Điều trị Basedow

Basedow là một bệnh lý tự miễn gây cường giáp hay gặp ở những người phụ nữ trẻ dưới 40 tuổi. Bệnh có gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm vì thế basedow và cách điều trị bệnh đã trở thành một vấn đề được rất nhiều người quan tâm.

1. Nguyên tắc điều trị chung

Mắc bệnh Basedow khiến tuyến giáp tăng cường hoạt động, to lên và sản xuất ra nhiều hormone thyroxin (hormone tuyến giáp). Việc nồng độ hormone tăng cao liên tục trong máu sẽ gây nên các rối loạn về chuyển hóa và làm tổn thương các mô, cơ quan trong cơ thể. Vì vậy nguyên tắc trong điều trị bệnh bao gồm:

Kiểm soát các triệu chứng và biến chứng của bệnh: run chân tay, bướu cổ, lồi mắt, phù niêm trước xương chày,…biến chứng cơn nhiễm độc giáp cấp, loạn nhịp tim, suy tim sung huyết, suy kiệt nặng,…

Đưa tình trạng bệnh về bình giáp (ổn định nồng độ hormon tuyến giáp trong cơ thể ở mức bình thường) bằng cách hạn chế sự tổng hợp hormon của tuyến giáp.

Phòng ngừa các biến chứng do điều trị.

2.Các phương pháp điều trị hiện nay

Hiện nay có 3 phương pháp chính trong điều trị bệnh Basedow, phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nặng hay nhẹ, có biến hoặc các bệnh đi kèm hay không, và khả năng điều trị của bệnh nhân.

2.1.Điều trị nội khoa

                     Sử dụng thuốc trong điều trị Basedow (Ảnh internet)

Bệnh Basedow uống thuốc gì?

Việc điều trị bệnh sử dụng các thuốc để chống lại việc tổng hợp hormone của tuyến giáp như Iod vô cơ dưới dạng dung dịch Lugol 1%, dẫn xuất của Thionamid gồm nhóm thiouracil và nhóm imidazole. Kết hợp với các thuốc điều trị triệu chứng như chẹn beta giao cảm hay thuốc an thần.

Phương pháp sử dụng thuốc được chỉ định trong các trường hợp người bệnh dưới 50 tuổi, điều trị lần đầu và có bướu giáp lan tỏa.

Ưu điểm của việc điều trị bệnh bằng thuốc là một phương pháp tương đối an toàn, có thể sử dụng cho người trẻ tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú, ít xảy ra các biến chứng so với việc sử dụng Iod phóng xạ và phẫu thuật. Các triệu chứng của cường giáp bắt đầu giảm sau 1-2 tuần, giảm rõ sau 4-6 tuần.

Nhược điểm của phương pháp là người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ của thuốc như: giảm bạch cầu hạt trung tính, vàng da tắc mật và viêm gan nhiễm độc.

Thời gian điều trị thuốc có thể kéo dài 12-24 tháng, và cần được theo dõi khả năng bị tái phát ngay cả sau khi điều trị khỏi hoàn toàn.

2.2.Điều trị bằng Isotop (iod phóng xạ)

Sử dụng I131 để điều trị Basedow trong trường hợp các bệnh nhân lớn tuổi, không phù hợp hay có tái phát sau điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật. Sau 1,5 đến 2 tháng điều trị, tuyến giáp thường nhỏ lại về kích thước bình thường. Một số bệnh nhân phải điều trị lần 2 sau ít nhất 6 tháng kể từ lần 1.

Phương pháp được chỉ định trong người hợp bệnh nhân lớn tuổi, có tai biến khi điều trị nội khoa, tái phát sau điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa, không thể điều trị bằng phẫu thuật. Ngoài ra, không được sử dụng Iod phóng xạ cho phụ nữ có thai, cho con bú, người dưới 30 tuổi, bệnh nhân bị lồi mắt nặng.

Ưu điểm của phương pháp là không xâm lấn và có hiệu quả trên những trường hợp không điều trị được bằng nội khoa hoặc ngoại khoa. Bệnh nhân có thể đạt được bình giáp sau 1,5 – 2 tháng.

Nhược điểm của phương pháp là có thể gây ra một số biến chứng như: vêm tuyến giáp, làm tình trạng lồi nặng trở nên nặng hơn, suy giáp vĩnh viễn. Vì vậy sau điều trị bằng Iod phóng xạ, dù đã khỏi bệnh, bệnh nhân cũng cần phải kiểm tra định trì để phát hiện tình trạng suy giáp.

2.3.Điều trị phẫu thuật

       Phẫu thuật là một phương pháp điều trị Basedow (Ảnh internet)

Nhiều người lo ngại các biến chứng phẫu thuật nên thường phân vân khi bị bệnh Basedow có nên mổ không. Việc mổ cắt một phần hay toàn bộ tuyến giáp là cần thiết khi có bướu giáp to hoặc bướu đa nhân, bướu chìm trong lồng ngực,…trên bệnh nhân Basedow tái phát sau điều trị nội khoa hoặc phụ nữ muốn có thai sớm. Tuy nhiên không được tiến hành phẫu thuật trên những bệnh nhân có biến chứng tim nặng như suy tim, một số người lớn tuổi.

Ưu điểm của phương pháp có thể giải quyết nhanh chóng tình trạng tăng hormon tuyến giáp. Tuy nhiên các biến chứng có thể xảy ra sau khi mổ cắt tuyến giáp như liệt dây thanh quản quặt ngược, suy cận giáp do cắt mất tuyến cận giáp, suy giáp,…Vì vậy bệnh nhân cũng cần phải theo dõi suốt đời, kiểm tra định kỳ để phát hiện tình trạng suy giáp nếu có.

BS. Đỗ Thị Gấm

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận