Ho khan uống thuốc gì? Làm gì để mau khỏi bệnh

Ho là phản xạ tốt của cơ thể nhằm loại bỏ các chất gây kích thích lên đường hô hấp. Ho khan được hiểu một cách đơn giản là ho nhưng không kèm theo khạc đờm.

Ho khan có nguy hiểm không?

Như đã nói ở trên thì ho là phản xạ tốt của cơ thể. Vậy nên ho khan cũng là phản ứng tốt của cơ thể nhằm loại bỏ các chất gây kích thích. Nó hiếm khi gây nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân. Tuy nhiên nếu ho khan nhiều lần trong ngày và kéo dài hàng tuần hàng tháng thì sẽ khiến bệnh nhân rất mệt mỏi, đôi khi có hụt hơi, đau tức ngực, đau bụng, giảm chất lượng cuộc sống. Chính điều này khiến bệnh nhân phải sử dụng thuốc có tác dụng ức chế hành não qua đó giảm ho.

Hình ảnh minh họa ho khan

Hình ảnh minh họa ho khan

Khi bệnh nhân có ho khan kéo dài kèm một số triệu chứng khác đặc hiệu sẽ là dấu hiệu cảnh báo cho một số bệnh.

Dấu hiệu nào đi kèm với ho khan cần chú ý?

Ho khan là triệu chứng của nhiều bệnh, một số dấu hiệu đi kèm với ho khan cần được chú ý để phát hiện và điều trị đúng bệnh. Một số dấu hiệu đi kèm như:

  • Sốt: nếu bệnh nhân ho khan có sốt về chiều kèm với sụt cân thường gợi ý tới lao phổi. Sốt cả ngày thường nghĩ tới ho khan do cảm cúm hoặc một số bệnh như viêm phế quản, viêm phổi. 
  • Khàn tiếng: khi ho khan kéo dài kèm khàn tiếng thường gợi ý cho viêm thanh quản hay u thanh quản.
  • Đau ngực- khó thở: bệnh nhân ho khan nhiều lần trong ngày kéo dài có thể xuất hiện hiện tượng đau tức ngực và bụng. Tuy nhiên nó cũng có thể là biểu hiện cho bệnh nhân đang mắc viêm phổi, tràn dịch màng phổi, xẹp phổi hay suy tim thậm chí là ung thư phổi.
  • Sụt cân: bệnh nhân ho khan kéo dài kèm theo sụt cân không rõ nguyên nhân thường gợi ý tới lao phổi hoặc ung thư phổi.

Cách trị ho khan như thế nào?

Ho khan uống thuốc gì?

Các bài thuốc tây y

Sử dụng các thuốc giảm ho để ức chế trung tâm ho ở hành não

Sử dụng các thuốc giảm ho để ức chế trung tâm ho ở hành não

Khi bệnh nhân xuất hiện ho khan nhiều kéo dài nhất là họ nhiều về đêm khiến bệnh nhân mệt mỏi, mất ngủ. Có thể cho bệnh nhân sử dụng các thuốc giảm ho trung ương có tác dụng ức chế trung tâm hô hấp hành não, làm khô và tăng độ quánh của dịch nhầy phế quản như: 

Codein, dextromethorphan, noscapin (có hiệu quả trong trường hợp ho khan, mạn tính).

Ngoài ra, một số thuốc có tác dụng kháng histamin H1 như alimemazin, diphenhydramin… cũng có tác dụng chống ho, được dùng trong các chứng ho khan do dị ứng, do kích thích, nhất là về đêm.

Các bài thuốc đông y

Một số bài thuốc đông y được dùng nhiều nhất.

+ Rau má 20g; vỏ rễ dâu (sao mật) 16g; lá chanh, lá tre mỗi vị 12g;  quả dành dành (sao vàng), cam thảo dây mỗi vị 8g. Tất cả rửa sạch đổ 500 ml nước, sắc lấy 200 ml; chia ra uống làm 2 lần, uống trong ngày. Dùng liền 1 tuần.

+ Kim ngân hoa, Phòng phong, Bạn hạ, Trần bì mỗi vị dược liệu 10g; Liên kiều, Huyền sâm, Cam thảo mỗi vị 12g; Lá húng chanh, Kinh giới, Tía tô mỗi vị 16g và 20g Bồ công anh. Rửa lại các loại dược liệu thật sạch và đem phơi khô. Sau đó tiến hành sắc thuốc theo liều lượng đúng như trong đơn thuốc trên với 500ml nước

Đun thật kỹ cho đến khi nước cô cạn lại chỉ còn ½ lượng nước ban đầu thì ngừng rồi đổ ra bát và chia đều uống trong ngày. Áp dụng mỗi ngày 3 lần để đạt hiệu quả cao nhất.

Mẹo chữa ho khan nên biết

Ngoài các bài thuốc đông và tây y thì trong dân gian có một số mẹo chữa ho khan khá đơn giản mà ai cũng thực hiện được:

  • Chanh đào, mật ong, đường phèn:  chanh đào sau khi rửa sạch lau khô cắt lát mỏng khoảng 3-5 mm. Sau đó xếp từng lớp chanh đào xen kẽ đường phèn. Cuối cùng cho mật ong vào, đậy kín để khoảng 1 tháng là có thể lấy nước dùng được. Ngậm nước chanh đào ngày 3 lần, có thể nuốt.
  • Lá bạc hà: dùng lá bạc hà tươi rửa sạch giã nhuyễn lấy nước cốt uống hàng ngày hoặc đem lá bạc hà hãm lấy nước uống.
  • Hoa đu đủ đực với mật ong: hoa đu đủ đực sau khi rửa sạch phơi cho héo đem ngâm với mật ong. Sau khoảng 2 tháng có thể dùng để ngậm hoặc pha loãng uống.
  • Lê với đường phèn: quả lê bỏ vỏ rồi cho đường phèn vào chưng khoảng 15-30 phút. Sau đó lấy nước cốt uống.
  • Tỏi và mật ong: tỏi sau khi bóc vỏ, rửa sạch để ráo nước sẽ thái lát mỏng hoặc đập dập rồi cho mật ong vào ngâm khoảng 20 ngày có thể dùng được.

Điều trị nguyên nhân gây bệnh

Tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây ho khan mà có hướng điều trị khác nhau.

  • Viêm phế quản hay viêm phổi : nếu do vi khuẩn thì dùng kháng sinh. Nếu do virus thì điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng là chủ yếu.
  • Viêm thanh quản: phải dùng đến Corticoid để ngăn chặn tình trạng vuêm ở dây thành quản.
  • Lao phổi: phải dùng kháng sinh kháng trực khuẩn lao.
  • Ung thư phổi: phải có hướng phẫu thuật, hoá xạ trị
  • Suy tim: điều trị lợi tiểu, hạ áp phù hợp.
  • Ho gà: phải dùng kháng sinh phù hợp, điều trị cách li, sát khuẩn dụng cụ cũng như môi trường quanh bệnh nhân kĩ lưỡng.

Khi bị ho khan nên làm gì?

Chế độ ăn uống

  • Nên uống nước đủ nước trung bình là 1.5-2 lít/ ngày. Nếu có sốt kèm theo thì uống nhiều hơn, có thể dùng nước được pha Oresol để vừa bù nước và đảm bảo cân bằng điện giải. Nên dùng nước ấm là tốt nhất.
Người bệnh cần uống đủ nước, khoảng 1.5- 2 lit/ngày

Người bệnh cần uống đủ nước, khoảng 1.5- 2 lit/ngày

  • Ăn đúng đủ bữa. Ăn thức ăn mềm, loãng càng tốt như súp, cháo. Những món ăn này chứa lượng nước vừa đủ, mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hoá nhưng vẫn chứa đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho người bệnh.
  • Nên ăn các loại thịt bò, thịt lợn được chế biến mềm hoặc băm nhỏ, các loại rau củ có màu xanh, đỏ như súp lơ, rau cải, cà rốt, cà chua,… vì những loại thịt và rau này chứa nhiều Vitamin A, chất kẽm và sắt có lợi cho việc phục hồi của người bệnh. Ngoài ra nên bổ sung thêm các trái cây và rau củ chứa nhiều vitamin C nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Chế độ sinh hoạt

Nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, không thức khuya.

Khi bị ho khan không nên làm gì?

  • Tránh thức khuya, làm việc quá sức
  • Tránh sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia, cà phê, nước uống có ga.
  • Không nên uống nước lạnh để hạn chế việc ho nhiều hơn.
  • Không nên ăn các thức ăn có chứa quá nhiều gia vị hoặc dầu mỡ, thức ăn quá cay nóng. Bởi bệnh nhân ho khan kéo dài đã khiến cho niêm mạc họng bị tổn thương, nên ăn đồ cay nóng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng viêm.
  • Không nên ăn đồ quá cứng bởi có thể gây tổn thương thêm cho niêm mạc họng sẽ kích thích ho nhiều hơn.
  • Hạn chế ăn da gà hay hải sản và đặc biệt là các loại hạt như hạt dưa, hướng dương khi ho vì nó kích thích cổ họng khiến bệnh nhân ho nhiều hơn.

Bài viết cùng chủ đề

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận