Chàm tổ đỉa – nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Chàm tổ đỉa là một tình trạng phổ biến gây ra mụn nước và ngứa da ở vị trí ngón tay, ngón chân, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Nó có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Trong một số trường hợp, các triệu chứng sẽ biến mất sau vài tuần mà không cần điều trị hoặc chỉ cần sử dụng kem dưỡng da tay. Thường xuyên hơn, nó xảy ra trong nhiều tháng hoặc nhiều năm gây khó chịu và đau đớn cho người bệnh.

1. Nguyên nhân gây bệnh chàm tổ đỉa

Một số yếu tố có thể gây chàm tổ địa

Nguyên nhân thực sự của chàm tổ đỉa vẫn chưa được biết, tuy nhiên có một số yếu tố liên quan có thể gây nên chứng bệnh này, bao gồm:

  • Di truyền: bệnh chàm tổ đỉa có yếu tố di truyền. Nghĩa là bạn có nguy cơ bị chàm tổ đỉa cao hơn những người khác nếu trong gia đình mình có người bị bệnh, chẳng hạn như ông bà, bố mẹ, hoặc anh chị.
  • Do cơ địa: đối với một số người mắc bệnh hen suyễn, viêm gan, viêm da dị ứng,… sẽ có khả năng mắc chàm tổ đỉa. Ngoài ra đề kháng yếu, sinh hoạt không điều độ, hay ở những người đổ nhiều mồ hôi tay chân do rối loạn thần kinh giao cảm hoặc làm việc trong môi trường nóng ẩm kéo dài cũng sẽ tạo điều kiện cho chàm tổ đỉa xuất hiện.
  • Do dị nguyên: tiếp xúc với các chất kích thích gây hại cho da, ví dụ như xà phòng, chất tẩy rửa, kim loại; người tiếp xúc thường xuyên với dung môi ẩm, muối kim loại như coban, niken, crom,… cũng có thể làm bệnh chàm tổ đỉa khởi phát.

Bên cạnh những nguyên nhân phổ biến trên, bệnh chàm tổ đỉa cũng có thể bùng phát ở những người sống trong môi trường độc hại bị ô nhiễm (nguồn đất, nước bị ô nhiễm…), người bị căng thẳng, stress quá mức hoặc do các tác dụng phụ của thuốc trị bệnh.

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh chàm tổ đỉa

Thông thường, triệu chứng đầu tiên của bệnh chàm tổ đỉa là ngứa đột ngột ở hai bên ngón tay, ngón chân hoặc lòng bàn tay, lòng bàn chân. Tiếp theo, các mụn nước nhỏ chứa đầy chất lỏng (mụn nước) có thể bắt đầu xuất hiện.

Các mụn nước nhỏ ở ngón tay và bàn tay trong bệnh chàm tổ đỉa

Các mụn nước nhỏ từ 1-2mm, thường đối xứng, không có ban đỏ đi kèm và chúng không xuất hiện ở những nơi khác trên cơ thể. Mụn nước có thể liên kết lại thành mụn nước lớn hơn. Mụn nước gây ngứa dữ dội, đau nhức và có xu hướng vỡ ra khi gãi, cào hoặc ma sát. Các mụn nước thường biến mất sau 2-3 tuần sau đó khô lại và bong ra.

Một số người có các triệu chứng này diễn ra nhiều lần trong năm. Theo thời gian, có thể dẫn đến nhiều triệu chứng, chẳng hạn như:

  • Da vùng tổn thương đỏ, cứng
  • Da bong tróc thành từng mảng lớn
  • Xuất hiện các vết nứt trên da
  • Thay đổi màu sắc móng tay

3. Bệnh chàm tổ đỉa có lây không?

Theo bác sĩ chuyên khoa, bệnh chàm tổ đỉa không lây lan qua các con đường tiếp xúc thông thường. Do đó ngay cả khi các mụn nước bị vỡ ra và người bệnh tiếp xúc trực tiếp với người đối diện thì bệnh cũng không có khả năng lây lan cho họ.

Đối với người bệnh, chàm tổ đỉa ở tay, chân thường chỉ lây lan rộng hơn khi bệnh nhân thường xuyên cào và gãi mạnh sẽ khiến các mụn tăng về số lượng trên da. Tuy nhiên bệnh chỉ xuất hiện trên da vùng tay và chân người bệnh chứ không lây lan ra vùng khác trên cơ thể.

4. Bệnh chàm tổ đỉa có nguy hiểm không?

Chàm tổ đỉa tuy không gây nguy hiểm cho tính mạng nhưng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tâm lý người bệnh.

Bệnh gây ngứa nhiều nên ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như có thể làm người bệnh mất ngủ do ngứa qua đó giảm tập trung trong công việc và học tập. Bên cạnh đó nếu bệnh lan rộng, các nốt mụn nhỏ sẽ hình thành nốt mụn to, phồng rộp và vỡ nước gây đau rát. Nếu không xử lý đúng cách có thể gây nhiễm trùng.

Tổn thương lan rộng hình thành nốt mụn to, phồng rộp

Khi mụn nước nằm kề hoặc gần móng tay hoặc chân có thể gây viêm quanh móng và loạn dưỡng móng. Tình trạng trên không được điều trị kịp thời có thể gây biến dạng  móng tay, móng chân.

Ngoài ra bị chàm tổ đỉa còn khiến người bệnh cảm thấy mặc cảm, mất tự tin khi giao tiếp vì bệnh diễn ra ở vùng da hở (tay, chân) gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng.

5. Bệnh chàm tổ đỉa được điều trị bằng cách nào?

Bệnh chàm tổ đỉa là bệnh có tính chất dai dẳng và dễ tái phát. Bệnh gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, tâm lí và ngoại hình bệnh nhân. Vì vậy người bệnh cần được thăm khám và điều trị sớm nhằm giảm triệu chứng gây khó chịu và phòng ngừa biến chứng có thể xảy ra.

5.1. Sử dụng thuốc điều trị bệnh chàm tổ đỉa

Trong giai đoạn đầu của bệnh hoặc trong trường hợp bệnh nhẹ, có thể sử dụng các thuốc bôi ngoài da như:

  • Sử dụng dung dịch xanh methylen bôi lên vết thương hoặc ngâm vùng da bị bệnh vào dung dịch thuốc tím loãng với tỷ lệ pha được bác sĩ chỉ định.
  • Bồi cồn BSI 1-3% lên vùng da tổn thương để sát khuẩn và làm bong tróc da.
  • Đối với phần mụn bị vỡ và có nguy cơ nhiễm trùng cần sử dụng dung dịch jarish để đắp lên vùng da bị tổn thương, dùng thêm kháng viêm và kháng sinh dạng bôi nhằm ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn xảy ra.

Sử dụng thuốc bôi ngoài da trong điều trị chàm tổ đỉa

Trong trường hợp bệnh chàm tổ đỉa diễn biến nặng và nghiêm trọng như mụn phồng to gây lở loét, mụn nhiễm trùng hoặc có mủ bên trong, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định một số loại thuốc nhằm cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng, bao gồm:

  • Một số thuốc chống nhiễm khuẩn ngoài da: dung dịch Jarish, cồn BSI 1 – 3%, Milian, thuốc tím pha loãng, xanh methylen 1%…
  • Kháng sinh, kháng histamin, corticoid dạng uống phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn lan rộng
  • Thuốc giảm đau trong trường hợp bệnh nhân bị loét da gây đau nhiều
  • Một số loại thuốc chống nấm ngoài da như clotrimazol, ketoconazol,…

5.2. Phòng tránh các yếu tố làm trầm trọng bệnh và thay đổi thói quen sinh hoạt

Việc ra mồ hôi nhiều ở tay và chân dễ tạo điều kiện cho chàm tổ đỉa bùng phát. Do đó cần giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, chú ý làm sạch lòng bàn tay và bàn chân bằng các sản phẩm dịu nhẹ. Luôn giữ cho tay và chân luôn khô thoáng.

Ăn uống đủ dưỡng chất và cân bằng. Bổ sung nhiều vitamin C và E từ các loại rau củ quả tươi nhằm tăng cường sức đề kháng; uống nhiều nước, có thể dùng thêm các loại nước thanh lọc cơ thể, bài trừ độc tố.

Nghỉ ngơi và tập thể dục đều đặn nhằm nâng cao sức khỏe. Điều chỉnh thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Tập yoga, ngồi thiền, đọc sách,… có thể giúp bạn giải phóng suy nghĩ tiêu cực, tránh căng thẳng và stress trong cuộc sống, qua đó giúp quá trình phục hồi bệnh nhanh chóng và hiệu quả.

BS Nguyễn Thị Thu Hiền

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận