Hiểu rõ về bệnh viêm hang vị dạ dày
Nội dung bài viêt
Giải phẫu hang vị dạ dày
Hang vị dạ dày là phần tiếp nối giữa thân vị và môn vị, có kích thước khoảng 3-5 cm, là phần duy nhất của dạ dày nằm ngang và thấp nhất.
Cấu tạo hang vị gồm 5 lớp: lớp niêm mạc, lớp dưới niêm, lớp cơ, lớp thanh mạc và dưới thanh mạc.
Cùng với các phần khác của dạ dày, hang vị được cấp máu bởi động mạch thân tạng với 2 nhánh vòng động mạch bờ cong nhỏ và vòng động mạch bờ cong lớn. Được chi phối bở dây thần kinh số X và một số nhánh của tủy ngực 6 đến 10.
Hang vị có chức năng co bóp nhào trộn phân nhỏ thức ăn cũng như tiết chất nhầy, pepsinogen và gastrin.
Viêm hang vị dạ dày
Viêm hang vị dạ dày là gì?
Viêm hang vị dạ dày là những thương tổn viêm cấp hoặc mạn của biểu mô phủ ở niêm mạc vùng hang vị dạ dày do sự mất cân bằng giữa hàng rào bảo vệ và tấn công. Đây là vị trí dễ bị tổn thương nhất của dạ dày bởi nằm ngang và thấp nhất nên tiếp xúc với thức ăn nhiều nhất so với các phần khác của dạ dày.
Viêm xung huyết hang vị dạ dày là gì?
Viêm xung huyết hang vị dạ dày là tình trạng khi các tổn thương viêm ở biểu mô phủ của niêm mạc hang vị dạ dày khiến cho các mao mạch tại vị trí viêm giãn nở, ứ máu lại khiến cho các vùng này trở nên đỏ hơn các vùng khác. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể sẽ dẫn đến loét và xuất huyết ở vùng hang vị dạ dày.
Những người nào có nguy cơ viêm hang vị dạ dày
Có thói quen sinh hoạt không hợp lí
Thường xuyên sử dụng các chất kích thích có khả năng gây co mạch hệ thống mạch máu ở niêm mạc hang vị như cà phê, thuốc lá, uống rượu bia, uống nước ngọt có ga,… Thường xuyên vận động mạnh hoặc nằm ngay sau khi ăn. Sử dụng thuốc giảm đau một cách bừa bãi, không theo đúng chỉ định, liều lượng cũng như cách dùng.
Chế độ, thói quen ăn uống không hợp lí
Không ăn đúng, đủ bữa, nhịn ăn giảm cân, ăn quá no. Ăn thường xuyên các thức ăn chứa nhiều gia vị cay nóng như tiêu, ớt, tỏi,…hay các thức ăn lên men như dưa muối, cà muối. Ăn các hoa quả cứng và chứa nhiều acid hay thức ăn quá chua như: xoài xanh, cóc, chanh, giấm, mẻ,…
Thường xuyên chịu áp lực, stress, mất ngủ
Cơ thể luôn trong tình trạng căng thẳng hay mất ngủ, ngủ không đủ giấc khiến cho cơ thể tăng giải phóng adrenaline gây co mạch làm giảm tưới máu niêm và tăng tiết cortisol kích thích dạ dày tiết acid HCL.
Trong gia đình có người bị viêm loét dạ dày tá tràng
Nguyên nhân quan trọng nhất của viêm hang vị dạ dày là do vi khuẩn Helicobacter Pylori gây ra, mà vi khuẩn này có khả năng lây qua đường ăn uống, gây bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.
Biểu hiện của viêm hang vị dạ dày
Đau bụng thượng vị: bệnh nhân có thể có đau âm ỉ, nóng rát hoặc đau quặn từng cơn, đau liên tục vùng thượng vị, đau không lan, đau tăng sau ăn hoặc về đêm, khi thay đổi thời tiết, nhiệt độ. Hội chứng rối loạn tiêu hoá xảy ra sớm sau bữa ăn: đau thượng vị, cảm giác nặng bụng, chướng bụng sau khi ăn.
Buồn nôn và nôn: có thể bệnh nhân chỉ xuất hiện tình trạng buồn nôn. Nếu nặng có thể nôn nhiều, liên tục do thức ăn không được nghiền nhỏ tiêu hoá.
Ợ hơi, ợ chua: bệnh nhân thường có ợ hơi, ợ chua từng cơn hoặc liên tục gây khó chịu và nóng rát phía sau xương ức và cổ họng cho bệnh nhân.
Bệnh nhân có thể có biểu hiện thiếu máu trong trường hợp viêm hang vị mạn tính. Bởi thức ăn không được phân cắt đủ nhỏ để tá tràng hấp thu các chất dinh dưỡng.
Viêm hang vị dạ dày có nguy hiểm không?
Ảnh hưởng chất lượng cuộc sống người bệnh
Viêm hang vị dạ dày gây cho bệnh nhân các triệu chứng đau bụng thượng vị, đặc biệt sau ăn hay nửa đêm, buồn nôn và nôn, ợ hơi ợ chua khiến bệnh nhân mệt mỏi, mất ngủ, sợ ăn uống, không thể tập trung để hoàn thành công việc,…
Nguy cơ loét dạ dày, chảy máu dạ dày
Hình ảnh loét dạ dày, chảy máu dạ dày
Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể tiến triển từ tổn thương viêm sang loét khiến bệnh nhân đau đớn nhiều hơn, loét nặng có thể gây thủng dạ dày. Loét gây tổn thương các mạch máu ở dạ dày, gây ra tình trạng chảy máu dạ dày với các biểu hiện nôn ra máu tươi, máu cục, đi cầu phân đen mùi thối khẳm.
Xem thêm: Biểu hiện của viêm loét dạ dày tá tràng
Hẹp môn vị dạ dày
Là tình trạng lỗ môn vị bị chít hẹp khiến thức ăn không thể di chuyển từ dạ dày xuống tá tràng. Trong trường hợp viêm hang vị cấp như do rượu thì sau đợt viêm môn vị cũng sẽ trở về lại trạng thái ban đầu. Trong trường hợp viêm mạn tính hoặc kèm theo loét hang vị dạ dày thì thường gây ra tình trạng xơ chai, co kéo hang vị gây chít hẹp môn vị.
Ung thư dạ dày
Viêm hang vị dạ dày ban đầu chỉ là bệnh lý lành tính. Nhưng vẫn có khả năng tiến triển thành ung thư dạ dày, là loại ung thư gặp hàng đầu trong các loại ung thư đường tiêu hoá. Đặc biệt với trường hợp viêm hang vị dạ dày do vi khuẩn Helicobacter Pylori thì nguy cơ tiến triển ung thư càng cao hơn nếu không được điều trị. Thường bệnh nhân sẽ có đau bụng không giảm khi dùng thuốc trung hòa acid hay ức chế bơm proton, sụt cân, da xanh xao.
Điều trị viêm hang vị dạ dày như thế nào?
Thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt
- Giữ cho tinh thần luôn thoải mái, tránh căng thẳng lo lắng. Ngủ đủ giấc, không thức quá khuya.
- Ăn đúng, đủ bữa, tránh bỏ bữa, nhịn ăn giảm cân. Nhai kĩ thức ăn. Không vận động mạnh hay nằm ngay sau khi ăn.
- Không sử dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, bia rượu,…
- Tránh việc thêm các gia vị cay nóng như tỏi, ớt, tiêu cũng như cho gia vị quá đậm đà vào chế biến món ăn. Không ăn các trái cây chứa nhiều acid như chanh, xoài xanh, cóc,…Không ăn các đồ ăn lên men như dưa chua, cà muối,…
- Ăn các thức ăn mềm, lỏng nhiều chất dinh dưỡng. Không ăn thức ăn cứng và khó tiêu.
Viêm hang vị dạ dày thì dùng thuốc gì?
Sử dụng thuốc theo đơn bác sĩ
Thuốc trung hòa acid dịch vị ( Antacid): có tác dụng trung hòa acid dư thừa gây giảm các triệu chứng nhanh chóng, tùy nhiên lại không điều trị được tận gốc bệnh.
Các thuốc trong nhóm: Aluminium hydroxide, Magnesium carbonate, Magnesium trisilicate, Magnesium hydroxide, Calcium carbonate, Sodium bicarbonate. Liều dùng: người lớn ngày 3 gói, trẻ em lớn hơn 6 tuổi liều ½ người lớn. Dùng trong hoặc ngay sau bữa ăn, trước khi đi ngủ.
Chống chỉ định: mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc, trẻ dưới 6 tuổi, người suy thận nặng.
Thuốc ức chế H2: với cơ chế là ức chế tác dụng của Histamine tại thụ thể Histamine H2 của các tế bào viền ở dạ dày, qua đó làm giảm sự tiết HCL.
Các thuốc trong nhóm và liều dùng: Cimetidin 400mg x 4 lần/ ngày, Ranitidi 300mg, famotidin 40mg, nizatidin 300mg x 1 lần trước khi đi ngủ.
Chống chỉ định: Quá mẫn với các thành phần của thuốc
Thuốc ức chế bơm proton: với cơ chế tác dụng là ức chế bơm proton H+K+ ATPase ở màng tế bào viền, nơi vận chuyển HCL vào lòng dạ dày, qua đó giảm acid HCL
Các thuốc trong nhóm và liều dùng: Omeprazole 20mg/ ngày, Lansoprazole 30mg/ ngày, Pantoprazole 40mg/ ngày, Rabeprazole 20mg/ ngày, Esomeprazole 40mg/ ngày. Thuốc được dùng trước ăn 30-60 phút.
Chống chỉ định: mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.
Thuốc kháng HP: Tùy vào việc bệnh nhân đã được điều trị hay chưa với diễn biến lâm sàng của bệnh nhân để lựa chọn phác đồ kết hợp thuốc phù hợp.
Phác đồ cho người mới điều trị lần đầu hoặc nhiễm khuẩn nhẹ:
PPI x2 lần/ ngày, Amoxicillin 1 g hoặc Clarithromycin 0.5 g x 2 lần/ ngày, Metronidazole 0.5g x 2 lần/ ngày. Dùng trong 7-14 ngày.
Phác đồ khi phác đồ 3 thuốc không hiệu quả hoặc bệnh nhân đã dùng Clarithromycin trước đó PPI (2 lần/ ngày): Tetracyclin (500mg x 4 lần/ ngày), Metronidazole (500mg x 2 lần/ ngày) hoặc amoxicillin (1g x 2 lần/ ngày), Bismuth (4 lần/ngày). Thời gian 7-14 ngày
Phác đồ nối tiếp: dùng khi những phác đồ trên không hiệu quả
5 ngày đầu: PPI (2 lần/ ngày), Amoxicillin (1g x 2 lần/ ngày)
5 ngày tiếp theo: PPI (2 lần/ ngày), Clarithromycin (500mg x 2 lần/ ngày), Tinidazole (500mg x 2 lần/ ngày).
Phác đồ có levofloxacin: PPI (2 lần/ ngày), Levofloxacin (500mg x 2 lần/ ngày), Amoxicillin (1g x 2 lần/ ngày) dùng trong 10 ngày.
Các thuốc khác: một số thuốc khác có thể dùng để hỗ trợ điều trị triệu chứng cho bệnh nhân như giảm co như drotaverin hay giảm nôn như metoclopramide.
Phòng bệnh viêm hang vị dạ dày như thế nào?
Tránh sử dụng các chất kích thích
Nên bỏ các thói quen như hút thuốc, uống cà phê, uống rượu bia,… để tránh cho các thành phần độc hại có trong chúng làm giảm lớp bảo vệ niêm mạc của hang vị dạ dày.
Có thói quen ăn uống, sinh hoạt hợp lí
- Tạo thói quen ăn đúng bữa, đủ bữa, không ăn quá đói hay no, nhai kĩ thức ăn trước khi nuốt. Không nhịn ăn để giảm cân mà chỉ cắt bớt lượng calo nạp vào.
- Ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc, không nên thức khuya
- Luôn giữ cho tinh thần thoải mái, không căng thẳng lo lắng.
- Hạn chế ăn đồ chua cay nóng và cứng.
BS. Mỹ Linh