Điều trị các triệu chứng bệnh lý tim mạch hậu covid
Điều trị tổn thương, di chứng tim mạch hậu covid phụ thuộc vào nhiều yếu tố như triệu chứng, thể trạng bệnh nhân, bệnh lý đi kèm, tổn thương tim mạch đã được chẩn đoán bởi nhân viên y tế.
- Điều trị các triệu chứng bệnh lý tim mạch hậu covid
Tiếp theo bài viết về “Tổng quan về các di chứng tim mạch hậu covid 19“, Thầy Thuốc Việt Nam gửi tới bạn bài viết hướng dẫn điều trị các triệu chứng bệnh lý tim mạch hậu covid.
Nội dung bài viêt
Viêm cơ tim
Ở giai đoạn đầu, viêm cơ tim ít gây ra các triệu chứng đặc trưng nên dễ bị nhầm lẫn với cảm, sốt thông thường. Khi viêm cơ tim tiến triển, người bệnh sẽ có một số triệu chứng như sốt cao, đau cơ khớp, mệt mỏi, đau tức ngực, khó thở, rối loạn nhịp tim,… Khi mắc viêm cơ tim hậu covid, người bệnh sẽ được điều trị bằng các phương pháp sau:
Dùng thuốc: Thuốc trợ tim, thuốc lợi tiểu, thuốc chống loạn nhịp, thuốc chống đông, thuốc ức chế tập kết tiểu cầu.
Kỹ thuật ngoại khoa: Trong trường hợp không đáp ứng với thuốc điều trị và suy tim với huyết động không ổn định, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng VAD, ECMO để hỗ trợ tuần hoàn.
Phẫu thuật ghép tim: Dùng trong trường hợp bệnh nhân viêm cơ tim mạn tính cùng suy tim mất bù giai đoạn cuối.
Rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim đặc trưng với tần số, nhịp tim quá nhanh, quá chậm, không đều,… Người bệnh thường có các triệu chứng như nhịp tim bất thường, đau tức ngực, choáng váng, khó thở, mệt mỏi. Các phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim gồm:
Dùng thuốc: Thuốc chống loạn nhịp, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh calci.
Kỹ thuật ngoại khoa: Liệu pháp phế vị, đốt điện, sốc chuyển nhịp để giảm nhịp tim. Cấy máy tạo nhịp để khôi phục tần số tim.
Phẫu thuật: Phẫu thuật bắc cầu mạch vành, phẫu thuật Maze.
Nhịp nhanh tư thế đứng
Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để tình trạng nhịp nhanh tư thế đứng. Tuy nhiên, một số phương pháp điều trị có thể giúp làm giảm triệu chứng bệnh bao gồm:
Dùng thuốc: Thuốc chẹn beta, thuốc vận mạch.
Dùng tất y khoa: Đây là loại tất đặc biệt có tác dụng ép lưu thông máu từ chân về tim.
Nhồi máu cơ tim
Một cơn nhồi máu cơ tim cấp có nhiều triệu chứng đặc trưng là cơn đau thắt ngực đột ngột, đau như bóp nghẹt sau xương ức, có thể đau lan lên cổ, vai, cằm, sau lưng hoặc xuống vùng thượng vị. Ngoài ra, người bệnh còn có thể có hồi hộp đánh trống ngực, khó thở, lú lẫn, da tái nhợt, lạnh đầu chi. Điều trị nhồi máu cơ tim là điều trị cấp, thực hiện sớm và đúng giúp hạn chế nguy cơ tử vong.
Điều trị ban đầu:
Bất động bệnh nhân tại giường.
Thở oxy 2-4 lít/phút đường mũi.
Dùng thuốc: Thuốc giảm đau, nitroglycerin, thuốc chẹn beta, thuốc chống đông, thuốc chống tập kết tiểu cầu.
Điều trị tái tưới máu: Nong/đặt stent, phẫu thuật bắc cầu nối chủ – vành.
Xơ hóa mô kẽ cơ tim
Xơ hóa mô kẽ cơ tim có thể tiến triển gây rối loạn chức năng thất trái, lâu dần dẫn đến suy tim. Tình trạng này có thể gây ra một số triệu chứng như khó thở ngay cả khi nằm hoặc khi gắng sức, khó thở về đêm, mệt mỏi, phù ngoại biên, đau tức ngực,… Các phương pháp điều trị bao gồm:
Dùng thuốc: Thuốc lợi tiểu, thuốc kháng đông, thuốc chống loạn nhịp, thuốc ức chế men chuyển.
Kỹ thuật ngoại khoa: Cấy máy tạo nhịp tim, cấy máy khử rung tim để ổn định nhịp tim.
Phẫu thuật: Phẫu thuật van tim, ghép tim trong trường hợp không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
Rối loạn chức năng tế bào nội mạc, viêm mạch máu
Người bệnh tổn thương tế bào nội mạc, viêm mạch máu thường là tình trạng cảnh báo sớm các bệnh lý tim mạch khác. Tùy theo bệnh lý và triệu chứng mắc phải sẽ có phương pháp điều trị khác nhau.
Dinh dưỡng cho người có bệnh lý tim mạch hậu covid
Chế độ dinh dưỡng cân đối, khoa học là chìa khóa quan trọng trong quá trình hồi phục của bệnh nhân covid. Điều quan trọng nhất trong chế độ dinh dưỡng là đảm bảo đủ năng lượng, đảm bảo đủ bốn nhóm dưỡng chất quan trọng (carbohydrate, protein, lipid, vitamin và khoáng chất) nhằm cải thiện hệ miễn dịch của cơ thể. Người có bệnh lý tim mạch ngoài chế độ ăn đủ chất còn cần lưu ý thêm một số nguyên tắc sau:
Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi: Đây là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ dồi dào cho cơ thể. Rau xanh, trái cây tươi cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp hạn chế các vấn đề tim mạch. Cải xoăn, cải bó xôi, súp lơ xanh, cà chua, táo, kiwi, cam, dâu tây, việt quất,… là một số loại rau, quả tốt cho tim mạch.
Sử dụng ngũ cốc nguyên hạt: Gạo lứt, bột yến mạch nguyên chất, lúa mạch, diêm mạch,… chứa nhiều chất xơ hòa tan giúp giảm cholesterol, giảm huyết áp, giảm gánh nặng cho tim.
Hạn chế chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa: Việc sử dụng quá các thực phẩm chiên rán, mỡ động vật,… khiến tim phải làm việc nhiều hơn. Người mắc bệnh tim mạch hậu covid nên chọn các loại thịt nạc trắng, dầu oliu, dầu thực vật, các loại quả hạch,… để bảo vệ trái tim của mình.
Ưu tiên các nguồn protein ít béo: Chế độ ăn đủ protein giúp cơ thể có đủ năng lượng để phục hồi sau khi mắc covid. Tuy nhiên, người bệnh tim mạch nên hạn chế những nguồn protein có thể làm tăng nồng độ cholesterol trong máu. Các loại cá, thịt gia cầm bỏ da, thịt nạc, đậu hà lan, đậu tương, sữa ít béo,… là những thực phẩm cung cấp protein dồi dào và ít chất béo.
Giảm muối: Ăn quá nhiều muối là nguyên tắc quan trọng trong chế độ dinh dưỡng có lợi cho tim. Đối với người mắc bệnh tim mạch cần hạn chế lượng muối dưới 4g/ngày.
Uống đủ nước: Không chỉ riêng với người bệnh tim, bất kỳ ai cũng cần cung cấp đủ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày. Tốt nhất bạn nên uống nước lọc, nước canh, súp, nước trái cây không đường.
Không uống rượu, bia và các chất kích thích.
Chế độ sinh hoạt, tập luyện cho bệnh lý tim mạch hậu covid
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt và luyện của có ý nghĩa đặc biệt với người bệnh lý tim mạch. Lối sống khoa học giúp người bệnh phục hồi vận động cơ, tăng dung tích phổi và cải thiện lưu lượng tuần hoàn. Từ đó, hỗ trợ giảm các triệu chứng của hậu covid.
Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ giúp cơ thể được nghỉ ngơi, phục hồi sau một ngày dài làm việc. Vì vậy, hãy đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày. Tốt nhất bạn nên đi ngủ và thức dậy vào một giờ cố định trong ngày.
Thư giãn, thả lỏng cơ thể: Cân bằng giữa cuộc sống và công việc, dành tối thiểu 30 phút để thả lỏng cơ thể.
Hạn chế căng thẳng, stress: Stress ảnh hưởng trực tiếp đến việc tăng tiết cortisol và adrenalin gây hại cho tim mạch. Đặc biệt, sau khi mắc covid nếu bạn liên tục trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi dễ dẫn đến các rối loạn tâm lý hơn so với bình thường.
Tập luyện: Các chuyên gia khuyến cáo nên dành 30 phút/ngày cho các bài tập mức độ trung bình như đi bộ, bơi, đạp xe. Tập luyện thường xuyên giúp tăng cung lượng tim, giảm nguy cơ biến cố tim mạch và tử vong. Điều quan trọng là lựa chọn bài tập, cường độ phù hợp với sức khỏe bản thân. Mặc dù, tập thể dục được cho là có lợi nhưng không phải tất cả bệnh nhân tim mạch đều có thể luyện tập. Một số đối tượng được biệt như bệnh mạch vành không ổn định, suy tim mất bù, hẹp van tim có triệu chứng lâm sàng, rối loạn nhịp không kiểm soát được khuyến cáo không tham gia luyện tập thể dục.
Các câu hỏi thường gặp về di chứng tim mạch hậu Covid
1. Di chứng tim mạch hậu Covid kéo dài bao lâu?
Trên thực tế lâm sàng rất khó dự đoán chính xác hội chứng hậu covid nói chung cũng như các di chứng tim mạch kéo dài bao lâu. Nhiều chuyên gia cho rằng di chứng tim mạch hậu covid kéo dài trong khoảng 1 – 6 tháng. Các triệu chứng thường có xu hướng thuyên giảm dần theo thời gian, tuy nhiên vẫn có rất nhiều trường hợp kéo dài trên 1 năm, thậm chí là lâu hơn.
2. Ai có nguy cơ cao gặp biến chứng tim mạch hậu Covid?
Bất kỳ ai đều có nguy cơ gặp biến chứng tim mạch hậu covid dù có hay không có tiền sử bệnh tim mạch trước đó. Tuy nhiên, nhóm người có sẵn các bệnh lý tim mạch trước đó và nhóm người mắc covid có triệu chứng nặng, bão cytokine, phải nhập viện, can thiệp ECMO có nguy cơ cao hơn cả. Cùng với đó, người có các triệu chứng như khó thở, đau tức ngực, mệt mỏi, choáng váng,… sau khỏi covid cũng có nguy cơ cao mắc biến chứng tim mạch hậu covid.
3. Khám di chứng tim mạch hậu Covid ở đâu?
Hiện nay, có rất nhiều cơ sở y tế đã mở các phòng khám di chứng tim mạch hậu covid. Bạn có thể tham khảo các phòng khám hậu covid tại một số bệnh viện như bệnh viện đa khoa Đức Giang, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh viện Đại học Y dược Thành Phố Hồ Chí Minh, bệnh viện Chợ Rẫy,…
Xem thêm các bài viết nằm trong chuỗi bài về hậu covid: