Đặc điểm và mức độ nguy hiểm của lupus ban đỏ dạng đĩa

Lupus ban đỏ dạng đĩa là tình trạng da bị tổn thương  dẫn đến xỉn màu, nổi gồ,… gây mất thẩm mỹ và giảm sự tự tin của người bệnh. Cũng như bệnh lupus nói chung, các phương pháp điều trị lupus ban đỏ dạng đĩa hiện nay chủ yếu nhằm giảm triệu chứng, hạn chế biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh.

1. Lupus ban đỏ dạng đĩa là gì?

Lupus ban đỏ dạng đĩa có tên tiếng anh là Discoid Lupus Erythematosus. Đây là một thể rất phổ biến của bệnh lupus ban đỏ da. Ban dạng đĩa thuộc nhóm bệnh tự miễn, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công làn da của người bệnh. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng tổn thương da lan rộng ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể. Các triệu chứng bệnh thường xảy ra liên tục trong thời gian dài, lặp đi lặp lại nhiều lần.  Ban dạng đĩa thường gặp hơn ở nữ giới. Lupus nếu không kiểm soát tốt bệnh hoàn toàn có thể tiến triển nặng và nguy hiểm đến tính mạng của người mắc.

Lupus ban đỏ dạng đĩa
Ban dạng đĩa là gì?

2. Lupus ban đỏ dạng đĩa khác gì với lupus ban đỏ hệ thống?

Lupus ban đỏ hệ thống là dạng lupus ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là xương, khớp, tim mạch, thận,… Các triệu chứng lupus ban đỏ hệ thống đa dạng và xuất hiện trên khắp cơ thể như sốt, khó thở, viêm khớp, ban đỏ cánh bướm trên mặt, rối loạn tâm thần, thậm chí là đột quỵ.

Lupus ban đỏ dạng đĩa là bệnh lành tính hơn so với lupus hệ thống. Da là cơ quan chịu tác động lớn nhất của bệnh, không có tổn thương trên các cơ quan khác. Tuy nhiên, các triệu chứng viêm da, tổn thương da của bệnh ban dạng đĩa thường có xu hướng nặng hơn so với bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Ngoài ra, bẹnh nếu không được điều trị, kiểm soát tốt hoàn toàn có thể tiến triển thành lupus ban đỏ hệ thống trong tương lai.

3. Các loại lupus ban đỏ dạng đĩa phổ biến

Dựa trên các triệu chứng bệnh cũng như đặc tính, mức độ ảnh hưởng, ban dạng đĩa được chia thành hai dạng cơ bản:

Dạng thứ nhất: Lupus ban đỏ dạng đĩa cơ bản

Đây là tình trạng tổn thương cơ bản trên da được chia thành ba loại nhỏ gồm:

  • Tổn thương khu trú: Các tổn thương thường xuất hiện ở vùng cổ.
  • Tổn thương toàn thân: Các tổn thương xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.
  • Tổn thương lupus ban đỏ dạng đĩa thời thơ ấu: Các tổn thương do bệnh lupus ban đỏ ở trẻ em. Đây là thể lupus ban đỏ rất dễ tiến triển thành lupus ban đỏ hệ thống.

Dạng 2: Lupus ban đỏ dạng đặc biệt

Đây là những tổn thương đặc biệt trên da, được chia thành hai loại nhỏ gồm:

  • Lupus ban đỏ dạng đĩa phì đại: Các tổn thương trên lớp da, trong các tổn thương đó lại được một lớp vảy dày bao phủ. Bên trong cùng là chất sừng dày.
  • Lupus ban đỏ viêm mô mỡ (profundus): Đây là dạng tổn thương xuất hiện khi người bệnh vừa bị ban đạng đĩa vừa bị tác động bởi viêm mô mỡ dưới da.

4. Nguyên nhân gây bệnh lupus ban đỏ là do đâu?

Hiện nay cơ chế bệnh sinh bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa vẫn chưa được làm rõ. Các giả thuyết hiện nay được nhiều chuyên gia đồng tình là sự nhầm lẫn của hệ thống miễn dịch dẫn đến tự sản xuất các kháng thể chống lại các mô da khỏe mạnh của cơ thể. Một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh như:

  • Yếu tố gia đình: Người sinh ra trong gia đình có cha, mẹ, anh, chị, em mắc bệnh lupus ban đỏ thì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời.
  • Môi trường sống ô nhiễm.
  • Suy giảm hệ miễn dịch.
  • Rối loạn tâm lý, căng thẳng.
  • Rối loạn nội tiết.

5. Triệu chứng lupus ban đỏ dạng dĩa

Ban dạng đĩa đặc trưng bởi các tổn thương trên da với các triệu chứng như

  • Tổn thương hình đĩa tròn phẳng hoặc gồ lên trên bề mặt da.
  • Các vùng da tổn thương thường xỉn màu hoặc có màu đỏ tía, một số trường hợp có màu đỏ tươi như phát ban.
  • Mất sắc tố da ở trung tâm của đĩa nhưng màu sậm hơn ở vành đĩa.
  • Xuất hiện lớp sừng bên trong các nang lông.
  • Các tổn thương tiến triển có dấu hiệu của lớp vảy trắng, khô, dính.
  • Vùng da tổn thương có dấu hiệu bị teo, để lại sẹo lan rộng trên bề mặt da.
  • Vùng da bị tổn thương săn chắc.
  • Bất kỳ vị trí da nào trên cơ thể đều có nguy cơ bị tổn thương nhưng thường gặp nhất ở một số vị trí như: Gò má ở cả hai bên mặt, da đầu, hai bên trước tai, cả môi dưới, miệng, cả vòm miệng, âm hộ, mắt, mũi, sống mũi, lòng bàn chân, vùng ngực, vùng lưng. Nếu tổn thương ở da đầu có thể xuất hiện rụng tóc.
Khi mắc ban dạng đĩa có biểu hiện gì?
Khi mắc ban dạng đĩa có biểu hiện gì?

6. Bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa có nguy hiểm không?

Mặc dù được đánh giá tương đối an toàn trong nhóm các bệnh tự miễn nhưng nếu bệnh không được điều trị sớm, đúng cách có thể tiến triển thành bệnh lupus hệ thống và xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như:

  • Rối loạn sắc tố da.
  • Tăng nguy cơ ung thư biểu mô ở các vùng da bị tổn thương quá nhiều.
  • Suy giảm chức năng thận.
  • Viêm cơ, viêm khớp.
  • Tăng huyết áp.
  • Tổn thương dây thần kinh thị giác.
  • Viêm tụy, suy giảm chức năng tụy.
  • Viêm ngoại tâm mạc.

Xem thêm

Người bệnh lupus ban đỏ sống được bao lâu? Thầy thuốc Việt Nam giải đáp

7. Cách điều trị bệnh

Hiện nay chưa có thuốc điều trị hoàn toàn bệnh lupus ban đỏ, các thuốc điều trị hiện nay chủ yếu nhằm giảm triệu chứng, hạn chế hình thành sẹo, nâng cao chất lượng cuộc sống và ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng hơn. Dưới đây là một số nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị lupus ban đỏ dạng đĩa:

  • Corticoid: Nhóm thuốc này nhằm giảm tình trạng viêm, đau, giảm kích ứng da cũng như hạn chế các tổn thương tái phát. Eumovate, Diprosalic, Dermovate là một số thuốc chứa corticoid dùng tại chỗ. Các thuốc tại chỗ dùng bôi trực tiếp hoặc tiêm trực tiếp corticoid dạng tiêm vào vùng da tổn thương. Corticoid đường uống liều dưới 10mg/ngày đối với trường hợp bệnh dai dẳng, tái phát.
  • Thuốc ức chế Calcineurin: Thuốc có tác dụng ức chế hệ miễn dịch, giảm mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm trên dan. Thuốc thường được bào chế dưới dạng kiêm bôi ngoài tại chỗ dùng ngắn hạn hoặc dài hạn.
  • Thuốc kháng sốt rét tổng hợp: Có tác dụng rất tốt đối với người bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa nhằm kiểm soát tình trạng viêm và tình trạng rối loạn miễn dịch, cải thiện các tổn thương da, ức chế quá trình đóng vảy, làm dày sừng trên da. Tuy nhiên, nhóm thuốc này cần sử dụng lâu dài mới mang lại hiệu quả rõ rệt và theo dõi thị lực 3 tháng/lần trước, trong và sau quá trình điều trị.

Lupus ban đỏ dạng đĩa gây ra những tổn thương trầm trọng trên da nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh và ngăn ngừa các biến chứng. Thăm khám, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ kết hợp với chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh giúp người bệnh nhanh chóng trở về cuộc sống bình thường.

BS. Vũ Thị Anh Đào

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận