Điều trị tăng huyết áp

Thảo
Học hàm, học vị:
Tỉnh/TP:
Chuyên khoa:

Cao huyết áp thường diễn biến thầm lặng qua nhiều năm với các biểu hiện không đặc trưng. Bệnh được phát hiện phần lớn là do tình cờ đi khám bệnh khác hoặc khi đã bộc lộ những biến chứng nghiêm hiểm như nhồi máu cơ tim, suy thận… Vậy điều trị như thế nào để hạn chế các biến chứng này?

Mục tiêu và nguyên tắc điều trị

Mục tiêu điều trị

  • Mục tiêu điều trị tăng huyết áp là đưa chỉ số huyết áp về “Huyết áp mục tiêu” và giảm tối đa nguy cơ tổn thương các cơ quan đích nhằm ngăn ngừa các biến chứng ở các cơ quan đích như tim, não, thận, mắt, mạch máu, trong đó quan trọng nhất là giảm tối đa các “nguy cơ tim mạch tổng thể”. Mục tiêu điều trị cần được cá thể hóa dựa trên cả lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, các tác dụng phụ và đánh giá điều trị dài hạn.
  • Huyết áp mục tiêu cần đạt là < 140/90 mmHg, và có thể thấp hơn 130/80mmHg với những người có protein niệu, có đái tháo đường hoặc đã có tiền sử tai biến mạch máu não từ trước. Đối với người cao tuổi đặc biệt trên 80 tuổi, mức huyết áp mục tiêu có thể giữ ở 150/90 mmHg.
Đưa huyết áp về huyết áp mục tiêu

Đưa huyết áp về huyết áp mục tiêu

Nguyên tắc điều trị

  • Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính nên việc điều trị kéo dài suốt đời do đó cần phải có sự kiên trì, tuân thủ chặt chẽ điều trị và theo dõi, điều chỉnh liều định kỳ.
  • Nên khởi trị sớm, tích cực và nhanh chóng đạt huyết áp mục tiêu để giảm thiểu tối đa tổn thương cơ quan đích. Tuy nhiên không hạ huyết áp quá nhanh để tránh biến chứng thiếu máu cấp trừ tình huống cấp cứu.
  • Cần sàng lọc kỹ, theo dõi phát hiện sớm, kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch đi kèm với tăng huyết áp. 
  • Nếu cần dùng đồng thời ≥ 2 loại thuốc để đạt huyết áp mục tiêu thì ưu tiên dùng các loại thuốc hạ huyết áp phối hợp với liều cố định để tăng tuân thủ điều trị.

Các biện pháp thay đổi lối sống

Việc thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống có thể giúp người tăng huyết áp loại trừ được những yếu tố nguy cơ của bệnh nói riêng và ngăn chặn các yếu tố nguy cơ tổn thương cơ quan đích nói chung. 

Thay đổi chế độ ăn

Chế độ ăn ảnh hưởng nhiều đến bệnh tăng huyết áp cũng như các bệnh lý tim mạch khác. Người tăng huyết áp cần điều chỉnh chế độ ăn phù hợp:

  • Ăn giảm mặn, thường < 6 gam muối/ ngày. 
  • Duy trì đủ lượng kali, đặc biệt ở những người có sử dụng thuốc lợi tiểu để điều trị hạ huyết áp.
  • Tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi giàu chất xơ và protein động vật.
  • Hạn chế chất béo, thức ăn nhiều cholesterol.

Xem thêm: Chế độ ăn cho người tăng huyết áp: Nên ăn gì? Không nên ăn gì?

Ăn giảm muối

Ăn giảm muối

Kiểm soát cân nặng

Như chúng ta đã biết, người béo phì có nguy cơ mắc tăng huyết áp cao hơn những người khác và khi mắc bệnh thì béo phì là một trong những nguy cơ dẫn tới những tổn thương cơ quan đích. Do đó, người tăng huyết áp cần:

  • Tích cực giảm cân nếu có thừa cân, sao cho duy trì cân nặng lý tưởng với BMI từ 18.5- 22.9 kg/m2. 
  • Duy trì vòng bụng dưới 90cm đối với nam và dưới 80cm đối với nữ.

Việc kiểm soát cân nặng liên quan mật thiết với chế độ ăn uống và luyện tập.

Tập luyện thể dục thể thao

Người bệnh nên tăng cường các hoạt động thể lực ở mức thích hợp, có thể đi bộ, tập thể dục nhẹ nhàng đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày. Với những bệnh nhân có triệu chứng nặng hoặc kèm theo bệnh lý tim mạch khác cần phải kiểm tra kỹ trước khi thực hiện các chế độ luyện tập.

Thay đổi sinh hoạt

Cần duy trì một thói quen sinh hoạt phù hợp để cải thiện tình trạng bệnh:

  • Nghỉ ngơi thư giãn hợp lý, giữ tinh thần thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng thần kinh.
  • Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thuốc lào, cà phê…

Các thuốc điều trị THA

Nhóm thuốc tác động lên hệ Renin- Angiotensin

Nhóm thuốc tác động lên hệ Renin- Angiotensin bao gồm

Nhóm thuốc ức chế men chuyển

  • Cơ chế tác dụng: Ức chế men chuyển từ angiotensin I thành angiotensin II, do đó làm giãn mạch, giảm tiết aldosterol làm hạ huyết áp, đồng thời ức chế sự giáng hóa bradykinin vốn là chất gây giãn mạch, giúp hạ huyết áp.
  • Tác dụng không mong muốn hay gặp của nhóm này là ho khan, ngoài ra có thể gây phù, dị ứng,…
  • Một số thuốc thuốc nhóm ƯCMC: Captopril, Enalapril…

Nhóm thuốc ức chế thụ thể AT1 của Angiotesin II

  • Cơ chế tác dụng: Ức chế thụ thể AT1 nơi tiếp nhận tác dụng của angiotensin II gây co mạch.
  • Tác dụng không mong muốn: Có thể gây phù, dị ứng, nặng nề hơn là viêm phù mao mạch (Hiếm gặp)
  • Một số thuốc trong nhóm: Losartan, Valsartan…

Nhóm thuốc ức chế trực tiếp renin

Thuốc điều trị tăng huyết áp

Thuốc điều trị tăng huyết áp

Nhóm thuốc chẹn beta-giao cảm

  • Cơ chế tác dụng: Chẹn thụ thể beta giao cảm đối với catecholamine làm giảm nhịp tim, cung lượng tim, giảm nồng độ renin trong máu, tăng giải phóng prostaglandins gây giãn mạch.
  • Tác dụng không mong muốn: Nhịp chậm, ngủ gà, bất lực. Ngoài ra một số thuốc còn gây hủy hoại tế bào gan, hạ huyết áp tư thế, rung tay chân…

Gồm 3 nhóm nhỏ

  • Nhóm chẹn không chọn lọc beta 1 & beta 2: propranolol, timolol…
  • Nhóm chẹn chọn lọc beta 1: metoprolol, atenolol…
  • Nhóm chẹn cả beta và alpha giao cảm: carvedilol, labetalol…

Nhóm thuốc chẹn kênh Calci

  • Cơ chế tác dụng: Ngăn dòng calci chậm vào trong tế bào cơ trơn thành mạch, làm giản hệ tiểu động mạch, từ đó giảm sức cản ngoại vi gây hạ huyết áp. Tùy theo từng nhóm thuốc mà tác động trên nhịp tim và sức co bóp cơ tim.
  • Tác dụng phụ: Bừng mặt, nhịp tim nhanh, đau đầu, một số thuốc gây đau đầu, buồn nôn,…

Gồm 2 nhóm nhỏ:

  • Nhóm dihydropyridin: nifedipin, amlodipin…
  • Nhóm non- dihydropyridin: diltiazem, verapamil.

Nhóm thuốc lợi tiểu

Cơ chế tác dụng: Làm tăng thải natri từ đó giảm khối lượng tuần hoàn trong lòng mạch, do đó giúp hạ huyết áp.

Gồm 3 nhóm:

  • Lợi tiểu thiazide: Chlorothalidon, metolazon…
  • Lợi tiểu quai: Furosemid, torsemid…
  • Lợi tiểu kháng aldosterol: Spironolacton…

Tác dụng phụ: Tùy thuộc từng loại, lợi tiểu thiazid gây hạ kali máu, magie máu, rối loạn lipid máu nếu dùng kéo dài, có thể gây yếu cơ, chuột rút…, lợi tiểu quai là lợi tiểu thải kali và điện giải, ngoài ra còn có thể độc với tai.

Các thuốc lợi tiểu thường là một trong những lựa chọn hàng đầu khi điều trị khởi đầu cho tăng huyết áp chưa có biến chứng hoặc tổn thương cơ quan đích và cũng là thuốc hàng đầu để phối hợp thuốc khi chưa kiểm soát được huyết áp bằng một loại thuốc.

Nhóm thuốc khác

Ngoài các nhóm thuốc kể trên, hiện nay còn có  những loại thuốc hạ áp khác như:

  • Nhóm thuốc tác động lên hệ giao cảm trung ương/ ngoại vi
  • Nhóm thuốc tác động hỗn hợp
  • Nhóm thuốc chẹn alpha giao cảm
  • Nhóm thuốc giãn mạch trực tiếp

Các thuốc đông y có tác dụng điều trị tăng huyết áp?

Ngoài y học hiện đại thì y học cổ truyền cũng có nhiều bài thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp hay còn gọi là chứng Huyễn vựng. Một số vị thuốc được sử dụng như: Đỗ trọng có tác dụng giãn mạch ngoại vi và lợi tiểu, Ngưu tất nam ngoài tác dụng giãn mạch, hạ huyết áp còn có thể giúp giảm mỡ máu, Hòe hoa có thể dùng với những người tăng huyết áp ở thể nhẹ,…

Việc sử dụng thuốc đông y cũng cần có sự kiểm soát từ thầy thuốc. Người bệnh vẫn cần đến các cơ sở y tế để kiểm tra định kỳ, hạn chế tối đa sự trầm trọng của bệnh cũng như nguy cơ xảy ra các biến chứng.

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận