh nhân K vòm sau xạ trị nên có chế độ dinh dưỡng như thế nào để tăng cường sức khỏe. Người bệnh có nên kiêng gì hay hạn chế ăn gì không?
Email lesang1989@gmail.com
Trả lời
Bệnh nhân K vòm họng sau xạ trị nên ăn thức ăn lỏng để dễ nuốt và dễ tiêu hóa như các loại soup, nước ép nho, và các loại thực phẩm nhạt như thịt gà, gạo trắng, bột yến mạch, bánh quy giòn và khoai tây.
– Sau khi hóa trị, xạ trị người bệnh dễ bị nôn, ói mửa khi ngửi thấy mùi thức ăn. Vì vậy, khi chế biến thức ăn có thể thêm các loại thảo mộc như lá bạc hà….vào trong các món tanh để khử mùi. Hoặc những món ăn ít mùi vị có thể thêm thảo mộc, gia vị tỏi, gừng, húng quế, vỏ chanh, nghệ…không gây kích ứng niêm mạc họng để tăng cảm giác thèm ăn cho người bệnh
Ngoài chế độ dinh dưỡng ra bạn nên có chế độ tập luyện sức khỏe và vận động cơ bắp phù hợp, tùy theo tình trạng của từng người.
– Tránh hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích rượu bia.
– Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ và giữ sức khỏe tốt, vệ sinh răng miệng, họng sạch sẽ hằng ngày.
Câu 5: Chào bác sĩ, bác sĩ có thể tư vấn giúp tôi cách ăn uống cho bệnh nhân K giúp thể nhú giai đoạn T1 A, cắt toàn bộ tuyến giáp, chưa điều trị iot 131. Cảm ơn bác sĩ.
Nick facebook Trần Huyền – Thanh Hóa
Trả lời
Sau khi điều trị ung thư tuyến giáp, đặc biệt đối với những người điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, người bệnh không nên ăn những đồ ăn cay nóng, những loại thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt hun khói, những thực phẩm được chế biến dưới nhiệt độ cao.
Hạn chế Những nhóm thực phẩm nhiều dầu mỡ. Các loại đồ uống có ga và những chất đạm có nguồn gốc từ động vật.
Bên cạnh đó, Người bệnh cần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng và các vitamin và khoáng chất để có thể giữ trọng lượng, dưới đây là một số nhóm thực phẩm nên bổ sung đối với người bệnh ung thư tuyến giáp như:
- Muối i-ốt.
- Thực phẩm từ sữa, bao gồm phô mai, sữa, sữa chua, kem và bơ
- Bánh mì
- Sôcôla
- Khoai tây
- Cá và hải sản
- Đậu nành và các sản phẩm từ đậu khác
- Lòng đỏ trứng
Nên bổ sung các thực phẩm tươi sống, đặc biệt là các loại thịt, trái cây và rau quả. Người bệnh nên xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ các loại thực phẩm tươi có ít chất béo và calo.
Câu 6 : Bác sĩ ơi, bố tôi năm nay 60 tuổi, ông bị ung thư dạ dày. Trong quá trình hóa xạ trị bố tôi thường bị lở loét miệng, sau đó là sốt cao trên 38 độ, cơ thể mệt mỏi. Dù đã thực hiện nhiều cách xử trí nhưng tình trạng không đỡ. Theo bác sĩ, bố tôi nên làm gì?
Email nguyendiep80@gmail.com
Trả lời
Với trường hợp của bạn nên kết hợp điều trị giảm đau, giữ vệ sinh răng miệng, không để khô miệng, sử dụng thuốc kháng nấm, thuốc chống virút
Trong quá trình hoá trị ung thư, bạn nên ăn nhiều rau hoa quả, ăn súp, cá và trứng, sữa chua, uống nước chanh, ngũ cốc nguyên hạt.
Trường hợp khô miệng: cần ăn thức ăn mềm, xay nhuyễn; trong lúc ăn cần uống từng ngụm nước hoặc canh để nuốt dễ dàng hơn; nên ăn chậm và không dùng thức ăn nóng hay lạnh.
Trường hợp bị đau và nhiễm trùng vùng miệng: cần ăn đồ tráng miệng hoặc trái cây ướp lạnh, chăm sóc răng miệng sau mỗi bữa ăn với bàn chải răng mềm, súc miệng với nước muối pha loãng. Không sử dụng các loại nước súc miệng chứa cồn. Đặc biệt tránh những loại thức ăn khô, cứng, quá cay, quá mặn; các loại trái cây và nước ép có vị chua.