Hội chứng Cushing và bệnh Cushing là gì?

Hội chứng Cushing và bệnh Cushing là tình trạng bệnh do rối loạn nội tiết hiếm gặp trong cộng đồng. Bệnh thường không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên có thể để lại những hậu quả nặng nề về thể chất và tinh thần.

1.Hội chứng Cushing là gì? Bệnh Cushing là gì? Hội chứng giả Cushing?

                   Tuyến vỏ thượng thận tiết glucocorticoid (Ảnh internet)

Thượng thận là một tuyến nội tiết quan trọng nằm ở cực trên của thận, bao gồm tuyến vỏ thượng thận và tuyến tủy thượng thận. Khi tuyến vỏ thượng thận gia tăng sản xuất hormone glucocorticoid trong một thời gian dài không kìm hãm được sẽ dẫn đến tình trạng bệnh lý, được gọi là hội chứng Cushing. Với hội chứng Cushing có nguyên nhân từ tuyến yên (u hoặc rối loạn bất thường) gây tăng tiết hormone ACTH, kích thích tuyến vỏ thượng thận tăng sản xuất hormone, còn được gọi là bệnh Cushing.

  Lạm dụng thuốc chứa steroid gây hội chứng giả Cushing (Ảnh internet)

Bệnh cạnh đó, phổ biến hiện nay là tình trạng lạm dụng, dùng quá nhiều thuốc có chứa corticoid trong thời gian kéo dài, dẫn đến các biểu hiện triệu chứng như hội chứng Cushing được gọi là hội chứng giả Cushing.

2.Nguyên nhân gây bệnh

             U tuyến yên gây tăng tiết glucocorticoid (Ảnh internet)

Nguyên nhân của hội chứng Cushing bao gồm:

Do dùng thuốc: thường gặp nhất

Bệnh Cushing, u tiết ACTH lạc chỗ,…

Adenoma tuyến thượng thận, carcinoma tuyến thượng thận, tăng sản tuyến thượng thận.

Còn nguyên nhân gây bệnh Cushing chủ yếu do u tuyến yên

3.Đối tương nguy cơ

  • Nguy cơ mắc hội chứng Cushing cao hơn thường gặp ở:
    • Giới tính: phụ nữ có khả năng mắc bệnh cao hơn nam giới;
    • Sử dụng quá nhiều cortisodteroid hoặc các thuốc chứa hormone nhân tạo trong thời gian dài;
    • Có khối u sản sinh hormone ở tuyến yên hoặc tuyến thượng thận;
    • Mắc một số bệnh lý như hội chứng nhiều nội tiết tân sinh loại 1, hội chứng NAME, hoặc bệnh Carney complex.
  • Đối tượng nguy cơ mắc bệnh Cushing, giống phần lớn các khối u trong sọ hoặc khối u khác, nguyên nhân gây bệnh khối u tuyến yên chưa rõ. Một số ít trường hợp có tính di truyền như gia đình hoặc bệnh cảnh nhiều loại u tuyến nội tiết nhóm 1.

4.Triệu chứng

                          Các triệu chứng khi bị bệnh (Ảnh internet)
  • Các triệu chứng hội chứng Cushing rất đa dạng nhưng đa số thường là béo phì thân trên, măt tròn, có mỡ quanh vùng cổ, hai tay, hai chân bị teo gầy. Trẻ em thì có xu hướng béo phì và chậm phát triển. Ngoài ra còn có các triều chứng khác như:
    • Da đỏ và mỏng, có những vết rạn da màu đỏ tím rộng từ 0,5 – 2cm;
    • Rậm lông và nhiều mụn trứng cá;
    • Tăng huyết áp;
    • Rối loạn tâm lý: dễ xúc động, chán nản, mất ngủ, lo lắng, giảm trí nhớ, và tập trung.
    • Việc chẩn đoán hội chứng Cushing ngoài các triệu chứng trên còn cần các xét nghiệm cận lâm sàng khác.
  • Các triệu chứng của bệnh Cushing, ngoài gây ra hội chứng Cushing với các biểu hiện như trên, người bệnh còn có thể thấy các rối loạn bất thường khác do sự phát triển của khối u ở tuyến yên như:
    • Đau đầu, buồn nôn, lẫn
    • Mắt nhìn mờ, hoặc bán manh (chỉ nhìn được nửa trong hay nửa ngoài)
    • Rối loạn kinh nguyệt: chậm kinh, mất kinh
    • Tiết sữa bất thường dù không đang mang thai hay cho con bú
    • Bàn tay, ngón tay to, bàn chân ngón chân to.

5.Điều trị

                   Phẫu thuật điều trị bệnh Cushing (Ảnh internet)
  • Điều trị hội chứng Cushing dựa trên
    • Điều trị nội khoa bằng thuốc các trường hợp bệnh nhân không phẫu thuật hoặc tia xạ được.
    • Điều trị phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn bộ tuyến thượng thận hai bên.
  • Đối với bệnh Cushing do u tuyến yên: trường hợp phát hiện khối u đa số sẽ phẫu thuật thành công, hoặc có thể xạ trị. Những khối u nhỏ khó phát hiện thì bước đầu điều trị nội khoa để giảm triệu chứng và triển khai các kỹ thuật cao hơn nhằm phát hiện chính xác khối u.

6.Cách phòng tránh

                  Tăng cường rau quả trong các bữa ăn (Ảnh internet)

Việc thay đổi thói quen sinh hoạt có thể giúp phòng tránh hoặc hạn chế tiến triển hội chứng Cushing và bệnh Cushing

  • Ăn ít mỡ và calories hơn, tăng cường rau quả trong bữa ăn;
  • Tăng cường vận động, luyện tập thể dục thể thao;
  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng quá nhiều thuốc chứa steroid trong thời gian dài;
  • Khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra tình trạng huyết áp, đường huyết, mật độ xương.

BS. Đỗ Thị Gấm

Nội khoa Việt Nam

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận