Dấu hiệu của loãng xương

Loãng xương hiện đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Việt Nam có khoảng 2.8 triệu người mắc loãng xương. Bệnh tiến triển âm thầm và thường không có biểu hiện gì cho đến khi người bệnh vô tình phát hiện hoặc khi xuất hiện biến chứng của loãng xương. Vậy dấu hiệu của loãng xương là gì? Làm thế nào để nhận biết được bản thân có bị loãng xương hay không? Mời bạn tham khảo các kiến thức chia sẻ dưới đây.

1. Loãng xương là gì?

Bệnh loãng xương là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần. Điều này khiến xương giòn hơn và dễ bị gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ. Loãng xương là một căn bệnh thầm lặng. Nó chỉ được phát hiện cho đến khi xương bị gãy.

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, loãng xương được chia làm hai loại: loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát.

2. Bệnh loãng xương và triệu chứng nhận biết

Thông thường các trường hợp loãng xương không gây đau và tiến triển âm thầm không triệu chứng. Tuy nhiên đôi khi có một vài triệu chứng có thể nghi ngờ rằng đó là dấu hiệu của loãng xương. Dưới đâu mà một vài triệu chứng của loãng xương

2.1. Đau nhức các xương dài

Người bệnh thường có biểu hiện đau nhức, mỏi dọc theo trục của các xương dài. Cảm giác như kim châm hoặc nóng trong xương. Các xương có biểu hiện này thường là xương trụ dài như xương đùi, xương ống chân (xương chày). Người bệnh thường đau nhiều về chiều và đêm.

2.2. Đau lưng

Đau lưng có thể là dấu hiệu cảnh báo loãng xương
     Đau lưng có thể là dấu hiệu cảnh báo loãng xương (Ảnh internet)

Vị trí đau thường là thắt lưng thấp hoặc đau lan sang mạn sườn do sự chèn ép rễ dây thần kinh liên sườn. Hoặc có thể đau dọc theo dây thần kinh tọa, đau tăng khi ho, hắt hơi… Có thể có triệu chứng máy giật các nhóm cơ lưng, chân khi tay đổi tư thế. Có người có triệu chứng dị cảm các vùng như lưng, chân, cảm thấy như kiến bò hoặc cảm giác châm chích… Người bệnh thích nằm vì cảm thấy thoải mái.

Nhiều người bệnh thường than phiền vì hạn chế tầm vận động. Họ thường khó thực hiện các động tác cúi ngửa nghiêng xoay. Nhiều người mô ta cảm giác cột sống bị đổ bê tông, bị đóng băng…

Đau trong lún xẹp cột sống điển hình thường xuất hiện tự nhiên hoặc sau một gắng sức nhẹ hoặc sang chấn nhỏ. Biểu hiện chủ yếu là đau cấp tính có tính chất cơ học. Khởi phát đột ngột, thường không lan vì không có chèn ép thần kinh. Đau giảm rõ rệt khi nằm nghỉ ngơi và hết sau vài tuần. Đau có thể do xẹp thân đốt sống mới hoặc thân đốt sống cũ xẹp thêm.

Các trường hợp xẹp nặng hơn chèn ép vào thần kinh mới có biểu hiện đau lan.

2.2. Đau mỏi vai gáy, vùng cổ, khó khăn trong việc thay đổi tư thế

Là khi bạn cảm thấy đầu của mình không thể “giữ vững” và hạ thấp xuống. Nhưng phần vai lại co lên – người trở nên giống như là đã trải qua việc gồng gánh nặng lâu ngày. Liên tục có cảm giác mỏi cổ, khi xoay cổ thấy tiếng rào rạo. Có thể có tê cánh tay, bàn ngón tay… Đôi khi triệu chứng giống như bị thoái hóa hoặc thoát vị cột sống cổ. Tuy nhiên vì dễ nhầm lẫn nên tốt nhất khi có những biểu hiện này bạn nên kiểm tra xem có bị loãng xương hay không.

Đặc biệt những người bị đau mỏi vai gáy do thoát vị đĩa đệm lại kèm theo loãng xương sẽ không được sử dụng phương pháp kéo giãn trong điều trị. Vì thế việc kiểm tra loãng xương càng trở nên quan trọng hơn ở những người đau xương khớp do thoát vị.

2.3. Biến dạng cột sống

Gù vẹo cột sống là dấu hiệu của loãng xương
       Gù vẹo cột sống là dấu hiệu của loãng xương (Ảnh internet)

Hình ảnh bà cụ lưng còng đã quá quen thuộc với người Việt Nam. Biến dạng cột sống vừa là dấu hiệu để chẩn đoán loãng xương vừa là biến chứng của loãng xương. Đây là hệ quả của lún xẹp đốt sống biểu hiện ra ngoài bằng các hình ảnh:

  • + Mất đường cong sinh lý của cột sống: gù vẹo, còng lưng…
  • + Giảm chiều cao của cơ thể

2.4. Gãy xương sau sang chấn nhẹ

Với 1 lực không quá lớn nhưng những người bị loãng xương có thể ngay lập tức bị gãy xương. Các xương bị gãy thường là cổ xương đùi, xương cổ tay, xương chậu hông… Đây vừa là triệu chứng để nhận biết loãng xương vừa là một trong các biến chứng nguy hiểm của loãng xương.

2.5. Loãng xương và triệu chứng toàn thân

Người bệnh có cảm giác lạnh tay chân, hay bị chuột rút nhất là chuột rút về đêm, thường ra mồ hôi trộm khi nhgủ.

Một vài rối loạn khác của người loãng xương tuổi già như béo bệu, suy giãn tĩnh mạch chi dưới, thoái hóa khớp.

2.6. Các biểu hiện xuất hiện trên phim chụp

– Phim chụp X quang loãng xương

Hình ảnh loãng xương trên phim chụp X - quang
Hình ảnh loãng xương trên phim chụp X – quang (Ảnh internet)
  • + Giai đoạn sớm: các đốt sống tăng thấu quang hoặc hình ảnh đốt sống hình răng lược. Chỉ phát hiện được khi mà khối lượng xương bị mất đi nhiều hơn 30%.
  • + Giai đoạn muộn: loãng xương cột sống khiến cột sống biến dạng, mặt đốt sống bị lõm. Hình ảnh đốt sống hình chêm khá điển hình.
  • + Tỷ lệ độ dày giữa vỏ và tủy xương các xương bàn ngón tay lớn hơn 45%.
  • + Giảm mật độ dày thân xương của các xương dài

– Phim chụp cộng hưởng từ

Hình ảnh lún xẹp đốt sống trên phim chụp cộng hưởng từ MRI
       Hình ảnh lún xẹp đốt sống trên phim chụp cộng hưởng từ MRI (Ảnh internet)
  • + Hình ảnh lún xẹp rõ của các đốt sống.
– Đo mật độ xương có kết quả dưới -2.5SD thì được chẩn đoán là loãng xương
Chẩn đoán loãng xương dựa vào mật độ xương T-score
                              Chẩn đoán loãng xương dựa vào mật độ xương T-score (Ảnh internet)

Trên đây là một số dấu hiệu nhận biết bệnh loãng xương. Nhìn qua thì có vẻ rất nhiều dấu hiệu để nhận biết ra bệnh song các triệu chứng này lại khá trùng khớp với những bệnh khác như thoái hóa, thoát vị đĩa đệm… Để biết chắc chắn bản thân có bị loãng xương không bạn nên thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết tại cơ sở y tế. Phát hiện và điều trị loãng xương là cách đơn giản nhất giúp phòng tránh biến chứng và giảm gánh nặng kinh tế.

BS. Nguyễn Nga

Hội bác sỹ trẻ – Học viện Quân Y

 

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận