Đau bụng tiêu chảy: nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị
Tiêu chảy là bệnh lý không hề xa lạ, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên chính vì thế mà chúng ta dễ coi nhẹ khi bị đau bụng tiêu chảy. Nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh đau bụng tiêu chảy, hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để có được những thông tin hữu ích.
Nội dung bài viêt
1. Tiêu chảy cấp là gì?
Tiêu chảy được định nghĩa là đi ngoài phân lỏng hoặc toé nước từ 3 lần trở lên trong 24 giờ. Gọi là tiêu chảy cấp khi đi tiêu chảy xuất hiện đột ngột và đi ngoài phân lỏng kéo dài không quá 14 ngày.
2. Những nguyên nhân nào thường gặp dẫn tới tình trạng đau bụng tiêu chảy?
2.1 Đau bụng tiêu chảy do ngộ độc:
Thức ăn ôi thiu, chứa nhiều chất bảo quản thực phẩm hoặc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có chứa một lượng chất độc cho cơ thể. Khi ăn phải những loại thức ăn này, chất độc gây tổn thương đường ruột dẫn tới tình trạng đau bụng tiêu chảy.
2.2 Đau bụng tiêu chảy do bệnh đường tiêu hóa:
Nhiều bệnh lý ngay trên đường tiêu hóa có thể dẫn tới đi ngoài phân lỏng nhiều lần như viêm ruột, viêm dạ dày, bệnh đại tràng co thắt, ung thư đại tràng, không dung nạp đường lactose…
2.3 Đau bụng tiêu chảy cấp tính do nhiễm trùng:
Sự xâm nhập của vi khuẩn, virus, ký sinh trùng có trong thức ăn, nước uống hoặc ở trong đường tiêu hóa lâu ngày gây tổn thương đường tiêu hoá. Hậu quả là khả năng tái hấp thu nước và các chất dinh dưỡng giảm sút, gây đại tiện phân lỏng nhiều lần trong ngày, kèm sốt cao, đau bụng, rét run, đi ngoài phân lẫn máu.
tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn
2.4 Đau bụng tiêu chảy do yếu tố tâm lý:
Stress làm ruột tăng co bóp, biểu hiện là tình trạng đau bụng đi ngoài nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên không kèm theo sốt hay đi ngoài phân máu. Bệnh thường không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng tình trạng hay bị đi ngoài phân nát nhiều lần gây nhiều phiền toái cho người bệnh.
2.5 Đau bụng tiêu chảy do những nguyên nhân khác:
Dị ứng thực phẩm hoặc trong bệnh dị ứng với các chất khác ( phấn hoa, bụi nhà,…), sử dụng thuốc kéo dài như thuốc kháng sinh gây rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột cũng gây đại tiện phân lỏng nhiều lần, do bệnh lý khác như cảm cúm, ung thư, hoặc thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt,…
3. Các biểu hiện thường gặp khi bị đau bụng tiêu chảy?
3.1 Với trẻ nhỏ:
Tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ biểu hiện trẻ đi ngoài phân lỏng hoặc tóe nước từ 3 lần trở lên trong ngày, trẻ thường đi từ 10- 15 lần, nặng hơn có thể đi ngoài tới 20 lần một ngày. Phân có thể lẫn nhầy, lẫn máu, mùi tanh, mùi khẳm… tùy vào nguyên nhân gây tiêu chảy. Kèm theo đi ngoài nhiều lần, trẻ có thể đau bụng, quấy khóc, nôn, bú kém…
Khi có các biểu hiện dưới đây, các bậc phụ huynh cần khẩn trương đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám bệnh kịp thời:
- Trẻ ngủ li bì, khó đánh thức
- Trẻ vật vã quấy khóc nhiều
- Mắt trũng sâu, nhất là mi mắt trên
- Không bú, không uống nước được, hoặc bú hay uống nước rất ít
- Bú hoặc uống nước rất nhiều
- Nôn tất cả mọi thứ
- Đi ngoài kèm sốt, nôn nhiều
- Đi ngoài phân có máu
3.2 Đối với người lớn:
Tình trạng đau bụng tiêu chảy ở người lớn thường ít nguy hiểm hơn trẻ nhỏ nhưng người bệnh không nên chủ quan. Bệnh tiêu chảy ở người lớn có thể có những biểu hiện sau:
Đi ngoài phân lỏng, phân nát hoặc tóe nước, phân có thể lẫn nhầy hoặc máu.
- Đau bụng, mót rặn.
- Nôn mửa, buồn nôn.
- Sốt cao, sốt rét run.
- Mệt mỏi, sụt cân, hoa mắt chóng mặt.
Đi ngoài phân lẫn máu
4. Đau bụng tiêu chảy có nguy hiểm không:
Tình trạng đau bụng đi ngoài phân lỏng nhiều lần cấp tính có nhiều mức độ bệnh từ nhẹ đến nặng. Nếu đau bụng đại tiện phân lỏng mức độ nhẹ không gây nguy hiểm, bạn có thể điều trị tại nhà dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc mà không cần nhập viện. Ngược lại, khi tình trạng bệnh nặng rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Khi có những dấu hiệu như tiêu chảy phân máu, đau bụng dữ dội, sút cân, sốt cao, khát nước liên tục, tinh thần vật vã hoặc lờ đờ, cần đưa người bệnh tới ngay các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.
5. Nên làm gì khi bị đau bụng tiêu chảy:
Khi bị đau bụng đi ngoài cấp tính, cần đưa trẻ hoặc người bệnh đi khám càng sớm càng tốt để được bác sĩ chẩn đoán và phân độ bệnh. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc điều trị tại nhà khi không có sự hướng dẫn của thầy thuốc. Dưới đây là những việc nên làm khi bạn hoặc người thân gặp tình trạng đi ngoài phân lỏng nhiều lần:
5.1 Bổ sung đủ nước, điện giải khi đau bụng tiêu chảy:
Khi bị đau bụng đi ngoài phân lỏng, nên pha dung dịch Oresol uống theo đúng hướng dẫn để bổ sung lượng nước và điện giải cần thiết. Nếu không có sẵn Oresol, có thể thay thế bằng uống nước muối cháo, nước muối đường, nước dừa là những thức uống bổ sung nước và điện giải hợp lý cho người bị tiêu chảy. Đặc biệt lưu ý uống đủ nước trong thời tiết mùa hè hoặc khi gặp tình trạng đi ngoài phân tóe nước nhiều lần. Không tự ý truyền dịch khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Bổ sung đủ nước và điện giải khi bị tiêu chảy cấp
5.2 Điều chỉnh chế độ ăn khi đau bụng tiêu chảy:
Với trẻ nhỏ: đảm bảo vệ sinh cho trẻ khi bú mẹ, nấu chín kỹ thực phẩm đối với trẻ ăn dặm.
Với trẻ lớn và người lớn khi bị đau bụng đi ngoài nên ăn các món lỏng, dễ tiêu như cháo, súp, thịt xay, hoa quả… Hạn chế ăn rau sống, giá đỗ, đồ tanh sống hoặc thức ăn lạ. Tránh ăn các thực phẩm bị dị ứng, đồ ăn lâu ngày, đồ ăn bị ôi thiu, giảm sử dụng đồ uống có chứa caffein như chè, cà phê, nước tăng lực….
5.3 Giữ thói quen sinh hoạt lành mạnh:
Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, giữ tinh thần vui vẻ, tránh thức khuya, tránh lo nghĩ nhiều.
5.4. Giữ vệ sinh cá nhân:
Rửa tay đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Nguồn tại https://thaythuocvietnam.vn/
BS. Hoàng Ngọc Anh
Rất hay . Cảm ơn tác giả