Đậu mùa khỉ và những điều cần biết
Nội dung bài viêt
- Đại cương bệnh đậu mùa khỉ
- Nguyên nhân gây bệnh là gì?
- Bệnh đậu mùa khi lây như thế nào?
- Bệnh đậu mùa khỉ có biểu hiện như thế nào?
- Cần phân biệt bệnh đậu mùa khỉ với những bệnh lý nào?
- Bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm không?
- Những xét nghiệm nào giúp chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ?
- Điều trị bệnh đậu mùa khỉ
- Phòng bệnh đậu mùa khỉ
Đại cương bệnh đậu mùa khỉ
Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus đậu mùa khỉ, gây ra một bệnh lý với những triệu chứng tương tự bệnh đậu mùa nhưng ít gây tử vong hơn. Bệnh đậu mùa ở khỉ lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1958 khi xuất hiện hai đợt bùng phát bệnh giống với thủy đậu trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu. Trường hợp bệnh đậu mùa khỉ ở người đầu tiên được ghi nhận năm 1970, trước khi bùng phát năm 2022, bệnh đậu mùa khỉ đã được cảnh báo ở một số quốc gia Trung và Tây Phi.
Hiện nay trên thế giới đã có 75 quốc gia ghi nhận hơn 16000 người mắc với 5 ca tử vong. Những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Singapore… cũng đã ghi nhận các ca bệnh. Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ nào, tuy nhiên, các ban ngành liên quan cũng đã làm việc gấp rút để đưa ra những hướng dẫn về chẩn đoán, điều trị, phòng tránh việc bệnh phát triển thành dịch.
Nguyên nhân gây bệnh là gì?
Nguyên nhân gây bệnh đậu mùa khỉ là virus đậu mùa khỉ, một virus thuộc chi Orthopoxvirus, lần đầu được phát hiện năm 1958. Tuy hiện tại nguồn gốc bệnh vẫn chưa được khẳng định chắc chắn nhưng người ta nghĩ nhiều đến các loài gặm nhấm châu Phi và các loại linh trưởng không phải người là ổ chứa virus và lây truyền sang người.
Bệnh đậu mùa khi lây như thế nào?
Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan theo nhiều cách khác nhau:
Lây từ động vật sang người
Do tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh, bị động vật đó cào, cắn hoặc chế biến, sử dụng thực phẩm làm từ động vật bị bệnh.
Lây từ người sang người
Lây bệnh thông qua:
- Tiếp xúc trực tiếp với những tổn thương trên da của người mắc bệnh
- Đường hô hấp: tiếp xúc kéo dài với dịch tiết đường hô hấp của người mắc bệnh như hôn, âu yếm hay quan hệ tình dục…
- Bệnh cũng có thể lây truyền một cách gián tiếp khi chạm vào các vật dụng như quần áo, chăn, ga,…mà trước đó có tiếp xúc với tổn thương trên da hoặc dịch tiết cơ thể của người bệnh.
- Phụ nữ mang thai cũng có thể lây bệnh cho con do virus có khả năng qua được rau thai.
Người mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể có khả năng lây truyền bệnh từ khi bắt đầu có các triệu chứng của bệnh đến khi vết ban lành hoàn toàn và hình thành lớp da mới, quá trình này thường kéo dài từ 2-4 tuần. Do đó cần có các biện pháp cách ly, phòng tránh hiệu quả nhất là trong giai đoạn lây truyền nguy hiểm này.
- Các con đường lây bệnh đậu mùa khỉ
Bệnh đậu mùa khỉ có biểu hiện như thế nào?
Tại cuộc họp Hội đồng chuyên môn nghiệm thu “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở người” các bác sỹ, chuyên gia đã xác định 4 giai đoạn tiến triển của bệnh:
Giai đoạn ủ bệnh
Kéo dài từ 6-13 ngày ( có thể dao động từ 5-21 ngày), trong giai đoạn này người nhiễm virus hầu như không có triệu chứng gì và không có khả năng lây nhiễm.
Giai đoạn khởi phát
Từ 1-5 ngày, với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Ngoài ra, kèm theo đó người bệnh có thể biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Giai đoạn này virus đã bắt đầu có khả năng lây sang người khác.
Giai đoạn toàn phát
Đặc trưng là sự xuất hiện các ban trên da, thường xuất hiện sau sốt từ 1-3 ngày với các tính chất:
- Phát ban có xu hướng ly tâm, vị trí thường gặp là mặt, lòng bàn tay, bàn chân, tuy nhiên cũng có thể gặp ở những vị trí khác như miệng, mắt, cơ quan sinh dục.
- Kích thước của chúng khoảng từ 0,5-1cm.
- Những nốt phát ban này tiến triển theo tuần tự, lúc đầu là những dát ( tổn thương bằng phẳng trên mặt da), đến sẩn ( tổn thương cứng, hơi nhô cao so với mặt da), sau đó là mụn nước ( tổn thương chứa đầy dịch trong), mụn mủ ( tổn thương chứa đầy dịch vàng). Những mụn nước, mụn mủ này sẽ đóng vảy khô, bong tróc và có thể để lại sẹo.
- Những tổn thương trên da có thể tập trung rải rác hoặc thành đám dày đặc, trường hợp nặng chúng liên kết tạo thành những đám tổn thương lớn trên da.
Giai đoạn hồi phục
Các triệu chứng có thể kéo dài từ 2-4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh không còn những triệu chứng lâm sàng của bệnh, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ nhưng không còn khả năng lây nhiễm cho người khác.
Hầu hết những người mắc bệnh đều trải qua 4 giai đoạn tiến triển trên, tuy nhiên có đôi khi người bệnh xuất hiện phát ban trước, sau đó mới xuất hiện những triệu chứng khác, cũng có thể trong một số trường hợp thì chỉ có triệu chứng phát ban.
Ở trẻ em bệnh cũng có biểu hiện tương tự như người lớn với đặc trưng là những tổn thương trên da tiến triển từ dát mỏng đến mụn nước, mụn mủ, cuối cùng là vảy tiết. Trước đợt bùng phát năm 2022, sốt và nổi hạch là một trong những triệu chứng trung thành của đậu mùa khỉ, tuy nhiên, trong thời kỳ bùng phát hiện nay không phải bệnh nhân nào cũng có triệu chứng đó. Người bệnh có thể khó nuốt hoặc ho vì những tổn thương vùng hầu họng, hoặc gặp các tổn thương nội nhãn, sưng mí mắt, đóng vảy vùng mí mắt khi có các thương tổn ở gần hoặc trong mắt, hay do bệnh nhân dùng tay chạm vào những vị trí này sau khi tiếp xúc với vùng tổn thương khác ở da. Những triệu chứng khác như mệt mỏi, đau đầu, đau cơ có thể gặp nhưng không mang tính đặc hiệu.
Những triệu chứng của đậu mùa khỉ có thể gặp ở nhiều bệnh lý khác, do đó khi có những biểu hiện nghi ngờ đặc biệt trên những người có dịch tễ liên quan, tiền sử tiếp xúc với những trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh cần báo cáo với cán bộ y tế trong địa bàn để được khám và làm các cận lâm sàng giúp chẩn đoán chính xác bệnh.
- Biểu hiện thường gặp của đậu mùa khỉ qua các giai đoạn
Dựa trên lâm sàng thì các trường hợp nhiễm virus đậu mùa khỉ được chia thành ba thể:
– Thể không có triệu chứng: Bao gồm những người được xác định nhiễm virus đậu mùa khỉ nhưng không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào của bệnh.
– Thể nhẹ: Bao gồm những bệnh nhân mà các triệu chứng của bệnh mất đi sau 2-4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào.
– Thể nặng: Thường gặp trên những nhóm đối tượng có nguy cơ cao như người suy giảm miễn dịch, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người già, người mắc các bệnh lý mạn tính,…có thể dẫn tới tử vong, thường xảy ra từ tuần thứ 2 của bệnh.
+ Nhiễm khuẩn da: Người bệnh có sốt kéo dài, dịch nốt phỏng đục hoặc nốt phỏng bị vỡ chảy dịch đục.
+ Viêm phổi: Có các triệu chứng như ho, tức ngực, khó thở.
+ Viêm não: Ý thức suy giảm, co giật, lú lẫn, hôn mê.
+ Nhiễm khuẩn huyết: Sốt kéo dài, tổn thương các cơ quan, phủ tạng.
Cần phân biệt bệnh đậu mùa khỉ với những bệnh lý nào?
Những biểu hiện của bệnh đậu mùa khỉ như: Sốt, nổi hạch, phát ban cần phải phân biệt với những bệnh lý khác có biểu hiện tương tự, dựa theo tính chất, đặc điểm của ban và các triệu chứng đi kèm:
Đậu mùa
Ban xuất hiện theo trình tự đầu tiên là ở mặt, bàn tay, cẳng tay, sau đó xuất hiện trên thân mình. Ban của đậu mùa xuất hiện sau 2-3 ngày đầu, với đặc điểm tiến triển nhanh và tồn tại từ 2-3 tuần, khi khỏi có thể để lại sẹo rỗ sâu.
Kèm theo đó người bệnh có biểu hiện: Sốt, tiêu chảy, đau người, mệt mỏi.
Thủy đậu
Ban xuất hiện đầu tiên ở mặt và thân mình sau đó nhanh chóng lan ra khắp cơ thể. Ban của thủy đậu tiến triển rất nhanh, do đó cùng một thời điểm có thể thấy các tổn thương ở những lứa tuổi khác nhau. Ban tồn tại trong 1-2 tuần, khi khỏi để lại sẹo lõm nông.
Kèm theo phát ban người bệnh có thể có sốt, mệt mỏi, viêm long đường hô hấp.
Tay chân miệng
Bệnh đặc trưng bởi các nốt loét ở miệng, họng, phát ban trên da tại lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Ban trên da kích thước nhỏ 2-3mm, tồn tại chưa tới 7 ngày, khi khỏi để lại vết thâm rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
Kèm theo đó có triệu chứng sốt, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy.
Herpes lan tỏa
Ban thường xuất hiện vùng niêm mạc miệng, sinh dục sau đó nhanh chóng lan toàn thân. Các mụn nước cùng lứa tuổi, tập trung thành chùm thành đám, đau rát và nhanh vỡ. Tổn thương có kích thước 2-3mm, nhanh chóng vỡ sau 3-4 ngày, khi khỏi để lại vết thâm.
Kèm theo đó có biểu hiện mệt, chán ăn, sưng hạch phụ cận.
Bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm không?
Theo nhận định của các chuyên gia thì bệnh đậu mùa khỉ ít nghiêm trọng hơn so với bệnh đậu mùa. Bệnh có thể tự khỏi mà không cần có những can thiệp của y tế. Tuy nhiên với tình hình dịch bệnh bùng phát như hiện nay thì đậu mùa khỉ vẫn đang là mối lo ngại của toàn nhân loại. Bệnh đặc biệt nguy hiểm với những người có tình trạng suy giảm miễn dịch ( bệnh nhân HIV/AIDS, những người sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch), những người mắc các bệnh lý mãn tính như đái tháo đường, xơ gan, tăng huyết áp,…, người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em. Theo nghiên cứu thì bệnh có thể dẫn tới tử vong nhất là ở nhóm đối tượng nguy cơ cao như đã kể trên. Người mắc đậu mùa khỉ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn da, viêm phổi, viêm não, thậm chí là nhiễm khuẩn huyết.
Những xét nghiệm nào giúp chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ?
Xác định các ca bệnh nghi ngờ
Cần phải có những phương pháp để chẩn đoán chính xác bệnh đặc biệt trên nhóm người nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Trước hết cần dựa vào yếu tố nguy cơ về dịch tễ và các biểu hiện trên lâm sàng:
- Có tiếp xúc với các yếu tố dịch tễ như: Trong vòng 21 ngày kể từ khi có các triệu chứng đầu tiên có tiếp xúc với trường hợp bệnh đã được xác định hoặc với người nghi nhiễm, thông qua tiếp xúc trực tiếp với da hoặc các tổn thương trên da ( bao gồm cả việc quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với đồ dùng, vật dụng cá nhân như quần áo, giường, chăn màn của người bệnh.
- Có tiền sử đi đến các quốc gia đang lưu hành bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày kể từ khi có triệu chứng đầu tiên.
- Có bệnh cảnh lâm sàng nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ.
Xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh
Xét nghiệm sinh học phân tử (PCR)
Nên thực hiện trên những trường hợp nghi ngờ để xác định bệnh một cách chính xác. Bệnh phẩm sử dụng là dịch hầu họng (trong giai đoạn khởi phát), dịch nốt phỏng (trong giai đoạn toàn phát).
Xét nghiệm cơ bản
Trong quá trình điều trị có thể tiến hành thực hiện các xét nghiệm cơ bản:
+ Xét nghiệm máu: Số lượng bạch cầu trong máu có thể bình thường hoặc tăng nhẹ, số lượng bạch cầu lympho thường giảm. Tốc độ máu lắng, Protein C phản ứng (CRP), Procalcitonin (PCT) bình thường hoặc tăng nhẹ. Trong một số trường hợp ALT, AST, CK có thể tăng nhẹ.
+ Trong những trường hợp diễn biến nặng có thể có các biểu hiện suy chức năng tại các cơ quan, rối loạn điện giải và toan kiềm làm thêm các xét nghiệm:
Cấy máu, Cấy dịch nốt phỏng
Tìm vi khuẩn khi nghi ngờ có nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn huyết.
Chụp Xquang ngực hay Cắt lớp vi tính
Thực hiện trong trường hợp nghi ngờ biến chứng viêm phổi, áp xe phổi…
Chụp CT sọ não hoặc MRI sọ não
Thực hiện trong trường hợp nghi ngờ biến chứng viêm não…
Điều trị bệnh đậu mùa khỉ
Nguyên tắc điều trị
- Thực hiện giám sát và cách ly ca bệnh nghi ngờ/ xác định.
- Điều trị triệu chứng là chủ yếu.
- Đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng nước – điện giải, hỗ trợ tâm lý.
- Sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu ở những trường hợp nặng và cơ địa đặc biệt (Trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch…) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và các quy định của Việt Nam.
- Theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các tình trạng nặng, biến chứng của bệnh.
Điều trị cụ thể
– Thực hiện cách ly lại các cơ sở y tế các trường hợp nghi ngờ/ xác định nhiễm virus đậu mùa khỉ theo hướng dẫn của Bộ y tế.
– Cần cá thể hóa trong điều trị.
– Đối với những bệnh nhân không có triệu chứng, thể nhẹ: Tiến hành cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế xã/phường, huyện/ quận.
Điều trị chủ yếu là điều trị các triệu chứng:
- Hạ sốt, giảm đau
- Chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng. Đặc biệt với trẻ nhỏ cần lưu ý tránh để trẻ gãi, chà xát lên tổn thương, làm dập vỡ, nặng thêm tình trạng bệnh cũng như tăng nguy cơ lây nhiễm.
- Đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng điện giải
- Theo dõi, phát hiện sớm và kịp thời xử trí các biến chứng của bệnh: Nhiễm khuẩn da, viêm phổi, viêm não…Tùy theo tình trạng của người bệnh, nếu cơ sở y tế không có đủ các phương tiện, trang thiết bị y tế để xử lý thì cần chuyển bệnh nhân đến tuyến y tế cao hơn.
– Đối với những bệnh nhân nặng hoặc có nguy cơ trở nặng: Cần được cách ly, điều trị tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương, cơ sở y tế có phòng hồi sức cấp cứu.
– Các thuốc điều trị đặc hiệu: Được chỉ định cho nhóm người có nguy cơ cao hoặc cơ địa đặc biệt như:
- Người có những biến chứng nặng.
- Người bị suy giảm miễn dịch (Bệnh nhân HIV, bệnh nhân ung thư, người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch…)
- Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 8 tuổi.
- Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang cho con bú.
- Những người đang có bệnh lý cấp tính tiến triển.
Lưu ý trong quá trình điều trị bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ
- Trong quá trình điều trị các cơ sở cần có những biện pháp cụ thể để phòng việc lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
- Cần thực hiện việc cách ly nghiêm ngặt đối với các trường hợp nghi ngờ hoặc xác định đã mắc bệnh. Mặc dù có nhiều nhận định cho rằng bệnh đậu mùa khỉ ít có khả năng lây nhiễm, tuy nhiên việc cách ly cũng cần phải đặt ra nghiêm túc. Tại cơ sở điều trị cần có phòng riêng cho bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ, người bệnh luôn phải đeo khẩu trang và những đồ dùng, vật dụng cá nhân cần được khử khuẩn theo đúng quy định.
- Tuân thủ các quy tắc kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm phòng lây nhiễm đối với cán bộ y tế, người chăm sóc bệnh nhân và những bệnh nhân khác tại cơ sở điều trị.
- Người bệnh có thể xuất viện sau khi đã cách ly đủ 14 ngày, không còn các triệu chứng về mặt lâm sàng và không xuất hiện thêm tổn thương mới trên da tối thiểu 48 giờ, các tổn thương cũ đã đóng vảy.
- 6 lưu ý cần nhớ khi điều trị bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ
Những điều cần lưu tâm sau khi bệnh nhân đậu mùa khỉ xuất viện
Người bệnh đậu mùa khỉ sau khi đủ tiêu chuẩn xuất viện thì không còn khả năng lây nhiễm bệnh và cũng chưa có nghiên cứu về những biến chứng “hậu” mắc đậu mùa khỉ do đó người bệnh khi trở về nhà có thể sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên việc theo dõi tình trạng sức khỏe, phát hiện những biểu hiện bất thường của cơ thể và nên khám định kỳ ít nhất 3 tháng/ 1 lần để kiểm tra sức khỏe bản thân. Đồng thời cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để sức khỏe sớm được hồi phục tốt nhất sau thời gian mắc bệnh.
Phòng bệnh đậu mùa khỉ
Phòng bệnh chung
Bệnh đậu mùa khỉ hiện đang lưu hành thành dịch ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bệnh có thể diễn biến nghiêm trọng với các biến chứng nặng nề, thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Do đó cộng đồng cần nâng cao ý thức phòng tránh bệnh:
– Cần tránh tiếp xúc gần gũi với những trường hợp mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn, và các vật dụng, đồ dùng nhiễm mầm bệnh.
– Thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường.
– Tránh tập trung đông người, đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng, che miệng khi hắt hơi, ho.
– Người có biểu hiện của bệnh cần chủ động liên hệ trực tiếp với cơ sở y tế để được tư vấn, theo dõi kịp thời; Chủ động cách ly và tránh quan hệ tình dục.
– Những trường hợp xác định mắc bệnh cần được cách ly theo quy định của Bộ y tế cho đến khi đủ tiêu chuẩn xuất viện.
– Người đến các quốc gia và vùng lãnh thổ đang lưu hành dịch cần thực hiện nghiêm chỉnh quy tắc phòng dịch, tránh tiếp xúc với các động vật có vú bị bệnh như:
- Động vật gặm nhấm, thú có túi, các loài linh trưởng (còn sống hoặc đã chết) có thể chứa virus đậu mùa khỉ.
- Không nên tiếp xúc, chế biến hoặc ăn các thực phẩm chế biến từ động vật hoang dã.
- Không ăn thịt động vật chưa nấu chín hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.
Phòng bệnh đặc hiệu
Các chuyên gia cho rằng vaccine phòng đậu mùa có hiệu quả đối với đậu mùa khỉ tới 85%. Có những loại vaccine đã và đang được sử dụng như ACAM2000 hoặc JYNNEOS. Tuy nhiên việc tiêm phòng cần được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố, những loại vaccine này có thể gây ra một số phản ứng tại chỗ thường gặp như đau nhức vùng tiêm, phát ban…, hoặc nguy hiểm hơn như tình trạng phản vệ, tình trạng viêm cơ tim…
Hiện nay việc tiêm vaccine phòng đậu mùa khỉ chỉ đang được khuyến cáo cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao:
- Người đã tiếp xúc với người bệnh- tiêm phòng sau phơi nhiễm.
- Người hỗ trợ cho các trường hợp mắc bệnh- tiêm chủ động cho nhóm này để phòng ngừa lây nhiễm gồm nhân viên y tế, nhân viên làm việc tại các phòng xét nghiệm.
CDC khuyến cáo nên tiêm vaccine trong vòng 4 ngày kể từ khi tiếp xúc để ngăn ngừa sự khởi phát bệnh, nếu được tiêm vaccine từ 4-14 ngày sau phơi nhiễm có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh nhưng không thể ngăn ngừa bệnh. Do đó người bị phơi nhiễm được tiêm vaccine càng sớm càng tốt.