Điều trị ung thư xương

Điều trị cơ bản của ung thư xương là phẫu thuật lấy rộng tổn thương và hoá chất phối hợp để phòng di căn xa. Mục đích của phẫu thuật là lấy rộng  tổn thương đảm bảo diện cắt âm tính. Hoá chất có tác dụng làm tăng tỷ lệ sống thêm không bệnh của nhóm phẫu thuật đơn thuần và phẫu thuật kết hợp với hoá chất từ 10%- 20% lên 60%. Ngày nay phẫu thuật và hoá chất tân bổ trợ làm tăng đáng kể tỷ lệ bệnh nhân có thể phẫu thuật bảo tồn chi và tạo hình. Xạ trị bổ trợ ít có tác dụng trong sarcom xương. Nó vai trò trong các trường hợp không phẫu thuật được.

     1. Nguyên tắc điều trị ung thư xương.

Ung thư xương cũng giống như các bệnh ung thư khác:. Đều có sự đa dạng về chủng loại, khác nhau về nguyên nhân gây bệnh, vị trí tổn thương, giai đoạn và tiên lượng bệnh. Do vậy để điều trị ung thư xương cần tuân thủ các nguyên tắc chung trong điều trị ung thư, bao gồm:

-Nguyên tắc phối hợp các phương pháp điều trị: Điều trị phẫu thuật, hoá chất hay xạ trị đơn thuần đều không mang lại hiệu quả cao và thời gian sống thêm kéo dài cho bệnh nhân.

-Xác định rõ mục tiêu điều trị: Mục tiêu điều trị là triệt căn hay điều trị triệu chứng cần được đặt ra để lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp và mang lại hiệu quả cao nhất.

-Lập kế hoạch điều trị: Việc lập kế hoạch điều trị và chăm sóc bệnh nhân toàn diện trong từng giai đoạn có vai trò quyết định hiệu quả điều trị. Tập thể các bác sỹ sẽ lựa chọn những phương pháp điều trị phù hợp, có hiệu qủa nhất trên từng bệnh nhân.

-Bổ sung kế hoạch điều trị: Trong quá trình thực hiện kế hoạch điều trị, nếu thấy có những điểm, những phương pháp không phù hợp hoặc bệnh có diễn biến bất thường thì phải bổ sung vào kế hoạch nhằm mang lại hiệu quả điều trị cao nhất.

-Theo dõi kết quả điều trị: Mục đích theo dõi sau điều trị nhằm:

Phát hiện và kịp thời sửa chữa những di chứng và biên chứng do quá trình điều trị gây ra

Phát hiện sớm các tái phát ung thư để bổ sung điều trị kịp thời

Phát hiện sớm di căn để có hướng xử trí thích hợp.

Kết hợp nhiều phương pháp trong điều trị ung thư xương
Kết hợp nhiều phương pháp trong điều trị ung thư xương (Ảnh Internet)

     2. Các phương pháp điều trị ung thư xương hiện nay.

2.1. Phẫu thuật.

Phẫu thuật là phương pháp cơ bản trong điều trị ung thư xương. Phẫu thuật dựa trên nguyên tắc cơ bản là cắt bỏ toàn bộ u và vị trí sinh thiết diện cắt không còn tế bào ung thư. Lựa chọn phương pháp phẫu thuật dự vào một số yếu tố như: Vị trí u, kích thước, mức độ xâm lấn ngoài tuỷ, có hay không có di căn xa, thể giải phẫu bệnh.

-Phẫu thuật cắt cụt chi.

Là phương pháp truyền thống để kiểm soát tại chỗ ung thư xương. Nó cho phép cắt bỏ toàn bộ khối u đại thể và vi thể với diện cắt sạch. Phương pháp phẫu thuật cắt cụt chi hoặc tháo khớp được chỉ định trong các trường hợp:

  • Có tổn thương mạch máu và thần kinh chủ yếu của chi.
  • Gãy xương bệnh lý gây nguy cơ cao gieo rắc tế bào ung thư. Trường hợp này nếu phẫu thuật bảo tồn thì rất dễ tái phát.
  • Sinh thiết không đúng vị trí làm lây lan sang tổ chức lành, nhiễm trùng tại u, tổn thương lan quá rộng vào phần mềm.
  • Không đáp ứng với hoá chất tiền phẫu.
  • Trẻ em dưới 12 tuổi nên cân nhắc cắt cụt chi. Vì nếu bảo tồn xương phát triển mạnh gây chênh lệch chiều dài quá nhiều về sau

-Phẫu thuật bảo tồn chi.

Là phương pháp cắt bỏ khối u, sau đó ghép phục hồi đoạn xương đã mất hoặc thay xương giả, khớp giả. Chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Khối u còn khu trú, chưa xâm nhập mạch máu, thần kinh chủ yếu của chi.
  • Còn cơ để di chuyển tạo lại cấu trúc vận động.

Việc đánh giá mức độ đáp ứng với hoá chất tiền phẫu của u nguyên phát tạo điều kiện thuận lợi cho phẫu thuật bảo tồn chi do khối u co nhỏ lại.

Cắt cụt chi ở bệnh nhân ung thư xương
Cắt cụt chi ở bệnh nhân ung thư xương (Ảnh Internet)

2.2. Hoá trị.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy điều trị phẫu thuật đơn thuần ung thư xương thì tỷ lệ sống thêm sau 5 năm chỉ đạt từ 5%- 20%. Bệnh nhân chủ yếu chết do di căn phổi. Có khoảng 80% về mặt vi thể có di căn vào lúc chẩn đoán. Do đó việc điều trị hoá chất rất quan trọng trong điều trị ung thư xương.

-Hoá trị trước phẫu thuật (hoá trị tân bổ trợ, hoá chất tiền phẫu).

Là phương pháp có ưu điểm làm giảm tỷ lệ cắt cụt chi hoặc tháo khớp. Làm tăng tỷ lệ bệnh nhân được phẫu thuật bảo tồn và tạo điều kiện thuận lợi cho phẫu thuật bảo tồn chi.

-Hoá trị sau phẫu thuật (hoá trị bổ trợ).

Khoảng 80% bệnh nhân sarcom xương được điều trị bằng phẫu thuật đơn thuần xuất hiện di căn. Hoá trị bổ trợ sau phẫu thuật làm tăng đáng kể thời gian sống thêm không tái phát cũng như tỷ lệ sống thêm toàn bộ. Các hoá chất thường dùng là Adriamycin, Cisplatin, Methotrexat liều cao. Chỉ định hoá chất bổ trợ cho các khối u sarcom xương sau phẫu thuật hoặc xạ trị có tỷ lệ di căn cao. Nhằm mục đích ngăn chặn tái phát, di căn. Đặc biệt tiêu diệt các ổ vi di căn ở phổi, xương vào thời điểm chẩn đoán.

     2.3. Xạ trị.

Trước đây người ta có chỉ định xạ trị u nguyên phát ở xương. Tuy nhiên sarcom xương là loại kháng tia. Trong in vitro đã chứng minh tế bào sarcom xương có khả năng sửa chữa các tổn thương do xạ trị. Xạ trị trước mổ cũng không mang lại hiệu quả và không làm tăng thời gian sống thêm cho bệnh nhân. Ngày nay việc phối hợp hoá chất và xạ trị xen kẽ đã giúp tăng tỷ lệ phẫu thuật bảo tồn chi ở bệnh nhân ung thư xương.

BS. Trần Hoài

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận