Ho ra máu: Tình trạng cấp cứu nguy hiểm

Thảo
Học hàm, học vị:
Tỉnh/TP:
Chuyên khoa:

Ho ra máu là một tình trạng cấp cứu nội khoa nguy hiểm do nhiều nguyên nhân gây ra. Để hiểu thêm về ho ra máu, xin mời quý độc giả tham khảo bài viết dưới đây!

Ho ra máu là gì?

Ho ra máu là tình trạng máu từ đường hô hấp dưới được đẩy ra ngoài ra ngoài qua đường miệng nhờ phản xạ ho của cơ thể. Đây là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm, do đó không thể chủ quan mà cần xử trí cấp cứu.

Ho ra máu là biểu hiện của nhiềubiểu hiện của bệnh lý nguy hiểm, không được chủ quan

Ho ra máu là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm, không được chủ quan

Ho ra máu gặp trong những bệnh nào?

Tổn thương phổi- phế quản

Bệnh lý hô hấp là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng ho ra máu.

Lao phổi

Ho ra máu xuất hiện trong lao phổi có phá hủy  hang hoặc lao xơ hang, hoặc là biến chứng của lao phổi. Trong trường hợp này thường có đuôi khái huyết.

Ung thư phế quản

Là triệu chứng phổ biến trong ung thư phế quản, thường gặp ho ra máu số lượng ít, màu mận chín hoặc ho máu lẫn đờm.

Giãn phế quản

Gặp trong trường hợp giãn phế quản thể khô, ho ra máu tái diễn kéo dài nhiều năm, những lần sau kéo dài hơn lần trước.

Nhiễm khuẩn phổi- phế quản

Ho ra máu nặng gặp trong trường hợp áp xe phổi, ngoài ra còn có trong bệnh lý viêm phổi hoại tử, viêm phế quản xuất huyết…

Nguyên nhân tim mạch

Thường gặp trong bệnh lý hẹp van hai lá khít, suy tim trái, tăng áp lực động mạch phổi, nhồi máu phổi…

Ngoài ho ra máu thì bệnh nhân còn có các triệu chứng của bệnh lý nguyên nhân: khó thở khi gắng sức, đau ngực, nhịp tim nhanh hoặc không đều…

Các nguyên nhân khác

Ít gặp hơn là ho ra máu trong các bệnh về máu: Bạch cầu cấp, Suy tủy…hoặc ở những người sử dụng các thuốc chống đông. Trong trường hợp này thường đi kèm với triệu chứng xuất huyết ở nhiều cơ quan khác như: chảy máu mũi, xuất huyết tiêu hóa

Ngoài ra, còn một tỷ lệ nhỏ ho ra máu không rõ nguyên nhân. 

Việc xác định được nguyên nhân gây ho ra máu có ý nghĩa lớn trong tiên lượng và điều trị bệnh, do đó cần thực hiện thăm khám lâm sàng và làm các cận lâm sàng cần thiết. 

Cần phân biệt ho ra máu với bệnh gì?

Đứng trước một bệnh nhân ho ra máu cần phân biệt với các tình trạng chảy máu khác:

Tình trạng chảy máu đường hô hấp trên

Là chảy máu từ mũi, miệng, họng,… do những nguyên nhân như u, polyp hay chấn thương sọ não,…

Tình trạng xuất huyết tiêu hóa cao

Bệnh nhân nôn ra máu do những bệnh lý tiêu hóa như chảy máu dạ dày- tá tràng, tăng áp lực tĩnh mạch cửa trong xơ gan

Phân loại ho ra máu

Có nhiều cách phân loại, tuy nhiên trên lâm sàng thường đánh giá mức độ ho ra máu theo cách sau:

Ho ra máu mức độ nhẹ

Tổng lượng máu đã ho ra nhỏ hơn 50 ml trong vòng 24 giờ.

Ho ra máu mức độ vừa

Tổng lượng máu đã ho ra từ 50ml đến dưới 200ml trong vòng 24 giờ.

Ho ra máu mức độ nặng

Tổng lượng máu đã ho ra ≥ 200ml trong vòng 24 giờ.

Việc xác định được mức độ nặng nhẹ rất quan trọng trong việc xử trí cấp cứu bệnh nhân ho ra máu.

Các xét nghiệm phục vụ chẩn đoán ho ra máu

Ngoài việc khám lâm sàng thì cận lâm sàng cũng góp phần rất lớn trong chẩn đoán ho ra máu. 

Xquang ngực

Là kỹ thuật đầu tiên trong ho ra máu, do phần lớn nguyên nhân xuất phát từ hệ hô hấp. Dựa vào những hình ảnh tổn thương tại chỗ giúp xác định nguyên nhân gây ho ra máu và vị trí chảy máu.

Chụp Xquang ngực để tìm nguyên nhân và vị trí chảy máu

Chụp Xquang ngực để tìm nguyên nhân và vị trí chảy máu

Chụp cắt lớp vi tính

Là phương pháp chẩn đoán hình ảnh có vai trò định hướng vị trí chảy máu, chẩn đoán nguyên nhân và hướng dẫn cho gây tắc động mạch phế quản. Các khuyến cáo ngày nay gợi ý nên thực hiện cắt lớp vi tính thay cho nội soi phế quản trong bước đầu tiếp cận bệnh nhân ho ra máu nặng.

Nội soi phế quản

Tỷ lệ xác định được vị trí chảy máu rất cao, có thể hỗ trợ điều trị tại chỗ trong lòng phế quản, tuy nhiên đây là kỹ thuật có xâm lấn nên có thể gây kích thích đường thở làm tăng tình trạng ho máu. Do đó cần cân nhắc khi tiến hành kỹ thuật này.

Chụp mạch

Giúp xác định giãn động mạch phế quản cung cấp máu tới vùng tổn thương hoặc các bất thường về hệ thống mạch máu khác. Chụp mạch được coi là cơ sở để gây tắc mạch và phẫu thuật

Xét nghiệm vi sinh

Nhuộm soi tìm AFB, cấy tìm vi khuẩn… từ các bệnh phẩm nhằm xác định được nguyên nhân gây bệnh, giúp cho điều trị hiệu quả hơn.

Xét nghiệm máu 

Giúp loại trừ nguyên nhân các bệnh về máu, rối loạn đông máu, hoặc phát hiện biến chứng thiếu máu cũng như xác định mức độ thiếu máu của bệnh nhân để kịp thời chỉ định truyền máu.

Ho ra máu có nguy hiểm không?

Ho ra máu được coi là một cấp cứu trong nội khoa, nếu không được xử trí đúng cách và kịp thời có thể gây những hậu quả nghiêm trọng.

Biến chứng sớm

Suy hô hấp

Gặp trong bệnh cảnh ho ra máu số lượng lớn, đông máu, gây bít tắc các nhánh phế quản khiến bệnh nhân khó thở, tím tái do thiếu oxy.

Xẹp phổi

Nguyên nhân là do cục máu đông gây tắc một nhánh phế quá khiến bệnh nhân thấy đau ngực bên phổi bị xẹp kèm theo khó thở.

Rối loạn huyết động

Thường gặp trong tình huống ho ra máu nặng, gây mất máu cấp, bệnh nhân khó thở, mạch nhanh nhỏ, huyết áp thấp, da xanh tái.

Biến chứng muộn

Nhiễm khuẩn

Thường xảy ra viêm phổi sau khi ho máu, do các chất xuất tiết bị hít xuống, ứ đọng trong lòng các phế nang.

Thiếu máu

Xảy ra khi ho máu nặng hoặc kéo dài trong nhiều ngày.

Xử trí ho ra máu

Ho ra máu nếu không được xử trí kịp thời có thể gây những hậu quả nặng nề thậm chí là tử vong.

Điều trị cầm máu

  • Các biện pháp không dùng thuốc: Bất động người bệnh, theo dõi sát toàn trạng và các chỉ số sinh tồn, đảm bảo chế độ dinh dưỡng với những thức ăn lỏng, nguội.
  • Các thuốc cầm máu: Có thể sử dụng các thuốc gây co mạch hoặc thuốc có tác dụng lên quá trình đông máu nhằm giảm thời gian, thể tích máu chảy. Ngoài ra nếu bệnh nhân ho nhiều cần dùng các thuốc giảm ho để tránh kích thích làm nặng nề thêm tình trạng ho máu.
  • Các can thiệp với mục đích cầm máu như: Nội soi phế quản cầm máu, gây tắc động mạch phế quản.

Điều trị các biến chứng

Tùy vào tình trạng bệnh mà sử dụng kháng sinh để phòng bội nhiễm

Tùy vào tình trạng bệnh mà sử dụng kháng sinh để phòng bội nhiễm

Tùy theo tình trạng từng bệnh nhân mà có các biện pháp:

  • Sử dụng kháng sinh phòng bội nhiễm
  • Bồi phụ khối lượng tuần hoàn.
  • Truyền máu, các chế phẩm của máu khi có chỉ định

Điều trị nguyên nhân

Tất cả những điều trị ở trên chỉ là điều trị triệu chứng, quan trọng nhất là phát hiện bệnh lý nguyên nhân và điều trị triệt để hoặc kiểm soát tốt nhằm mục đích ổn định tình trạng ho ra máu lần này cũng như phòng ngừa ho ra máu tái phát ở những lần sau.

Bài viết cùng chủ đề

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận