Điều trị táo bón sau sinh
Thời kỳ hậu sản là 6 tuần đầu ngay sau khi sinh. Giống như những sự thay đổi kì diệu lúc cơ thể bạn đang mang thai, thời kỳ sau sinh cơ thể vẫn đang thay đổi trong quá trình phục hồi. Bị táo bón sau sinh là chuyện thường hay gặp sau khi sinh con mà đa phần các mẹ bỉm khó tránh khỏi. Đừng lo lắng bởi tình trạng này không phải là một bệnh lý và có khả năng cải thiện tốt, dễ dàng tại nhà thông qua chế độ ăn uống, vận động và thư giãn. Vậy nguyên nhân bị táo bón sau sinh là gì? Cách trị táo bón sau sinh như thế nào để đạt hiệu quả?
Nội dung bài viêt
1. Táo bón sau sinh là gì?
Táo bón được định nghĩa là một tình trạng rối loạn của đường ruột, được đặc trưng bởi việc đi ngoài ít hơn 3 lần 1 tuần, kèm theo khó khăn khi đi đại tiện.
Táo bón sau sinh là gì?
Người bị táo bón thường có cảm giác khó chịu, căng cứng và đau rát hậu môn do phân cứng vón cục kèm theo cảm giác đại tiện không hết. Táo bón là vấn đề phổ biến nhất đối với hệ thống tiêu hóa của cơ thể.
Táo bón sau sinh thường xuất hiện một thời gian sau khi mẹ sinh em bé và có thể tự biến mất sau đó hoặc sau khi cải thiện lại chế độ ăn uống, sinh hoạt. Nếu không được chữa trị dứt điểm sẽ làm tăng nguy cơ bị trĩ cho mẹ.
Cần lưu ý khi mẹ bị táo bón có kèm theo một vài triệu chứng bất thường khác như phân dính máu, phân màu đen, phân có chất nhầy, hoặc táo bón xen kẽ tiêu chảy kéo dài thì nên đi khám tại các cơ sở y tế bởi đây có thể là một biểu hiện của bệnh lý.
Ngoài ra, nếu không chữa táo bón sau sinh sớm có thể khiến mẹ bị trĩ rất khó chịu và đau đớn hoặc phân ứ đọng lâu ngày trong ruột không thoát ra ngoài được sẽ gây nên tình trạng đầy bụng, buồn nôn, nhiễm độc hệ tiêu hóa.
Táo bón sau sinh là hiện tượng thường gặp nhưng mẹ cũng không nên chủ quan, hãy cố gắng cải thiện tình trạng này càng sớm càng tốt để giảm thiểu ảnh hưởng tới cuộc sống thường ngày và yên tâm chăm sóc bé yêu.
2. Nguyên nhân gây táo bón sau sinh
Táo bón là hiện tượng phổ biến sau sinh, kể cả sinh mổ hay sinh thường. Ngay cả những phụ nữ không bị táo bón trước hoặc trong khi mang thai cũng có thể bị chứng này sau khi sinh con. Đó là do các yếu tố khác nhau như vết mổ phẫu thuật, bệnh trĩ, nội tiết tố hoặc việc sử dụng chất bổ sung sắt,…. Một số nguyên nhân chính gây táo bón sau sinh có thể kể đến như:
- Chế độ ăn: Chế độ ăn khi mang thai và sau khi sinh của mẹ thường giàu đạm, chất béo… Chúng cần nhiều thời gian để tiêu hóa hơn, gây áp lực lớn hơn cho hệ tiêu hóa nên dễ gây táo bón. Ngoài ra, sau khi sinh, việc kiêng khem nhiều trong chuyện ăn uống để không ảnh hưởng tới nguồn sữa mẹ cũng có thể sẽ làm tăng nguy cơ bị táo bón.
- Thiếu nước: Cơ thể của mẹ sau sinh cần lượng nước lớn hơn cơ thể người bình thường bởi nhiều yếu tố như việc mất nước khi sinh do mất máu, ra sản dịch hoặc thông qua tạo sữa, cho con bú,…Chính vì vậy, nếu không bù đủ nước sẽ dẫn tới việc phân cứng và mẹ bị táo bón sau sinh
Chế độ ăn ít chất xơ và uống không đủ nước gây táo bón sau sinh
- Thuốc: Sau sinh, sản phụ thường cần bổ sung thêm sắt, canxi, vitamin và nhiều khoáng chất khác bằng thực phẩm hoặc bằng viên uống cả trước và sau khi sinh. Những chất này là nguyên nhân khiến mẹ bị táo bón do khó hấp thu. Ngoài ra, trong quá trình sinh, một số thuốc giảm đau toàn thân có thể làm giảm nhu động ruột, tăng nguy cơ bị táo bón sau sinh.
- Nội tiết tố: Do sự thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai, sau sinh và trong thời kỳ cho con bú. Nồng độ Progesterone cao khi mang thai cũng là một yếu tố nguy cơ gây táo bón mãn tính sau khi sinh.
- Tâm lý: Đa phần các mẹ thường có tâm lý ngại đi rồi nhịn đại tiện bởi sợ đau. Điều này khiến phân tích tụ lại, không chỉ gây phân cứng do cơ thể hấp thu lại nước mà lâu dần có thể sinh ra độc tố có hại cho cơ thể. Nó còn gây thay đổi thời gian cũng như thói quen đại tiện làm gián đoạn nhu động ruột. Lâu dần gây táo bón sau sinh.
- Hạn chế vận động: Sau khi sinh, cơ thể mẹ yếu hơn nhiều nên thường xuyên nghỉ ngơi, ít vận động khiến nhu động ruột giảm hoạt động, phân lưu lại trong ruột lâu hơn, trở nên cứng và gây ra táo bón.
- Thai nhi: Khi bạn mang thai, thai nhi đang lớn lên trong bụng mẹ sẽ gây áp lực lên ruột của bạn. Ngoài ra, giảm hoạt động và thay đổi nồng độ hormone do mang thai có thể gây táo bón theo thời gian.
- Ngoài ra, bình thường nếu bạn sinh mổ, có thể mất ít nhất từ ba đến bốn ngày để ruột của bạn hoạt động bình thường. Đây cũng là một yếu tố làm tăng khả năng bị táo bón sau sinh.
3. Táo bón sau sinh có nguy hiểm không?
Táo bón sau sinh có thể là bình thường và cải thiện được thông qua chế độ ăn uống và lối sống. Đây không phải là một biến chứng nghiêm trọng, nhưng đôi khi nó là dấu hiệu của các tình trạng bệnh lý khác.
Táo bón có thể làm nặng thêm các tình trạng tiêu hóa khác như bệnh trĩ do đi ngoài phân cứng hoặc rặn.
Bệnh trĩ sau sinh
Nếu táo bón nặng có thể đi kèm với tiêu chảy từng đợt, đau bụng dữ dội hoặc có chất nhầy hoặc máu trong phân, bạn nên đến bác sĩ kiểm tra ngay lập tức.
Đôi khi, điều trị táo bón sau sinh tại nhà thông qua thay đổi lối sống và chế độ ăn không đạt hiệu quả mong muốn. Điều này có thể trở thành mãn tính và có thể phát triển thành các biến chứng nghiêm trọng. Các biến chứng của táo bón có thể bao gồm:
- Sa trực tràng : Tình trạng này xảy ra do sự căng thẳng lặp đi lặp lại khi cố gắng đi đại tiện, khiến một phần niêm mạc trực tràng sa ra khỏi hậu môn.
- Bệnh trĩ : Rặn quá nhiều khi đi ngoài có thể làm hỏng các mạch máu trong trực tràng của bạn.
- Ứ đọng phân: Đây là khi trực tràng của bạn đầy phân đến mức các cơ ruột không thể đẩy nó ra ngoài. Tình trạng này kéo dài dẫn tới ruột già bị giãn ra do phân lấp kín và gây chèn ép lên ổ bụng hoặc cơ hoành.
4. Điều trị táo bón sau sinh
Nhiều người lo lắng về việc chữa táo bón sau sinh như thế nào để đem lại hiệu quả và an toàn. Sau đây là một số biện pháp cải thiện táo bón sau sinh tại nhà đơn giản:
4.1 Thay đổi chế độ ăn uống
Thực phẩm giàu chất xơ có thể là biện pháp phòng ngừa táo bón tốt nhất vì chúng giúp cải thiện nhu động ruột của bạn. Một số loại thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt và bánh mì, đậu, gạo lứt, trái cây tươi và rau quả nên có trong chế độ ăn uống hàng ngày của bạn.
Các thực phẩm giàu chất xơ
Một số loại trái cây như nho, mận, táo,… có chứa Sorbitol, có tác dụng làm mềm phân, nhuận tràng giúp làm dịu tình trạng táo bón.
Ngoài ra, bữa ăn của mẹ nên được chế biến với nhiều món ăn dạng lỏng để dễ tiêu hóa và bổ sung thêm nước. Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ăn quá no ba bữa chính để giảm bớt áp lực lên hệ tiêu hóa. Đặc biệt, sản phụ nên hạn chế ăn đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ cũng như đồ uống có cồn, chất kích thích.
4.2 Uống đủ nước
Một nghiên cứu đã chứng minh rằng có đủ lượng nước trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh có thể giúp ngăn ngừa táo bón sau sinh
Uống đủ nước là phương pháp ngăn ngừa táo bón sau sinh
Việc bận rộn chăm sóc bé sau khi sinh dẫn tới việc tự chăm sóc bản thân của các bà mẹ có thể bị lãng quên. Mất ngủ và ăn uống vội vàng là điều diễn ra hầu như bình thường. Quá trình cho con bú không chỉ khiến cơ thể mẹ mất chất dinh dưỡng mà nó còn làm thất thoát một lượng nước lớn. Chính vì vậy, mẹ cần một lượng nước lớn hơn người bình thường để đủ cung cấp cho cơ thể mẹ và cả quá trình tạo sữa cho con bú. Mẹ nên uống 6-8 ly nước mỗi ngày và tạo thói quen uống một ly nước ấm ngay sau khi thức dậy.
Uống nhiều nước có lợi trong việc điều trị táo bón bởi vì chất xơ từ thực phẩm bạn ăn sẽ hấp thụ lượng nước mà bạn uống. Từ đó giúp làm mềm phân và bạn sẽ dễ đi ngoài hơn. Bên cạnh bổ sung nước lọc, mẹ có thể chọn thêm một số loại sữa, nước ép trái cây tươi, nước canh, trà thảo mộc cũng rất hữu ích trong việc làm mềm phân, trị táo bón sau sinh tại nhà.
4.3 Vận động nhẹ nhàng
Vận động nhẹ nhàng cải thiện chứng táo bón hiệu quả hơn
Sau khi sinh, cơ thể mẹ rất mệt mỏi, thường có xu hướng lười vận động vì e ngại khi vận động sẽ khiến vết mổ hoặc vết khâu tầng sinh môn gây đau. Tuy nhiên, việc ít đứng, ít đi lại, ít vận động cũng có thể làm chậm quá trình tiêu hóa, khiến tình trạng táo bón trở nên tệ hơn, thậm chí là dẫn đến bệnh trĩ. Vì vậy, sau khi sinh, hãy cố gắng ngồi dậy, đi lại và vận động nhẹ nhàng thay vì chỉ ngồi và nằm.
Đi bộ chính là hoạt động được khuyến khích nhiều nhất dành cho mẹ muốn trị táo bón sau sinh tại nhà. Bạn có thể đi bộ những đoạn ngắn trong sân hoặc trong khu phố bạn sinh sống. Vận động nhẹ nhàng vừa tốt cho sức khỏe tổng thể vừa giúp nhu động ruột vận động tốt hơn, cải thiện chứng táo bón hiệu quả hơn.
4.4 Giữ tinh thần tích cực
Giữ tinh thần tích cực là một cách chữa táo bón sau sinh hiệu quả
Việc có thêm một thành viên mới sẽ không chỉ là niềm vui mà còn là sự thay đổi trong cuộc sống của bạn, đặc biệt là con đầu lòng. Nó sẽ khiến bạn trở nên lo lắng, căng thẳng, stress và mất ngủ. Tâm lý không tốt ảnh hưởng tới tiêu hóa của cơ thể. Bởi việc căng thẳng sẽ dẫn tới thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, cụ thể là tăng lượng hoocmon Cortisol gây rối loạn tiêu hóa.
Ngoài ra, việc chăm sóc và cho bé bú khiến các bà mẹ mất ngủ, mệt mỏi. Những thay đổi về giấc ngủ này cũng có thể thay đổi thói quen đại tiện của bạn và dẫn đến căng thẳng nhiều hơn.
Vì thế, mẹ hãy giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi để ngăn ngừa và cải thiện tình trạng táo bón sau sinh cũng như hạn chế tối đa nguy cơ bị trầm cảm sau sinh.
4.5 Rèn luyện thói quen đi đại tiện
Sau sinh, các vết thương trong quá trình sinh vẫn còn tồn tại. Nó có thể là vết khâu ở vị trí rạch tầng sinh môn nếu bạn sinh thường hoặc là vết mổ nếu bạn sinh mổ. Các vết thương này khiến bạn vô thức tránh rặn hoặc e ngại khi đi đại tiện bởi sợ đau.
Rèn thói quen đi đại tiện
Thế nhưng, bạn không nên nhịn đi ngoài khi có nhu cầu. Bởi vì việc trì hoãn thường khiến phân càng trở nên cứng hơn và gây táo bón nặng hơn. Do đó, bất cứ khi nào bạn cảm thấy muốn “đi” thì đừng nên trì hoãn.
Cách đi đại tiện sau sinh là xây dựng và rèn luyện thói quen tốt khi đi đại tiện.
Một số nguyên tắc cần lưu ý:
- Không nhịn đại tiện: Việc nhịn đại tiện gây nên tình trạng ứ đọng phân, lâu dần khiến phân khô cứng làm tình trạng táo bón sau sinh trở nên nghiêm trọng hơn. Đồng thời, điều này còn làm chất thải tích tụ, có thể sinh độc tố gây hại cho cơ thể.
- Tạo thói quen đi vệ sinh trong một khoảng thời gian nhất định và duy trì thói quen này. Thời gian cơ thể thải độc tốt nhất là 5-7 giờ sáng.
- Không nên vừa đi đại tiện vừa đọc sách báo hoặc xem điện thoại di động. Điều này không chỉ gây mất tập trung khi đi đại tiện, còn dẫn tới việc đi đại tiện trong thời gian lâu, tạo áp lực các tĩnh mạch ở hậu môn, gây táo bón hoặc trĩ.
- Tư thế khi đi đại tiện tốt nhất là tư thế ngồi xổm.Tuy nhiên, hiện nay đa số các gia đình sử dụng bồn cầu bệt, điều này có thể được cải thiện bằng cách kê ghế nhỏ dưới chân khi đi đại tiện..
Điều đặc biệt cần lưu ý là hãy đi khám bác sĩ ngay nếu bạn không đi đại tiện trong vòng 4 ngày sau sinh. Nói chuyện với bác sĩ về tình trạng của bạn, cũng như việc bạn đang sử dụng bất kỳ thuốc hoặc chất bổ sung nào (thuốc giảm đau, kháng sinh, vitamin tổng hợp, viên sắt,…), bởi một số thuốc có thể gây ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa và làm việc đi đại tiện của bạn trở nên khó khăn hơn.
BS Hà Thị Linh