Giúp mẹ nhận biết sớm dấu hiệu trẻ sơ sinh bị tiêu chảy

Tiêu chảy là một mối quan tâm rất phổ biến ở trẻ em. Trẻ bị tiêu chảy thường xuyên là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng. Việc hiểu đúng về tiêu chảy ở trẻ sơ sinh sẽ giúp bậc cha mẹ có thêm kiến thức, chủ động trong vệ sức khỏe của trẻ.

1. Những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ sơ sinh bị tiêu chảy:

Trẻ sơ sinh có hệ tiêu hóa rất non yếu, vì vậy những bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy rất dễ xảy ra với trẻ, nhưng khó để xác định chính xác nguyên nhân gây ra nó. Một số bệnh có thể khiến trẻ sơ sinh bị tiêu chảy.

1.1. Nhiễm trùng đường ruột

Nguyên nhân chủ yếu gây ra nhiễm khuẩn đường ruột là do vi khuẩn có hại xâm nhập vào hệ tiêu hóa của trẻ và gây bệnh. Các vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiêu hóa là vi khuẩn dạng Campylobacter, vi khuẩn Escherichia coli (E.Coli), vi khuẩn Salmonella, virus Rotavirus. Trẻ có thể bị nhiễm khuẩn đường ruột vì một số nguyên nhân:

  • Trẻ bị nhiễm khuẩn trong quá trình sinh;
  • Môi trường sống không đảm bảo vệ sinh;
  • Lây nhiễm từ bình sữa khi bé ti bình, ti giả.

Nhiễm trùng đường ruột khiến trẻ sơ sinh bị tiêu chảy

1.2. Không dung nạp lactose:

Tình trạng các tế bào niêm mạc ruột không tiết đủ lượng enzyme lactase để phân cắt đường lactose có trong sữa nguyên chất (sữa mẹ, sữa bò…) trẻ có thể biểu hiện những triệu chứng dưới đây khoảng 30 phút đến 2 giờ sau khi bú sữa mẹ hoặc ăn các sản phẩm từ sữa như pho mát hoặc sữa chua là hiện tượng không dung nạp lactose. Một số nguyên nhân khiến trẻ bất dung nạp lactose:

  • Rối loạn di truyền;
  • Sinh non;
  • Nhiễm virus hoặc bệnh tật;
  • Bệnh Celiac.

1.3. Dị ứng đạm sữa bò

Di ứng đạm sữa bò

Dị ứng đạm sữa bò là phản ứng miễn dịch của cơ thể trẻ khi tiếp xúc với Protein có trong sữa bò và những sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bò.

Có 2 loại protein chính trong sữa bò có thể gây ra phản ứng dị ứng:

  • Casein: Được tìm thấy trong phần rắn (sữa đông) của sữa đông vón lại;
  • Whey (váng sữa): Được tìm thấy trong phần lỏng còn lại của sữa sau khi sữa đông vón lại.

Khi hệ thống miễn dịch cho rằng 2 thành phần protein này là có hại, cơ thể sẽ tự động sản xuất ra các kháng thể miễn dịch IgE có tác dụng trung hòa các protein này và báo cho hệ thống miễn dịch giải phóng histamin và các hóa chất trung gian gây dị ứng khác.

2. Nhận biết dấu hiệu trẻ sơ sinh bị tiêu chảy:

Dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy

Trẻ sơ sinh đi ngoài phân lỏng không phải là triệu chứng đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu thấy lượng phân gia tăng đột ngột đi kèm quấy khóc có thể trẻ bị tiêu chảy. Đặc trưng của phân khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy:

  • Phân lỏng, tóe nước;
  • Thay đổi màu sắc;
  • Có lẫn nhầy, máu hay thức ăn không tiêu (phân sống);
  • Có mùi tanh.

Bên cạnh đó, mất nước là biểu hiện đáng ngại nhất trong bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Tiêu chảy vừa hoặc nặng có thể gây mất một lượng nước lớn trong cơ thể trẻ. Biểu hiện mất nước ở các mức độ là:

  • Mất nước nhẹ – trung bình: Khô miệng. Tiểu ít hơn bình thường. Quan sát thấy mắt của bé khô – trũng, khi khóc chảy rất ít nước mắt hoặc không có nước mắt. Bé trở nên kém linh hoạt và dễ cáu gắt. Trẻ lờ đờ hoặc li bì.
  • Mất nước nặng:
  • Phần thóp (vùng nhỏ, mềm trên đỉnh đầu) bị trũng ở trẻ nhũ nhi.
  • Trẻ không đi tiểu trong vòng 6 giờ.
  • Da bé mất khả năng đàn hồi.
  • Mạch nhanh nhẹ hoặc không bắt được, huyết áp tụt hoặc không đo được.
  • Mắt trũng, khóc không ra nước mắt

Ngoài ra, dấu hiệu trẻ sơ sinh bị tiêu chảy còn là:

  • Đau quặn bụng từng cơn;
  • Đầy hơi, nôn ói;
  • Sốt: có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao, đôi khi gây nên tình trạng co giật.

Cha mẹ cần theo dõi các dấu hiệu khi trẻ bị tiêu chảy như tình trạng của trẻ và thời gian bệnh của trẻ. Ngoài ra, cha mẹ cần đưa trẻ thăm khám để xác định đúng bệnh, nguyên nhân và cách điều trị tiêu chảy ở trẻ em.

3. Chăm sóc trẻ sơ sinh bị tiêu chảy hiệu quả thế nào?

Bị tiêu chảy khiến trẻ bị mất nước và điện giải nhanh chóng gây nguy hiểm cho trẻ. Ngoài ra, đi vệ sinh nhiều lần khiến trẻ mất ngủ, biếng ăn, quấy khóc, chậm tăng cân, sụt cân. Một số điều cha mẹ cần làm khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị tiêu chảy:

Bù nước cho trẻ

Bù nước: Cho trẻ bú nhiều hơn bình thường để bổ sung lượng nước cho cơ thể – giúp bé nhanh chóng lấy lại sức, giảm triệu chứng bệnh.

Bù điện giải: Là điều quan trọng nhất khi trẻ bị tiêu chảy. Các loại dung dịch bù nước:

  • Oresol: Pha với nước theo đúng tỷ lệ rồi cho trẻ uống.
  • Nước muối đường: 1 muỗng muối + 8 muỗng đường + 1 lít nước chín.
  • Nước cháo muối: 1 muỗng muối + 1 nắm gạo + 1 lít nước chín đun sôi.
  • Nước dừa muối: 1 muỗng muối + 1 lít nước dừa.

Không dùng sữa thay cho các bữa ăn: vì sữa chứa nhiều vi chất nhưng lại là thực phẩm dễ khiến bạn gặp tình trạng tiêu chảy.

Không bỏ bữa của trẻ: Nếu trẻ không ăn đủ lượng thức ăn sẽ rất có nguy cơ suy dinh dưỡng nghiêm trọng sau khi bị tiêu chảy:

  • Nếu bé biểu hiện chán bú hay nôn ói nhiều nên chia cữ bú thành nhiều lần trong ngày.
  • Đối với trẻ mắc phải hội chứng không dung nạp lactose và bị tiêu chảy thì các mẹ nên tiếp tục cho con bú (nếu trẻ vẫn bú sữa mẹ), tuyệt đối không được giảm sữa. Sử dụng loại sữa không có lactose (hay lactofree) cho đến khi trẻ ngừng tiêu chảy hẳn.
  • Trẻ tiêu chảy do dị ứng đạm sữa bò: bạn nên chuyển qua sử dụng các loại sữa như: sữa thủy phân, sữa công thức amino acid,…

Bổ sung kẽm và nhiều vitamin khác: Bổ sung các vitamin và kẽm sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn sau khi ốm. Cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ trước khi tìm đến sử dụng những loại vitamin hay kẽm bổ sung chất.

Bổ sung kẽm và các loại vitamin

Thuốc: Nếu trẻ có sốt thì phải hạ sốt cho trẻ. Chỉ sử dụng thuốc chống tiêu chảy, kháng sinh khi có sự chỉ định của bác sĩ.

Chú ý vệ sinh: Tiêu chảy do vi khuẩn có thể lây lan dễ dàng do đó người chăm sóc trẻ cần lưu ý rửa tay sạch sẽ trước khi pha sữa, chăm sóc hoặc sau khi thay tã cho trẻ.

Bố mẹ cần đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất nếu trẻ có những dấu hiệu:

  • Trẻ nôn ói nhiều, đi tiêu chảy quá 3 ngày, tiêu đàm máu.
  • Đau bụng hoặc quấy khóc nhiều.
  • Sốt cao liên tục trên 38,5 độ C.
  • Mất nước trầm trọng.

4. Các cách phòng tránh giúp trẻ sơ sinh không bị tiêu chảy:

Rửa tay thường xuyên giúp hạn chế nguy cơ bé bị tiêu chảy

Một trong những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị tiêu chảy ở trẻ nhỏ là nhiễm Rotavirus. Do đó, bố mẹ nên cho trẻ uống vắc xin phòng ngừa. Ngoài ra, để phòng ngừa trẻ bị tiêu chảy, bố mẹ cần:

  • Nuôi trẻ bằng sữa mẹ đến 18 – 24 tháng tuổi. Ăn dặm thêm từ 6 tháng tuổi.
  • Giữ gìn vệ sinh nhà cửa, môi trường sống xung quanh của trẻ. Người chăm sóc trẻ cần giữ vệ sinh sạch sẽ tránh lây bệnh cho bé.
  • Mẹ cần ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống, không uống nước lã và các thực phẩm chưa chín kỹ hoặc nghi ngờ bị nhiễm khuẩn, ôi thiu.
  • Xử lý phân trẻ nhỏ an toàn. Đối với gia đình có bệnh nhân tiêu chảy cấp cần rắc vôi bột hoặc Cloramin B sau mỗi lần đi tiêu.
  • Sử dụng nước sạch, đun sôi để pha sữa cho trẻ.

DS Lưu Thị Bảo Yến

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận