Điều trị u tủy thượng thận
U tủy thượng thận là bệnh lý u nội tiết hiếm gặp. Bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trước khi có những biến chứng nặng trên tim mạch, mắt và thận do tăng huyết áp.
Nội dung bài viêt
1.Nguyên tắc điều trị
U tủy thượng thận là do sự hình thành các khối u vùng tủy tuyến thượng thận, hoặc nằm ngoài tuyến thượng thận. Các khối u hoạt động mạnh tiết ra hormone tủy thượng thận catecholamine, làm nồng độ các hormone này tăng cao trong máu trong thời gian dài. Việc nồng độ hormone tủy thượng thận luôn ở mức cao sẽ tác động lên hệ tim mạch, gây nên các cơn tăng huyết áp và biến chứng trên tim mạch, có thể dẫn đến suy tim. Vì vậy, nguyên tắc điều trị bệnh là làm giảm được nồng độ hormone catecholamine trở về mức bình thường, đồng thời có thể điều trị cả các triệu chứng và biến chứng trên tim mạch.
2.Các phương pháp điều trị hiện nay
- Phẫu thuật điều trị u tủy thượng thận (Ảnh internet)
Đa phần các trường hợp u tủy thượng thận được chỉ định phẫu thuật. Phẫu thuật cắt bỏ khối u tủy tuyến thượng thận hoặc khối u tiết ra hormone nằm ngoài tuyến. Ưu điểm của phương pháp có thể chữa khỏi hoàn toàn đến hơn 90% các trường hợp bị bênh.
Trước khi phẫu thuật, hầu hết các bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc chẹn alpha giao cảm, giúp làm ổn định huyết áp sau đó mới tiến hành mổ lấy khối u. Các loại thuốc thường áp dụng điều trị trước phẫu thuật như:
- Nên điều trị huyết áp ổn định trước khi tiến hành phẫu thuật (Ảnh internet)
Phenoxybenzamin: đa số người sử dụng thuốc này kiểm soát được tốt huyết áp, và thông thường phải dùng thuốc ít nhất 10-14 ngày trước phẫu thuật.
Các loại thuốc hạ huyết áp khác như: prazosin, nitroprusside, thuốc chẹn beta giao cảm, metyrosin.
Việc điều trị trước phẫu thuật tốt sẽ làm tăng khả năng thành công của phẫu thuật.
Phẫu thuật có thể được tiến hành qua nội soi hoặc mổ mở. Phẫu thuật nội soi được tiến hành qua nhiều đường: đường bên xuyên thành bụng hoặc qua phúc mạc từ phía sau lưng. Ngày nay phẫu thuật nội soi đang trở thành phương thức phẫu thuật phổ biến đối với bệnh nhân có u tuyến kích thước nhỏ (đường kính < 6cm). Các khối u tuyến và ung thư có kích thước lớn thường được cắt bỏ bằng phẫu thuật mở qua đường cạnh sườn hoặc qua ổ bụng mặc dù u tuyến có kích thước lớn cũng có thể được cắt bỏ bằng thủ thuật nội soi qua đường bên xuyên thành bụng.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân nên kiểm tra định kỳ 3-6 tháng và 1 năm lượng catecholamine để đề phòng tái phát bệnh.
Cũng giống như tất cả các phẫu thuật khác, việc mổ cắt khối u cũng có nhược điểm là có thể xảy ra các biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng, viêm phổi,… thậm chí là tử vong. Tuy nhiên, những trường hợp này rất hiếm khi xảy ra.
3.Lưu ý khi phẫu thuật u tủy thượng thận
Với phụ nữ có thai, u tủy thượng thận thường gây sảy thai sớm do cơn tăng huyết áp kịch phát hoặc do phẫu thuật khối u. Đối với trường hợp thai đã to thì sẽ được điều trị nội khoa chờ đến khi thai đủ tháng để mổ đẻ và kết hợp cắt khối u.
Với những trường hợp ung thư đã di căn tại chỗ hoặc đi xa, việc lấy khối u là rất khó khăn.
Thông thường sau mổ lấy khối u, bệnh nhân có tiến triển tốt, huyết áp trở về bình thường và không bị tái phát trên 5 năm chiếm khoảng 95% trường hợp. Tuy nhiên có khoảng dưới 10% trường hợp bệnh có tái phát hoặc sau phẫu thuật, bệnh nhân vẫn còn tăng huyết áp. Với những trường hợp như vậy có thể do những nguyên nhân khác nữa gây tăng huyết áp, và khi đó, người bệnh cần tiếp tục sử dụng thuốc hạ huyết áp.
Cũng giống như tất cả các phẫu thuật khác, việc mổ cắt khối u cũng có thể xảy ra các biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng, viêm phổi,… thậm chí là tử vong. Tuy nhiên, những trường hợp này rất hiếm khi xảy ra.
BS. Đỗ Thị Gấm