Điều trị thâm đỏ sau mụn chuẩn y khoa

Mụn là một trong những vấn đề da liễu thường gặp nhất ở độ tuổi thanh thiếu niên cho đến trưởng thành. Tuy không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng điều trị mụn không đúng cách dễ để lại những biến chứng trên da, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sự tự tin của người bệnh, điển hình phải kể đến là thâm đỏ, thâm đen và sẹo. Thâm đỏ sau mụn (Post inflammatory erythema – PIE) là những vết thâm có màu hồng hoặc đỏ còn sót lại trên da khi mụn đã qua đi, thường gặp ở những làn da sáng màu (từ loại I – III theo phân loại của Fitzpatrick). Bài viết hôm nay của Doctor Acnes sẽ đề cập đến tình trạng thâm đỏ và cách điều trị thâm đỏ sau mụn chuẩn y khoa, hãy cùng theo dõi nhé!

Bảng phân loại da theo Fitzpatrick

Bảng phân loại da theo Fitzpatrick

Thâm đỏ sau mụn hình thành như thế nào?

Thâm đỏ sau mụn chủ yếu gặp ở những làn da mỏng và sáng màu, là kết quả của quá trình tăng sinh và dãn các mạch máu dưới da khi quá trình làm lành tổn thương được kích hoạt ở những vùng da đã từng bị mụn viêm, thường thấy ở những mạch máu nhỏ trên cùng của lớp trung bì với biểu hiện bên ngoài là các nốt nhỏ màu hồng, đỏ hoặc tím. Tình trạng thâm đỏ kéo dài khiến da không đều màu, gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng nhiều đến vấn đề giao tiếp xã hội. Hơn nữa, lớp biểu bì ở vùng da bị tổn thương do mụn trở nên mỏng manh làm cho thâm đỏ dễ nhận thấy hơn đồng thời khả năng bảo vệ giảm khiến tia UV đi xuyên vào các mao mạch bị giãn, gây vỡ mạch và làm nặng hơn tình trạng thâm đỏ. PIE cải thiện rất chậm theo thời gian, dù có thể tự khỏi nhưng mất từ hàng tháng đến vài năm nếu không được điều trị. Ngoài việc ảnh hưởng đến vẻ ngoài, các nghiên cứu còn cho thấy mụn và thâm đỏ sau mụn cũng gây tổn hại hàng rào bảo vệ da, tình trạng mụn càng nặng, mức độ tổn thương sẽ càng nhiều.

Quá trình hình thành thâm đỏ sau viêm của làn da

Quá trình hình thành thâm đỏ sau viêm của làn da

Điều trị thâm đỏ sau mụn chuẩn y khoa

Nguyên tắc

Điều trị thâm đỏ sau mụn chuẩn y khoa là một quy trình khép kín toàn diện vừa sửa chữa hàng rào da bị tổn thương vừa giảm viêm đồng thời khắc phục được tình trạng tăng sinh, dãn mạch máu. Để rút ngắn thời gian điều trị, bệnh nhân có thể lựa chọn các liệu pháp ánh sáng như ánh sáng xung cường độ cao (IPL – Intense Pulse Light), KTP (Laser Potassium Titanyl Phosphate) và laser màu (PDL – Pulse Dye Laser). Tuy vậy, giá thành của những liệu trình này thường ở mức trung bình đến cao tùy thuộc vào tình trạng thâm đỏ, mức độ đáp ứng của da và thời gian điều trị. Vì vậy để tối ưu hóa chi phí, người bệnh có thể lựa chọn sử dụng những sản phẩm cấp ẩm, phục hồi da (acid hyaluronic, vitamin B5, dịch chiết rau má, dịch chiết trà xanh, dịch chiết lô hội, ceramide) kết hợp với những hoạt chất ức chế tổng hợp melanin, làm mờ vết thâm (acid ascorbic, acid azelaic, niacinamide, acid tranexamic). Khi lựa chọn phương pháp này, bác sĩ cần tư vấn và hướng dẫn cụ thể để bệnh nhân nắm được và kiên trì sử dụng sản phẩm trong vòng 4 – 12 tháng, tránh gián đoạn giữa chừng làm ảnh hưởng kết quả của cả liệu trình.

Bác sĩ thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị thâm đỏ phù hợp cho từng tình trạng khách hàng

Bác sĩ thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị thâm đỏ phù hợp cho từng tình trạng khách hàng

Liệu pháp ánh sáng

Liệu pháp ánh sáng sử dụng những chùm tia sáng tập trung với đích tác động là các hợp chất có ở trong da (nước, melanin và hemoglobin). Các phân tử này hấp thụ năng lượng quang học và bị thoái giáng đồng thời phát ra bức xạ nhiệt. Quá trình này được gọi là “nhiệt phân”, mỗi phân tử đều hấp thu chọn lọc một bước sóng nhất định. Ở làn da bị thâm đỏ sau mụn, đích tác động sẽ là những phân tử hemoglobin – thành phần tạo nên hồng cầu, vì vậy laser sử dụng trong trường hợp này được gọi là laser mạch máu. Laser mạch máu làm nóng hệ mạch nhỏ dưới da, phá hủy thành mạch và gây ly giải những cục máu đông nhỏ thành các thành phần mà sau đó cơ thể sẽ tái hấp thu một cách chọn lọc. Để điều trị các vết thâm đỏ sau mụn, chuyên gia da liễu có thể cân nhắc một trong các phương pháp PDL, KTP và IPL, trong đó PDL cho hiệu quả cao nhất.

PDL

Ngoài khả năng điều trị thâm đỏ, liệu pháp này còn hiệu quả trong việc làm giảm mụn và sẹo mụn. Các nghiên cứu cho thấy PDL làm giảm thâm đỏ đến 68% sau một đến hai lần trị liệu, mỗi lần cách nhau khoảng 4 tuần. PDL sử dụng ánh sáng vàng nên khá an toàn và lành tính, chu kỳ điều trị ngắn nên bệnh nhân dễ tuân thủ điều trị. Tuy vậy, chi phí cho một lần điều trị khá cao nên liệu pháp này khá kén chọn đối tượng điều trị.

KTP

Laser KTP sử dụng bước sóng ngắn hơn PDL, thường dùng để chữa những vết thâm đỏ từ những mạch máu nằm gần bề mặt da. Phương pháp này còn giúp làm giảm sưng đỏ ở những vết sẹo tạo ra do phẫu thuật.

IPL

IPL được tạo thành từ chùm sáng đa sắc mang năng lượng cao với bước sóng thường nằm trong khoảng 400 – 1200 nm, đích tác động là hemoglobin trong mạch máu. Nghiên cứu cho thấy 79% bệnh nhân cải thiện tình trạng thâm đỏ hơn 50% khi sử dụng IPL 560 nm sau 12 tuần điều trị. Với chi phí chỉ bằng 1/9 so với PDL, liệu pháp này hiện đang được ưu tiên sử dụng tại các cơ sở điều trị da liễu nhờ giá cả phải chăng và hiệu quả điều trị tích cực.

Liệu trình IPL được thực hiện theo chỉ định của Bác sĩ điều trị tình trạng thâm đỏ

Liệu trình IPL được thực hiện theo chỉ định của Bác sĩ điều trị tình trạng thâm đỏ

Các sản phẩm dùng ngoài da

Sản phẩm cấp ẩm và phục hồi

  • Dexpanthenol: tiền thân của acid pantothenic (vitamin B5), thẩm thấu dễ dàng, giúp cấp ẩm, phục hồi và làm mềm da, giảm kích ứng đồng thời thúc đẩy tái tạo làn da, cải thiện hàng rào da bị hư tổn do tác động từ môi trường bên ngoài. Ngoài ra, dexpanthenol còn thúc đẩy sự tăng sinh collagen và elastin, hỗ trợ làm lành vết thương.
  • Hyaluronic acid: bản chất là glycosaminoglycan, có khả năng hút nước gấp 1000 lần trọng lượng phân tử. Thành phần này có nhiều ở lớp trung bì và giữ vai trò quan trọng trong việc giữ nước, duy trì độ đàn hồi và sự ẩm mượt cho làn da. Hyaluronic acid có nhiều trong các sản phẩm dưỡng ẩm, làm dịu da, giảm thâm mụn, làm mờ nếp nhăn và chống lão hóa.
  • Ceramide: là thành phần quan trọng trong rào bảo vệ tự nhiên của da, giúp duy trì lượng nước và độ ẩm cho da. Đây là thành phần phổ biến thường gặp trong các sản phẩm skincare giúp cấp ẩm, phục hồi da và chống lão hóa, ngăn ngừa tác hại của bức xạ UV.
Các hoạt chất được Bác sĩ khuyên dùng để cấp ẩm, phục hồi và giảm thâm đỏ cho da

Các hoạt chất được Bác sĩ khuyên dùng để cấp ẩm, phục hồi và giảm thâm đỏ cho da

  • Dịch chiết lô hội: lô hội có tên khoa học là Aloe barbadensis, thân mọng nước, sống lâu năm giống như xương rồng. Trong y học cổ truyền dân gian, lô hội có thể dùng ngoài da để chữa viêm, sẹo và rối loạn sắc tố trên da. Trong lô hội có chứa glucomannan và các polysaccharide hàm lượng lớn, gel và nhựa lô hội từ lá giúp chữa lành, ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào vết thương, đồng thời thúc đẩy tăng sinh collagen. Bên cạnh đó, lô hội còn có khả năng kháng viêm nhờ nhóm hợp chất salicylate (cho tác dụng giống như aspirin) và C-glucosyl chromone (có tính kháng viêm tương đương với hydrocortisone). Các nghiên cứu lâm sàng gần đây nhận thấy dịch chiết từ lô hội hiệu quả trong việc giảm viêm, kháng khuẩn, vảy nến, làm lành vết thương và bảo vệ da khỏi tác hại UV.
  • Dịch chiết trà xanh: có nguồn gốc từ cây Camellia sinensis, thuộc họ Theaceae. Trà xanh nổi bật với với 4 polyphenol chính là ECG, GCG, EGC và EGCG. Các nghiên cứu lâm sàng chứng minh chiết xuất trà xanh hiệu quả trong việc chống oxy hóa, trị mụn trứng cá, giảm thâm mụn, kháng khuẩn và viêm da dị ứng.
  • Dịch chiết rau má: tên khoa học là Centella asiatica, thuộc họ Umbelliferae, thành phần chứa asiaticoside, madecassoside. Nhiều nghiên cứu chứng minh dịch chiết rau má có khả năng kháng viêm, mờ thâm mụn, dưỡng ẩm và chữa lành vết thương rất tốt.

Sản phẩm ức chế tổng hợp melanin và làm sáng da

  • Niacinamide: amid có hoạt tính sinh học của niacin (vitamin B3). Niacinamide được sử dụng để giảm tiết bã nhờn ngăn ngừa mụn, điều trị viêm da da dị ứng và các chứng tăng sắc tố, ngăn ngừa lão hóa, cải thiện hàng rào bảo vệ da, giảm nếp nhăn. Niacinamide làm sáng da bằng cách ngăn chặn sự chuyển melanin từ túi melanosome vào tế bào sừng. Hợp chất này rất an toàn và lành tính, dung nạp tốt và sử dụng được cho làn da nhạy cảm vì vậy thường được các chuyên gia da liễu khuyên dùng.
  • Ascorbic acid: giúp tăng sinh collagen và elastin đồng thời tham gia vào quá trình tổng hợp glycosaminoglycan trong cơ thể. Acid ascorbic còn có khả năng chống oxy hóa, ức chế hình thành gốc tự do, giúp tái tạo vitamin E, làm mờ thâm mụn, sáng da, giảm viêm, ngăn ngừa lão hóa và bảo vệ da khỏi tác hại từ bức xạ mặt trời.
  • Azelaic acid: có tính kháng viêm, kháng khuẩn và thường được sử dụng trong các sản phẩm trị mụn trứng cá. Nghiên cứu cho thấy acid azelaic nồng độ 20% cho hiệu quả làm sáng da tương đương hoặc mạnh hơn hydroquinone 2%. Hợp chất này được sử dụng rộng rãi nhờ tính an toàn và hiệu quả, không có tác dụng phụ mang tính hệ thống, không gây bắt nắng và dung nạp tốt.
  • Tranexamic acid: thành phần có tính kháng viêm mạnh, ức chế tổng hợp tyrosinase ở tế bào sinh melanin melanocyte, ức chế quá trình vận chuyển melanin đến tế bào sừng, từ đó làm mờ vết thâm nám đồng thời làm dịu và phục hồi hàng rào bảo vệ da. Thành phần làm trắng da an toàn, hiệu quả, không gây bắt nắng, hiện nay đang được sử dụng rộng rãi.

Lưu ý khi điều trị thâm đỏ sau mụn

Trong quá trình điều trị thâm đỏ sau mụn, cần lưu ý những điều sau để không làm nặng thêm tình trạng thâm đỏ đang có, nhanh chóng phục hồi lại trạng thái ban đầu.

  • Không dùng tay sờ nắn vào vết thâm vì như vậy sẽ thúc đẩy quá trình viêm và làm nặng hơn tình trạng tổn thương hiện có, điều này khiến việc điều trị thâm mụn kéo dài và tăng nguy cơ mụn bùng phát trở lại trên da.
  • Điều trị càng sớm càng tốt, kiên trì và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ dù là dùng liệu pháp ánh sáng hay sử dụng các sản phẩm dùng ngoài.
Các điều cần lưu ý khi điều trị thâm đỏ sau mụn để đạt hiệu quả tối ưu nhất

Các điều cần lưu ý khi điều trị thâm đỏ sau mụn để đạt hiệu quả tối ưu nhất

  • Thoa kem chống nắng hàng ngày trước khi ra khỏi nhà vì tia UV có thể khiến các mạch máu nhỏ dãn rộng hơn và vỡ mạch, từ đó làm nặng hơn tình trạng thâm đỏ sẵn có.
  • Trị dứt điểm mụn và ngăn ngừa mụn tái diễn là điều kiện tiên quyết đề quá trình điều trị thâm đạt hiệu quả cao. Cấp ẩm đầy đủ cho da bằng cách uống đủ nước và thoa serum cấp ẩm vì da thiếu ẩm khiến hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, từ đó làm tăng nguy cơ bùng phát mụn.
  • Trong quá trình điều trị, nếu phát hiện bất thường nào trên da nên lập tức báo ngay cho bác sĩ điều trị để được tư vấn kịp thời.

Thâm đỏ sau mụn là một trong ba tai biến da liễu thường gặp nhất sau khi chữa khỏi mụn. Tuy chưa phải là biến chứng nghiêm trọng nhất, nhưng việc điều trị không đúng cách dễ làm nặng hơn tình trạng viêm ban đầu, tăng sinh dãn mạch và gây nguy cơ gây tái phát mụn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và gây mất tự tin trong cuộc sống hàng ngày. Những ai đã và đang trải qua tình trạng thâm đỏ mà điều trị mãi vẫn không hết, hãy lên hệ ngay với Phòng khám Doctor Acnes để được tư vấn chi tiết hơn nhé!

Phòng khám Da Liễu Doctor Acnes

Phòng khám chuyên trị mụn và sẹo mụn theo chuẩn y khoa

Địa chỉ: 283/34 Cách Mạng Tháng Tám, Phường 12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 07 0838 0878 – 07 7717 7017

Website: doctoracnes.com – doctoracnes.vn

Fanpage: Fb.com/doctoracnesvn

Tài liệu tham khảo

[1] Minu L.Mathew, R. Karthik et al (2018), Intense Pulsed Light Therapy for Acne-induced Post-inflammatory Erythema, India Dermatol Online Journal, vol 9(3), p.159-164

[2] Xiang Wen, Yong Li, Michael R Hamblin et al (2020), A randomized split-face, investigator-blinded study of a picosecond Alexandrite laser for post-inflammatory erythema and acne scars, Dermatologic Therapy, vol 3, issue 6

[3] Jae-Hong Kim, Sung Jay Choe, Tae-Gyun Kim (2020), Post-acne Erythema Successfully Treated with 595-nm Picosecond-domain Neodymium:Yttrium-aluminum-garnet Laser, Medical Lasers; Engineering, Basic Research, and Clinical Application, vol 9, number 1

[3] https://www.sciencebecomesher.com/post-inflammatory-erythema/

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận