Triệu chứng cao huyết áp

Bệnh cao huyết áp gặp ở rất nhiều người. Vậy triệu chứng cao huyết áp biểu hiện như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin cần thiết giúp người dân phát hiện sớm bệnh.

1. Các triệu chứng cao huyết áp?

Một trong những khía cạnh nguy hiểm nhất của cao huyết áp là bệnh có thể không được phát hiện trong nhiều năm. Thực tế, gần một phần ba số người bị huyết áp cao không biết mình bị bệnh. Tức là cao huyết áp đã phát triển trước đó mà người bệnh không nhận thấy bất kỳ một dấu hiệu nào. Có thể mất nhiều năm thậm chí nhiều thập kỷ để các triệu chứng trở nên rõ ràng. Tuy nhiên, ngay cả khi không có triệu chứng, huyết áp cao đã có thể gây tổn hại cho cơ thể, đặc biệt là tim, mắt, não và thận.

Do đó, huyết áp cao được mệnh danh là kẻ giết người thầm lặng.

Trong một số trường hợp khi huyết áp tăng cao đột ngột có thể xuất hiện các dấu hiệu sau:

1.1 Đau đầu dữ dội

Đau đầu dữ dội có thể là dấu hiệu nguy hiểm của huyết áp cao
Đau đầu dữ dội có thể là dấu hiệu nguy hiểm của huyết áp cao (Ảnh internet)

Khi huyết áp tăng cao có thể gây ra những cơn đau đầu dữ dội hoặc đau nửa đầu. Đi kèm theo đó là nguy cơ gây vỡ mạch máu não dẫn tới tai biến mạch não cho người bệnh. Đây là một triệu chứng cao huyết áp dễ nhận biết.

1.2 Chóng mặt

Chóng mặt là một triệu chứng huyết áp cao cần lưu ý. Nhất là khi chúng xảy đột ngột. Chóng mặt có thể làm người bệnh mất thăng bằng, đi đứng loạng choạng. Không những thế có thể còn dấu hiệu cảnh báo đột quỵ não xảy ra sau đó.

1.3 Cơn nóng bừng mặt

Có nhiều bệnh nhân tăng huyết áp phàn nàn rằng họ đột nhiên có cơn nóng bừng mặt, vã mồ hôi. Nếu đo huyết áp khi đó thấy ở mức rất cao.

Cơn nóng bừng mặt là một dấu hiệu hay gặp của  tăng huyết áp. Do các mạch máu ở mặt giãn nở. Tuy nhiên triệu chứng này còn xuất hiện trong nhiều tình huống khác như ra ngoài nắng, ăn thức ăn cay, căng thẳng cảm xúc…

1.4 Chảy máu mũi cũng có thể là một dấu hiệu của cao huyết áp

Niêm mạc mũi có mạng lưới mạch máu dày đặc, thành mạch lại đàn hồi kém. Vì vậy khi áp lực trong mạch máu tăng lên do huyết áp cao, các điểm mạch trong mũi bị vỡ gây ra chảy máu mũi.

Chảy máu mũi do huyết áp cao gây vỡ điểm mạch trong mũi
Chảy máu mũi do cao huyết áp gây vỡ điểm mạch trong mũi

Cao huyết áp là nguyên nhân chủ yếu gây chảy máu mũi ở người lớn tuổi. Thực tế gặp nhiều bệnh nhân vào viện vì chảy máu mũi mới phát hiện ra mình bị tăng huyết áp.

1.5 Nhìn mờ hoặc chảy máu trong mắt

Huyết áp cao có thể làm ảnh hưởng tới mắt, gây mất thị lực. Nguyên nhân do vỡ mạch máu trong mắt. Dẫn đến chảy máu trong mắt, tổn thương thần kinh thị giác. Khi đó, người bệnh sẽ đột ngột nhìn mờ. Nếu khám bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ thấy các tổn thương mắt đặc trưng do cao huyết áp gây nên.

1.6 Khó thở

Khó thở là triệu chứng gặp ở rất nhiều bệnh khác nhau. Một trong những trường hợp có thể gặp là do tăng huyết áp dẫn tới phù phổi cấp. Triệu chứng khi đó người bệnh đột ngột khó thở, cảm giác tức thở, có thể trào bọt hồng ở miệng… Nếu đo huyết áp thấy chỉ số huyết áp tăng rất cao.

1.7 Tức ngực, tim đập nhanh

Huyết áp cao gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên hệ tim mạch
Huyết áp cao gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên hệ tim mạch (Ảnh internet)

Huyết áp cao gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên hệ tim mạch. Có thể kể đến như suy tim cấp, nhồi máu cơ tim cấp, phình tách động mạch … Các triệu chứng có thể gặp là hồi hộp trống ngực, tim đập nhanh, cảm giác đau tức ngực…

1.8 Sưng phù chân

Cao huyết áp có thể làm giảm chức năng thận, dẫn tới giữ nước và phù chân. Thậm chí có thể gây suy thận.

Khi có bất kì các triệu chứng nào trong số kể trên, cần đi khám bác sĩ ngay lập tức. Vì có thể đó là dấu hiệu báo hiệu cơn tăng huyết áp cấp cứu. Nếu không được xử trí kịp thời có thể xảy ra tai biến như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim.

2. Làm sao để chẩn đoán chính xác đang mắc bệnh huyết áp cao?

Phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp là quan trọng. Tuy nhiên, trông đợi vào các triệu chứng rõ ràng của bệnh thì đã quá muộn. Vì vậy, để chẩn đoán sớm bệnh cần dựa vào chỉ số huyết áp đo được.

Đo huyết áp thường xuyên là cách sớm nhất giúp phát hiện huyết áp cao
Đo huyết áp thường xuyên là cách sớm nhất giúp phát hiện huyết áp cao (Ảnh internet)

Chỉ số huyết áp biểu thị dưới dạng phép đo có 2 con số. Ví dụ 120/80mmHg. Số ở trên là biểu thị chỉ số huyết áp tâm thu hay huyết áp tối đa. Còn số ở dưới là huyết áp tâm trương hay huyết áp tối thiểu.

Huyết áp của người bình thường khỏe mạnh là dưới 130/85mmHg, tối ưu nhất là dưới 120/80 mmHg.

Khi giá trị cao hơn con số này, bạn có nguy cơ phát triển bệnh tăng huyết áp hoặc đã bị tăng huyết áp.

3. Phân độ cao huyết áp

Có nhiều cách khác nhau để phân độ cao huyết áp. Dưới đây là cách phân độ tăng huyết áp của Tổ chức Y tế thế giới và Hội tăng huyết áp quốc tế (WHO – ISH).

Bảng phân độ cao huyết áp
Bảng phân độ tăng huyết áp (Ảnh internet)

3.1 Huyết áp bình thường cao

Gọi là huyết áp bình thường cao khi huyết áp tâm thu (HATT) từ 130-139 mmHg và/ hoặc huyết áp tâm trương (HATTr) từ 85-89 mmHg. Loại này có thể tiến triển thành tăng huyết áp thực sự trong tương lai. Đôi khi, cần dùng thuốc để điều trị ở một số bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ cho tim mạch.

Xem thêm

Những nguyên nhân dẫn tới bệnh cao huyết áp

3.2 Tăng huyết độ 1

Nhìn chung, bạn sẽ được chẩn đoán tăng huyết áp độ 1 nếu huyết áp tâm thu từ 140-159mmHg, và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90-99mmHg.

Nếu bị tăng huyết áp độ 1, các bác sĩ sẽ cân nhắc xem có cần dùng thuốc điều trị tăng huyết áp hay không. Dựa trên các yếu tố nguy cơ kết hợp. Thông thường, tăng huyết áp độ 1 sẽ được khuyên điều chỉnh lối sống trong vòng 6-12 tháng, sau đó đánh giá lại. Nếu huyết áp chưa được kiểm soát tốt sẽ dùng thuốc hạ áp để điều trị.

3.3 Tăng huyết áp độ 2

Tăng huyết áp độ 2 hay còn gọi là tăng huyết áp mức độ vừa. Chẩn đoán khi giá trị huyết áp tâm thu từ 160-179 mmHg, và/hoặc huyết áp tâm trương từ 100-109 mmHg.

Các trường hợp tăng huyết áp độ 2 phải uống thuốc huyết áp kết hợp với điều chỉnh lối sống. Như thế mới có thể giữ huyết áp ở mức an toàn và hạn chế biến chứng.

3.4 Tăng huyết áp độ 3

Khi huyết áp tâm thu trên 180 mmmhHg và/ hoặc huyết áp tâm trương trên 110 mmHg. Đây là tình trạng tăng huyết áp nặng hay nguy hiểm, thường đòi hỏi xử trí cấp cứu ngay để tránh tai biến xảy ra.

Có thể nói, huyết áp cao là kẻ giết người thầm lặng không có triệu chứng. Vì vậy, điều quan trọng là phải kiểm tra sức khỏe định kỳ, theo dõi huyết áp thường xuyên để phát hiện sớm bệnh. Và duy trì một lối sống lành mạnh giúp phòng tránh nguy cơ bệnh huyết áp cao.

BS Huyền Hương

Theo Nội khoa Việt Nam

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận