Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là bệnh lý ác tính phổ biến nhất trong các loại ung thư tuyến nội tiết. Ước tính tỷ lệ mắc chiếm khoảng 1% tổng số các loại ung thư. Phát hiện và điều trị ung thư tuyến giáp sớm góp phần cho một kết quả khả quan.

1. Chẩn đoán ung thư tuyến giáp

Lâm sàng

Chẩn đoán, điều trị ung thư tuyến giáp (Ảnh Internet)
Chẩn đoán, điều trị ung thư tuyến giáp (Ảnh Internet)

Ung thư tuyến giáp thường tiến triển chậm, khó phát hiện sớm. Trên lâm sàng có thể nghĩ tới ung thư tuyến giáp khi người bệnh có những triệu chứng sau: Khối u vùng trước cổ (ngang đốt sống C5-T1) to dần, di dộng theo nhịp nuốt; sờ thấy u có hạt hoặc nhiều nhân; khối u chắc; bề mặt u gồ ghề; sờ thấy hạch ở cổ; bệnh nhân có thể khàn tiếng; khó thở; nuốt nghẹn…Ngoài ra, một số người có nguy cơ cao hơn mắc bệnh cũng cần lưu ý: Người trên 45 tuổi hoặc dưới 15 tuổi; trong gia đình có người mắc bệnh; có tiếp xúc hoặc nhiễm phóng xạ…

Cận lâm sàng

Các cận lâm sàng thường được dùng trong chẩn đoán ung thư tuyến giáp gồm siêu âm, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, chọc hút tế bào kim nhỏ, X-quang,…

Siêu âm: Là cận lâm sàng cơ bản, rẻ tiền, có giá trị trong việc cung cấp hình ảnh nghi ngờ ung thư tuyến giáp.

Chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ: Đây là những phương tiện giúp đánh giá sự lan tỏa của tổ chức ung thư tới các cấu trúc lân cận. Chụp cắt lớp vi tính cho hình ảnh chi tiết và tiết kiệm hơn so với chụp cộng hưởng từ.

Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ: Là phương pháp đánh giá khối u tuyến giáp được lựa chọn hàng đầu. Độ nhạy và độ đặc hiệu của phương pháp lên tới trên 90%. Kết quả chọc hút tế bào bằng kim nhỏ sẽ cho biết bản chất của khối u.

X-quang:  Hình ảnh x-quang giúp xác định sự chèn ép của khối u vào khí quản, thực quản. X-quang cũng thể hiện được sự di căn tới trung thấp hoặc phổi (nếu có).

Cận lâm sàng khác: Có một số phương pháp khác cũng có thể được sử dụng trong chẩn đoán ung thư tuyến giáp: Chụp xạ hình tuyến giáp; Giải phẫu bệnh lý; Xét nghiệm tìm chất đánh dấu khối u…

2. Phân độ ung thư tuyến giáp

TMN

Ung thư tuyến giáp cũng được phân loại theo tiêu chuẩn TMN của hiệp hội quốc tế chống ung thư. T (tumor) là đánh giá u tuyến giáp tiên phát. N (Node) là đánh giá hạch to vùng cổ. M (Metastatis) là đánh giá hạch di căn xa. Cách phân loại này được sử dụng phổ biến trong nhiều loại ung thư.

Giai đoạn bệnh

Ung thư tuyến giáp được chia thành 4 giai đoạn bệnh:

  • Ung thư tuyến giáp giai đoạn 1: ít triệu chứng, hạch cổ <2cm
  • Ung thư tuyến giáp giai đoạn 1: ít triệu chứng, hạch cổ <2cm
  • Ung thư tuyến giáp giai đoạn 2: kích thước khối u 2-4 cm, và lan lên trên bề mặt tuyến giáp.
  • Ung thư tuyến giáp giai đoạn 3: Kích thước khối u > 4cm
  • Ung thư tuyến giáp giai đoạn 4: Là giai đoạn cuối của bệnh, khi có ung thư tuyến giáp di căn.

Thể bệnh

Có thể phân loại ung thư tuyến giáp theo 5 thể bệnh:thể nhú, thể nang, thể tủy, thể không biệt hóa, thể biểu bì. Tùy vào mỗi thể bệnh mà có thể có các chỉ định điều trị và tiên lượng khác nhau.

3. Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp
Điều trị ung thư tuyến giáp (Ảnh Internet)

Ung thư tuyến giáp là bệnh có độ lành tính cao hơn so với các ung thư khác. Vì vậy, tiên lượng của ung thư tuyến giáp cũng rất tốt so với các loại khác. Theo các bác sỹ, bệnh nhân ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu có cơ hội chữa khỏi bệnh lên tới 97%.

Bệnh nhân ung thư tuyến giáp gần như bắt buộc phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp. Sau đó, Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh mà chỉ định điều trị hóa chất sau đó. Bệnh nhân thường được điều trị bằng i-ốt phóng xạ sau phẫu thuật hoặc chỉ cần theo dõi. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần được điều trị nội tiết và theo dõi chặt chẽ. Giống như điều trị các ung thư khác, mục tiêu theo dõi sau điều trị nhằm giảm đến mức thấp nhất tỉ lệ bệnh tái phát, đưa người bệnh trở về cuộc sống bình thường.

Phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp

Phẫu thuật là lựa chọn phổ biến nhất gần như bắt buộc trong điều trị ung thư tuyến giáp. Các phương pháp phẫu thuật thường dùng:

– Cắt bỏ thùy có u kèm eo và gần hết thùy đối diện: Trong trường hợp có u <1cm, nằm trong 1 thùy cà loại thể nhú.

Phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp (Ảnh Internet)
Phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp (Ảnh Internet)

– Cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp: Khi u>3cm và có xâm lấn ngoài vỏ bao tuyến giáp. Cần bổ sung I131 để tiêu diệt tổ chức ung thư còn sót lại.

Ngoài ra, trong tất cả trường hợp ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ, cần phải mổ lấy hết hạch di căn phòng ngừa tái phát.

Điều trị hóa chất và phóng xạ:

Được sử dụng khi cần điều trị tạm thời hoặc khi không còn khả năng phẫu thuật. Nhiều trường hợp sau phẫu thuật tuyến giáp vẫn cần sử dụng hóa chất/phóng xạ để hỗ trợ điều trị, phòng ung thư tuyến giáp tái phát.

I131 được dùng phổ biến nhất trong các thuốc điều trị ung thư tuyến giáp. I131 được dùng để phá hủy mô giáp sau mổ, nhờ đặc điểm hấp thụ Iot tốt của tuyến giáp. I131 có khả năng phá hủy AND và làm chết tế bào tuyến giáp. Đặc biệt, I131  và ít bị hấp thu bởi các cơ quan khác. Trước khi sử dụng I131 cần ngừng hormone tuyến giáp 4-6 tuần tới khi chỉ số TSH đạt yêu cầu.

Điều trị các thể ung thư tuyến giáp

Đối với mỗi thể ung thư tuyến giáp cũng có những biện pháp điều trị tương ứng:

Thể nhú: Có tới 70% số ung thư tuyến giáp thuộc thể nhú. Đây là thể phổ biến nhất nhưng cũng có tiên lượng tốt nhất.

Ung thư tuyến giáp thể nhú được điều trị bằng phẫu thuật tùy theo kích thước, vị trí, tình trạng khối u. Đối với bệnh nhân thể này điều trị I131 phóng xạ đáp ứng rất tốt.

Thể nang: Ung thư tuyến giáp thể nang là loại phổ biến thứ 2, sau thể nhú, chiếm khoảng 20-25%. Loại này thường gặp ở những người không ăn đủ lượng iot cần thiết và trong độ tuổi 50-60.

Bệnh nhân mắc thể nang có thể được phẫu thuật cắt thùy ngang giáp trạng, cắt tuyến giáp bán phần hoặc cắt toàn phần tuyến giáp. Tương tự thể nhú, điều trị I131 phóng xạ cũng đáp ứng tốt với thể nang.

Thể tủy: Thể này chỉ chiếm từ 5-10% các loại ung thư tuyến giáp. Nó thường do các yếu tố di truyền hoặc các vấn đề nội tiết.

Ung thu tuyến giáp thể tủy thường được phát hiện muộn khi khối u đã lan xa. Nếu phẫu thuật thường cắt toàn bộ tuyến giáp đồng thời nạo vét hạch di căn. Bên cạnh đó, cần điều trị hóa chất bổ sung.

Thể không biệt hóa: Là loại nguy hiểm nhất vì phát triển nhanh và phức tạp. Bởi vậy thể này thường gặp khó khăn trong điều trị và tỷ lệ sống sót không cao.

Những bệnh nhân thể không biệt hóa không thể chữa khỏi bằng phẫu thuật. Do đó, lựa chọn điều trị thay thế khác như xạ trị kết hợp với hóa trị liệu thường được áp dụng. Trường hợp có phẫu thuật thường nhằm mục đích đặt một ống hỗ trợ đường thở hoặc đường tiêu hóa.

Thể biểu bì: Là loại ung thư tuyến giáp rất hiếm gặp với khoảng 1%. Cần có chẩn đoán phân biệt với trường hợp ổ dị sản Malpighi trong u lành hoặc di căn của ung thư biểu bì tới tuyến giáp.

Theo dõi sau điều trị ung thư tuyến giáp

Sau điều trị ung thư tuyến giáp, bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ mỗi 3-6 tháng. Bên cạnh việc sử dụng thuốc và hormone tuyến giáp sau mổ (nếu cần), bệnh nhân cần định kỳ thực hiện xét nghiệm máu và siêu âm vùng cổ.

Tóm lại, ung thư tuyến giáp là bệnh có thể trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm. Phương pháp điều trị cơ bản là phẫu thuật và sử dụng hóa chất bổ trợ. Ngoài ra, bạn cũng nên luyện tập thói quen khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu.

BS. Ngô Thị Tâm

Theo Nội khoa Việt Nam

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận