Ho có đờm-Bỏ túi ngay những điều cần biết về hiện tượng này
Ho có đờm là một triệu chứng gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau. Thông qua bài viết hôm nay hy vọng rằng quý độc giả sẽ có những thông tin bổ ích về tình trạng ho có đờm!
Nội dung bài viêt
Ho có đờm là gì?
Ho là phản xạ có ích của cơ thể có tác dụng tống đẩy các dị vật, dịch tiết đường hô hấp, có thể gặp ho khan, ho đờm, ho ra máu…Ho có đờm là tình trạng ho kèm theo việc bài xuất đờm (dịch tiết của đường hô hấp, gồm chất nhầy, hồng cầu, bạch cầu, các tác nhân gây hại) ra bên ngoài đường hô hấp. Tình trạng này xảy ra phổ biến ở mọi lứa tuổi nên nhiều người thường bỏ qua triệu chứng này mà không nghĩ đến việc đó là chỉ điểm của nhiều bệnh lý nguy hiểm, cần phát hiện kịp thời.
Ho có đờm là biểu hiện của những bệnh lý nào?
Viêm phế quản
Là bệnh lý do tổn thương đường dẫn khí, có thể gặp viêm phế quản cấp hoặc mãn tính. Bệnh biểu hiện bằng triệu chứng ho, màu sắc đờm tùy thuộc nguyên nhân gây bệnh là virus hay vi khuẩn, phổi nghe có các ral rít, ral ngáy. Xquang tim phổi cho gợi ý chẩn đoán.
HÌnh ảnh mô tả viêm phế quản
Viêm phổi
Bệnh lý phổ biến ở mọi lứa tuổi, do nhiều tác nhân gây nên: vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm…Thường có các biểu hiện sốt cao, đau ngực, khó thở, kèm theo ho đờm, phổi nghe có các ral ẩm. Xquang phổi sẽ thấy được những tổn thương nhu mô như tổn thương ở phế nang, mô kẽ của phổi.
Lao phổi
Là bệnh lý truyền nhiễm do Mycobacterium Tuberculosis gây nên. Bệnh biểu hiện với triệu chứng của tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc lao là sốt nhẹ về chiều, gầy sút cân, vã mồ hôi, ho trong lao phổi thường bắt đầu bằng ho khan, sau đó mới xuất hiện ho có đờm và thường là đờm trắng, trừ khi có bội nhiễm vi khuẩn khác. Xquang phổi giúp định hướng chẩn đoán và các xét nghiệm vi sinh giúp xác định vi khuẩn lao.
Giãn phế quản
Giãn phế quản là sự giãn đường kính và phá hủy các phế quản lớn do nhiễm trùng và viêm mạn tính. Các triệu chứng đặc trưng bắt đầu một cách âm thầm và nặng dần lên theo thời gian, xen kẽ là các đợt cấp.
Triệu chứng phổ biến nhất là ho mạn tính gây ra đờm dày, dính, thường đờm mủ, kèm theo đó là tình trạng khó thở, hoặc đau ngực kiểu màng phổi. Nghe phổi có thể phát hiện các ral rít, ral ngáy, ral nổ.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường đến khám vì các triệu chứng ho, khạc đờm, khó thở. Ho nhiều về buổi sáng, có thể kèm ho đờm hoặc không, đờm nhầy, trong, đợt cấp có bội nhiễm thì đờm xanh hoặc vàng. Khó thở thường xuất hiện khi gắng sức, từ từ, tăng dần, giai đoạn muộn thì khó thở liên tục. Đo chức năng hô hấp là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ nặng của bệnh.
Hen phế quản
Cơn hen điển hình thường có các dấu hiếu báo trước như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt…Bắt đầu bằng cơn khó thở chậm, khó thở ra, có tiếng cò cử, khi cơn khó thở giảm dần và kết thúc là một trận ho và khạc đờm, đờm màu trong, quánh và dính. Cơn hen thường xuất hiện về đêm hoặc khi thay đổi thời tiết.
Ung thư phổi
Trong ung thư phổi chủ yếu là ho khan, kéo dài dai dẳng, số ít có ho ra đờm hoặc ho ra máu. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như đau ngực, khó thở, hoặc các triệu chứng của ung thư di căn cơ quan khác.
Ngoài những nguyên nhân trên thì ho ra đờm có thể gặp trong những trường hợp khác như: áp xe phổi, cảm cúm, do các tác nhân dị ứng…
Tính chất đờm trong ho có đờm có ý nghĩa như thế nào?
Tính chất đờm đặc biệt là màu sắc của đờm rất có ý nghĩa trong chẩn đoán bệnh lý nguyên nhân:
- Ho đờm trắng, trong: thường gặp trong những trường hợp do các tác nhân dị ứng xâm nhập, hoặc do nguyên nhân virus, gặp trong các bệnh lý viêm phế quản, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không có bội nhiễm vi khuẩn.
- Ho đờm vàng hoặc đờm xanh: định hướng tới nguyên nhân gây bệnh là các loại vi khuẩn, gây tình trạng nhiễm khuẩn nặng nề, lâm sàng thường đi kèm với hội chứng nhiễm trùng.
- Ho ra đờm có máu: là khi có kèm theo tổn thương mạch máu, chỉ điểm của những bệnh lý nguy hiểm như lao phổi, ung thư phổi…
- Ho ra đờm có mủ: thể hiện tình trạng viêm có nung mủ ở nhu mô như áp xe phổi do vi khuẩn yếm khí, khởi phát không rầm rộ nhưng tiến triển thành nhiễm trùng nặng nề, khạc đờm mủ, mùi thối.
Ho có đờm màu sắc khác nhau, nguyên nhân gây bệnh khác nhau
Điều trị ho có đờm như thế nào?
Quan trọng nhất trong điều trị ho đờm là phát hiện bệnh lý nguyên nhân cũng như căn nguyên gây bệnh để có phác đồ điều trị triệt để.
Các thuốc điều trị triệu chứng thường được sử dụng trong ho có đờm là các thuốc long đờm. Các thuốc này có tác dụng làm thay đổi cấu trúc, cắt đứt các cầu nối Disulfit S-S của các sợi Mucopolysaccharid dẫn đến làm giảm độ nhớt của chất nhầy, làm lỏng dịch tiết giúp đờm dễ dàng được tống xuất ra ngoài theo phản xạ ho. Các thuốc được sử dụng như N- Acetylcystein, Bromhexin…Tuy nhiên việc sử dụng thuốc cần được có sự hướng dẫn của bác sỹ để đúng với chỉ định và phòng tránh các tác dụng phụ do thuốc gây ra.
Ngoài dùng thuốc tây thì có thể có các bài thuốc dân gian giúp trị ho đờm như: nấu lê với đường phèn, lê và vỏ quýt, lê với la hán quả…
Song song với việc sử dụng các loại thuốc thì cần uống nhiều nước giúp loãng đờm, hạn chế sử dụng các chất kích thích và vệ sinh mũi họng thật tốt.
Cách phòng ho có đờm
Tình trạng ho đờm đặc biệt khi kéo dài dai dẳng, mạn tính gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc và cả sức khỏe của người bệnh. Do đó cần thực hiện các biện pháp phòng tránh ho đờm như sau:
- Vệ sinh sạch sẽ đường hô hấp, giữ ấm vào mùa đông, thông thoáng vào mùa hè.
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường khói bụi, độc hại, khi bắt buộc cần đeo khẩu trang thường xuyên.
- Không sử dụng các chất kích thích, đặc biệt không hút thuốc lá vì sức khỏe của bản thân và của những người xung quanh.
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức đề kháng cơ thể.
- Khi có biểu hiện ho có đờm nên đi khám để phát hiện nguyên nhân giúp điều trị triệt để, tránh tự ý dùng thuốc hoặc để bệnh tiến triển thành mãn tính sẽ càng khó khăn hơn trong điều trị.
BS. Lê Thảo