Điều buồn nhất năm 2018 của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu

Lời dẫn

Hầu hết nhân viên y tế luôn mong mỏi các vị ĐBQH đại diện ngành y sẽ nỗ lực hành động để công lý phải được thực thi tại vụ án thận nhân tạo ở Hòa Bình. Năm 2018 khép lại, nhưng những trăn trở của giới ngành y vẫn còn dang dở với vụ án chạy thận nhân tạo tại Hòa Bình. Mọi hy vọng xin được gửi gắm tại các cơ quan thực thi pháp luật, các luật sư cũng như các vị ĐBQH đại diện cho ngành y. Xin các vị đại diện sẽ nỗ lực hết mình để công lý phải được thực thi, để giới ngành y sẽ yên tâm với công việc, để hàng ngày mỗi nhân viên không còn suy nghĩ “ cứu
người là có nguy cơ đánh đu với sinh mệnh”. Mọi vấn đề đều phải hiện rõ nét dưới ánh sáng công lý mà không một thế lực nào có thể che chắn, ngăn cản. Dưới ánh sáng đó nếu thực sự Lương có phạm tội thì em và mọi người trong ngành đều nhìn rõ để sửa chữa để hoàn thiện hơn kinh nghiệm và kỹ năng của mình. Nhưng nếu trong Bệnh viện, trong ngành còn thiếu nhưng qui trình, qui định đối với từng nghiệp vụ thì cũng xin thừa nhận để xây dựng và hoàn thiện tránh im lặng để người trực tiếp hành nghề phải gánh chịu.

Xem thêm: Bác sĩ cần được bảo vệ bởi hệ thống pháp luật

Giới ngành y hy vọng, nghĩa là các vị ĐBQH đại diện ngành y phải thể hiện quyết tâm, nhưng khi đọc “Những điều buồn nhất nhất năm 2018” của ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu trên trang cá nhân mỗi chúng lại tăng thêm sự âu lo với nghề. Thưa PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, giới y đều thừa nhận anh là một trong những ĐBQH tích cực cất lên tiếng nói của ngành cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của BS Hoàng Công Lương. Đành rằng không phải mọi việc đều diễn ra như mong muốn, nhưng chúng tôi tin vào sự nỗ lực, vào quyết tâm, vào hành động của anh để
đem lại sự công bằng cho Lương nói riêng và người hành nghề nói chung. Có tâm tư, có buồn nhưng nhất quyết không chùn bước anh nhé. Hy vọng năm 2019, dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng tiếng cười, niềm vui sẽ nhiều hơn nữa trên môi, trong trái tim của mỗi Thầy thuốc Việt Nam.

Tâm sự của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu

“Các nhà báo hỏi tôi những việc làm tôi không hài lòng nhất trong năm 2018 là gì, không một phút chần chừ tôi nghĩ ngay đến vụ án thận nhân tạo ở Hoà Bình.

Đây là vụ án tốn “giấy mực” nhất của ngành Y mà tôi được biết cho đến nay. Vụ án được sự quan tâm của toàn thể dư luận xã hội và đặc biệt là của giới Y khoa Việt Nam. Với tư cách là ĐBQH đại điện cho ngành Y, tôi đã lên tiếng ngay từ phút đầu tiên và luôn theo dõi sát mọi diễn biến của phiên tòa sơ thẩm. Tôi có thêm rất nhiều bạn mới từ nhân viên y tế, luật sư, nhà báo cho đến những new friends đủ mọi ngành nghề vị trí xã hội trên FB. Họ đều có điểm chung là muốn vụ án được xét xử công bằng, đúng người đúng tội. Họ đã tạo ra một luồng dư luận mạnh mẽ để sự thật dần hé lộ ra ánh sáng. Nếu không có sự quyết tâm của họ liệu những khuất tất của bệnh viện Hòa Bình, của công ty Thiên Sơn, lỗ hổng trong quản lý nhà nước … có được phát hiện hay không. Nếu không có họ liệu những người có tội có bị khởi tố ngay sau phiên xét xử đầu tiên. Chúng ta đều ghi nhận sự cầu thị của tòa án Hòa Bình khi dừng phiên xử để trả lại hồ sơ tiếp tục điều tra. Tôi đã rất hy vọng công lý sẽ được thực thi và những đóng góp của mình không trở nên vô nghĩa. Tuy nhiên cho đến những ngày cuối năm này có thể khẳng định đây là chuyện làm tôi buồn nhất trên tư cách ĐBQH của mình. Buồn vì sau những cố gắng của mình và mọi người từ một án tù treo có thể chuyển sang “tù giam”, từ một tội danh không hợp lý sang một tội danh vô lý: “VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI”. Với tội danh này án tù cho Lương có thể lên đến 8 năm, chấm đứt gần như hoàn toàn tương lai của một bác sĩ được đào tạo bài bản người dân tộc thiểu số.

Nếu bị kết án, bản án dành cho Lương sẽ là bản án “treo” lơ lửng trên đầu của tất cả nhân viên y tế Việt Nam đang trực tiếp hành nghề khám chữa bệnh, trong đó có cả tôi!

Nếu trong một cuộc phẫu thuật, can thiệp đòi hỏi sự chính xác rất cao, chỉ một thao tác không chuẩn có thế gây ra biến chứng ảnh hướng đến tính mạng bệnh nhân. Liệu lúc đó bác sĩ có bị quy vào tội vô ý làm chết người hay không? Nếu thế chắc chắn chúng tôi sẽ không dám mổ những ca phức tạp, nguy cơ tử vong cao nữa. Các bệnh viện đặc biệt ở tuyến dưới sẽ chuyển hết lên tuyến trung ương còn tuyến trung ương lại chuyển trả về … nhà vì ai mà dám đụng vào để “đi tù mọt gông”.

Tôi cũng hiểu “cái khó” của viện kiểm sát khi tìm ra được một tội danh thích hợp cho Lương với bản kết luận điều tra bổ sung không khác nhiều so với bản điều tra ban đầu, “cái khó” khi xử một vụ án mà có quá nhiều sức ép của dư luận xã hội, “cái khó” của một vụ án mà chưa có “án lệ” từ trước đến nay… Lúc này rất cần những cái đầu thật tỉnh táo, uyên bác của hội đồng xét xử, sự sắc sảo, nhiệt huyết của các vị luật sư bào chữa và cũng cả từ trái tim biết lắng nghe thấu hiểu của vị kiểm sát viên giữ quyền công tố. Nếu 3 nhân tố ấy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và Toà tuyên án đúng người đúng tội, đền bù làm giảm bớt được nỗi đau của gia đình người bệnh đã mất hoặc bị ảnh hưởng sức khoẻ. Lúc này tôi tin chắc rằng dư luận xã hội sẽ tâm phục, khẩu phục và vụ án sẽ thành án lệ nổi tiếng được nhắc đến rất nhiều lần trong tương lai.

Không phải trong ngành tư pháp, nhưng là một nhà khoa học tôi xin mạnh dạn góp ý theo cách chúng tôi thường làm khi gặp một trường hợp bệnh lạ chưa từng gặp ở Việt Nam. Chúng tôi sẽ tra cứu y văn, việc này thực sự rất dễ với công cụ IT ngày nay. Sau khi tìm thấy những trường hợp tương tự chúng tôi sẽ học tập kinh nghiệm của thế giới, nếu vẫn chưa thực sự thông suốt chúng tôi sẽ trực tiếp liên hệ với tác giả của bài báo để cùng thảo luận. Ngành Y nói riêng và cuộc sống nói chung là muôn màu muôn vẻ nhưng luôn có những quy luật mà nắm bắt nó chính là chìa khoá của thành công và chân lý.

Tôi cũng đã thử tìm trên mạng về các vụ việc tương tự như vụ Hoà Bình, kết quả là có không ít vụ như vậy ở Edmonton, Canada, Sydney, Úc hay ở Hồng Kông. Điển hình là vụ việc ở Edmonton, rất may tôi có người bạn thân giảng dạy y khoa ở ngay thành phố Edmonton, bạn tôi đã trực tiếp hỏi về vụ việc này với tác giả bài báo và các bộ phận có trách nhiệm. Được biết đây là vụ án gây tử vong 1 bệnh nhân và 3 bệnh nhân khác phải cấp cứu tối khẩn trong quá trình chạy thận nhân tạo, nguyên nhân cũng là do sai sót trong bộ phận kỹ thuật vận hành máy lọc thận. Tòa xử kín theo nguyện vọng của cả phía bệnh viện cũng như phía những người bị hại. Kết quả con số bồi thường không được công bố nhưng chắc chắn một điều là không một bác sĩ nào phải đi tù vì tội vô ý làm chết người!!!

Đây là status dài nhất trong năm của tôi và cũng là status mong mọi người đọc kỹ nhất và chia sẻ nhiều nhất.

Xin cám ơn!

PS: phần questions and answers ở cuối bài báo rất dễ hiểu cho các bạn không phải chuyên ngành Y.”

Xem thêm: Đại biểu Quốc hội : Mức án đề nghị với bác sĩ Lương là không công bằng

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (nguồn: trang cá nhân của BS Nguyễn Lân Hiếu)

Những phát biểu của ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu về vụ án

– “Không phát biểu về vụ án BS Lương, tôi không xứng đáng là ĐBQH của ngành Y tế”

– “Với tư cách ĐQBH, tôi chắc chắn không thể bỏ qua, không thể thờ ơ được và sẽ chịu trách nhiệm với mọi phát ngôn của mình về vụ án này”

– ”…Không có một phán quyết công bằng cho vụ án này, cho BS Hoàng Công Lương, thì nhiều nhân viên y tế sẽ không còn giữ được tinh thần để làm việc…”

– “Tôi mong TAND TP. Hòa Bình sẽ đưa ra một bản án công minh, đúng người đúng tội, tránh oan sai nhưng cũng không thể bỏ lọt tội phạm. Khi đó, chính tôi sẽ lên cảm ơn các cơ quan tư pháp của tỉnh Hòa Bình vì đã làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình”.

(Trí Thức Trẻ)

Nguồn Nội khoa Việt Nam

 

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận