Nguyên nhân và đường lây truyền sốt xuất huyết Dengue

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm diễn biến nhanh và dễ tiến triển nặng. Để phòng tránh được bệnh sốt xuất huyết cần hiểu rõ đường lây truyền sốt xuất huyết. Vậy sốt xuất huyết lây qua đường nào? Bài viết sau đây sẽ trình bày nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết và con đường lây truyền sốt xuất huyết Dengue.

Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết

Virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Virut sốt xuất huyết dengue
Virus Dengue – virus sốt xuất huyết Dengue 

Cấu trúc

Virus Dengue hay virus sốt xuất huyết dạng hình cầu, đối xứng hình khối, chứa 1 sợi ARN. Đường kính virus khoảng 35 – 50nm. Cấu trúc bao gồm lớp vỏ lipoprotein và lõi là 1 sợi dương ARN

Khả năng đề kháng

Virus Dengue có thể tồn tại lâu trong cơ thể muỗi Aedes aegypti. Dễ bị tiêu hủy bởi các dung dịch như xà phòng, tia cực tím và nhiệt độ cao.

Ở 40°C virus bị tiêu diệt sau vài giờ. Ở 60°C virus chết sau 30 phút. Trong môi trường -70°C virus có thể tồn tại từ vài tháng đến vài năm.

Kháng nguyên

Virus Dengue được chi làm 4 chủng được kí hiệu D1, D2, D3, D4. Miễn dịch huyết thanh đối với từng chủng virus có thể kéo dài cả đời nhưng với miễn dịch chéo giữa các chủng thì chỉ tạm thời. Vì vậy tỷ lệ tái mắc sốt xuất huyết Dengue khá cao và lần sau mắc khác chủng virus đã từng mắc lần trước.

Vật chủ trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue

Nhận dạng muỗi Aedes trong tự nhiên

Ổ chứa virus Dengue là người, khỉ và muỗi. Muỗi Aedes aegypti là vật chủ trung gian truyền bệnh chủ yếu.

Muỗi màu đen, chân – thân – bụng có khoang đen trắng rõ rệt nên được gọi là muỗi vằn. Vùng ngực có hàng vảy trắng, trên lưng có hình chiếc “đàn hai dây”.

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue (Ảnh internet)
 Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue 

Chu kỳ phát triển – vòng đời của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết

  • Cả quá trình để trứng muỗi phát triển thành muỗi các trưởng thành mất khoảng 5 – 8 ngày. Ngay sau đó muỗi có thể hút máu người và tìm nơi đẻ trứng để tiếp tục duy trì nòi giống.
  • Để trứng nở thành bọ gậy cần 1 – 3 ngày. Từ bọ gậy để trở thành quăng thì cần khoảng 5 – 8 ngày.
  • Mất khoảng 2 – 3 ngày sau, con lăng quăng sẽ thành muỗi non, và tiếp tục chu trình phát triển thành muỗi trưởng thành, đẻ trứng.
  • Cả vòng đời muỗi Aedes aegypti kéo dài 2 – 4 tuần. Thời gian dài ngắn phụ thuộc vào môi trường và các điều kiện tự nhiên khác.
  • Chỉ có muỗi cái hút máu người còn muỗi đực hút nhựa cây.

Môi trường sinh sống và thói quen hoạt động của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết

Ae.aegypti thường có nhiều ở các khu đô thị và vùng ven biển…

Muỗi cái ưa đẻ trứng ở dụng cụ chứa nước như chum, vại, lọ hoa, kẽ lá, chậu cảnh….

Muỗi Aedes cái rất thích hút máu người. Chúng thường hoạt động vào ban ngày, nhất vào sáng sớm và chiều tối. Ngay khi tiếp cận với cơ thể người chúng lập tức lao vào chích, hút máu đến no. Sau đó chúng thường ẩn nấp ở chỗ tối, kín gió…

Môi trường sống ưa thích của muỗi Aedes aegypti
Môi trường sống ưa thích của muỗi Aedes aegypti

Aedes hoạt động chủ yếu phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường. Dưới 23oC chúng hầu như không có khả năng hút máu người. Vì vậy thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện lý tưởng cho chúng hoạt động.

Trong loài Aedes còn có Ae.albopictus cũng truyền bệnh SXH. Chúng sống phổ biến ở vùng nông thôn. Muỗi Ae.albopictus có khả năng thích ứng cao, tồn tại được ở những vùng ôn đới mát mẻ của châu Âu. Thậm chí nó có thể tồn tại được ở nhiệt độ đóng băng, ngủ đông và trú ẩn trong môi trường sống nhỏ.

Những hiểu biết nhất định về tập quán sinh sống của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue và virus Dengue sẽ giúp chúng ta tìm ra biện pháp phòng chống dịch phù hợp và triệt để.

Cách muỗi hút máu người và con đường lây truyền sốt xuất huyết Dengue

Muỗi tìm mạch máu và hút no máu người
Muỗi tìm mạch máu và hút no máu người
  • Muỗi vằn thông qua việc cảm nhận khí CO2  mà phát hiện ra con người.
  • Khi tiếp xúc với da người, muỗi nhả nước bọt lên da nạn nhân. Các chất trong nước bọt của muỗi hoạt động như chất khử trùng và gây tê.
  • Muỗi dùng vòi khoan 1 lỗ trên da vào tìm kiếm mạch máu. Mỗi lần muỗi có thể hút lượng máu gấp 2 – 3 lần trọng lượng cơ thể.
  • Khi muỗi chích đúng người bệnh, muỗi sẽ bị nhiễm virus Dengue. Muỗi nhiễm virus sẽ truyền bệnh SXH Dengue khi đốt người lành.

Như vậy con đường lây truyền sốt xuất huyết Dengue là muỗi mang virus Dengue đốt người lành.

Cho tới thời điểm hiện tại thì

  • Chưa phát hiện ca sốt xuất huyết Dengue lây qua đường tình dục.
  • Sốt xuất huyết Dengue có thể lây qua con đường truyền máu nếu người bị sốt xuất huyết mà hiến máu.
  • Sốt xuất huyết Dengue cũng có thể lây truyền qua dụng cụ y tế như dùng chung bơm tiêm, kìm nhổ răng chưa được khử trùng…
  • Hiện tại cũng chưa ghi nhận ca bệnh nào lây từ máu người bệnh sang người lành qua tiếp xúc máu người bệnh với vết thương hở của người lành. Tuy nhiên để an toàn tốt nhất người lành vẫn nên đề phòng để tự phòng tránh bệnh.
  • Mặc dù là bệnh do virus gây ra nhưng sốt xuất huyết Dengue không lây truyền qua đường hô hấp hoặc tiêu hóa.
  • Chưa tìm được bằng chứng sốt xuất huyết Dengue lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai. Nhưng khi chuyển dạ con có thể bị sốt từ 1 – 2 tuần đầu đời. Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết nặng có thể gây suy thai, sảy thai.

BS. Uông Mai

Xem thêm: Theo dõi và điều trị sốt xuất huyết Dengue

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận