Chứng rối loạn nhận thức thể giảm trí nhớ – Kiến thức cần biết
Suy giảm nhận thức nhẹ hay rối loạn nhận thức thể giảm trí nhớ có xu hướng ảnh hưởng đầu tiên đến trí nhớ ngắn hạn. Bệnh nhân gặp khó khăn trong việc ghi nhớ các cuộc hội thoại mới, các cuộc hẹn và vị trí của các vật dụng thông thường. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số kiến thức cần biết về chứng rối loạn nhận thức thể giảm trí nhớ.
Nội dung bài viêt
1. Rối loạn nhận thức thể giảm trí nhớ (suy giảm nhận thức nhẹ thể quên) là gì?
Suy giảm nhận thức nhẹ là một giai đoạn trung giữa suy giảm nhận thức rõ rệt của sự lão hoá và bệnh mất trí nhớ hoặc những sự suy giảm tương tự. Các vấn đề với bộ nhớ, ngôn ngữ, tư duy và phán đoán thường liên quan đến tình trạng này hơn những thay đổi thông thường theo tuổi.
Nếu không được điều trị kịp thời, các rối loạn này có thể làm suy giảm đáng kể chức năng nhận thức của cá nhân đến mức không thể hoạt động bình thường trong xã hội. Theo nghiên cứu, có đến 50% bệnh nhân suy giảm nhận thức nhẹ thể quên phát triển thành sa sút trí tuệ trong vòng 3 năm.
Suy giảm nhận thức nhẹ thể quên có thể phát triển thành sa sút trí tuệ
Xem thêm: Tổng quan về chứng rối loạn nhận thức
2. Biểu hiện chứng rối loạn nhận thức thể giảm trí nhớ
Các dấu hiệu rối loạn nhận thức thay đổi tùy theo từng chứng rối loạn cụ thể, một số biểu hiện thường gặp rối loạn nhận thức thể giảm trí nhớ bao gồm:
- Quên thường xuyên hơn, quên các sự kiện quan trọng (các cuộc hẹn, các hoạt động xã hội).
- Cảm thấy hoang mang trong việc đưa ra quyết định, lúng túng lập kế hoạch, đưa ra lời giải thích. Khả năng phán đoán, đánh giá kém đi.
- Các triệu chứng cảm xúc của các rối loạn nhận thức: Trở nên khó chịu, bốc đồng và hung hăng. Người bệnh thường phản ứng bằng những cảm xúc bộc phát, tự đặt mình vào thế cô lập, trong đó mất cân bằng cảm xúc là triệu chứng phổ biến nhất.
Biểu hiện mất cân bằng cảm xúc thường gặp trong chứng rối loạn nhận thức thể giảm trí nhớ
- Các triệu chứng kèm theo lo lắng, trầm cảm hay thờ ơ biểu hiện tăng dần. Trầm cảm và rối loạn nhận thức thể giảm trí nhớ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, một số bệnh liên quan đến trầm cảm dẫn đến rối loạn chức năng nhận thức thường biểu hiện ở mức độ nhẹ.
- Phối hợp vận động kém, đôi khi gặp khó khăn khi tìm đường. Người bệnh thường bị ảnh hưởng trong cả rối loạn nhận thức thần kinh và tâm lý, hành vi bất thường hoặc thiếu thăng bằng.
3. Nguyên nhân chứng rối loạn nhận thức thể giảm trí nhớ
Hiện nay, nguyên nhân gây rối loạn nhận thức thể giảm trí nhớ chưa cụ thể và rõ ràng. Suy giảm nhận thức nhẹ với các triệu chứng có thể duy trì ổn định trong nhiều năm, tiến triển thành bệnh Alzheimer, mất trí nhớ, một số trường hợp khác cải thiện theo thời gian.
Những rủi ro được xem như nguy cơ của suy giảm nhận thức nhẹ bao gồm:
- Tuổi càng cao nguy cơ càng tăng.
Tuổi càng cao có nguy cơ suy giảm nhận thức càng tăng
- Di truyền: tiền sử gia đình có người bị bệnh.
- Mất cân bằng nội tiết từ trong bụng mẹ.
- Tác động bởi các yếu tố của môi trường bên ngoài: thiếu chất dinh dưỡng, trong giai đoạn sơ sinh sự tương tác phát triển nhận thức dễ dẫn đến tổn thương.
- Một số tình trạng bệnh lý chẳng hạn như tăng huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ, tăng cholesterol hoặc bệnh tim.
- Lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…
- Chấn thương thể chất, tổn thương vùng não quy định chức năng nhận thức, những thay đổi về sinh lý thần kinh có thể dẫn đến những rối loạn nhận thức thể giảm trí nhớ.
Xem thêm: Rối loạn tăng động giảm chú ý là gì?
4. Cách khắc phục rối loạn nhận thức thể giảm trí nhớ
Hiện nay chưa có cách chữa trị khỏi hoàn toàn tình trạng này. Tuy nhiên, các biện pháp khắc phục dưới đây có thể làm giảm các triệu chứng gây khó khăn đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh:
- Biện pháp sử dụng thuốc: Những loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất là thuốc ngăn ngừa sự suy giảm thêm của trí nhớ, những loại thuốc điều trị chứng trầm cảm. Tuy nhiên việc dùng các loại thuốc này cũng không tránh khỏi tác dụng phụ như đau bụng, mất ngủ. Do đó, người bệnh cần được thăm khám đầy đủ và tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn thuốc có hiệu quả nhất.
- Hạn chế các tình trạng có thể ảnh hưởng đến chức năng tâm thần: theo dõi và điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ, tăng cholesterol, bệnh tim, điều trị trầm cảm, chứng ngưng thở lúc ngủ,…Xử lý những tình trạng này góp phần cải thiện trí nhớ, chức năng tâm thần nói chung và dễ dàng đối mặt với những thay đổi trong cuộc sống.
Theo dõi và điều trị các tình trạng bệnh lý khác ảnh hưởng đến chức năng tâm thần
- Chăm sóc sức khỏe ngay tại nhà, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng: lựa chọn những thực phẩm giúp bảo vệ sức khỏe tinh thần như: trái cây, rau xanh, chế độ ăn ít chất béo, tránh sử dụng các chất kích thích có hại cho sức khỏe.
- Tập thể dục, thể thao thường xuyên, đều đặn, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động xã hội giúp duy trì chức năng tinh thần và làm chậm lại quá trình suy giảm trí tuệ.
- Rèn luyện trí nhớ và tư duy qua đọc sách, chơi game, các hoạt động trí tuệ khác.
BS Chu Thị Thanh Hoài
Xem thêm: [Xem ngay] – Cách điều trị rối loạn nhận thức thần kinh