Điều trị viêm nang lông thế nào cho hiệu quả, không tái phát?

Điều trị viêm nang lông không khó khi được nhận biết sớm và chữa kịp thời. Tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng lại khiến người bệnh mất tự tin do làn da sần sùi, mất thẩm mỹ.

1. Nguyên tắc điều trị viêm nang lông

Viêm nang lông thực chất là tình trạng một hoặc nhiều lỗ chân lông bị viêm. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhất là thanh thiếu niên và người trẻ. Các yếu tố như da dầu, bệnh lý về da, môi trường bụi bẩn, mỹ phẩm,… có thể gây bít tắc lỗ chân lông. Tạo môi trường kỵ khí thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Từ đó gây nên viêm nhiễm.

Hình ảnh: Viêm nang lông (Internet)
Hình ảnh: Viêm nang lông (Internet)

Do đó, để điều trị viêm nang lông hiệu quả cần dựa trên hai nguyên tắc cơ bản:

  • Làm giảm số lượng vi khuẩn trên da
  • Hạn chế tối đa các nguyên nhân gây bệnh

2. Điều trị

Dung dịch sát khuẩn 2-4 lần/ngày

  • Povidon-iodin 10%.
  • Hexamidine 0,1%.
  • Chlorhexidine 4%.

Thuốc kháng sinh bôi lên thương tổn sau khi sát khuẩn. Điều trị 7-10 ngày:

  • Kem hoặc mỡ axít fucidic (1- 2 lần/ngày)
  • Mỡ mupirocin 2% (3 lần/ngày)
  • Mỡ neomycin (2- 3 lần/ngày)
  • Kem silver sulfadiazin 1% (1 – 2 lần/ngày)
  • Dung dịch erythromycin (1-2 lần/ngày)
  • Dung dịch clindamycin (1-2 lần/ngày)

Trường hợp nặng cần kết hợp với điều trị toàn thân bằng kháng sinh như:

  • Cloxacilin: Uống, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch. Mỗi 6 giờ dùng 250 – 500mg (trẻ em dưới 20 kg, mỗi 6 giờ dùng 12,5 – 25 mg/kg).
  • Amoxicillin/ clavulanic: 875/125mg x 2 lần/ ngày (trẻ em uống 25 mg/kg/ngày chia hai lần)
  • Clindamycin: 300 – 400mg x 3 lần/ ngày, uống hoặc truyền tĩnh mạch (trẻ em uống hoặc truyền tĩnh mạch 10 – 20mg/kg/ngày chia ba lần)

Trường hợp do tụ cầu vàng kháng methicilin:

  • Vancomycin 30 mg/kg/ngày, chia 4 lần (không quá 2g/ngày) để pha loãng truyền tĩnh mạch chậm (trẻ em 40mg/ngày chia 4 lần – mỗi 6 giờ tiêm tĩnh mạch chậm hoặc truyền tĩnh mạch 10mg/kg).

Thời gian điều trị từ 7 – 10 ngày.

Ngoài ra, nếu nghi ngờ viêm nang lông do nhiễm nấm. Cần được cạo tìm nấm để lựa chọn thuốc kháng nấm phù hợp. Một số trường hợp, bác sĩ có thể kê thêm hydrocortisone 1% thoa trong 3-5 ngày để giảm ngứa nhanh hơn.

Các trường hợp viêm nang lông mãn tính thường khó điều trị hơn vì kháng sinh thường kém hiệu quả. Do vậy mà nhận biết và điều trị viêm nang lông kịp thời là rất cần thiết.

3. Lưu ý trong điều trị và phòng ngừa viêm nang lông

  • Hạn chế tối đa các yếu tố thuận lợi: mặc quần áo quá chật. Da ẩm ướt. Gãi, cào kích thích thương tổn. Cạo râu, nhổ lông không đúng cách gây viêm nhiễm. Thuốc hoặc mỹ phẩm gây kích ứng. Bôi corticoid lâu ngày.
  • Khi mụn khô lại, da của bạn có thể trở nên ngứa. Tuy nhiên, tránh chạm vào những vùng da đó nếu bạn không muốn da bị viêm trở lại. Nếu da nhạy cảm và ngứa, hãy hỏi bác sĩ da liễu để tìm loại kem dưỡng dịu nhẹ.
  • Điều trị tốt bệnh kèm theo (tiểu đường, suy thận, suy giảm miễn dịch) để tăng cường hệ miễn dịch
  • Thực hiện vệ sinh sạch sẽ, nhất là vùng da bị bệnh, da tay và dụng cụ cá nhân
  • Cắt ngắn râu bằng kéo, thay dao cạo. Triệt lông vĩnh viễn nếu tái phát nhiều lần hay thất bại với các trị liệu thông thường.
  • Với những bệnh nhân bị viêm nang lông do staphylococcus tái phát và những người thường tiếp xúc với bệnh nhân: thoa mupirocin 2% 2 lần/ngày vào lỗ mũi trong 5-10 ngày để giúp ngăn ngừa S. aureus.

Điều trị viêm nang lông ở chân là câu hỏi nhận được khá nhiều sự quan tâm. Nhưng nhìn chung, liệu trình điều trị không có nhiều khác biệt. Song chính những thói quen xấu như gãi, cào chân thường xuyên và chưa chú ý vệ sinh ở cơ quan này đúng mức khiến tình trạng viêm nang lông dễ tái phát và khó chữa. Do đó, việc khắc phục những thói quen không chỉ giúp phòng ngừa mà còn giúp nâng cao hiệu quả điều trị viêm nang lông.

DS Thu Trang

Theo Nội khoa Việt Nam

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận