Đau bụng kinh và phương pháp giảm đau

Đau bụng kinh là biểu hiện hay gặp ở đa số phụ nữ khi đến chu kỳ hành kinh hàng tháng. Nhưng lại có sự khác biệt ở mức độ, thời gian kéo dài của tình trạng đau bụng. Vậy có phải ai cũng đều bị đau bụng khi hành kinh hay không? Cách làm giảm triệu chứng đau bụng kinh như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Đau bụng kinh có phải tình trạng thường gặp ở phụ nữ không?

Kinh nguyệt là tình trạng có máu xuất hiện ở âm đạo theo chu kỳ từ 28–35 ngày, đây là hiện tượng bình thường của tiến trình tự nhiên theo chu kỳ xảy ra ở phụ nữ khỏe mạnh giữa tuổi dậy thì và cuối tuổi sinh sản. Đau bụng trong thời gian hành kinh hay còn gọi thống kinh là triệu chứng thường gặp, chiếm khoảng 50% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

2. Biểu hiện khi đau bụng kinh như thế nào?

Thông thường những cơn đau bụng kinh sẽ có đặc điểm như sau:

  • Cơn đau diễn ra liên tục, âm ỉ, đau nhói, đau quặn, có cảm giác co thắt ở vùng bụng dưới,  nghiêm trọng có thể đau dữ dội.
  • Cơn đau hiện diện ở cả trước trong và sau chu kỳ kinh nguyệt với mức độ khác nhau, cụ thể là bắt đầu 1-3 ngày trước chu kỳ, mức độ đau mạnh nhất vào ngày đầu chu kỳ và giảm dần sau đó 1-3 ngày.
  • Đau vùng bụng dưới lan xuống đùi và vùng lưng dưới.

Bên cạnh những triệu chứng nêu trên, một số phụ nữ có thể gặp các vấn đề sau:

  • Đổ mồ hôi
  • Buồn nôn, chóng mặt, đau đầu.
  • Đi ngoài phân lỏng, tiêu chảy
  • Táo bón, đầy hơi, chướng bụng.
Những biểu hiện khi bị đau bụng đến kì kinh
Những biểu hiện khi bị đau bụng đến kì kinh

3. Nguyên nhân và cơ chế gây đau bụng kinh

Đau bụng đến kì hành kinh được chia làm hai loại bao gồm đau bụng nguyên phát và đau bụng thứ phát.

Đau bụng kinh nguyên phát là trường hợp đau bụng kinh thông thường, không do các bệnh lý vùng chậu. Cơn đau xảy ra vào thời kỳ kinh nguyệt khi quá trình thụ thai không diễn ra, lúc này tử cung phải co bóp thường xuyên để tống hết các phần tử niêm mạc tử cung đã bị hoại tử ra bên ngoài, tạo ra máu kinh nguyệt. Khi co bóp, các mạch máu được siết chặt lại, dẫn đến hạn chế máu và oxy đến. Sự thiếu oxy này phát ra tín hiệu kích thích cơ thể tiết ra các chất hóa học gây đau. Đồng thời, prostaglandin cũng được sản sinh, chất này tác động làm cho tử cung co thắt nhiều hơn dẫn đến cơn đau nhiều hơn. Một số phụ nữ và bé gái sẽ bị cơn đau bụng nhẹ, nhưng một số người khác thì có thể nặng hơn. Nguyên do thực sự thì chưa ai biết rõ, nhưng cũng có thể là vì một số phụ nữ tiết ra quá nhiều prostaglandin hoặc quá nhạy cảm với cơn đau.

Đau bụng kinh thứ phát là trường hợp đau bụng bệnh lý, do bất thường của cơ quan sinh dục hay tình trạng bệnh lý của cơ thể, thường gặp ở phụ nữ sau 30 tuổi. Bao gồm:

  • Lạc nội mạc tử cung: Thông thường, lớp nội mạc tử cung vốn ở bên trong tử cung, nhưng trong tình huống này lại lạc chỗ ra các vị trí khác bên ngoài tử cung như: Ống dẫn trứng, buồng trứng,…. gây ra đau bụng dưới.
  • U xơ tử cung: Khối u xơ phát triển trong tử cung có nguy cơ gây rong kinh và thống kinh.
  • Viêm vùng chậu: Khiến cho các cơ quan trong vùng chậu hông như tử cung, vòi trứng, buồng trứng bị viêm nhiễm.
  • Lạc tuyến nội mạc tử cung (adenomyosis): Là sự “lạc chỗ” của các tế bào thuộc lớp nội mạc tử cung vào lớp cơ tử cung, dẫn đến tình trạng đau bụng kinh thứ phát.
  • Dụng cụ tránh thai: Được đặt vào bên trong buồng tử cung để tránh khả năng thụ thai. Tuy nhiên, phương pháp này cũng là một trong những nguyên nhân gây ra đau bụng ngoài ý muốn, đặc biệt là với những chu kỳ kinh nguyệt sau khi đặt dụng cụ tránh thai.

Ngoài ra, chế độ ăn uống không khoa học trong những ngày hành kinh như ăn đồ cay nóng, ăn đồ lạnh, bụng không được giữ ấm… cũng có thể làm nặng thêm tình trạng này.

4. Cách chẩn đoán tình trạng đau bụng kinh

4.1. Đau bụng kinh nguyên phát

Thường gặp trẻ em tuổi dậy thì có kinh lần đầu tiên, xảy ra trong vòng 12 tháng sau khi bắt đầu có kinh nguyệt.

Đau thường xuất hiện ở vùng bụng dưới, đau thành từng cơn hoặc âm ỉ ở vùng lưng dưới. Có thể có buồn nôn hoặc nôn.

Các cơn đau thường bắt đầu trước khi hành kinh và kéo dài không quá 12 giờ. Khoảng 10% trường hợp đau có thể nghiêm trọng đến mức phải nghỉ việc. Trong hầu hết các trường hợp, đau thường có khuynh hướng giới hạn trong 2 ngày đầu tiên của kỳ kinh.

4.2. Đau bụng kinh thứ phát

Đau kinh xuất hiện vào độ tuổi trưởng thành, thường là khoảng một vài năm sau khi bắt đầu có kinh nguyệt, kèm theo một bệnh lý vùng chậu như viêm nội mạc tử cung, viêm vùng chậu, lạc nội mạc tử cung…

Thường có sự thay đổi khác nhau về mức độ và thời gian đau.

Đau có thể bắt đầu trước khi có kinh và tiếp tục kéo dài suốt thời gian hành kinh.

Khi nghi ngờ đau bụng kinh thứ phát thì bệnh nhân sẽ được thực hiện các kiểm tra tìm ra những bất thường bao gồm: Siêu âm, chụp CT, MRI hay thực hiện soi tử cung hay nội soi ổ bụng để kiểm tra toàn bộ vùng chậu.

Một số biện pháp làm giảm tình trạng đau bụng
Một số biện pháp làm giảm tình trạng đau bụng

5. Giải đáp làm sao để hết đau bụng kinh?

Đau bụng kinh thường không đáng lo ngại, cảm giác đau thường xuất hiện ở bụng dưới, và đôi khi xuất hiện ở phần lưng dưới và phần chân trên.

Cơn đau thường bắt đầu trước hoặc trong lúc hành kinh, và có thể kéo dài trong một ngày, có khi là vài ngày. Phần lớn phụ nữ đều chịu đựng được, nhưng đôi khi cơn đau có thể ảnh hưởng đến học hành và công việc.

Dưới đây là một vài gợi ý giúp giảm đau:

Làm nóng: Ngâm trong bồn tắm nước nóng, sử dụng miếng dán nóng hoặc chườm bụng bằng chai nước nóng.

Tập thể dục: Nghiên cứu cho thấy, tập thể dục có thể giúp giảm đau bụng kinh.

Giảm căng thẳng: Các hoạt động giảm bớt căng thẳng, chẳng hạn như xoa bóp, yoga và thiền định có thể giúp giảm đau của đau bụng kinh. Bạn cũng có thể massage để làm giảm đau nhức toàn thân. Hãy thử nhẹ nhàng massage vùng bụng bị đau theo vòng tròn.

Thức ăn bổ sung: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vitamin E và omega-3 bổ sung có thể giúp giảm đau bụng kinh.

Dùng thuốc giảm đau

Để giảm đau bằng thuốc hiệu quả, bạn có thể thử dùng các thuốc giảm đau không cần kê toa như paracetamol, NSAID hoặc aspirin. Những thuốc này đã được chứng minh giúp làm giảm đau bụng hành kinh và nghiên cứu chỉ ra rằng, thuốc có chứa 500mg paracetamol cộng với 65mg caffeine hiệu quả hơn hẳn thuốc chỉ chứa paracetamol.

Tiến hành tham vấn ý kiến bác sĩ khi nghi ngờ hay có các triệu chứng sau:

  • Đau dữ dội
  • Đau bụng kể cả khi chưa đến kỳ kinh
  • Khí hư âm đạo bất thường, đặc biệt là rất dày hoặc có mùi khó chịu
  • Sốt và đau vùng xương chậu

Các phương pháp điều trị cụ thể:

NSAIDs: Thuốc không steroid chống viêm (NSAID) có thể hữu ích trong việc làm giảm nỗi đau của đau bụng khi đến kì. Bác sĩ ban đầu có thể đề nghị dùng NSAIDs theo toa, chẳng hạn như ibuprofen (Advil, Motrin…) và naproxen (Aleve), với liều thường xuyên bắt đầu từ một ngày trước khi thời gian kinh bắt đầu. Toa NSAIDs, như acid mefenamic (Ponstel) cũng có sẵn.

Kích thích tố sinh điều khiển. Uống thuốc tránh thai chứa hormone ngăn chặn sự rụng trứng và giảm mức độ nghiêm trọng của đau bụng kinh. Những hormone này cũng có thể bằng cách tiêm, hoặc chèn vào trong âm đạo.

Phẫu thuật

Nếu đau bụng kinh là do một căn bệnh tiềm ẩn, chẳng hạn như endometriosis hoặc u xơ, phẫu thuật loại bỏ các tế bào bất thường có thể giúp giảm triệu chứng.

Xem thêm

Những điều cần biết về thuốc đau bụng kinh

6. Những phương pháp phòng tránh đau bụng khi hành kinh

  • Theo dõi sức khỏe để có phương án khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm những bất thường của cơ thể.
  • Giữ vệ sinh trong thời kỳ kinh nguyệt, tránh lao động thể lực hoặc vận động quá sức. Tuyệt đối không sinh hoạt vợ chồng trong thời kỳ kinh nguyệt và tránh những kiểm tra phụ khoa không cần thiết.
  • Làm tốt công tác tránh thai. Tránh nạo thai và phẫu thuật buồng tử cung (có thể dẫn đến dính niêm mạc tử cung và phát sinh chứng bệnh khác).
  • Giữ vệ sinh cá nhân, nhất là trong thời kỳ mang thai và sinh con. Tuyệt đối không sinh hoạt tình dục bừa bãi, tránh phát sinh chứng viêm tiểu khung và các chứng phụ khoa khác.
  • Giữ ấm cơ thể: Việc giữ ấm cơ thể sẽ giúp máu dễ dàng được lưu thông hơn, các cơ được thư giãn, quá trình co bóp của tử cung cũng sẽ diễn ra nhẹ nhàng hơn, chắc chắn các cơn đau sẽ thuyên giảm.
  • Chế độ ăn uống khoa học: Bạn nên bổ sung các loại vitamin, chất khoáng có chứa nhiều canxi như trái cây, rau xanh, cá,… Các cơn đau bụng kinh sẽ đến theo từng cơn, do vậy bạn cũng không nên để bụng quá đói hoặc ăn quá no. Bạn cũng cần hạn chế ăn đồ cay nóng.

BS. Phạm Hoa

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận