Điều trị viêm tuyến giáp như thế nào?

Viêm tuyến giáp là hiện tượng viêm cấp/mãn tính tại tuyến giáp, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và được chia thành nhiều loại. Với từng loại sẽ có phương pháp điều trị khác nhau.

1. Nguyên tắc điều trị viêm tuyến giáp

Viêm tuyến giáp uống thuốc gì? Đó là câu hỏi của không ít người không may mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, viêm tuyến giáp xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, được chia thành nhiều loại. Chức năng tuyến giáp có thể chuyển từ cường giáp, bình giáp sang trạng thái suy giáp tùy từng giai đoạn bệnh. Do vậy, nguyên tắc đầu tiên trong điều trị là xác định đúng loại viêm giáp để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Hình ảnh: Tuyến giáp (Internet)
Hình ảnh: Tuyến giáp (Internet)

Ngoài ra, nồng độ hormon tuyến giáp của mỗi người bệnh là khác nhau và ở từng giai đoạn lại khác nhau. Do đó việc điều trị cần được thực hiện tùy theo từng trường hợp, ở từng giai đoạn. Đảm bảo nguyên tắc bình thường hóa nồng độ nội tiết tố của tuyến giáp.

2. Các phương pháp điều trị viêm tuyến giáp hiện nay

2.1. Điều trị viêm tuyến giáp bán cấp

Viêm tuyến giáp bán cấp là loại viêm tuyến giáp gây đau thường gặp nhất. Thường khởi phát với triệu chứng đau người, đau họng, sốt nhẹ kèm theo. Tuyến giáp thường sưng to, rất đau, sờ mềm. Đau có thể lan lên tai ra khắp cổ gây khó nuốt, khó thở.

Đa số các trường hợp sẽ trở lại bình giáp sau vài tuần hoặc xuất hiện suy giáp nhẹ rồi tự khỏi. Nên trong trường hợp này chủ yếu là điều trị triệu chứng. Như giảm đau, kháng viêm bằng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) hoặc prednisone. Hạ sốt nếu cần thiết.

2.2. Điều trị viêm tuyến giáp sinh mủ

Đây là loại viêm tuyến giáp nhiễm trùng rất hiếm gặp do vi khuẩn (Streptococcus pyrogenes, Streptococcus aureus, Streptococcus pneumonia), nấm hoặc ký sinh trùng. Triệu chứng khá điển hình với tình trạng nhiễm khuẩn: Bệnh nhân sốt cao, có thể rét run. Tuyến giáp thường mềm, rất đau. Đỏ, sưng tấy một bên trước vùng cổ nên thường gây khó nói, khó nuốt.

Bệnh thường khỏi hoàn toàn không để lại di chứng, nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể tử vong. Trong trường hợp này cần dùng kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ. Và cần dẫn lưu ổ áp xe nếu như có ổ áp xe khóa mủ.

2.3. Điều trị viêm tuyến giáp Hashimoto

Viêm tuyến giáp Hashimoto hay viêm tuyến giáp mãn tính, viêm tuyến giáp tự miễn. Nguyên nhân gây bệnh là do hệ miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, sinh ra những kháng thể tiêu diệt chính tế bào tuyến giáp của cơ thể mình. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây suy giáp.

Bệnh thường tiến triển tương đối chậm chạp qua từng năm, hầu như không nhận thấy dấu hiệu hoặc họ chỉ có thể nhận thấy bị bướu cổ. Bướu giáp to, chắc, đối xứng và thường không đau gây nghẹn, khó nuốt, giọng khàn,… tuy nhiên ít gặp. Hầu hết lúc các triệu chứng xuất hiện thì cũng là lúc ở giai đoạn muộn. Hormon tuyến giáp đã suy giảm, bệnh nhân đối mặt với tình trạng suy giáp, sợ lạnh, táo bón, tăng cân,…

Vậy điều trị viêm tuyến giáp mạn tính như thế nào?

  • Nếu chưa có bằng chứng thiếu hụt hormon tuyến giáp: tạm thời chưa cần điều trị gì. Nhưng cần thăm khám định kỳ để phát hiện và kiểm soát bệnh kịp thời.
  • Nếu tuyến giáp không sản xuất đủ hormon: cần bổ sung hormon tổng hợp thay thế hormon tuyến giáp bị thiếu như levothyroxine. Có thể sẽ phải bổ sung suốt đời. Bạn cần thường xuyên thăm khám, theo dõi nồng độ hormon để có sự thay đổi liều lượng phù hợp.

DS Thu Trang

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

1 Comment
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Trang
Trang
10 tháng trước

Xin chào bác sĩ ạ, em bị viêm giáp bán cấp từ tháng 6, đã được chỉ định dùng medrol 4mg tới liều 6 viên. nhưng cứ ngưng thuốc lại đau trở lại, có cách nào điều trị dứt điểm ko ạ. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp em. Em cảm ơn ạ!