Điều trị và chăm sóc bệnh nhân đột quỵ não
Việc điều trị đột quỵ não thuộc về tay các nhà chuyên môn, có thể tiến hành điều trị bằng phẫu thuật hoặc bằng thuốc.
1. Điều trị đột quỵ não
1.1. Đảm bảo chức năng sống
1.1.1. Hô hấp
Nếu bệnh nhân không tự thở được cần cho thở máy.
1.1.2. Huyết áp
Nếu chức năng tim – mạch ngừng trệ hoặc suy giảm cần cho thuốc duy trì hoạt động tim, duy trì huyết áp. Đối với huyết áp, quy tắc chung là không cho thuốc hạ áp khi huyết áp tâm thu là dưới 180 và huyết áp tâm trương dưới 120 mmHg…
Riêng đối với bệnh nhân đột quỵ thể chảy máu, một số nghiên cứu bước đầu cho thấy hạ huyết áp tâm thu ngay xuống mức dưới 140mmHg là an toàn và có thể tăng hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu chưa đủ sức thuyết phục để khuyến cáo ứng dụng rộng rãi.
1.1.3. Thân nhiệt
Các trường hợp đột quỵ nặng có thể có rối loạn thân nhiệt sớm, biểu hiện bằng sốt cao. Đồng thời, sốt lại có tác động tiêu cực đối với tổn thương não của bệnh nhân. Do vậy, cần áp dụng sớm các biện pháp điều trị sốt cho bệnh nhân.
- Monitor theo dõi các chức năng sống cơ bản bệnh nhân đột quỵ
1.2. Điều chỉnh các hằng số sinh lý
Các chỉ số sinh hóa phản ánh chứng năng của thận, gan,… như đường huyết, nước – điện giải… cần được điều chỉnh hợp lý. Các yếu tố này rối loạn sẽ ảnh hưởng xấu đến tình trạng nặng nề, khả năng phục hồi và tiên lượng bệnh.
Xem thêm
1.3. Điều trị theo thể đột quỵ
Tùy theo thể đột quỵ mà có biện pháp điều trị đặc hiệu khác nhau.
Với bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não, nếu đến bệnh viện sớm trong vòng 3 giờ sau khởi phát sẽ được tiêm thuốc có tác dụng làm tan cục máu đông. Do vậy, việc vận chuyển nhanh chóng bệnh nhân đến bệnh viện có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thuốc chống kết tập tiểu cầu giúp hạn chế quá trình đông vón tiểu cầu tạo huyết khối.
Với bệnh nhân đột quỵ chảy máu não: thuốc cầm máu, chống phù não…
1.4. Điều trị triệu chứng, biến chứng
Nếu bệnh nhân có biểu hiện kích thích vật vã thì cho uống thuốc an thần, nếu có sốt, bội nhiễm cho kháng sinh hạ sốt, nếu bệnh nhân có cơn đau cần cho giảm đau, mất ngủ thì cho thuốc ngủ…
Đặc biệt, ngay từ giai đoạn bệnh cấp tính, bệnh nhân đột quỵ cần được điều trị tốt các yếu tố nguy cơ đang có và phòng tránh các yếu tố nguy cơ chưa mắc phải một cách hiệu quả.
Có thể dùng các thuốc bảo vệ – dinh dưỡng thần kinh làm tăng điều biến tuần hoàn não (đối với đột quỵ thiếu máu thì dùng ngay còn với đột quỵ chảy máu cần trì hoãn khoảng 2 tuần tính từ khi khởi phát).
Bệnh nhân đột quỵ cũng phải tránh hoàn cảnh phát bệnh (căng thẳng tâm lý, thể xác, giữ gìn không phơi mưa, nắng, giá rét khi thay đổi thời tiết).
1.5. Thuốc dinh dưỡng và bảo vệ tế bào não
Các thuốc có tác dụng tăng cường dinh dưỡng cho tế bào thần kinh, tăng khả năng chịu đựng của tế bào não trong điều kiện thiếu oxy và nhiễm độc…
2. Chăm sóc đúng cách – tiền đề để việc điều trị thành công
Việc chăm sóc bệnh nhân đột quỵ là rất quan trọng bởi nó là tiền đề, điều kiện đảm bảo cho việc điều trị thành công.
2.1. Chế độ dinh dưỡng
- Dinh dưỡng cho bệnh nhân đột quỵ não
Vấn đề dinh dưỡng – chăm sóc rất quan trọng đối với bệnh nhân đột quỵ. Hầu hết bệnh nhân đột quỵ đều gặp khó khăn trong việc thực hiện công việc này: rối loạn nuốt gây nghẹn đặc – sặc lỏng; liệt…
Với bệnh nhân hôn mê, rối loạn nuốt (nghẹn đặc – sặc lỏng): cần đặt ống thông dạ dày để bơm thức ăn vào dạ dày. Trường hợp bệnh nhân quá nặng, tiên lượng cần bơm ăn lâu dài, có thể mở thông dạ dày: mở một lỗ nhỏ ở thành bụng trước, nối thông vào dạ dày, đặt 1 ống thông có van 1 chiều vào dạ dày. Mở thông dạ dày cho phép bơm ăn chủ động thời gian dài cho bệnh nhân.
2.2. Chăm sóc hộ lý
Vệ sinh cơ thể sạch sẽ nhất là vùng sinh – môn (vùng cơ quan sinh dục và hậu môn).
Tập thở sâu thở mạnh kèm vỗ rung lồng ngực để tránh viêm nhiễm đường hô hấp.
Nếu bệnh nhân ăn uống qua sonde phải cho ăn uống đúng cách (thức ăn đủ lỏng; nhiệt độ thức ăn đủ ấm; cần kiểm tra trước khi cho ăn; đủ thành phần dinh dưỡng đạm – mỡ – tinh bột và sinh tố; sau lần bơm thức ăn cuối cùng của mỗi bữa ăn qua sonde phải bơm khoảng 20ml nước lọc ngâm trong sonde trạn để thức ăn lên men trong sonde).
Nếu bệnh nhân mang các sonde khác như sonde tiểu, dẫn lưu,… cần chăm sóc cho đúng cách, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ tránh nhiễm khuẩn.
2.3. Phục hồi chức năng
- Cần sớm phục hồi chức năng cho người bệnh (Ảnh: Internet)
Phải vận động sớm cho bệnh nhân, nếu được thì tiến hành ngay từ ngày đầu tiên.
Để tay chân ở tư thế sinh lý.
Tập vận động chủ động và/hoặc thụ động tùy theo từng bệnh nhân.
Xoa bóp từ ngọn chi lên gốc chi cho lưu thông huyết, trách loét mục…
Điều trị đột quỵ não rất phức tạp và có thể có nhiều rủi ro. Người bệnh và người nhà bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ. Người bệnh cần được luyện tập và phải kiên trì luyện tập các bài tập phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não. Việc phát hiện và xử lý sớm các trường hợp tai biến mạch máu não vô cùng có lợi quá trình điều trị.
Thầy thuốc Việt Nam
Trích: “Cẩm nang sống khỏe không đột quỵ”