Điểm qua những điều cần biết về bệnh viêm phụ khoa
Viêm phụ khoa là bệnh lý phổ biến trong lứa tuổi hoạt động tình dục, có thể gây ra những hậu quá xấu tuy nhiên lại dễ bị bỏ qua vì không có triệu chứng rõ ràng hoặc bởi tâm lý xấu hổ của chị em phụ nữ. Qua bài viết hôm nay hy vọng sẽ mang đến cho quý bạn đọc cách nhìn tổng quan về viêm phụ khoa.
Nội dung bài viêt
Viêm phụ khoa là gì?
Viêm phụ khoa là những bệnh lý nhiễm khuẩn ở đường sinh dục phụ nữ: âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, buồng tử cung, vòi trứng và buồng trứng. Đây là bệnh lý phổ biến, chiếm tới khoảng 80% bệnh lý về phụ khoa gây ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt, hoạt động sinh dục của phụ nữ, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Bệnh xuất hiện khi có tác nhân vi khuẩn như Chlamydia, Gardnerella vaginalis, E.Coli,… hoặc kí sinh trùng như Trichomonas vaginalis, nấm Candida,… xâm nhập, phát triển làm thay đổi môi trường âm đạo, thay đổi độ pH vốn có cùng với đó là sự suy giảm hoặc bị tiêu diệt của các vi khuẩn không gây bệnh như Lactobacillus (Doderlein).
Viêm nhiễm phụ khoa
Nguyên nhân nào dẫn tới viêm phụ khoa?
Viêm phụ khoa là một bệnh lý phổ biến và ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống, tình trạng sức khỏe của chị em phụ nữ. Do đó việc biết được nguyên nhân gây bệnh phần nào có thể giúp cho việc thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh.
Quan hệ tình dục không an toàn
Làm tăng khả năng mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như: lậu, giang mai, một số loại ký sinh trùng (nấm, trùng roi…), ngoài ra việc quan hệ tình dục qua thô bạo, sử dụng các dụng cụ tình dục… cũng có thể gây tổn thương đường sinh dục, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập.
Vệ sinh kém
Việc vệ sinh vùng kín cũng như đồ lót cần đặc biệt trong ngày hành kinh, thời kỳ mang thai, trước và sau khi quan hệ tình dục… không được thực hiện tốt cũng là nguyên nhân gây nên bệnh viêm phụ khoa.
Sau khi thực hiện các thủ thuật sản phụ khoa
Đặt dụng cụ tử cung, đình chỉ thai nghén…
Sau sẩy, sau đẻ
Việc nhiễm khuẩn sau sẩy thai, sau đẻ (nhiễm khuẩn hậu sản) là vấn đề quan trọng trong chăm sóc hậu sản.
Những đối tượng nào dễ mắc bệnh viêm phụ khoa?
Hầu hết các chị em phụ nữ trong độ tuổi hoạt động tình dục đều có khả năng mắc các bệnh phụ khoa, đặc biệt các đối tượng:
- Những người có thói quen tình dục không an toàn như: có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục thô bạo, sử dụng các dụng cụ tình dục… có nguy cơ mắc các bệnh viêm phụ khoa đặc biệt những bệnh có khả năng lây truyền qua đường tình dục.
- Sống, sinh hoạt trong môi trường ẩm thấp, nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm.
- Những người nạo, phá thai, đặt dụng cụ tử cung… đặc biệt ở những cơ sở không an toàn.
- Vệ sinh kém sau sinh.
- Sử dụng các dung dịch vệ sinh không thích hợp, mặc đồ lót quá chật hoặc ẩm ướt.
- Mắc các bệnh như đái tháo đường, HIV… hoặc sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài.
Những bệnh viêm phụ khoa nào thường gặp
Viêm âm đạo, âm hộ
Viêm âm hộ, âm đạo
Do nấm: tác nhân thường là Candida Albicans, Tropicalis…Biểu hiện thường gặp là:
- Rất ngứa vùng âm hộ, âm đạo.
- Khí hư ít, như bột, hoặc sánh, có khi trông như những vẩy nhỏ
Do ký sinh trùng Trichomonas vaginalis: đứng hàng thứ 2 sau nấm, với những biểu hiện như:
Ngứa, rát ở âm hộ, âm đạo, đôi khi cả vùng hậu môn. Trường hợp bị lâu ngày hoặc tái phát thì có thể không có triệu chứng này.
Khí hư loãng, đục, màu vàng nhạt, số lượng nhiều và thường có bọt.
- Do vi khuẩn thông thường: Thường gặp ở người mãn kinh hoặc trước tuổi dậy thì, với triệu chứng khí hư vàng như mủ, có thể lẫn ít máu.
- Vi khuẩn lậu: Thường kèm theo viêm cổ tử cung. Người bệnh có triệu chứng ra nhiều khí hư, đặc trắng hay xanh đục, kèm theo đó có đái buốt.
Xem thêm: Viêm âm đạo- bệnh phụ khoa phổ biến
Viêm tuyến Bartholin
Thường do tác nhân là lậu gây nên. Bao gồm hình thái viêm cấp và mạn:
- Viêm tuyến Bartholin cấp: người bệnh đau ở vùng âm hộ, thường đau một bên, viêm ban đầu khu trú sau đó lan tỏa, có mủ. Khi khám nắn vào môi nhỏ sẽ thấy một khối rắn, tròn, đều, đau, bóp sẽ thấy mủ chảy ra ở cửa tuyến, mặt trong môi nhỏ.
- Viêm tuyến Bartholin mạn: Thường xảy ra sau đợt viêm cấp, xuất hiện sau khi kinh nguyệt, hoặc mệt mỏi, sau khi giao hợp tuyến to lên, nắn thấy rắn, đau và có ít mủ chảy ra.
Viêm cổ tử cung
Có 2 hình thái là viêm ngoài cổ tử cung và trong cổ tử cung trong đó viêm ngoài cổ tử cung gặp nhiều hơn.
- Viêm ngoài cổ tử cung: Tùy theo từng tác nhân Trichomonas, nấm, vi khuẩn… thì triệu chứng giống như viêm âm đạo, âm hộ. Trong trường hợp do mầm bệnh phối hợp hoặc tiến triển nặng thì cố tử cung sẽ có diện loét, tổn thương đỏ hơn chỗ bình thường.
- Viêm trong cổ tử cung do lậu cầu: Khí hư ra nhiều, đục, xanh, có mủ hoặc lẫn máu. Cổ tử cung phình to, niêm mạc ống cổ đỏ.
Viêm niêm mạc tử cung
Thường ít gặp, mầm bệnh chủ yếu là lậu và Chlamydia.
- Do lậu: Thường xuất hiện ra nhiều khí hư, như mủ, đặc, màu xanh. Tử cung to, nắn vào đau. Xét nghiệm cho chẩn đoán xác định.
- Do Chlamydia: Thường chỉ có biểu khí ra khí hư nhầy, đục hoặc không có biểu hiện gì, cần làm xét nghiệm dịch lấy từ buồng tử cung để chẩn đoán.
Viêm phần phụ
Là loại nhiễm khuẩn phổ biến. Vòi trứng, buồng trứng, dây chằng đều có thể bị viêm nhiễm nhưng tổn thương ở vòi trứng là quan trọng.
Viêm phần phụ cấp: Các biểu hiện thường gặp là:
- Đau vùng hạ vị, thường đau cả 2 bên hố chậu nhưng sẽ có một bên đau trội hơn, đau liên tục, có lúc đau dữ dội.
- Sốt: nhiệt độ tăng vừa phải, ít khi sốt cao.
- Khi khám bụng sẽ thấy đau vùng hạ vị, thăm túi cùng đau chói.
- Thăm âm đạo kết hợp khám bụng thấy khối nề cạnh tử cung ấn vào rất đau, tử cung khó di động và rất đau khi khám.
Viêm phần phụ mạn: Sau khi điều trị viêm phần phụ cấp, tuy các triệu chứng giảm nhưng ở vòi trứng vẫn còn những ổ nhiễm khuẩn tiềm tàng, gây nên các triệu chứng:
- Đau vùng hạ vị, tăng lên khi làm việc nặng hoặc đi lại nhiều, giảm khi nghỉ ngơi.
- Khí hư ra trong đợt đau.
- Có khi có ra máu âm đạo bất thường trước và sau kinh nguyệt hoặc rong kinh.
- Thường không có sốt.
- Khi khám sẽ thấy tử cung di động hạn chế, có thể sờ thấy khối viêm ở phần phụ, ranh giới không rõ, ấn đau.
Phòng bệnh viêm phụ khoa như thế nào?
Vệ sinh vùng kín hàng ngày bằng nước ấm, sạch hoặc các dung dịch có độ pH thích hợp
- Vệ sinh vùng kín hàng ngày bằng nước ấm, sạch, có thể sử dụng thêm các dung dịch vệ sinh có độ pH thích hợp đặc biệt là phụ nữ sau sinh và trong khi hành kinh. Không thụt rửa âm đạo, dùng thuốc xịt âm đạo.
- Sử dụng đồ lót thoáng mát, giặt sạch, phơi dưới ánh nắng mặt trời.
- Bổ sung lợi khuẩn lactobacillus bằng cách ăn sữa chua hoặc sử dụng các sản phẩm cung cấp lượng lợi khuẩn phù hợp.
- Quan hệ tình dục an toàn: không quan hệ tình dục với nhiều người, sử dụng bao cao su để phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Thăm khám phụ khoa định kỳ tại các cơ sở uy tín.
BS. Lê Thảo