Dấu hiệu sốt xuất huyết- cách nhận biết không được bỏ qua
Sốt xuất huyết có thể bùng phát thành dịch, nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, bản thân mỗi người chúng ta cần biết cách nhận biết các dấu hiệu sốt xuất huyết .
Nội dung bài viêt
Những dấu hiệu sốt xuất huyết cần nhận biết kịp thời?
Dấu hiệu của tình trạng nhiễm virus
Sau khi cơ thể bị nhiễm virus sốt xuất huyết, mất khoảng 4-10 ngày để virus nhân lên và phát triển đạt ngưỡng đủ để có thể gây bệnh, thời gian này người bệnh thường không có triệu chứng gì. Sau đó, người bệnh có thể đột ngột sốt cao, đau nhức mình mẩy, buồn nôn, chán ăn,..
Dấu hiệu sốt xuất huyết của tình trạng nhiễm virus: Đột ngột sốt cao, đau nhức, buồn nôn..
Dấu hiệu của tình trạng xuất huyết
Xuất hiện vào ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 của bệnh với nhiều dạng xuất huyết khác nhau.
Nghiệm pháp dây thắt
Mục đích để đánh giá tình trạng sức bền thành mạch máu, phát hiện sớm rối loạn xuất huyết
Cách tiến hành
- Thực hiện quy trình đo huyết áp cho người bệnh
- Giữ nguyên băng quấn và bơm băng quấn của huyết áp kế ở mức trung bình giữa huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu.
- Duy trì băng quấn huyết áp với mức áp suất trên trong 5 phút, sau đó xả và tháo băng quấn.
Cách đọc kết quả
Sau khi tháo băng quấn, quan sát mặt trước nếp khuỷu và cẳng tay người bệnh vừa làm, dùng khung đo diện tích hình vuông cạnh 2,5cm (6,25cm2) để đếm số chấm xuất huyết.
- Dương tính : có trên 20 chấm xuất huyết/ 6,25cm2
- Âm tính : có dưới 20 chấm xuất huyết/6,25cm2
Xuất huyết dưới da
Có thể gặp các chấm , đốm hoặc nốt xuất huyết dưới da, mảng xuất huyết rải rác khắp cơ thể, thường mọc dày ở cẳng chân, cẳng tay.
Xuất huyết niêm mạc
Thường gặp nhất là chảy máu cam, chảy máu lợi, chân răng, xuất huyết dưới kết mạc, phụ nữ thường gặp xuất huyết tử cung.
Xuất huyết phủ tạng
Xuất huyết tiêu hóa, tiết niệu, hô hấp, xuất huyết não…
Dấu hiệu sốt xuất huyết của tình trạng xuất huyết:Hiện tượng xuất huyết niêm mạc: chảy máu mũi
Dấu hiệu của tình trạng thoát huyết tương
Do hiện tượng tăng tính thấm thành mạch gây nên và thường kéo dài 24 – 48 giờ.
Người bệnh có thể khó thở, suy hô hấp do tình trạng tràn dịch màng phổi, mô kẽ, tràn dịch màng bụng, thấy nề mi mắt, da căng.
Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện:
- Vật vã, bứt rứt hoặc li bì
- Lạnh đầu chi
- Mạch nhanh nhỏ
- Huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20mmHg) hoặc tụt huyết áp.
- Huyết áp có thể không đo được, mạch không bắt được, da lạnh, nổi vân tím
- Tiểu ít
Dấu hiệu tại các cơ quan
- Một vài triệu chứng thường gặp của sốt xuất huyết
- Toàn thân: mạch nhanh, yếu, huyết áp giảm khi hạ sốt hoặc xuất huyết nhiều, nhức đầu, mệt mỏi, đau mỏi toàn thân,..
- Tiêu hóa: đau bụng nhiều, liên tục, nhất là đau vùng gan, gan to, rối loạn tiêu hóa, nôn ói nhiều.
- Hô hấp: viêm long đường hô hấp, viêm phổi, khó thở, suy hô hấp,..
- Hạch sưng, đau nhẹ toàn thân
- Da có thể gặp ban dát sẩn
- Hành vi thay đổi như lú lẫn, kích thích, vật vã, li bì,..
- Biểu hiện tình trạng mất nước: da khô, lạnh, chóng mặt, tim đập nhanh, khát nước, không đi tiểu hoặc tiểu ít, nước tiểu vàng đậm.
Triệu chứng của sốt xuất huyết Dengue dễ nhầm với những bệnh lý nào?
Sốt xuất huyết diễn biến khá thất thường và dấu hiệu bệnh dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh khác:
Sốt phát ban do virus
Do nhiều nguyên nhân gây ra, hay gặp nhất là bệnh sởi do virus sởi, bệnh rubella do virus rubella.
Trong bệnh sởi, có biểu hiện đặc trưng gồm:
Sốt
Hội chứng viêm long:
- Đường hô hấp: chảy nước mũi, hắt hơi, ho, khàn giọng,…
- Đường tiêu hóa: đau bụng, tiêu chảy,..
- Mắt: viêm kết mạc, gỉ ghèn, chảy nước mắt,..
Ban sởi: ban hồng dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất, xuất hiện theo thứ tự từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ, dần lan đến thân mình, tứ chi, ở cả lòng bàn tay, bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần, khi biến mất thì để lại vết thâm hằn da hổ.
Dấu hiệu sốt xuất huyết dễ nhầm với các bệnh khác. Ví dụ :Ban sởi ở trẻ..
Sốt mò
Ấu trùng mò là trung gian truyền bệnh. Đặc trưng của bệnh cũng là dấu hiệu để phân biệt với sốt xuất huyết là sốt kéo dài 2-3 tuần, mạch và nhiệt độ phân ly, điển hình nhất là có vết loét ở da do ấu trùng mò đốt, sưng hạch tại chỗ vết loét và hạch toàn thân (hạch to 1,5-2cm, mềm, không đau, di động bình thường). Có thể gặp ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể, vì thế cần phải tìm kĩ để không bỏ sót bất kì vị trí nào, thường chỉ có 1-2 vết loét.
Sốt rét
Do kí sinh trùng sốt rét từ người bệnh sang người lành bởi muỗi Anopheless. Bệnh gây ra sốt thành cơn có chu kỳ với 3 giai đoạn: rét run, sốt nóng và vã mồ hôi, thường có dấu hiệu báo trước như đau mỏi, chán ăn, buồn nôn,.. Sau hết cơn sốt, người bệnh trở về bình thường, các cơn sốt thường xuất hiện vào thời điểm nhất định.
Tùy từng loại kí sinh trùng gây bệnh mà chu kì cơn sốt là khác nhau. Sốt do P.falciparum thường hay gặp cơn hằng ngày, tính chất nặng, hay gây cơn sốt rét ác tính, nếu không phát hiện kịp thời có thể tử vong. P.vivax thường gây cơn sốt cách nhật, 1 ngày một cơn. Với P.malariae và P.ovale thường 2-3 ngày 1 cơn.
Chẩn đoán bệnh chính xác khi phát hiện kí sinh trùng sốt rét trong máu, kháng thể kháng sốt rét,..
Nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn, não mô cầu
Là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn lưu hành trong máu gây ra, cụ thể liên cầu lợn do vi khuẩn Streptococcus suis, não mô cầu do Neisseria meningitides.
Bệnh có biểu hiện nhiễm trùng rõ rệt: sốt cao đột ngột, rét run, đau đầu, gan lách to…
Để phân biệt với sốt xuất huyết cần nuôi cấy, phân lập tìm vi khuẩn trong máu.
Sốc nhiễm khuẩn
Dấu hiệu trên lâm sàng khá giống nhau nhưng sốc nhiễm khuẩn là do ổ nhiễm trùng nào đó gây ra những biến đổi trên cơ thể, trong sốc sốt xuất huyết là do thoát huyết tương gây người bệnh giảm thể tích tuần hoàn máu. Vì vậy cần phân biệt rõ vì phác đồ điều trị mỗi bệnh là khác nhau.
Các bệnh lý về máu
Có biểu hiện nốt, mảng xuất huyết, chảy máu niêm mạc,.. làm ta dễ bị nhầm lẫn với sốt xuất huyết. Điển hình như trong bệnh suy tủy, bạch cầu cầu, giảm tiểu cầu,..
Tuy nhiên, các bệnh lý về máu ít khi sốt, không đột ngột sốt. Xét nghiệm máu, làm tủy đồ thấy thành phần thay đổi có thể định hướng chẩn đoán được bệnh.
Khi có biểu hiện như thế nào thì người bệnh cần phải nhập viện theo dõi và điều trị?
Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo
Khi có ít nhất 1 trong các dấu hiệu sau:
- Vật vã, lừ đừ, li bì
- Đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau vùng gan.
- Nôn ói nhiều ≥ 3 lần/1 giờ hoặc ≥ 4 lần/6 giờ.
- Xuất huyết niêm mạc: chảy máu chân răng, mũi, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc có máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu.
- Gan to >2cm dưới bờ sườn.
- Tiểu ít
- Có thể xét nghiệm máu thấy Hct tăng kèm tiểu cầu giảm nhanh.
- AST/ALT ≥ 400U/L
- Hình ảnh tràn dịch màng bụng, màng phổi trên siêu âm hoặc xquang.
Và kèm theo đó là người bệnh là người có bệnh mạn tính đi kèm (COPD, đái tháo đường, THA,..), phụ nữ mang thai, trẻ nhũ nhi, người lớn tuổi, những người sống 1 mình, không có điều kiện chăm sóc, theo dõi, nơi ở xa cơ sở y tế khi có dấu hiệu trên phải được nhập viện điều trị.
Đau bụng nhiều và tăng cảm giác đau vùng gan
Sốt xuất huyết Dengue nặng
Khi có ít nhất 1 trong các dấu hiệu sau:
- Sốc sốt xuất huyết Dengue: mạch nhanh, nhẹ, khó bắt, huyết áp tụt , kẹt,..
- Sốc SXHD nặng: mạch không bắt được, huyết áp không đo được hoặc tụt huyết áp nặng
- Suy hô hấp do ứ dịch
- Xuất huyết nặng
- Suy các tạng: suy gan, thần kinh trung ương (rối loạn ý thức), suy thận,…
Xem thêm: Theo dõi và điều trị sốt xuất huyết