Ho gà – Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh
Bệnh ho gà xảy ra và phát triển thành dịch ở nhiều địa phương, nhất là khu vực vùng núi và thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Trong đợt dịch, ho gà thường diễn biến nặng và dễ gây tử vong, nhất là ho gà ở trẻ em. Vậy cụ thể ho gà là bệnh gì? Ho gà triệu chứng như thế nào? Ho gà biểu hiện ra sao? Mời các bạn cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Nội dung bài viêt
1. Ho gà là gì?
Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp có tính chất cấp tính, gây ra bởi trực khuẩn ho gà, với các biểu hiện cơn ho đặc trưng, ho rũ rượi không kìm hãm và sau đó là thở rít như tiếng gà gáy.
- Ho gà ở trẻ em (ảnh minh họa)
Ở Việt Nam, ho gà có thể xảy ra ở khắp nơi trên cả nước, dễ bùng phát thành dịch ở nhiều địa phương, đặc biệt nghiêm trọng ở vùng núi, nơi có điều kiện, công tác phòng bệnh chưa cao.
2. Nguyên nhân gây bệnh ho gà
Ho gà là bệnh có thể lây truyền từ người sang người.
Bệnh gây ra bởi trực khuẩn ho gà có tên Bordetella pertussis. Loại vi khuẩn này có hai đầu nhỏ, thuộc trong nhóm những vi khuẩn gram âm có kích thước nhỏ và không di động. Vi khuẩn sau khi xâm nhập vào đường hô hấp trên, bám vào các nhung mao trong lòng đường hô hấp, giải phóng các độc tố, gây tổn thương nhung mao, gây viêm và phù nề đường hô hấp trên.
Vi khuẩn ho gà có sức đề kháng yếu, bị tiêu diệt trong khoảng thời gian 1 giờ dưới tác động trực tiếp của nhiệt độ, ánh sáng mặt trời hay các chất diệt khuẩn thông thường.
3. Đối tượng nguy cơ của bệnh ho gà
Ho gà lây truyền từ người này sang người khác qua đường hô hấp thông qua các cơn ho hay hắt hơi. Do đó, người lành hít phải luồng không khí có chứa vi khuẩn hay tiếp xúc trực tiếp với dịch niêm mạc mũi họng, nước bọt của người mắc bệnh đều có khả năng nhiễm bệnh. Điều này gây nên những bệnh về ho gà như: Ho gà ở trẻ em, ho gà ở người lớn, thậm chí là ho gà ở trẻ sơ sinh.
- Ho gà lây từ người sang người qua dịch tiết mũi họng lúc ho hay hắt hơi (ảnh minh họa)
Người là vật chủ duy nhất chứa tác nhân gây bệnh, trong thời gian ủ bệnh (7 đến 20 ngày) hay thời kỳ lây bệnh, nếu cơ thể có tồn tại vi khuẩn ho gà thì đều có khả năng truyền bệnh cho người khác.
Trẻ em dễ bị nhiễm bệnh từ bố mẹ, anh chị em. Người thân trong gia đình dễ dàng lây bệnh qua nhau. Theo thống kê, tỉ lệ mắc bệnh khi tiếp xúc với bệnh nhân là người trong cùng gia đình chiếm tới trên 90%.
Những người học tập tại lớp học, làm việc tại nơi có người nhiễm bệnh, người chưa từng tiêm phòng vacxin ho gà hoặc sinh sống trong khu vực đang có dịch đều có nguy cơ cao mắc bệnh.
4. Triệu chứng của bệnh ho gà
Vậy ho gà là ho như thế nào? Ho gà biểu hiện ra sao?
Mỗi thời kỳ nhiễm bệnh khác nhau, bệnh ho gà có các dấu hiệu nhận biết khác nhau.
Giai đoạn ủ bệnh
Thường kéo dài từ 7 đến 17,20 ngày, bệnh nhân đã có mang vi khuẩn ho gà nhưng chưa có biểu hiện đặc trưng ra bên ngoài.
Giai đoạn phát bệnh
Ho gà biểu hiện bởi những cơn ho đặc trưng. Thời kỳ mới nhiễm bệnh, các cơn ho cơ bản giống với ho do cảm lạnh thông thường, có thể có sốt nhẹ và chỉ biểu hiện rõ khi các cơn ho nặng thêm và kéo dài trong nhiều tuần.
Cụ thể, người mắc bệnh ho gà có các triệu chứng sau:
- Ho rũ rượi từng cơn liên tục, kéo dài. Sau cơn ho có lúc ngừng thở (là hiện tượng tạm dừng hô hấp ở trẻ sơ sinh thay vì thở rít vào như trẻ em và người lớn, thường khiến trẻ phải nhanh chóng nhập viện), tím tái.
- Chảy nước mũi, có thể có sốt nhẹ.
- Thở rít vào sau mỗi cơn ho. Ho gà với các cơn ho nhanh, nhiều và dữ dội, khiến khí ra khỏi phổi nhiều, làm người bệnh phải hít vào lượng lớn không khí cũng trong khoảng thời gian nhanh, gây nên các tiếng rít lớn như tiếng gà gáy.
- Nôn sau cơn ho, ban đầu là thức ăn, sau là dịch, nước dãi trong suốt.
- Sau mỗi cơn ho, người bệnh mệt mỏi, bơ phờ, thở gấp, có thể kiệt sức .
Để chẩn đoán chính xác cần tiến hành xét nghiệm với kháng thể hay tìm vi khuẩn trong dịch tiết mũi, hầu họng.
Giai đoạn hồi phục
Kéo dài 1 đến 2 tuần, các cơn ho ngắn lại, số cơn ho cũng giảm dần đến khi bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn.
5. Cách phòng tránh bệnh ho gà
Dự phòng chung
- Vệ sinh nơi ở, nhà ăn, lớp học, nơi làm việc… thông thoáng, sạch sẽ, có đầy đủ ánh sáng.
- Hạn chế các chất kích thích như hóa chất, phấn hoa, lông vật nuôi… trong không gian nhà ở. Vì đây có thể là tác nhân kích thích ho ở người đã nhiễm bệnh, tăng nguy cơ lây bệnh cho người xung quanh.
- Cách ly người bệnh, người có bệnh hạn chế tiếp xúc đông người. Khi ho, khạc đờm hay hắt hơi phải che miệng bằng khăn giấy, bỏ khăn đã dùng vào thùng rác. Trường hợp không có khăn giấy hay cơn ho đến gấp không kịp sử dụng khăn, thì ho vào cánh tay áo trên hay khuỷu tay, không lấy lòng bàn tay che miệng khi ho hay hắt hơi.
- Khi tiếp xúc với người có bệnh, nên đeo khẩu trang, vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng hay các chất sát khuẩn khác sau khi tiếp xúc.
- Hạn chế tụ tập đông người, nhất là những khu vực đang có dịch bùng phát.
Tiêm vacxin ho gà
Tiêm vacxin theo các chương trình tiêm chủng, tiêm vacxin loại đơn (chỉ có ho gà) hoặc loại phối hợp (ho gà kèm theo một số bệnh khác).
- Tiêm vacxin ở trẻ (ảnh minh họa)
Hi vọng với các thông tin trên, các bạn có thể biết được các thông tin cơ bản nhất về ho gà và có thể nhận biết được các dấu hiệu của bệnh, cũng như có biện pháp phòng tránh thích hợp, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Trần Phan (sưu tầm và tổng hợp).