Điều trị dị vật ống tai
Trong các tổn thương ở tai thường gặp có tổn thương viêm tai, thủng màng nhĩ, điếc, dị vật trong tai… Phần lớn các tổn thương này gặp ở trẻ nhỏ và đều có thể gây ảnh hưởng thính lực. Cùng BS Tai mũi họng – Đặng Văn Kiện tìm hiểu về trường hợp dị vật ống tai.
⇒ Đề phòng trẻ bị viêm tai giữa khi bơi
⇒ Vệ sinh tai cho trẻ bị viêm tai giữa
Nội dung bài viêt
Dị vật ống tai là gì
Dị vật ở trong tai là tình trạng một vật bị mắc kẹt trong ống tai (ống dẫn từ màng nhĩ ra bên ngoài). Các dị vật phổ biến thường gặp là bông gạc; côn trùng (gián, ruồi, kiến…); thực phẩm (hạt đậu hoặc lạc…); đồ chơi nhỏ,…
- Dị vật trong ống tai ( Ảnh; ST)
Cấu tạo của tai
Tai gồm 3 phần: tai ngoài, tai giữa, tai trong. Ống tai ngoài được cấu tạo bởi ống tai sụn ở ngoài và ống tai xương ở trong. Phần tiếp nối giữa ống tai ngoài và ống tai xương rất hẹp. Dị vật thường bị kẹt ở vị trí này, gây khó khăn cho việc lấy. Dị vật trong tai thường gặp ở trẻ nhỏ nhiều hơn. Những hành động cố gắng lấy dị vật của cha mẹ trẻ có thể đẩy dị vật vào sâu hơn hoặc dễ gây tổn thương màng nhĩ. Chính vì vậy, khi trẻ có dị vật ở trong tai nên đưa trẻ đến các Bệnh viện hoặc cơ sở y tế có chuyên khoa tai – mũi – họng để được các Bác sỹ chuyên khoa xử trí; tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra.
Triệu chứng thường gặp
– Đau tai, cảm giác đau tăng lên nếu dị vật là các con côn trùng sống.
– Ù tai.
– Có thể mất thính lực.
– Da bị đỏ, ngứa hoặc chảy máu trong tai.
– Chóng mặt.
- Dị vật ống tai thường do côn trùng. (Ảnh: ST)
Điều trị
1. Đối với dị vật bất động (bông gòn, viên bi, hạt lạc, đồ chơi nhỏ…) :
– Dùng nước ấm bơm vào thành trên ống tai, tia nước sẽ theo thành trên ống tai ra phía sau dị vật và đẩy dị vật từ trong ống tai ra ngoài.
– Dùng kẹp, gắp lấy dị vật ra (nếu dị vật mềm như bông gòn, giấy…), hoặc dùng móc luồn sát thành ống tai ra phía sau dị vật kéo ra (nếu dị vật cứng, tròn…)
2. Đối với dị vật di động (các loại côn trùng nhỏ như bọ, kiến, ruồi, muỗi…)
Nếu chúng còn sống không nên gắp ra ngay, chạm vào chúng càng chui sâu hơn, vừa khó lấy ra, vừa gây đau. Trường hợp này tốt nhất phải làm bất động hoặc giết chết nó bằng cách nhỏ vào tai các dung dịch như nước muối sinh lý, chloroform, cồn nhẹ, glycerin, dầu… sau đó mới nhẹ nhàng lấy nó ra.
Một số mẹo nhỏ có thể áp dụng khi bị dị vật tai (chủ yếu là do côn trùng) mà chưa thể tới cơ sở y tế khám được :
– Dị vật là Giòi: phèn xanh tán bột thổi vào tai, giòi sẽ tan thành nước.
– Dị vật là kiến: vỏ cây trúc tán bột hòa nước nhỏ vào tai.
– Dị vật là rết: gừng sống ép nước nhỏ vào tai.
– Dị vật là đỉa: mật ong nhỏ vào tai.
Phòng bệnh
– Chú ý đến trẻ em khi trẻ đang chơi với các vật nhỏ.
– Không sử dụng bất kỳ vật gì, chẳng hạn như khăn giấy, bông gạc hoặc tăm xỉa răng, để làm sạch ống tai.
– Mùa hè là mùa các loại côn trùng phát triển, vậy nên khi nằm ngủ nên mắc màn tránh côn trùng bò vào tai.
⇒ 6 sai lầm nghiêm trọng khi chăm sóc trẻ sơ sinh
⇒ Nhiễm trùng vết thương ở trẻ
( Thầy thuốc Việt Nam)