Tìm hiểu về bệnh viêm xoang cùng GS.TS Phạm Kiên Hữu
Bệnh viêm xoang không chỉ gây ra các triệu chứng khó chịu mà còn ảnh hưởng dai dẳng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh thường tiến triển mạn tính và khó điều trị dứt điểm. Cùng GS.TS Phạm Kiên Hữu tìm hiểu về những điểm mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh viêm xoang.
Nội dung bài viêt
- 1. Viêm xoang là một bệnh phổ biến trong cộng đồng
- 2. Vậy bệnh viêm xoang nên được hiểu ra sao?
- 3. Bệnh viêm xoang là một vấn đề nghiêm trọng của sức khỏe
- 3.1. Nhận thức của cộng đồng đối với bệnh viêm xoang
- 3.2. Bệnh viêm xoang ảnh hưởng như thế nào tới cuộc sống của người bệnh?
- 4. Những tiến bộ trong chẩn đoán viêm xoang hiện nay
- 4.1. Việc chẩn đoán viêm xoang trước kia
- 4.2. Việc chẩn đoán viêm xoang hiện nay
- 5. Việc điều trị bệnh viêm xoang ngày nay cũng đã có thêm những tiến bộ mới
- 5.1. Đã có những kháng sinh mới có hiệu quả diệt khuẩn cao
- 5.2. Phẫu thuật mũi – xoang
- 5.3. Phẫu thuật nội soi mũi – xoang
- 6. Bệnh nhân có vai trò tích cực trong việc điều trị bệnh của chính mình
1. Viêm xoang là một bệnh phổ biến trong cộng đồng
Ở nước ta, tỷ lệ viêm xoang trong dân số chưa được thống kê đầy đủ. Tại Mỹ, bệnh viêm xoang là một trong số những bệnh thường gặp nhất, xếp trên cả bệnh tim và bệnh đau đầu migraine. Năm 2001, ở Mỹ có 35 triệu người lớn bị viêm xoang. Năm 2004, một số liệu khác của Hoa Kỳ là 17,4 triệu.
Một thống kê khác cho biết: số viêm xoang tăng vọt và có xu hướng ngày một tăng chủ yếu do tình trạng ô nhiễm môi trường; hàng năm có khoảng 800.000 trường hợp cấp cứu do viêm xoang; mỗi năm mất khoảng 25 triệu ngày công do người lao động phải nghỉ việc vì viêm xoang.
Bệnh viêm xoang gặp nhiều nhất ở độ tuổi từ 20 đến 65, nhiều hơn hẳn so với độ tuổi trẻ em, tuổi vị thành niên hoặc tuổi già. Bệnh viêm xoang có thể xảy ra ở tất cả mọi tầng lớp, mọi nghề nghiệp từ thầy giáo, công nhân, cảnh sát, kỹ sư… cho đến các bác sĩ và nhân viên y tế.
2. Vậy bệnh viêm xoang nên được hiểu ra sao?
- Biểu hiện của viêm xoang
Viêm xoang là tình trạng viêm nhiễm xảy ra bên trong các xoang cạnh mũi. Viêm xoang là thuật ngữ dùng chỉ tình trạng viêm của niêm mạc lót bên trong các xoang cạnh mũi. Vì niêm mạc của mũi và các xoang thông thương với nhau, có cùng cấu tạo và có phản ứng tương tự đối với sự xâm nhập của vi trùng nên hầu hết bệnh nhân viêm xoang cũng có viêm mũi kèm theo, bởi vậy ngày nay người ta thường dùng thuật ngữ viêm mũi – xoang thay cho viêm xoang.
3. Bệnh viêm xoang là một vấn đề nghiêm trọng của sức khỏe
- Viêm xoang có nguy hiểm không?
3.1. Nhận thức của cộng đồng đối với bệnh viêm xoang
Tuy là một bệnh phổ biến, nhưng đến nay bệnh viêm xoang vẫn chưa được chú ý đúng mức. Mặc dù có ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống và kinh tế của rất nhiều người, nhưng vì ít gây nguy hiểm chết người nên bệnh viêm xoang vẫn chưa được sự chú ý của cộng đồng. Đó là một thiếu sót cần được khắc phục.
Người bệnh khi đi khám thường hay than phiền là các triệu chứng khó chịu của họ bị mọi người xem nhẹ, coi họ như những kẻ hay ca cẩm than vãn mà thôi. Thật ra chỉ khi bị viêm xoang thì bạn mới thấm thía được với nỗi khổ của những người mắc phải căn bệnh này.
3.2. Bệnh viêm xoang ảnh hưởng như thế nào tới cuộc sống của người bệnh?
Một nghiên cứu của Hoa Kỳ đánh giá và so sánh chất lượng cuộc sống của người bị viêm xoang với người mắc một số bệnh mạn tính khác cho thấy: bệnh viêm xoang làm suy giảm chất lượng cuộc sống ở mức độ cao nhất khi đem so với nhóm bị bệnh tim mạch, bệnh đau lưng hay các bệnh phổi mạn tính khác. Bệnh viêm xoang còn được xếp vào nhóm bệnh có ảnh hưởng nặng nhất đối với hoạt động xã hội, tuổi lao động, năng suất lao động và sức khỏe tinh thần của người bệnh.
4. Những tiến bộ trong chẩn đoán viêm xoang hiện nay
4.1. Việc chẩn đoán viêm xoang trước kia
Trước đây, các bác sĩ rất khó để chẩn đoán được chính xác bệnh viêm xoang. Các phim chụp X-quang kinh điển được sử dụng rộng rãi trước đây không thể cho thấy hình ảnh rõ ràng của tắc nghẽn tại các xoang. Vì thế, một số lớn bệnh nhân viêm xoang đã bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác, chẳng hạn như nhức đầu vận mạch, thậm chí còn được chẩn đoán là không có bệnh viêm xoang.
4.2. Việc chẩn đoán viêm xoang hiện nay
Những tiến bộ khoa học gần đây đã giúp cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh viêm xoang đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Từ khi áp dụng hai kỹ thuật mới dưới đây, khả năng chẩn đoán chính xác các trường hợp bệnh viêm xoang đã tăng lên đáng kể, đó là:
– Ứng dụng ống nội soi trong chẩn đoán và điều trị bênh viêm xoang.
Nhờ ống nội soi, các bác sĩ tai mũi họng có thể quan sát rõ ràng hình ảnh các cấu trúc bên trong hốc mũi, qua đó đánh giá được tình trạng dẫn lưu của các xoang cũng như các biến đổi do bệnh gây nên.
– Sự ra đời của chụp cắt lớp (chụp CT) hốc mũi
Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh chính xác đến từng chi tiết về cấu trúc và các dấu hiệu bệnh lý bên trong các xoang. Ngày nay, các phim X-quang kinh điển đã được thay thế dần bằng kỹ thuật chụp CT các xoang.
5. Việc điều trị bệnh viêm xoang ngày nay cũng đã có thêm những tiến bộ mới
Ngày nay, bệnh nhân có thể dễ dàng chọn lựa một trong các phương pháp điều trị được các bác sĩ đề ra, có thể mua dễ dàng các dụng cụ vệ sinh mũi cho cá nhân tại các hiệu thuốc, cũng có thể tìm mua các máy khí dung tại các cửa hàng bán dụng cụ y tế để sử dụng phun các thuốc (như thuốc kháng sinh, kháng nấm…) với nồng độ cao vào trong các xoang để có được hiệu quả điều trị tốt nhất.
5.1. Đã có những kháng sinh mới có hiệu quả diệt khuẩn cao
Nhờ vậy các bác sĩ tai mũi họng có thể dễ dàng chọn lựa giữa vô vàn kháng sinh một vài loại kháng sinh thích hợp nhất có thể điều trị nhanh chóng tình trạng nhiễm khuẩn mũi – xoang.
5.2. Phẫu thuật mũi – xoang
Đối với những bệnh nhân không đáp ứng với các biện pháp điều trị nội khoa như rửa xoang và dùng thuốc thì cần phải phẫu thuật.
Trước kia, bệnh nhân mổ xoang phải chịu nhiều thử thách. Trước hết, bệnh nhân phải chịu một đường rạch trên da mặt hoặc trong gờ lợi niêm mạc miệng. Phẫu thuật xoang theo phương pháp cũ là một phẫu thuật triệt căn, sau mổ mặt bệnh nhân sưng bầm, thời gian lành thương rất lâu. Bệnh nhân cuối cuộc mổ phải nhét một đoạn bấc gạc rất dài vào trong mũi, bệnh nhân do đó phải thở qua đường miệng và khá đau khi rút bấc gạc vài ngày sau đó.
Chính vì vậy, ở nước ta, từ năm 1974 GS Trần Hữu Tước với bài giảng về “Đặc điểm bệnh lý Tai Mũi Họng” đã khuyến cáo ngành Tai Mũi Họng nên chuyển hướng sang bảo tồn tối đa niêm mạc xoang.
5.3. Phẫu thuật nội soi mũi – xoang
Từ vài chục năm trở lại đây, một kỹ thuật mổ mới ra đời mang tên là phẫu thuật mổ xoang nội soi. Tùy theo mức độ lan rộng của viêm xoang, có thể chỉ cần một phẫu thuật giới hạn là làm sạch vùng ngách mũi giữa; hoặc có khi còn phải làm sạch các xoang khác (các xoang sàng, bướm, trán, hàm bị nghẹt).
Đây thực sự là một cuộc cách mạng về kỹ thuật đã làm thay đổi hẳn bộ mặt và kết quả điều trị của mổ viêm Với phẫu thuật xoang nội soi, các phẫu thuật viên có thể tiếp cận các xoang mặt và có thể xử trí hết sức chính xác các thương tổn qua ngả nội soi mũi, trong khi đó vẫn bảo tồn được các cấu trúc bình thường lân cận, giảm được tối đa các biến chứng như gây tổn thương cho mắt hay mô não đưa đến mù hay đột quỵ. Bệnh nhân sau mổ xoang nội soi rất ít khi phải nhét merocel cầm máu, phần lớn bệnh nhân chỉ cần nằm lại thêm một ngày sau mổ.
6. Bệnh nhân có vai trò tích cực trong việc điều trị bệnh của chính mình
Cho từng trường hợp bệnh, bác sĩ điều trị sẽ cân nhắc thận trọng giữa nhiều yếu tố (như bệnh sử, triệu chứng, tuổi, các bệnh kèm theo, nghề nghiệp cùng lối sống của người bệnh…) khả dĩ chọn ra một phương pháp điều trị tối ưu.
Bệnh viêm xoang có diễn biến mạn tính (“lai rai như tai mũi họng”) làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống của người bệnh. Do đó bản thân người bệnh có thể giữ vai trò tích cực trong việc điều trị bệnh của chính mình.
Thầy thuốc điều trị trước hết là một nhà tư vấn gần gũi, sẽ giải thích cặn kẽ mọi khía cạnh bệnh và trao đổi thẳng thắn với bệnh nhân mọi khả năng tốt và không tốt sẽ có thể xảy ra để bệnh nhân thoải mái chấp nhận biện pháp điều trị đề ra của thầy thuốc.
GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu
Giảng viên trường Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh
Trưởng khoa Tai – Mũi – Họng Bệnh viện Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh
Trích Tạp chí “Sống khỏe” số 1 – Bệnh viện Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh