Điều trị thoát vị đĩa đệm như thế nào?

Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý phổ biến, diễn biến mãn tính. Bệnh gây chèn ép các dây thần kinh và gây viêm, đau, tê bì, bệnh có thể nặng lên làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, giảm hay mất khả năng lao động,.. Chính vì vậy, người bệnh phải phát hiện sớm thông qua các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm để nhanh chóng điều trị, tránh các biến chứng không mong muốn xảy ra. Vậy điều trị thoát vị đĩa đệm như thế nào?

Thoát vị đĩa đệm có chữa được không?

Thoát vị đĩa đệm có chữa khỏi được hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như:

Giai đoạn, tình trạng thoát vị đĩa đệm: Tùy thuộc vào tình trạng thoát vị đĩa đệm mà thời gian hồi phục sẽ nhanh hay chậm.

Sự hợp tác của bệnh nhân: Thoát vị đĩa đệm gây ra các triệu chứng đau, tê liệt, yếu cơ khiến bệnh nhân khó chịu và bệnh kéo dài nên đòi hỏi sự hợp tác, tuân thủ điều trị của bác sỹ thì mang lại kết quả điều trị mong muốn.

Tình trạng toàn thân, các bệnh lý đi kèm: những bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh lý đi kèm cũng là yếu tố ảnh hưởng đến kết quả điều trị, khiến thời gian điều trị dài hơn, bệnh có thể diễn biến nặng hơn.

Nguyên tắc điều trị

Để mang lại kết quả điều trị mong muốn, phải chẩn đoán bệnh, giai đoạn, loại thoát vị đĩa đệm. Nguyên tắc điều trị chung đó là:

  • Điều trị nội khoa: kết hợp dùng thuốc với các biện pháp phục hồi chức năng, luyện tập, thay đổi lối sống.
  • Điều trị ngoại khoa: phẫu thuật những trường hợp điều trị tích cực nội khoa không có hiệu quả hay trường hợp có biến chứng.
Nguyên tắc điều trị

Nguyên tắc điều trị

Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp không phẫu thuật như thế nào?

Thay đổi chế độ luyện tập, sinh hoạt

Người bệnh phải nghỉ ngơi hoàn toàn (nằm trên giường) trong 1-2 ngày, việc làm này có tác dụng để cơ thể có thời gian để chữa lành, giảm sưng, giảm đau. Hạn chế các động tác mạnh đột ngột, mang vác nặng, đứng ngồi quá lâu.

Sau thời gian nghỉ ngơi hoàn toàn, người bệnh cần phải luyện tập, đi lại nhẹ nhàng để các khớp cơ không bị căng cứng.

Bên cạnh đó cần thay đổi lối sống, một số thói quen không tốt như:

  • Ngừng hút thuốc lá do hút thuốc và nicotin làm giảm dòng máu đến cột sống làm bệnh thêm trầm trọng.
  • Người thừa cân, béo phì cần được tư vấn giảm cân.

Sử dụng thuốc

Bao gồm các loại thuốc nhằm làm giảm các triệu chứng gây đau, khó chịu đến người bệnh như

Thuốc giảm đau

Lựa chọn loại thuốc, liều lượng dùng tùy theo mức độ đau của người bệnh, có thể sử dụng một hoặc phối hợp các loại thuốc sau:

  • Paracetamol dùng đơn thuần hoặc có thể phối hợp opioid nhẹ như Codein, Tramadol,..
  • Nhóm thuốc chống viêm không steroid như Ibuprofen, Naprofen, Meloxicam,.. Khi sử dụng nhóm thuốc này cần lưu ý các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, gan, thận, tim mạch nên cần phải được thăm khám và sử dụng thuốc theo đơn dưới sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ.
  • Các thuốc giảm đau thần kinh cũng là loại thuốc cân nhắc sử dụng trên những bệnh nhân thoát vị đĩa đệm gây đau nhiều, kéo dài, có tổn thương thần kinh, chẳng hạn như Gabapentin, Pregabalin,..
Sử dụng các thuốc NSAID trong điều trị

Sử dụng các thuốc NSAID trong điều trị

Thuốc giãn cơ

Bên cạnh loại thuốc giảm đau, bác sĩ có thể kê thêm các loại thuốc giãn cơ nhằm giảm co cứng cơ vùng cột sống như Tolperison, Eperisone,…

Sử dụng corticoid

Tiêm corticoid ngoài màng cứng nhằm đưa thuốc trực tiếp vào rễ thần kinh bị tổn thương từ đó giảm các triệu chứng viêm tại chỗ và các triệu chứng khác của thoát vị đĩa đệm.

Vật lý trị liệu

Các phương pháp vật lý trị liệu có thể cải thiện triệu chứng, tình trạng bệnh như giảm co cứng, giảm phù nề và phục hồi chức năng ở người bị thoát vị đĩa đệm. Bên cạnh đó, phương pháp này còn giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra các biến chứng, tình trạng bệnh tiến triển nhanh hơn.

Chương trình vật lý trị liệu điều trị thoát vị đĩa đệm thường có:

  • Các bài tập kéo giãn cột sống
  • Chườm lạnh, chườm nóng
  • Siêu âm
  • Kích thích điện cơ, điện xung
  • Massage, xoa bóp cải thiện triệu chứng
  • Phương pháp y học cổ truyền

Y học cổ truyền

Bên cạnh phương pháp hiện đại, y học cổ truyền cũng là phương pháp lựa chọn để điều trị thoát vị đĩa đệm, mang lại hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

Phương pháp này bao gồm sử dụng các bài thuốc nam, thuốc bắc, châm cứu, đắp thuốc,..

Tuy nhiên, việc sử dụng phương pháp y học cổ truyền chỉ có hiệu quả cao khi bệnh đang ở giai đoạn đầu và cơ địa người bệnh đáp ứng tốt, thời gian điều trị khá dài nên đòi hỏi sự kiên nhẫn của người bệnh khi điều trị.

Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp phẫu thuật như thế nào?

Cần phải phẫu thuật trong trường hợp nào?

Hầu hết thoát vị đĩa đệm không cần phải phẫu thuật chỉ dùng các biện pháp điều trị nội khoa nhằm bảo tồn và cải thiện triệu chứng.

Tuy nhiên, một số trường hợp tiến triển nặng lên, có biến chứng như chèn ép rễ, trượt đốt sống, hẹp ống sống,.. hoặc trường hợp không đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn sau 3 tháng. Khi đó, người bệnh cần đến các cơ sở chuyên khoa làm các xét nghiệm, thăm dò để xác định tình trạng tổn thương và xem xét chỉ định phẫu thuật.

Các phương pháp phẫu thuật là gì?

Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm

Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm

Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm là phương pháp xâm lấn nhằm loại bỏ phần thoát vị gây chèn ép hoặc thay thế đĩa đệm nhân tạo. Các phương pháp phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm phổ biến hiện nay bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt cung sau cột sống:Tác dụng nhằm làm giảm áp lực đè lên tủy sống hoặc rễ thần kinh cột sống, đây cũng là phương pháp áp dụng điều trị các tổn thương cột sống và u cột sống.
  • Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm bị thoát vị:Nhằm loại bỏ một phần hay toàn bộ đĩa đệm chèn ép lên rễ thần kinh gây đau.
  • Phẫu thuật kết hợp đốt sống:Chỉ định khi có mất ổn định cột sống, phương pháp này sẽ khiến cột sống cố định vĩnh viễn.
  • Phẫu thuật thay thế đĩa đệm nhân tạo:

Phương pháp này sẽ thay thế đĩa đệm bị thoái hóa bằng đĩa đệm nhân tạo, có ưu điểm giữ lại chức năng sinh lý của cột sống. Tuy nhiên, một số đối tượng bị chống chỉ định như dị ứng với các thành phần của đĩa đệm nhân tạo, yếu xương,..

Điều trị sau phẫu thuật như thế nào?

Điều trị sau mổ thoát vị đĩa đệm là việc làm cần thiết giúp người bệnh nhanh hồi phục, hạn chế các biến chứng không mong muốn xảy ra. Vì vậy sau phẫu thuật cần phối hợp nhiều phương pháp điều trị với nhau:

  • Nghỉ ngơi trong tuần đầu tiên sau phẫu thuật, bệnh nhân nên nằm im nghỉ ngơi.
  • Vật lý trị liệu: các bài tập co giãn và tăng sự đàn hồi của cơ bắp giúp xương khớp dẻo dai hơn. Nên tập 2-3 ngày/lần và cần tuân thủ tuyệt đối theo sự hướng dẫn của kỹ thuật viên, không nên tập quá sức.
  • Tập thể dục thực hiện sau 1-2 tháng sau khi phẫu thuật, là giai đoạn cột sống bắt đầu ổn định. Người bệnh có thể đi bộ, tập yoga,dưỡng sinh,.. trong khoảng 30 phút mỗi buổi sáng.
  • Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Cần bổ sung các chất vào chế ăn như vitamin D và canxi (sữa, tôm cua, nấm, đậu nành,..), omega 3, glucosamine (cá ngừ, cá mòi, sụn bò,,,), rau xanh, protein.
  • Đeo đai lưng là phương pháp quan trọng sau mổ cột sống thắt lưng sẽ giúp cố định, nắn chỉnh và kéo giãn cột sống thắt lưng.

Liệu thoát vị đĩa đệm có chữa khỏi hẳn không?

Nếu bệnh mới xuất hiện, ở giai đoạn khởi phát, được điều trị tích cực thì bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi được và không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, nếu để bệnh kéo dài nhiều năm, tình trạng bệnh sẽ càng nặng thêm, kéo theo hiệu quả điều trị không cao.

Vì thế cần đi khám ngay nếu có dấu hiệu bất thường để có hướng điều trị phù hợp và hiệu quả.

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận