Đầy bụng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Đầy bụng là một trong các triệu chứng thường gặp ở đường tiêu hóa trên là chủ yếu, nhưng cũng có thể gặp trong các bệnh lý của đường tiêu hóa dưới. Cần phải xác định rõ triệu chứng đầy bụng là dấu hiệu của bệnh lý thực thể hay triệu chứng của rối loạn chức năng của đường tiêu hóa. Bài viết này sẽ giúp quý độc giả tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân, những triệu chứng đi kèm thường gặp cũng như cách khắc phục, phòng tránh tình trạng này.
Nội dung bài viêt
1. Đầy bụng là gì?
Tình trạng hơi bị tích tụ trong dạ dày làm cho bụng căng lên
Đầy bụng là tình trạng gas (hơi) bị tích tụ trong dạ dày làm cho bụng căng lên, gây cảm giác khó chịu cho bệnh nhân. Đó là hậu quả của việc rối loạn vận động dạ dày ruột do nhiều nguyên nhân, nhưng cần chia thành 2 loại chính: Nguyên nhân thực thể (do một bệnh lý cụ thể gây nên) và một bệnh lý chức năng (chủ yếu liên quan đến yếu tố thần kinh)
2. Nguyên nhân gây đầy bụng
2.1. Nguyên nhân thực thể
Tất cả các bệnh lý của ống tiêu hóa (thực quản, dạ dày, ruột non, đại trực tràng) và kể cả bệnh lý gan mật tụy đều có thể gây đây bụng. Một số các bệnh cụ thể như sau:
* Các bệnh lý của dạ dày – tá tràng: Ung thư tiêu hóa trên (ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư tá tràng), viêm dạ dày mạn, loét dạ dày tá tràng, chảy máu dạ dày…Đặc biệt với ung thư dạ dày gây hẹp môn vị… ảnh hưởng đến chức năng co bóp, gây tắc nghẽn cản trở việc tống đẩy thức ăn xuống ruột non và làm chậm quá trình tiêu hóa.
* Bệnh lý tuyến tụy, gan mật: gây giảm bài tiết mật và enzym tiêu hóa, ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa thức ăn.
* Các bệnh lý đại tràng-ruột non: Ung thư đại trực tràng, ung thư ruột non, bệnh viêm ruột mạn (viêm loét đại trực tràng, bệnh Crohn), lao ruột, các bệnh lý viêm đại tràng khác (viêm đại tràng thiếu máu cục bộ, viêm đại trực tràng do ký sinh trùng, nhiễm nấm tiêu hóa…), ngộ độc thức ăn, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do vi khuẩn-ký sinh trùng…
Các bệnh lý đại tràng – ruột non gây đầy bụng
Đây là những bệnh lý không hiếm gặp trong thời đại hiện nay, do đó cần phải nhanh chóng tới cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời nhằm giảm triệu chứng đầy bụng cũng như hạn chế được những hậu quả nguy hiểm về sau.
2.1. Do thói quen ăn uống
Thói quen ăn uống là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng đầy bụng
Những thói quen không tốt cũng có thể là nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng đầy bụng:
* Ăn một lượng quá nhiều trong một bữa ăn, đặc biệt là những thức ăn khó tiêu như thức ăn giàu tinh bột, nhiều chất béo, những món ăn xào, rán nhiều dầu mỡ…: hệ tiêu hóa phải tăng cường hoạt động, lượng enzyme không đủ để tiêu hóa những thức ăn đó gây đầy bụng.
* Ăn nhiều thức ăn, các loại gia vị cay, nóng, sử dụng các chất kích thích như rượu, bia,… gây đầy bụng ợ hơi, đầy bụng buồn nôn.
2.3. Đầy bụng do rối loạn dung nạp một số chất
Trong nhiều trường hợp chứng đầy bụng là biểu hiện của việc rối loạn dung nạp một số chất như lactose (có nhiều trong sữa), ngoài ra một số người đặc biệt là trẻ em bị đầy bụng vì lý do tình trạng dị ứng đạm sữa bò. Khi hạn chế hoặc loại bỏ những thức ăn đó thì người bệnh có thể sớm trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác, đặc biệt ở trẻ nhỏ, cần phải đến bệnh viện khám và điều trị chính xác
2.4. Đầy bụng do stress
Stress có thể gây đầy bụng
Những người thường xuyên ở trạng thái lo lắng, căng thẳng, hay suy nghĩ, thường xuyên mất ngủ… dễ gặp tình trạng rối loạn nhu động ruột, gây chứng đầy bụng buồn nôn.
2.5. Đầy bụng do sử dụng một số thuốc
Những bệnh nhân phải sử dụng thuốc kéo dài, đặc biệt các thuốc liên qan đến các thuốc corticoid, ngoài tác động tới dạ dày thì rất dễ gây đầy bụng. Đầy bụng còn có thể là tác dụng không mong muốn của một số thuốc, ví dụ như thuốc chống lao. Việc sử dụng thuốc không đúng theo chỉ định của bác sĩ, sử dụng sai liều lượng hoặc quá lạm dụng thuốc khi không cần thiết…. cũng dễ gây triệu chứng đầy bụng…
2.6. Đầy bụng do khó tiêu chức năng
Khó tiêu chức năng (Dyspepsia) là một bệnh hay gặp nhất trong các rối loạn chức năng của đường tiêu hóa. Có rất nhiều nguyên nhân gây khó tiêu chức năng. Khó tiêu chức năng gây có thể gây ra 3 hội chứng chính: Đầy bụng, đau thương vị hoặc hỗn hợp (đau thượng vị+ đầy bụng). Trong thưc tế lâm sàng đây là bệnh hay gặp nhất và gây khó chịu cho bệnh nhân. Chẩn đoán phải dựa trên các đồng thuận của Quốc tế và điều trị phải dựa trên chẩn đoán chính xác
3. Các triệu chứng đi kèm với đầy bụng
Các triệu chứng đây bụng thường không xuất hiện đơn lẻ. Đầy bụng thường đi kèm một số các triệu chứng khác như: Buồn nôn, nôn, đau thượng vị, chướng hơi… Các triệu chứng này đan xen vào nhau, do vậy khi khai thác bệnh cần phải tỉ mỉ. Các triệu chứng này làm cho bệnh nhân mệt mỏi, ăn chậm tiêu, không muốn ăn….
Đầy bụng, buồn nôn là triệu chứng tiêu hóa phổ biến
Nhận biết dấu hiệu đầy bụng gồm: Người bệnh sẽ có cảm giác ậm ạch, khó chịu, bụng căng chướng, nặng nề, đặc biệt cảm giác này tăng lên sau khi ăn no, ăn nhanh no, chán ăn.
4. Điều trị đầy bụng
Như đã nói ở trên, đầy bụng là một triệu chứng có thể do nguyên nhân thực thể hoặc do chức năng. Vì vậy, tìm nguyên nhân gây triệu chứng này là rất quan trọng, đặc biệt khi bệnh nhân mắc các bệnh thực thể (ung thư dạ dày…) thì cần phải điều trị kịp thời.
Trong nội dung này, chúng tôi đề cập đến điều trị đầy bụng do nguyên nhân chức năng. Khi đầy bụng do khó tiêu chức năng thì điều trị chủ yếu dựa 2 yếu tố chính:
+ Một là: Điều trị không dùng thuốc: Điều chỉnh lối sống, sinh hoạt và ăn uống.
+ Hai là: Điều trị dùng thuốc: Sử dụng thuốc điều hòa vận động ruột (prokinetic) và/ hoặc kết hợp thuốc ức chế bơm Proton.
4.1. Điều trị không dùng thuốc
Chế độ ăn uống lành mạnh
Trước hết cần rèn luyện thói quen ăn uống lành mạnh:
* Xây dựng chế độ ăn cân đối giữa các nhóm chất: tinh bột, đường, chất béo, đạm. Hạn chế những thức ăn nhanh, chế biến nhiều dầu mỡ, thay vào đó là bổ sung rau xanh, hoa quả, sữa chua giúp ích cho hệ tiêu hóa.
* Hạn chế rượu, bia và những gia vị chua, cay.
* Cần ăn đủ ba bữa trong một ngày bữa sáng- bữa trưa- bữa tối, tránh bỏ bữa đặc biệt là bữa sáng. Không nên ăn quá no trong một bữa, nếu cần có thể bổ sung thêm các bữa phụ. Khi ăn cần nhai kỹ, nuốt chậm. Sau khi ăn nên ngồi nghỉ hoặc đi lại nhẹ nhàng tránh nằm ngay.
* Giữ tinh thần thoải mái, tránh lo lắng, căng thẳng, luyện tập thể dục thể thao, vận động cơ thể phù hợp với sở thích, giúp giải toả căng thẳng đôi khi cũng giải quyết được những triệu chứng khó chịu đường tiêu hoá do tâm lý.
4.1. Điều trị dùng thuốc
Khó tiêu chức năng là một bệnh khá phổ biến trong bệnh lý tiêu hóa. Bệnh biểu hiện 2 trạng thái: Đau thượng vị hoặc đầy bụng.
Với bệnh nhân có dấu hiệu đầy bụng, việc sử dụng các thuốc điều hoà vận động ruột (prokinetic) là ưu tiên hàng đầu. Mosapride đã được hiệp hội tiêu hóa trên thế giới khuyên dùng cho khó tiêu chức năng.
Với những bệnh nhân có triệu chứng đau thượng vị nổi trội thì ưu tiên dùng thuốc ức chế axit PPI. Thuốc Rabeprazole là một trong các PPI được các hiệp hội tiêu hóa thế giới khuyên dùng cho khó tiêu chức năng thể đau bụng. Một số nghiên cứu đã phối hợp: thuốc ức chế axit PPI + Prokinetic cũng cho hiệu quả cao.
Khi khó tiêu chức năng do vi khuẩn Helicobacter pylori gây nên thì cần phải diệt trừ vi khuẩn này và đã được tổ chức y tế thế giới khuyến cáo.
5. Phòng tránh đầy bụng
Khám sức khỏe tiêu hóa định kỳ
Khám sức khỏe định kỳ nhằm mục đích phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý nói chung và bệnh của cơ quan tiêu hóa nói riêng. Không chủ quan với những dấu hiệu bất thường của cơ thể, mà phải đi khám ngay khi có các triệu chứng đầy bụng, buồn nôn, ợ hơi để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời, hạn chế được những hậu quả nặng nề.
Tác giả: BS. Lê Thị Thảo
Đại Học Y Dược Thái Bình (CTV Thầy thuốc Việt Nam)
Biên tập và hiệu đính: PGS.TS.BS. Vũ Văn Khiên
Chuyên khoa Nội Tiêu hóa – Bệnh viện Trung Ương Quân Đội 108