Ho khan: Mối lo các bệnh đường hô hấp

hạnh
Học hàm, học vị:
Tỉnh/TP:

Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể có tác dụng tống các dịch nhầy, đờm, dị vật ra ngoài, làm sạch đường dẫn khí và phổi. Ho có nhiều dạng khác nhau như ho khan, ho có đờm, … Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về một dạng ho là ho khan!

Ho khan là gì? Ho khan kéo dài là gì?

Ho khan là hiện tượng cơn ho không tiết ra dịch tiết đường hô hấp hoặc đờm ra khỏi đường thở. Tình trạng này có thể gây cảm giác kích thích, ngứa trong cổ họng. Tình trạng này có nhiều mức độ, có thể ho với cường độ ít hoặc nhiều, đôi khi ho rũ rượi khiến người bị bệnh rất khó chịu.

Hình ảnh minh họa ho khan

Hình ảnh minh họa ho khan

Ho khan kéo dài: người bệnh có tình trạng ho khan trên 8 tuần không khỏi được xếp vào loại ho khan kéo dài. Đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh nguy hiểm về hô hấp như: viêm họng, ung thư vòm họng, bệnh thanh quản,…

Nguyên nhân gây ho khan

Cảm cúm

Người bệnh bị nhiễm lạnh, cảm cúm làm tăng cảm giác nghẹt mũi, ho khan hoặc tăng ho khạc đờm.

Hen phế quản

Hầu hết người bệnh bị bệnh hen phế quản có các vấn đề về đường hô hấp như ho khan kéo dài. Những biểu hiện của bệnh hen phế quản đầu tiên thường là ho khan và thở rít, các biểu hiện này thường tái đi, tái lại nhiều lần và thường nặng về đêm, khi người bệnh gắng sức hoặc khi gặp thời tiết lạnh.

Viêm đường hô hấp trên

Các bệnh gây viêm đường hô hấp trên như: Viêm hầu họng, viêm mũi dị ứng, các bệnh liên quan đến dị ứng đường thở,… đều có thể gây ra tình trạng ho khan. Biểu hiện thường xuất hiện vào một giai đoạn nào đó của bệnh, nếu điều trị không kịp thời bệnh sẽ diễn biến nặng hơn và chuyển sang ho có đờm, mủ, đôi khi ho máu.

Ho gà

Đây là một căn bệnh do trực khuẩn ho gà Bordetella pertussis gây ra. Triệu chứng ban đầu của bệnh ho gà gần giống với bị cảm lạnh, nhưng khi trở nặng sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, khó chịu, ho khan, ho thành từng cơn và có thể dẫn đến buồn nôn, nôn ói. Bệnh này thường hay gặp ở trẻ nhỏ.

Ung thư phổi

Ung thư phổi là một trong những nguyên nhân gây ra ho khan dai dẳng, kéo dài mà điều trị bằng các phương pháp thông thường không có hiệu quả.

Suy tim

Bệnh suy tim gây ứ trệ tuần hoàn tại phổi, dẫn đến tình trạng ho khan kéo dài

Trào ngược dạ dày – thực quản

Đây là một triệu chứng của bệnh đau dạ dày, tuy nhiên nó cũng là một nguyên nhân gây ra ho khan ở một số người. Do axit tiết ra từ thực quản, dạ dày bị trào ngược lên vòm họng sẽ tạo ra cảm giác ngứa rát tại vị trí này làm cho người bệnh có phản xạ ho và lâu dần sẽ thành ho khan.

Các yếu tố môi trường

Thay đổi thời tiết

Sự thay đổi thời tiết có thể làm cho những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh dễ bị mắc bệnh các bệnh cảm lạnh, cảm cúm thông thường. Ngoài ra, khi có gió mùa, sau những cơn mưa nặng hạt, khí hậu trở nên nóng bức, sự thay đổi thời tiết này có thể gây ra ho khan và các vấn đề về đường hô hấp.

Thời tiết thay đổi dễ gây ra các vấn đề hô hấp như ho khan, ho kéo dài

Thời tiết thay đổi dễ gây ra các vấn đề về hô hấp như ho khan, ho kéo dài….

Khói bụi, khói thuốc lá

Làm việc trong môi trường có nhiều khói bụi hoặc khói thuốc lá lâu ngày có hiện tượng tăng tính đáp ứng đường thở, do ảnh hưởng của các chất độc hại trong khói thuốc, đường thở bị co thắt, dễ mắc tình trạng ho khan, ho có đờm.

Cần làm các cận lâm sàng gì khi bị ho khan?

Chẩn đoán hình ảnh

Chụp X-quang

Giúp đánh giá tình trạng tổn thương của phổi để có hướng điều trị, xử lý phù hợp.

Chụp CLVT

Mục đích chính của cận lâm sàng này là phát hiện các cấu trúc bất thường bên trong phổi hoặc các bệnh lý bất thường gây ra triệu chứng ho khan mà bệnh nhân đang gặp phải. Ngoài việc chẩn đoán bệnh hoặc tổn thương cho phổi, chụp CLVT còn được dùng để hướng dẫn các quy trình điều trị bệnh.

Đo chức năng hô hấp

Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn thở vào một thiết bị đo để kiểm tra chức năng phổi. Các bác sĩ sẽ sử dụng phép đo phế dung để tìm ra các nguyên nhân gây ho.

Nội soi

Giúp quan sát tình trạng sưng, màu sắc, biểu hiện các vùng của đường hô hấp bị tổn thương để chẩn đoán mức độ bệnh.

Các xét nghiệm khác

Ngoài các xét nghiệm trên có thể làm thêm xét nghiệm công thức và sinh hóa máu, xét nghiệm mẫu đờm,…

Điều trị ho khan như thế nào?

Sử dụng thuốc Tây: Thường uống theo đơn thuốc và chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc mà bác sĩ kê cho người bệnh trị ho khan hầu hết thường là: thuốc chống viêm, thuốc giảm phản xạ ho (dextromethorphan), kẹo ngậm trị ho.

Dùng thuốc Tây là các các thuốc giảm ho, kẹo ngậm ho...để giảm tình trạng ho khan

Dùng thuốc Tây là các các thuốc giảm ho, kẹo ngậm ho…để giảm tình trạng ho khan

Dùng các mẹo dân gian:

+ Củ cải trắng: Đem rửa sạch, thái hạt lựu. Sau đó bỏ vào nồi đun sôi khoảng 15 phút, chắt lấy nước uống hàng ngày.

+ Nghệ tươi kết hợp với gừng và chanh: Từ xa xưa, nghệ vốn là thảo dược chuyên dùng để kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau rát cổ họng.

Nguyên liệu chuẩn bị: Nghệ tươi, gừng và chanh gọt vỏ thái lát sau đó cho mật ong vào, đưa hấp cách thủy và sử dụng hàng ngày.

+ Mật ong và giấm táo: Công thức gồm 2 thìa mật ong kết hợp 1 -2 thìa giấm táo, thêm nước ấm vào khuấy đều sử dụng hàng ngày trị ho khan rất hiệu quả.

Phòng tránh ho khan như thế nào?

  • Uống đủ nước: Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày sẽ giúp cho niêm mạc không bị khô, và làm giảm đáng kể tình trạng ho khan. Bên cạnh đó, khi cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể cổ họng sẽ được giữ ẩm và ngăn ngừa được các kích ứng dẫn đến ho. Nên uống nước có độ ấm vừa phải thay vì uống nước quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Bổ sung vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức khỏe, sức đề kháng và giúp cơ thể chống lại các loại vi khuẩn, virus thông thường. Vitamin C có nhiều trong các loại rau củ trong các bữa ăn hàng ngày như súp lơ xanh, cà chua,… và trong các loại hoa quả như cam, quýt, chanh, dứa, ổi…
  • Không hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng khách hoặc phòng ngủ để làm ẩm không khí.

BS.Lê Hạnh

Bài viết cùng chủ đề

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận