Dấu hiệu bệnh tim ở trẻ em cần phải chú ý tới
Bệnh tim đang là mối hiểm hoạ cho sức khỏe cộng đồng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ em. Tuy nhiên với sự tiến bộ trong lĩnh vực y học, các dấu hiệu bệnh tim ở trẻ em có thể được phát hiện sớm, giúp trẻ có cuộc sống khỏe mạnh và bình thường. Dưới đây là thông tin giúp cha mẹ có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tim ở trẻ.
Nội dung bài viêt
1. Một số bệnh tim ở trẻ em cần biết
1.1. Bệnh tim bẩm sinh
Bệnh tim bẩm sinh là những khuyết tật ở tim hoặc mạch máu lớn, xảy ra do sự ngừng hoặc chậm phát triển của phôi tim trong thời kỳ bào thai.
Đây là dạng dị tật bẩm sinh phổ biến nhất, nguyên nhân có thể kể đến như do yếu tố di truyền, nhiễm độc trong quá trình mang thai, mẹ bị nhiễm bệnh trong thai kỳ.
Một số dấu hiệu trẻ bị tim bẩm sinh:
- Thở nhanh, khó thở, rút lõm lồng ngực, trẻ bú ít và ít khóc hơn bình thường
- Trẻ chậm phát triển thế chất, da xanh xao, khi trẻ khóc thì môi và đầu ngón tay ngón chân thường tím tái
Tuy nhiên hiện nay nhờ sự phát triển của khoa học, kỹ thuật siêu âm tim bẩm sinh có thể tiến hành từ tuần thứ 18 của thai kỳ
Siêu âm có thể phát hiện sớm trẻ bị tim bẩm sinh
Trẻ bị dị tật bẩm sinh có thể phát triển khoẻ mạnh, bình thường nếu được phát hiện và điều trị đúng cách. Tuỳ vào tình trạng cụ thế mà bác sĩ có thể tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị cụ thể, thông thường có các phương pháp sau: sử dụng thuốc, can thiệp qua da và phẫu thuật tim.
1.2. Suy tim
Suy tim là tình trạng bệnh lý mà cơ tim không đảm bảo quá trình bơm máu, dẫn đến việc không đáp ứng được sự chuyển hóa của các tế bào trong cơ thể.
Các triệu chứng của suy tim có thể dễ nhầm lẫn với các dấu hiệu bệnh tim ở trẻ em ở các bệnh lý khác. Do có chung các triệu chứng lâm sàng như: khó thở, mệt mỏi, bỏ bú, ói, ho, quấy khóc, nước da xanh xao, chậm phát triển thể chất. Tuy nhiên cũng có một số triệu chứng lâm sàng đặc trưng như:
- Sưng chân, mắt cá chân, mí mắt, mặt và đôi khi cả ở bụng.
- Thở nhanh bất thường. Khó thở khi thực hiện các hoạt động thường ngày, đặc biệt là đi bộ và leo cầu thang.
- Thay đổi nhiệt độ và màu da (thường là da lạnh, ẩm hoặc ra nhiều mồ hôi, nóng bừng,…).
Suy tim ở trẻ em là một bệnh lý nguy hiểm cần được phát hiện sớm để có hướng điều trị kịp thời và đúng với tình trạng tiến triển của bệnh.
1.3. Thấp tim
Bệnh thấp tim ở trẻ em là bệnh nhiễm trùng dị ứng do liên cầu beta nhóm A tan máu gây nên. Bệnh gây tử vong cao, hay tái phát và có di chứng nặng nề tại van tim.
Các dấu hiệu bệnh thấp tim ở trẻ em rất đa dạng, bao gồm:
- Sốt 38-400 C, có thể họng đỏ, vã mồ hôi, chảy máu cam, mệt mỏi, kém ăn
- Biểu hiện ở tim: tức ngực, khó thở, loạn nhịp tim
- Biểu hiện ở khớp: đau các khớp, thường gặp nhất ở đầu gối, mắt cá chân, khuỷu tay và cổ tay, đau ở khớp này di chuyển sang khớp khác; khớp đỏ, nóng hoặc sưng
- Biểu hiện thần kinh: trẻ thay đổi tâm tính, hay cáu gắt, vận động bất thường (múa chân tay bất thường, nói khó,…)
- Biểu hiện ở da: hiếm gặp, có thể có các hạt Meynet là những hạt cứng, đường kính từ 0,5-2cm dưới da, vị trí ở đầu gối, ấn không đau; hoặc các ban hồng hoặc vàng nhạt, hình tròn, vị trí ở thân mình, gốc chi.
Thấp tim là một dạng bệnh lý viêm tự miễn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không được điều trị đúng cách. Mặc dù bệnh thấp tim ở trẻ em rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách thực hiện lối sống và sinh hoạt lành mạnh.
1.4. Viêm màng ngoài tim
Viêm màng ngoài tim là tình trạng màng ngoài tim bị viêm hoặc nhiễm trùng.
Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm màng ngoài tim có thể bao gồm những điều sau đây:
- Đau nhói, xuyên ngực ở trung tâm hoặc bên trái ngực, thường dữ dội hơn khi hít vào
- Khó thở, hồi hộp đánh trống ngực
- Ho
- Bụng hoặc chân sưng
- Luôn cảm thấy mệt mỏi
Các biến chứng của tim có thể từ nhẹ đến nặng thậm chí tử vong. Hầu hết các trường hợp là nhẹ và thường tự cải thiện. Điều trị cho các trường hợp nặng hơn có thể bao gồm thuốc và hiếm khi phẫu thuật. Chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng lâu dài do viêm màng ngoài tim.
1.5. Rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim ở trẻ là hiện tượng bất thường của hệ thống dẫn truyền trong tim, khiến tim của trẻ sẽ đập quá chậm, quá nhanh hoặc đập không đều.
Nhịp tim của trẻ có thể khác nhau theo từng độ tuổi
- Nhịp tim trẻ dưới 1 tuổi khoảng 100-160 lần/phút
- Nhịp tim trẻ lúc 1 tuổi khoảng 80-130 lần/phút
- Nhịp tim trẻ dưới lúc 6 tuổi khoảng 75-125 lần/phút
- Nhịp tim trẻ lúc 7-15 tuổi khoảng 70-110 lần/phút
Trẻ quấy khóc, bỏ bú là một trong những biểu hiện khi trẻ bị rối loạn nhịp tim
Khi trẻ có các dấu hiệu ở trẻ dưới 1 tuổi như quấy khóc, xanh xao, bú kém, không chịu ăn; với một số trẻ lớn hơn có thể xuất hiện các dấu hiệu như: mệt mỏi, hồi hộp, đánh trống ngực, chóng mặt, thậm chí ngất xỉu, da xanh tái, tức ngực,… cha mẹ cần phát hiện sớm để trẻ được đưa đến viện khám và phát hiện bệnh kịp thời.
1.6. Kawasaki
Bệnh Kawasaki là bệnh viêm mạch máu hệ thống cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ. Tổn thương chủ yếu trên các mạch máu có kích thước trung bình và nhỏ mà quan trọng nhất là hệ mạch vành.
Các triệu chứng của bệnh Kawasaki thường rất dễ bỏ qua hoặc chẩn đoán nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
- Sốt là biểu hiện hay gặp nhất, thường xuất hiện đầu tiên và kéo dài trên 5 ngày, với đặc điểm ít đáp ứng với kháng sinh hay thuốc hạ nhiệt thông thường.
- Kết mạc mắt sung huyết, đỏ; thường không chảy dịch, hình thành trong tuần bị bệnh đầu tiên.
- Môi và lưỡi đỏ rõ, có thể nứt kẽ rỉ máu.
- Phát ban xuất hiện sớm; thường gặp ban đỏ đa dạng, toàn thân.
- Sưng nề mu bàn tay, chân; đỏ tía gan bàn tay, bàn chân.
1.7. Bệnh viêm cơ tim
Viêm cơ tim cấp là tình trạng tế bào cơ tim bị viêm hoặc hoại tử, gây nên do các nhiễm trùng, nhiễm độc hay các bệnh lý tại các mô liên kết.
Nhận biết một số dấu hiệu viêm cơ tim ở trẻ thông qua các triệu chứng sau:
- Đối với trẻ sơ sinh, thường quấy khóc, bỏ bú, sốt, li bì. Các triệu chứng không điển hình, rất khó trong việc chẩn đoán.
- Đối với trẻ lớn hơn các triệu chứng khá giống như bệnh viêm đường hô hấp như: sốt, ho, thở khò khè, khó thở, sổ mũi,… Một số trẻ còn gặp phải triệu chứng rối loạn tiêu hóa như: nôn, buồn nôn, tiêu chảy,…
Đây là bệnh lý có diễn biến rất nhanh và không có dấu hiệu điển hình. Chính vì vậy việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.
2. Dấu hiệu bệnh tim ở trẻ em là gì?
Một số dấu hiệu bệnh tim ở trẻ em mà cha mẹ cần chú ý
Dấu hiệu bệnh tim ở trẻ em thường rất đa dạng, tùy thuộc vào từng bệnh mà có những dấu hiệu riêng. Tuy nhiên có thể liệt kê một số dấu hiệu bệnh tim ở trẻ em thường gặp:
- Đối với trẻ sơ sinh: trẻ thường quấy khóc, bỏ bú, bú ngắt quãng, thở nhanh. Khi trẻ được vài tháng tháng tuổi sẽ có những biểu hiện rõ hơn như ho thường xuyên, thở khò khè, chán ăn,…
- Đối với trẻ lớn hơn: trẻ thường ho, thở khò khè lặp đi lặp lại nhiều lần, thở nhanh, lồng ngực bị lõm vào. Cơ địa trẻ còi cọc, thể chất kém, chậm lớn. Trẻ thường da xanh xao, vã mồ hôi,..
Khi trẻ có các dấu hiệu trên cha mẹ cần chú ý đưa trẻ đến khám để có thể phát hiện bệnh cũng như điều trị bệnh kịp thời, hạn chế bệnh tiến triển nặng.
3. Chăm sóc trẻ bị bệnh tim như thế nào?
Sự chăm sóc của cha mẹ đóng vai trò quan trọng đối với trẻ bị bệnh lý ở tim, điều này sẽ giúp con có thể sống khỏe mạnh và phát triển bình thường.
Cha mẹ cần có chế độ chăm sóc đặc biệt, đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, như: Giữ ấm cho trẻ khi mùa đông đến; vệ sinh cơ thể sạch sẽ và cho con ăn uống điều độ, đầy đủ dinh dưỡng. Không cho con làm việc nặng, chơi quá sức. Trẻ cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ mỗi ngày. Cho con đi khám theo định kỳ, ngay cả khi trẻ đã được phẫu thuật để các bác sĩ có thể theo dõi tiến trình phát triển của bệnh, hiệu quả điều trị cũng như quá trình phục hồi sau khi phẫu thuật.
BS Nguyễn Thị Thu Hiền