Dấu hiệu nhận biết ngộ độc thực phẩm và cách sơ cứu

Một trong những dấu hiệu nhận biết ngộ độc thực phẩm đó chính là triệu chứng tiêu chảy, đau bụng kèm nôn mửa. Khi người bệnh bắt đầu xuất hiện những triệu chứng trên, bạn cần thực hiện ngay các biện pháp sơ cứu ngộ độc thực phẩm tại chỗ dưới đây.

1. Dấu hiệu nhận biết ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi bạn ăn hoặc uống phải các loại thực phẩm nhiễm khuẩn hay thức ăn ôi thiu

Tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra khi bạn ăn hoặc uống phải các loại thực phẩm nhiễm khuẩn hay thức ăn ôi thiu. Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm có thể khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh: vi khuẩn, virus hoặc bị nhiễm độc từ hóa chất, độc tố từ nấm,….

Các triệu chứng phổ biến nhất của ngộ độc thực phẩm là: Tiêu chảy, đau dạ dày, buồn nôn, nôn mửa kèm theo sốt.  

2. Các bước sơ cứu ngộ độc thực phẩm

Khi các triệu chứng của bệnh nghiêm trọng hơn, người bệnh cần được sơ cứu ngay tại chỗ

2.1. Gây nôn

Trước tiên, để hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể, bạn cần khẩn trương loại bỏ thức ăn nghi gây ngộ độc ra ngoài cơ thể bằng cách gây nôn. 

Một trong những cách gây nôn đơn giản là dùng tay móc họng, hoặc dùng lông gà ngoáy họng, uống nước muối,  uống nước mùn thớt. 

Tuy nhiên trên đối tượng là trẻ em, khi sơ cứu bằng cách gây nôn cần lưu ý móc họng cần  tránh làm xây xát họng trẻ. Hướng dẫn trẻ nằm đầu thấp, và nghiêng đầu sang một bên rồi móc họng để trẻ nôn thức ăn ra. Không được để trẻ nằm ngửa và nôn vì có thể  gây sặc lên mũi, xuống phổi.

2.2. Cho người bệnh nghỉ ngơi và uống nhiều nước

Khi người bệnh đã nôn đồ ăn ra, hãy để cho người bệnh nằm nghỉ.  Sau đó cho người bệnh uống nước để bù và chống mất nước, đồng thời giúp trung hòa chất độc trong cơ thể, giúp hạn chế tác hại mà độc tố gây ra.

2.3. Uống dung dịch Oresol

Oresol được sử dụng để thay thế nước và chất điện giải bị mất khi bị tiêu chảy nôn mửa, sốt cao trong trường hợp ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là sau khi thực hiện biện pháp gây nôn.

3. Khi nào cần đến ngay bệnh viện?

3.1. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ em

Nôn mửa và tiêu chảy có thể nhanh chóng gây mất nước, ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Điều này có thể gây tử vong ở trẻ.

Khi con có các dấu hiệu bao gồm nôn mửa và tiêu chảy cùng với các triệu chứng sau đây, bạn cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế:

  • Bé liên tục kêu khát, đi tiểu ít hoặc không đi tiểu;
  • Bé cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt;
  • Tiêu chảy kèm sốt cao trên 38.3°C;
  • Nôn mửa kéo dài hơn 12 tiếng;
  • Phân có máu, mủ hoặc màu đen, màu hạt dẻ;
  • Bé kêu đau bụng dữ dội;
  • Trẻ có tiền sử bệnh lý nào khác.

3.2. Người lớn

Người lớn nên tìm đến bác sĩ hoặc các cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc khẩn cấp nếu xuất hiện những triệu chứng sau:

  • Các triệu chứng liên quan đến hệ thần kinh, chẳng hạn như mờ mắt, yếu cơ và ngứa da;
  • Tâm sinh lý bất thường;
  • Sốt Cao 39, 4 độ C;
  • Nôn mửa thường xuyên;
  • Tiêu chảy kéo dài hơn ba ngày;
  • Các triệu chứng mất nước: khát nước, khô miệng, đi tiểu ít hoặc không đi tiểu, suy nhược nghiêm trọng, chóng mặt hoặc choáng váng.

Ngộ độc thực phẩm có thể nghiêm trọng hơn đối với những người có hệ miễn dịch hoặc tình trạng sức khỏe yếu. Nếu bé có tiền sử bệnh lý, hãy gọi ngay cho bác sĩ. Phụ nữ mang thai cũng nên báo cho bác sĩ biết nếu họ bị ngộ độc thực phẩm vì một số vi trùng có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

4. Một số lưu ý trong quá trình sơ cứu ngộ độc thực phẩm

Trong quá trình sơ cứu bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, tuyệt đối không cho người bệnh sử dụng thuốc cầm tiêu chảy

Đối với tất cả các trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, sau khi sơ cứu tại chỗ đều cần đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. 

Không được cho người bị ngộ độc uống các thuốc cầm tiêu chảy. Những thuốc này có thể làm cho các triệu chứng ngộ độc thực phẩm kéo dài và nghiêm trọng hơn. Khi tình trạng tiêu chảy và nôn mửa đã hết, người bệnh nên ăn những đồ ăn nhẹ nhàng, nhạt, ít chất béo trong vài ngày để ngăn ngừa đau bụng thêm.

Theo dõi chặt chẽ biểu hiện, nhịp tim của bệnh nhân, phòng trường hợp bị ngạt thở. Thường xuyên theo dõi nhịp đập của tim bệnh nhân, để có thể hô hấp kịp thời khi cần thiết.

Cần lưu giữ thức ăn nghi gây ngộ độc thực phẩm để giúp việc xác định nguyên nhân gây bệnh và cũng là cách để tìm ra thuốc trung hòa độc tính.

Hầu hết các triệu chứng ngộ độc thực phẩm đều không quá nghiêm trọng và có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong. Bài viết trên đã giúp người đọc có nhận biết được các triệu chứng bất thường khi ngộ độc và cách sơ cứu đúng cho người bệnh. Nếu có những thắc mắc về ngộ độc thực phẩm hoặc những vấn đề sức khỏe khác, vui lòng để lại lời nhắn, các bác sĩ dược sĩ sẽ giúp bạn giải đáp chi tiết những thắc mắc đó.

Đặng Thái Sơn

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận