Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới và những điều cần biết
Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới không chỉ là một bệnh lý nguy hiểm mà còn gây nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Căn bệnh này đang ngày càng phổ biến. Song không nhiều người thực sự hiểu đúng về nó.
Nội dung bài viêt
1. Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là bệnh gì?
Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là hiện tượng xuất hiện cục máu đông trong tĩnh mạch chi dưới cơ thể, thường gặp ở bệnh nhân nằm viện. Lúc này, các cục máu đông hình thành trong các tĩnh mạch của chi dưới. Gây tắc nghẽn hoàn toàn hoặc một phần, cản trở lưu thông máu trong lòng tĩnh mạch.
- Hình ảnh: Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới (Internet)
2. Nguyên nhân chính gây bệnh
Có 3 yếu tố chính là nguyên nhân hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới đã được nhà khoa học người Ba Lan – Rudolf Virchow đưa ra:
- Ứ trệ tĩnh mạch: thường gặp ở bệnh nhân suy tim, người ít vận động. Dòng máu tĩnh mạch bị lưu thông chậm lại hoặc tắc nghẽn. Máu tăng độ nhớt và hình thành vi khuyết khối. Các vi khuyến khối này có thể lớn dần và gây tắc tĩnh mạch
- Tăng đông: Sự hình thành cục máu đông là yếu tố quan trọng giúp cơ thể cầm máu sau khi bị thương. Bình thường, quá trình đông máu và quá trình li giải cục máu đông là liên tục và ở trạng thái cân bằng. Tuy nhiên khi rối loạn xảy ra làm cho quá trình hình thành cục máu đông chiếm ưu thế hơn khiến các cục máu đông càng dễ hình thành và to lên, gây tắc nghẽn mạch máu.
- Tổn thương nội mạc tĩnh mạch: là một trong những nhân tố kích thích quá trình đông máu.
3. Đối tượng nguy cơ
- Phẫu thuật gần đây: chỉnh hình, ngực, bụng và niệu dục
- Ung thư: tụy, phổi, buồng trứng, tinh hoàn, tiết niệu, vú, dạ dày
- Chấn thương: gãy cột sống, khung chậu, đùi, xương chày, chấn thương cột sống
- Bất động lâu: nhồi máu cơ tim cấp, suy tim ứ huyết, đột quỵ, giai đoạn sau mổ,…
- Mang thai
- Điều trị thay thế estrogen hoặc ngừa thai bằng estrogen
- Viêm mạch
- Tiền sử bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới
4. Triệu chứng
Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới có triệu chứng ít đặc hiệu. Để chẩn đoán xác định bệnh, cần dựa vào bảng câu hỏi dựa trên yếu tố nguy cơ. Kết quả chẩn đoán sẽ chắc chắn hơn nếu xuất hiện triệu chứng ở một bên chân.
Giai đoạn đầu thường khó nhận biết do các triệu chứng kín đáo. Nên nghi ngờ huyết khối tĩnh mạch sâu khi có các giai đoạn cấp, có sưng, đau hoặc thay đổi màu sắc của chi bị bệnh. Các triệu chứng bất thường có thể xảy ra ở một bên chân như:
- Đau khi sờ vào bắp chân. Có thể tìm thấy thừng tĩnh mạch (ở tư thế gập chân một nửa)
- Dấu hiệu Homans: đau khi gấp mặt mu của bàn chân vào cẳng chân (khi gối duỗi chân)
- Cảm giác nóng tại chỗ
- Thể tích bắp chân tăng > 3cm (đo chu vi bắp chân và đùi mỗi ngày)
- Phù mắt cá chân
- Cẳng chân đu đưa thụ động thiếu linh hoạt
- Giãn tĩnh mạch nông
Triệu chứng lâm sàng của huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới đôi khi không điển hình. Cần phải kết hợp triệu chứng lâm sàng, yếu tố nguy cơ và phân tầng nguy cơ dựa trên các thang điểm chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh (VD: thang điểm Well, thang điểm Hamilton).
5. Điều trị bệnh
5.1. Điều trị giai đoạn cấp (0-10 ngày)
Thuốc chống đông
- Heparin trọng lượng phân tử thấp
- Thuốc chống đông đường uống thế hệ mới (VD: rivaroxaban, apixaban, dabigatran,…):
- Kháng vitamin K
Một số phương pháp điều trị khác
- Tiêu sợi huyết đường toàn thân (hoặc trực tiếp qua catheter)
- Lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới
- Phẫu thuật lấy huyết khối
- Băng chun áp lực, tất áp lực y khoa
- Vận động sớm
5.2. Điều trị giai đoạn duy trì (10 ngày – 3 tháng)
Tất cả các bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới vẫn được khuyến cáo điều trị chống đông ít nhất 3 tháng nếu điều trị chống đông có hiệu quả. Có thể điều trị kéo dài tới 6 tháng, 12 tháng với những đối tượng bệnh nhân thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch vẫn còn tồn tại yếu tố thúc đẩy (vd: ung thư) hoặc không rõ căn nguyên… Tuy nhiên, ở những bệnh nhân thuyên tắc tĩnh mạch huyết khối có yếu tố thúc đẩy tạm thời (như phẫu thuật) hoặc nguy cơ chảy máu cao thì không nên điều trị kéo dài quá 3 tháng.
5.3. Điều trị giai đoạn duy trì kéo dài (sau 3 tháng)
Thời gian điều trị duy trì với thuốc chống đông là khác nhau ở từng người bệnh và dựa vào đánh giá định kỳ, cân nhắc giữa nguy cơ tái phát với nguy cơ chảy máu. Một số khuyến cáo như:
- Bệnh nhân thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch có yếu tố nguy cơ thúc đẩy: khuyến cáo dùng thuốc chống đông 3 tháng
- Bệnh nhân thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch không có yếu tố nguy cơ thúc đẩy: khuyến cáo dùng thuốc chống đông ít nhất 3 tháng
- Bệnh nhân thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch lần đầu, không rõ yếu tố nguy cơ thúc đẩy, nguy cơ chảy máu thấp: có thể cân nhắc dùng thuốc chống đông kéo dài…
5.4. Điều trị biến chứng
Sau giai đoạn huyết khối có thể xuất hiện các triệu chứng của suy tĩnh mạch mãn tính như: đau, phù, loạn dưỡng, loét. Một số các biện pháp đã được áp dụng trong điều trị các biến chứng này như:
- Sử dụng chun/tất áp lực y khoa phối hợp vận động phục hồi chức năng và thuốc trợ tim
- Đặt stent vùng đùi – chậu
- Phẫu thuật ghép đoạn/ chuyển đoạn tĩnh mạch sâu, tạo hình van tĩnh mạch sâu mới
6. Dự phòng
- Sử dụng thuốc chống đông trước hoặc sau phẫu thuật.
- Trước khi phẫu thuật có thể mang vớ y khoa hoặc giày bơm hơi. Bệnh nhân thường phải mang chúng suốt cuộc phẫu thuật cho đến khi xuất viện.
- Nâng chân để giải tỏa áp lực máu tại chân
- Uống nhiều nước
- Mặc quần áo rộng
- Đi bộ và kéo duỗi chân đều đặn hàng ngày
- Mang vớ y khoa
DS Thu Trang